TPHCM:
“Một triệu cuốn vở…” đến với học sinh nghèo xã đảo Thạnh An
(Dân trí) – Chiều 13/9, 2.500 cuốn vở trong chương trình “Một triệu cuốn vở đến với vùng sâu vùng xa” do báo Dân trí phát động đã đến với các em học sinh nghèo của trường tiểu học Thạnh An ở xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ.
Xã đảo Thạnh An là xã đảo duy nhất ở TPHCM và cũng là địa bàn khó khăn nhất của thành phố. Dù được chính sách nhà nước quan tâm nhưng do điều kiện địa lý cách trở nên kinh tế địa phương vẫn khó phát triển, nhiều gia đình còn khó khăn.
Huyện Cần Giờ cách trung tâm thành phố đến 60km, tách biệt với phần còn lại bởi sông Sài Gòn, muốn giao tiếp phải đi qua phà Bình Khánh. Còn xã đảo Thạnh An cũng tách biệt với phần còn lại của huyện, trơ trọi giữa biển mênh mông. Từ trung tâm huyện muốn đến xã đảo Thạnh An phải bắt đò đi thêm gần 1 tiếng đồng hồ mới đến.
Do điều kiện cách trở như thế, vật tư hàng hóa được vận chuyển đến đảo đều có giá cao hơn trong đất liền rất nhiều. Cộng với thu nhập bấp bênh của người dân, mức sống dân xã đảo Thạnh An càng thấp so với mặt bằng chung của thành phố.
Thầy Đặng Thái Bình, Hiệu trưởng trường tiểu học Thạnh An cho biết: “Trước đây đời sống của ngư dân cũng khá giả, nhưng do ảnh hưởng của bão năm 1997, 2006 nên nhiều hộ dân đánh bắt xa bờ trắng tay. Giờ hầu hết dân xã đảo Thạnh An chỉ đánh bắt gần bờ bằng thuyền câu nhỏ nhưng do ảnh hưởng ô nhiễm môi trường từ các nhà máy thải ra nên thu nhập ngày càng thấp”.
Thầy Bình cho biết thêm: “Có hôm trúng thì mỗi nhà cũng được 400.000 – 500.000 đồng, nhưng chủ yếu chỉ được chừng vài chục ngàn, có ngày chỉ được 20.000 – 30.000 đồng, không đủ tiền đổ dầu. Chính vì thu nhập của gia đình bấp bênh nên việc học của các em nhỏ càng ít được chú ý đến, điều kiện học tập không thể bì được với các em trong đất liền”.
Tiếp chúng tôi tại phòng Ban giám hiệu, thầy Đặng Thái Bình cho biết: “Cơ sở vật chất của trường đều đã lạc hậu, phòng học khá thấp nên về mùa hè ngột ngạt lắm. Sân chơi cho các em hầu như bị giới hạn trong lớp học và hành lang vì diện tích trường quá chật hẹp, nhà trường mong muốn được mở rộng thêm nhưng xung quanh đều là nhà dân, không kiếm đâu ra diện tích trống”.
Trong năm học này, trường tiểu học Thạnh An có 300 em học sinh của 15 lớp, trong đó có 60% em học sinh trong diện nghèo. Do đó, món quà của bạn đọc báo Dân trí đến các em vào dịp đầu năm học này đã kịp thời hỗ trợ phương tiện học tập cho các em. Thầy Bình xúc động: “Với số vở này của bạn đọc Dân trí, các em đã đủ dùng hết năm học này nên chúng tôi không lo nữa”.
Tuy nhiên, điều thầy Bình lo lắng là điều kiện học tập của các em quá kém sẽ khó theo kịp trình độ các em khác khi vào đất liền học cấp 3, đại học. Thầy cho biết: “Trường còn khó nên chúng tôi phải chủ động kêu gọi sự hỗ trợ từ các nơi khác. Hiện trường đang vận động xin máy tính cũ, không hoạt động được về sửa chữa lại để trang bị cho phòng máy, giúp các em tiếp cận tin học. Thời buổi này mà không biết tin học sẽ rất thiệt thòi cho các em”.
