DMagazine

Khách Tây than vì bị ép mua hai quả dừa giá 300.000 đồng

(Dân trí) - Rảo bước trên vỉa hè thuộc quận 1, TPHCM, ba du khách người Đức đã bị ép mua dừa với giá "trên trời".

Khách Tây than vì bị ép mua hai quả dừa giá 300.000 đồng

(Dân trí) - Rảo bước trên vỉa hè quận 1, TPHCM, ba du khách người Đức đã bị ép mua dừa với giá "trên trời".  

Khách Tây than vì bị ép mua hai quả dừa giá 300.000 đồng - 1

Lối vào khu chợ Bến Thành ở TPHCM (Ảnh: Ngọc Ngân).

Những trải nghiệm "đáng quên" của du khách

"Đã nói "không…không" nhưng anh ta vẫn cố tình khui hai quả dừa và buộc chúng tôi phải trả tiền. Tôi không thể tin rằng mình đã mất 300.000 đồng theo cách này", nữ du khách bức xúc.

Khách Tây than trời vì bị ép mua hai quả dừa giá 300.000 đồng

Trưa 29/3, sau khi tham quan chợ Bến Thành, nhóm ba du khách người Đức đi bộ quanh khu vực Dinh Thống Nhất, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1). Khoảng 11h30, một người đàn ông mang đòn gánh trên vai, tiếp cận họ mời mua dừa.

Khi cả ba đều lắc đầu từ chối, người đàn ông tiếp tục bám theo. Rất nhanh chóng, người này đã khui hai quả dừa đặt vào tay du khách và nói giá 300.000 đồng.

Đây là lần đầu họ đến Việt Nam. "Chúng tôi ở TPHCM 3 ngày và chưa bao giờ gặp tình trạng tương tự. Tôi cảm thấy thật tồi tệ", nữ du khách nói.

 Theo quan sát của phóng viên, những người gánh dừa thường tập trung tại các trục đường trung tâm, nơi có nhiều khách du lịch quốc tế đi qua như đường Nguyễn Thị Minh Khai, đường Lý Tự Trọng, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đường Nguyễn Du…

Đòn gánh hai đầu, một đầu gồm một thùng xốp, phía còn lại chứa tầm 5-7 quả dừa. Mỗi khi có khách nước ngoài đi ngang, họ tiếp cận mời gánh thử và khui dừa cho khách dùng với giá cao hơn so với người Việt.

Khoảng 11h30 ngày 28/3, có khoảng 3-4 người đàn ông cùng gánh dừa đi quanh khu vực Dinh Thống Nhất.

Nhóm du khách châu Âu gồm ba nữ, một nam cũng đã rơi vào tình huống "bất đắc dĩ". Dưới cái nóng 35 độ C, họ đi bộ dưới bóng râm hàng cây và đồng ý mua dừa giải khát. Tuy nhiên, du khách khá bất ngờ khi người bán hét với giá 150.000 đồng khi quả dừa được cầm trên tay. "Chúng tôi chẳng còn cách nào khác. Chắc hẳn đây là trải nghiệm đáng quên nhất tại Việt Nam", nam du khách ngoại quốc chia sẻ.

Khách Tây than vì bị ép mua hai quả dừa giá 300.000 đồng - 2

Dù yêu thích ẩm thực, con người Việt Nam, du khách nước ngoài vẫn còn e dè với những mức giá "ảo" khi đi mua sắm (Ảnh minh họa: Ngọc Ngân).

Bên cạnh đó, nhiều khách Tây cũng khá e dè khi mua sắm tại các khu chợ trung tâm TPHCM, bởi lý do "loạn giá".

Khi tìm mua áo thun, quà lưu niệm ở chợ Bến Thành (quận 1), bà Monica (55 tuổi, người Australia) đã thốt lên: "Sao đắt thế". Tại đây bà tìm mua miếng nam châm trang trí khá nhỏ với mức giá 12 USD (khoảng 280.000 đồng).

"Mức giá này còn đắt hơn ở Australia. Tôi có thể mua món hàng tương tự với 3 USD, tầm 80.000 đồng. Tuy nhiên, tôi cố thông cảm đây là cách họ kinh doanh, kiếm tiền để sinh sống", bà Monica nói và cho biết sau một tuần sống ở TPHCM, bà hiểu được rằng bản thân phải biết trả giá, hoặc bỏ đi nếu mức giá người bán đưa ra quá cao.

Bà Monica cũng từng thưởng thức chai bia có giá 150.000 đồng ngay tại trung tâm TPHCM. Nữ du khách nói: "Thời tiết khá nóng bức, tôi cần uống chút gì đó mát lạnh nên phải chấp nhận thôi".

