Hiện trạng quá tải của đường tỉnh 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển
(Dân trí) - Đường tỉnh 70 là tỉnh lộ nối nhiều tuyến đường quan trọng như QL1A, QL6, QL32, Đại lộ Thăng Long. Tuy vậy đường nhỏ hẹp, đã lỗi thời với giao thông ngày nay.
Để giải quyết tình trạng ùn tắc, trong giai đoạn từ nay đến 2026, Hà Nội sẽ triển khai dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 70 với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 5.484 tỉ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.
Đoạn đường nâng cấp có chiều dài 7,08km, điểm đầu nối với đường Nguyễn Khuyến trong khu đô thị Văn Quán, điểm cuối tại nút giao Tứ Hiệp (nối với tuyến đường kết nối Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3).
Ảnh chụp đoạn đường tỉnh 70 giao với QL1A và cắt qua đường sắt Bắc - Nam.
Vị trí đoạn đường tỉnh 70 sẽ được nâng cấp hiển thị trên bản đồ Google Maps.
Phía Nam thành phố đang đô thị hóa nhanh, có nhiều khu đô thị, chung cư cao tầng khiến mật độ dân số tăng cùng hệ thống bệnh viện, trường học phát triển. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến đường tỉnh 70 qua khu vực này thường xuyên ùn tắc.
Ảnh chụp tại đoạn qua cổng Bệnh viện K cơ sở 3 Tân Triều.
Một vị trí khác cũng thường xảy ra ùn tắc là đoạn giao với QL1A.
Vị trí này đường tỉnh 70 cắt qua tuyến đường sắt Bắc - Nam khiến tình trạng ùn tắc càng trầm trọng mỗi khi tàu chạy qua.
Tuyến đường tỉnh 70 phần lớn chỉ có 2 làn xe, xuống cấp, ngày mưa lầy lội, ngày nắng thì bụi, đặc biệt nhiều xe siêu tải trọng.
Một chiếc xe buýt phải luồn lách qua đoạn đường ùn ứ để vào bến đón trả khách.
Trên tuyến đường của dự án mở rộng đường tỉnh 70 có 2 nút giao thông khác mức, gồm nút giao với đường quy hoạch rộng 53,4m (nối Vành đai 3 - Vành đai 4) và nút giao với đường QL1A cũ huyện Thanh Trì.
Trong ảnh là đoạn giao điểm phức tạp giữa đường tỉnh 70 - đường Phạm Tu - đường Phúc La.
Tại giao điểm này, cảnh sát giao thông phải hoạt động liên tục để điều tiết phương tiện, tuy nhiên đường nhỏ, xe to, mật độ đông khiến cho đường tỉnh 70 và các đường lân cận thường xảy ra ùn ứ.
Trên tuyến đường này, phần lớn là các nhà xưởng, bến bãi, đồng ruộng. Theo thống kê sơ bộ, có hơn 355.000m2 đất sẽ bị thu hồi để thực hiện dự án, 263 cây bóng mát cần chặt hạ, đánh gốc và đánh chuyển. Trong đó có 16 cây xà cừ và 247 cây bạch đàn có đường kính gốc dao động trong khoảng từ 15-40cm.
Tuyến đường sau khi được mở rộng sẽ có mặt cắt ngang 50m (đường cũ chỉ rộng 8-10m) giúp giảm tải áp lực giao thông cho các tuyến đường cửa ngõ phía Nam thành phố, đồng bộ hạ tầng giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Ngoài xây dựng đồng bộ các hạng mục công trình, dự án được đầu tư thêm 3 cây cầu trên tuyến, bao gồm: Xây mới cầu vượt sông Tô Lịch và QL1A; xây mới cầu qua sông Hòa Bình; mở rộng cầu Tó qua sông Tô Lịch.
Trong ảnh là giao thông tại cầu Tó thời điểm hiện tại.