DNews

Từ cơn sốt "Địa đạo": Tranh cãi hư cấu và chân thực trong phim chiến tranh

Hương Hồ

(Dân trí) - Sau khi lập kỷ lục chưa từng có cho dòng phim lịch sử với doanh thu gần 20 tỷ đồng vào dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (7/4) và 80 tỷ đồng chỉ sau 4 ngày, đến sáng 18/4, "Địa đạo" đã thu về gần 140 tỷ đồng.

Từ cơn sốt "Địa đạo": Tranh cãi hư cấu và chân thực trong phim chiến tranh

"Địa đạo" như phim tài liệu?

Thành công của Địa đạo không chỉ là con số doanh thu mà còn ở sự thu hút mọi đối tượng khán giả, đặc biệt là giới trẻ, thế hệ Gen Z đến rạp xem phim.

Tuy nhiên, kể từ ngày ra mắt, bên cạnh nhiều phản hồi tích cực và lời khen, tác phẩm về đề tài chiến tranh của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng nhận vô số bình luận trái chiều xung quanh tình tiết, nội dung và cách làm phim.

Trên các diễn đàn, một số người thắc mắc và cho rằng, Địa đạo không khác gì phim tài liệu. Một khán giả nhận xét: "Địa đạo giống kiểu một phim tài liệu, không một cú ngoắt, không tình huống kịch tính. Phim không có những đoạn cao trào nhưng mỗi hình ảnh và câu nói trong phim đều gây ấn tượng khó quên, gần gũi và tự nhiên".

Một người khác bày tỏ: "Phim này giống như phim tài liệu, thiếu kịch tính, cao trào cũng như không có luận điểm chính. Người xem phim chỉ thấy cuộc sống của dân quân du kích và hiểu thêm về cuộc sống của người Củ Chi lúc bấy giờ", tài khoản này viết.

Thậm chí, khán giả này còn so sánh và cho rằng các tác phẩm khác của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên như Sống trong sợ hãi hay hơn nhiều so với Địa đạo.

Từ cơn sốt Địa đạo: Tranh cãi hư cấu và chân thực trong phim chiến tranh - 1

Tính đến sáng 17/4, phim "Địa đạo" đạt doanh thu gần 140 tỷ đồng (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, một nhà văn, nhà biên kịch điện ảnh (xin phép được giấu tên) đã làm rõ sự nhầm lẫn trong cách nhìn nhận "Địa đạo như phim tài liệu thuần túy".

Ông phân tích rằng, Địa đạo thuộc dòng phim truyện tư liệu (docudrama), một thể loại kết hợp giữa tính chân thực của phim tài liệu với sự hư cấu dàn dựng của phim truyện.

Ông so sánh thể loại này với tiểu thuyết tư liệu, một hình thức kết hợp giữa hư cấu và phi hư cấu, hay còn gọi là "phi hư cấu lai" (hybrid nonfiction).

Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân củng cố quan điểm, Địa đạo không phải là phim tài liệu khi so sánh bộ phim với Nomadland của đạo diễn Chlóe Zhao, phim truyện mang phong cách tài liệu, từng đoạt giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất năm 2020 và nhiều giải thưởng danh giá khác.

Đạo diễn Người đàn bà mộng du nhấn mạnh rằng, điều quan trọng không nằm ở việc phim thuộc "hơi hướng" nào, mà ở khả năng khơi dậy nhận thức và cảm xúc sâu sắc về lịch sử của tác phẩm.

"Địa đạo đã đạt được điều đó nhờ tâm huyết và năng lực của Bùi Thạc Chuyên", NSND Nguyễn Thanh Vân nói.

Nhà báo Hoàng Tuấn - Tổng Biên tập Thế giới điện ảnh, Thạc sĩ Nghệ thuật điện ảnh và truyền hình - cho hay, Địa đạo không phải phim tài liệu thuần túy mà được quyền hư cấu, miễn là sự hư cấu ấy "chân thực".

Ông chỉ ra rằng, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã cố ý loại bỏ những đoạn thoại hay cảnh quay dễ lấy nước mắt khán giả, giữ lại một câu chuyện trần trụi, không tô vẽ nhân vật để tạo sự đồng cảm giả tạo.

"Đây không phải thiên anh hùng ca, mà là lát cắt hiện thực về những con người rất đời", ông nhận xét.

Cách làm phim của Bùi Thạc Chuyên, theo nhà báo Hoàng Tuấn, đòi hỏi sự tỉnh táo đáng khâm phục. Trong suốt 10 năm ấp ủ, đạo diễn đã cắt bỏ nhiều chi tiết có thể khiến phim trở thành một câu chuyện hào hùng thông thường, thay vào đó tập trung vào thế giới khốc liệt nhưng đầy nhân tính của các du kích.

Kết quả là một tác phẩm không dễ xem, thậm chí "khó sướng" với nhiều khán giả, nhưng để lại dư âm mạnh mẽ qua những câu hỏi và trăn trở kéo dài sau khi rời rạp.

Điều này, theo ông, chính là ý đồ nghệ thuật của đạo diễn nhằm khơi gợi, suy ngẫm sâu sắc về chiến tranh và lịch sử.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cũng khẳng định, Địa đạo không phải giống phim tài liệu mà Bùi Thạc Chuyên thực hiện phim này với các thủ pháp của phim tài liệu. Đây là một phong cách khá phổ biến của điện ảnh.

"Phim quay với máy quay cầm tay nên có độ rung, chuyển động máy cũng của người vác máy chứ không phải chuyển động do các công cụ như ray, cẩu hay steadicam. Đấy là những dấu hiệu đặc trưng của phong cách này", đạo diễn lý giải.