Một vấn đề khác khiến thầy Bình trăn trở là điều kiện ăn ở quá khó khăn của giáo viên trong trường. Hiện toàn trường có 32 giáo viên, trong đó chủ yếu là giáo viên các tỉnh miền Bắc, miền Trung như: Hải Dương, Hưng Yên, Quãng Bình, Nghệ An… Hầu hết giáo viên đều ở nội trú tại 3 căn phòng công vụ rộng chừng 16m2 trong khuôn viên trường. Do phải ăn ở, tắm giặt ngay trong trường nên rất bất tiện, nhất là trong điều kiện diện tích trường rất chật hẹp, không có sân chơi.
Một số giáo viên dạy ở phân hiệu Thiềng Liềng (ấp Thiềng Liềng) càng khổ hơn. Từ trung tâm xã đảo Thạnh An phải đi thêm 1 chuyến đò 40 phút nữa mới đến được phân hiệu này. Thầy cô dạy ở đây đều phải cất nhà ở tạm để dạy học. Tại ấp Thiềng Liềng trước đây không hề có điện, nay được một đơn vị hỗ trợ lắp điện mặt trời nhưng chỉ dùng được vài tiếng ban ngày khi trời nắng tốt.
Thầy Bình cho biết: “Giáo viên đứng lớp ở trường chủ yếu là nữ giáo viên trẻ, sinh năm 1985 – 1990. Chị em đều là người các tỉnh, không xin được chỗ dạy ở địa phương nên mới chấp nhận ra đảo xa này. Do đó, họ đều có ý định định cư lâu dài ở đảo nhưng với đồng lương giáo viên thì không biết đến bao giờ mới có được căn nhà của riêng mình, dù đất ở đảo rất rẻ”.
Dù điều kiện ăn ở, giảng dạy còn nhiều khó khăn nhưng các thầy cô vẫn quyết tâm bám lớp, đem ánh sáng con chữ đến với các em học sinh thân yêu, hằng ngày họ vẫn cần mẫn 2 buổi đứng trên bục giảng.
Cô giáo trẻ Mai Hằng, chủ nhiệm lớp 3B tâm sự: “Nhìn ánh mắt thơ ngây của các em khiến chúng tôi không nỡ xa bục giảng; sẵn sàng ăn tại trường, ngủ tại trường để học sinh của mình được học, được đến lớp”.
Khi chúng tôi đến đây với 2.500 cuốn vở hỗ trợ từ chương trình “Một triệu cuốn vở đến với vùng sâu vùng xa”, nhiều em học sinh trường tiểu học Thạnh An tỏ ra mừng rỡ nhưng cũng không giấu được vẻ e thẹn vì lâu ngày mới tiếp xúc với người lạ.
Em Nguyễn Văn Phúc, học sinh lớp 4B thỏ thẻ: “Thế là ngày mai chúng em đã có tập mới để viết rồi. Nhà em bố mẹ đều đi câu, bữa có bữa không nên em ít sách vở và đồ dùng học tập lắm. Trong lớp đứa nào nhà khá giả mới có sách mới, nhiều bạn phải dùng lại của anh chị năm trước”.
Còn em Lâm Cao Ngọc Huyền, học sinh lớp 3B hí hứng vì sắp có tập mới: “Lúc sáng nghe cô giáo thông báo có quà mà em không biết là cái gì. Đến khi nghe các bạn trong lớp kháo nhau sắp có vở mới nên em mừng lắm. Cảm ơn các chú đã quan tâm đến chúng em”.
Xung quanh bốn phía xã đảo Thạnh An là biển mênh mông nên sự vất vả, khó khăn thể hiện trên từng trang sách, nét chữ của các em học sinh nơi đây. Cùng với thời gian, nắng, gió và vị mặn của biển khiến ngôi trường này thêm xơ xác tiều tụy.
Quả thật, gieo cái chữ nơi đầu song ngọn gió này cũng lắm gian nan. Hy vọng với sự trợ giúp này của bạn đọc Dân trí sẽ giúp các thầy cô nơi đây thêm quyết tâm để vững lòng bám lớp, các em học sinh nơi đây sẽ vững bước trên con đường đến trường. Bởi vẫn còn rất nhiều tấm lòng đang hướng về các thầy cô, các em học sinh ở các vùng sâu, vùng xa của tổ quốc!
Tùng Nguyên – Hải Thanh