Khi đến chợ Bến Thành mua đồ, ông Alex (64 tuổi) cho hay tiểu thương nơi đây cũng "hét" giá 3 triệu cho chiếc đồng hồ. Sau 10 phút mặc cả, du khách đến từ Anh đã được giảm xuống 700.000 đồng. "Tôi đã phải bỏ đi tận hai lần đấy", ông nói.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Alex cho biết, lần gần nhất bị "chặt chém" là khi mua chiếc áo thun mỏng với giá 300.000 đồng. Theo du khách người Anh, ông hài lòng với những gì mình đã trải nghiệm tại TPHCM bởi thức ăn ngon, bia rất tuyệt, con người thì thân thiện.

Ông đã du lịch nhiều nơi ở châu Á, gồm Thái Lan, Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản… Với kinh nghiệm du lịch bản thân, ông hiểu rằng "chặt chém" hoàn toàn có thể xảy ra ở các khu chợ địa phương. Vì thế, khi vào chợ Bến Thành, ông xác định rằng mình cần mua những gì, món hàng đó có giá trị bao nhiêu, vạch ra "mức trần" và không bao giờ chấp nhận giá đắt hơn.

Văn hóa "nói thách" hay "chiêu trò bán hàng"?

Trong vai một du khách nước ngoài lần đầu đến tham quan Chợ Bến Thành (quận 1, TPHCM), phóng viên Dân trí nhận được nhiều lời chào mời của nhiều tiểu thương, tài xế xe ôm tại đây.

Khi vào cổng chính, phóng viên lập tức được một tiểu thương sạp áo thun mời chào bằng tiếng Anh, không bận tâm khách hàng đến từ quốc gia nào.

Hỏi chiếc áo thun của hãng Nike (chưa thể xác định được ngay đây là hàng thật hay nhái), tiểu thương báo giá 35 USD.

Khách Tây than vì bị ép mua hai quả dừa giá 300.000 đồng - 3

Du khách đến tham quan quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ (Ảnh: Nguyễn Vy).

Thấy khách phân vân, tiểu thương nhanh chóng hỏi mức giá mà khách hàng mong muốn. Sau khi mặc cả, phóng viên nhận được sự đồng ý giảm xuống còn 15 USD rồi 10 USD.

Tại chợ Bến Thành, phóng viên rảo bước quanh một số sạp hàng bán đồ lưu niệm. Tại đây, người đàn ông tiếp tục chào mời chiếc khăn choàng cổ, với giá khoảng 10 USD. Phóng viên trả giá xuống còn 5 USD thì người bán đề nghị 6 USD.

Khi khách hàng có ý định rời đi, nam tiểu thương lập tức đồng ý bán với giá 5 USD.

Tiến đến hàng lưu niệm có niêm yết bảng giá, phóng viên chỉ vào chiếc nam châm trang trí tủ lạnh với giá là 320.000 đồng. Chưa chờ khách hàng mở lời, tiểu thương nhanh chóng nói: "Đây là giá gốc nhưng tôi sẽ giảm giá cho bạn xuống còn 150.000 đồng" và bấm số tiền hiện rõ trên máy tính.

Tiếp đó, người bán chỉ thêm vào món hàng thứ hai với giá niêm yết là 220.000 đồng và tiếp tục với chiêu thức giảm giá xuống còn 100.000 đồng. Sau đó là hàng loạt các mặt hàng cùng loại, với lời giới thiệu không ngắt quãng của tiểu thương khiến du khách không kịp trả lời.

"Tôi sẽ giảm giá tốt cho bạn. Đừng lo, vì chúng ta cùng là người châu Á mà", tiểu thương nói.

Thấy thắc mắc vì sao lại nói thách giá, người bán hàng mạnh dạn giải thích rằng vì biết chắc chắn khách hàng sẽ mặc cả, nên đẩy giá cao lên để "mặc cả xuống là vừa".

Vì chuyện nói thách trên, không ít du khách nước ngoài được nhận lời khuyên phải mặc cả lúc mua sắm ở TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung.

Anh Phillip (người Australia) cho biết, anh chưa từng phải mặc cả khi mua hàng ở nước mình, bởi mọi thứ đều được niêm yết rõ ràng, dù mua hàng ở một khu chợ nhỏ.

"Chúng tôi chỉ mặc cả khi mua nhà, mua xe hoặc thứ có giá trị lớn. Sao chúng ta không mua và bán với một mức giá đã được cố định từ trước, mà phải tốn thời gian và hoài nghi về một món đồ giá trị nhỏ?", vị khách người Australia thắc mắc.

Bài 4: Du lịch Việt Nam còn thiếu gì để níu chân khách quốc tế?

Nội dung: Diệp Bình - Thúy Vy - Tâm Linh

Ảnh: Diệp Bình, Thúy Vy