Từ cơn sốt Địa đạo: Tranh cãi hư cấu và chân thực trong phim chiến tranh - 2
Từ cơn sốt Địa đạo: Tranh cãi hư cấu và chân thực trong phim chiến tranh - 3

"Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" (trái) và "Nomadland" là những phim truyện tư liệu, phim truyện mang phong cách tài liệu của điện ảnh Việt Nam và thế giới (Ảnh: Hãng phim truyện Việt Nam, Variety).

Tính chân thực trong phim "Địa đạo"

Khác với những bộ phim chiến tranh trước đây với những khoảnh khắc chiến thắng và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối chọn lối đi táo bạo khi khắc họa nỗi đau thương, sự sinh tồn và nhân tính của con người trong hoàn cảnh khốc liệt, giữa khói lửa của chiến tranh. Cách khai thác này ít nhiều gây ra dư luận trái chiều.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhà phê bình Nguyễn Phong Việt cũng cho rằng, Địa đạo không tập trung vào chủ nghĩa anh hùng hay khoảnh khắc hào hùng như nhiều phim chiến tranh Việt Nam trước đây. Bộ phim tái hiện chân thực nỗi đau, sự sinh tồn và tinh thần chiến đấu của người dân Củ Chi, với không gian địa đạo chật hẹp, nơi các diễn viên phải bò lết, cúi thấp thay vì đứng thẳng.

"Thực tế có thể còn khắc nghiệt hơn những gì phim thể hiện", ông nhận định. Chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, tác phẩm đã khai thác một bối cảnh đặc biệt chưa từng được khắc họa trọn vẹn trong điện ảnh Việt.

Điều này mang lại sự khác biệt rõ rệt so với các phim chiến tranh thường chỉ điểm xuyết sự khốc liệt giữa những cảnh bi tráng. Với ông, Địa đạo không chỉ là một tác phẩm điện ảnh mà còn là bài học lịch sử, khơi dậy niềm tự hào và động lực sống ý nghĩa trong thời bình.

Từ cơn sốt Địa đạo: Tranh cãi hư cấu và chân thực trong phim chiến tranh - 4
Từ cơn sốt Địa đạo: Tranh cãi hư cấu và chân thực trong phim chiến tranh - 5

Cảnh trong phim "Địa đạo" (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).

NSND Lý Thái Dũng - một nhà quay phim kỳ cựu với bề dày kinh nghiệm trong ngành điện ảnh Việt Nam - phân tích sâu hơn về tính chân thực của Địa đạo qua lăng kính chiến tranh du kích. Ông cho rằng, phim đã thể hiện rõ sự tương phản giữa lực lượng du kích ít ỏi, trang bị thô sơ, và quân đội Mỹ với vũ khí hiện đại.

Theo ông, sự vĩ đại của phim nằm ở việc thể hiện tinh thần toàn dân kháng chiến. NSND Lý Thái Dũng cũng chỉ ra một nhân vật tiêu biểu do diễn viên Cao Minh đóng, trước khi hy sinh, đã tuyên bố với quân Mỹ: "Các anh không bao giờ thắng được".

Đây là lời khẳng định sức mạnh của chiến tranh nhân dân, không cần huấn luyện tinh nhuệ mà dựa vào tình yêu nước. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã chọn khai thác lát cắt nhỏ về nhân tính và sự hy sinh của những con người bình dị, thay vì xây dựng hình ảnh anh hùng ca quy mô lớn.

Mặc dù tập trung vào nhân tính và nỗi đau, Địa đạo không hề bi lụy. Hình ảnh nhân vật chú Sáu trước lúc hy sinh, với câu nói gián tiếp đầy thách thức dành cho quân Mỹ, vẫn toát lên tinh thần anh hùng thầm lặng.

Theo nhà quay phim Đừng đốt, đây là cách kể chuyện vừa chân thực vừa sâu sắc, phản ánh sự kiên cường của người dân Củ Chi.

Từ cơn sốt Địa đạo: Tranh cãi hư cấu và chân thực trong phim chiến tranh - 6

Bộ phim nhận được nhiều lời khen từ giới phê bình và chuyên môn điện ảnh (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).

Đạo diễn, NSND Phạm Nhuệ Giang cũng có những nhận xét sâu sắc về tính chân thực và chất anh hùng trong phim.

Bà nhận xét, bộ phim mang hơi hướng tài liệu dù vẫn là hư cấu. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chọn cách trình bày trần trụi, trung thực, tập trung vào bi kịch, vất vả và khốc liệt của chiến tranh, thay vì tô vẽ những cảnh hào hùng với nhạc cao trào.

Tuy nhiên, đạo diễn phim truyện Thung lũng hoang vắng không đồng tình với ý kiến cho rằng, phim thiếu chất anh hùng.

NSND Phạm Nhuệ Giang chỉ ra hình ảnh chú Sáu - nhân vật đối thoại bình thản với quân Mỹ trước khi hy sinh - là biểu tượng của sự hào hùng tinh tế.

Bà giải thích: "Ông ấy tin vào sức mạnh nhân dân, tin rằng kẻ thù không thể thắng, và bình thản đối diện cái chết. Đó là hào hùng, nhưng không ồn ào như hô khẩu hiệu trước pháp trường".

Nữ đạo diễn cho rằng, khán giả có thể hiểu sai khái niệm hào hùng, vốn không nhất thiết phải bi tráng hay khoa trương, mà phụ thuộc vào bối cảnh. Trong địa đạo chật hẹp, sự bình thản trước kẻ thù cách vài mét chính là tinh thần bất khuất của người dân Củ Chi.

Dòng sự kiện: Phim "Địa đạo"