DMagazine

Du khách "một đi không trở lại" vì nạn chặt chém, văn hóa nói thách

(Dân trí) - "Này anh, vì sao lại lấy chúng tôi giá 150.000 đồng, trong khi mọi người đều mua vé 80.000 đồng. Thật quá đáng!", Jessica Lynn (27 tuổi) nói lớn, nhưng người lái tàu chỉ cười trừ.

Khách quốc tế "một đi không trở lại" vì nạn chặt chém, văn hóa nói thách

"Này anh, vì sao lại lấy chúng tôi giá 150.000 đồng, trong khi mọi người đều mua vé 80.000 đồng. Thật quá đáng!", Jessica Lynn (27 tuổi) nói lớn với người lái tàu. Trong khi đó, người đàn ông này chỉ cười cho qua chuyện.

Vì sao khách quốc tế chưa "mặn mà" với Việt Nam?

Năm 2022, khi dịch Covid-19 dần lắng dịu, Việt Nam đón 3,6 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn con số mục tiêu 5 triệu. Năm 2023 được kỳ vọng là năm "bứt tốc" của du lịch Việt Nam. Trước làn sóng suy thoái kinh tế và sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường Đông Nam Á, du lịch Việt Nam buộc phải chuyển mình, khắc phục quyết liệt những hạn chế và phát huy thế mạnh.

Tuyến bài là trải nghiệm thực tế của khách du lịch, về nạn chặt chém, về chính sách visa, về đường bay, về việc "xuất khẩu" văn hóa đến đa dạng các loại hình du lịch. Việt Nam có nhiều câu chuyện để kể với khách du lịch, nhưng kể như thế nào, và bằng cách nào là vấn đề đáng suy ngẫm.

Năm 2023, du lịch Việt cần phải đổi thay và bùng nổ!

Du khách ngoại quốc bị phân biệt đối xử

Nữ du khách người Mỹ nói đó là trải nghiệm tồi tệ nhất trong chuyến du lịch ở Vĩnh Hy, tỉnh Ninh Thuận. Cô cùng chồng lên thuyền, đến nhà hàng bè nổi để thưởng thức hải sản. Sau khi mua vé xong, Jessica trò chuyện với vài người Việt Nam cùng chuyến tàu và nhận ra vé họ mua chỉ có khoảng 80.000 đồng, rẻ gần gấp đôi so với vé của vợ chồng cô. 

"Chúng tôi đi cùng loại thuyền với 8-10 người Việt khác nhưng có sự khác biệt về giá. Tôi nghĩ đó là sự bất ổn. Đáng thất vọng, người lái tàu chỉ nhún vai cười trừ khi bị chúng tôi hỏi thẳng về sự chênh lệch giá", Jessica nói.

Nữ du khách ngoại quốc cho rằng đó là "không trung thực và đáng lên án". Chồng Jessica là người Việt Nam, anh vẫn bị "chặt chém" khi đi cùng với người nước ngoài. 

Jessica cho rằng, một số người bán hàng sẽ "bán đúng giá" khi nhận ra cô và chồng có thể nghe hiểu tiếng Việt. Cô thường nói thẳng với đối phương rằng "xin hãy trung thực" khi họ đưa ra giá cả "trên trời" cho cô.

Du khách một đi không trở lại vì nạn chặt chém, văn hóa nói thách - 1

Nhiều du khách đã "một đi không trở lại" Việt Nam vì nạn "chặt chém" (Ảnh: Tiên Phùng).

Lần đầu tiên đến Việt Nam, Rick Wright (48 tuổi, du khách người Mỹ) di chuyển từ sân bay Tân Sơn Nhất về khách sạn ở quận 1, TPHCM bằng taxi. Tài xế có một đồng hồ tính giá theo số km trên xe. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, số tiền đã được nâng lên 400.000 đồng, thay vì 220.000 đồng theo đúng giá trị như cô đã tham khảo. 

"Nói cách khác, anh ta đã mở đồng hồ và điều chỉnh tốc độ tính tiền. Khi chiếc xe đỗ trước cổng khách sạn, tôi đã bày tỏ thắc mắc với tài xế nhưng không được giải quyết ổn thỏa. Tôi đã nhất quyết trả cho anh ta 220.000 đồng, theo đúng giá trị được tính bằng km. Người tài xế khá tức giận nhưng vẫn nhận tiền và rời đi", Rick Wright chia sẻ và cho biết vợ anh là người Việt Nam, từng đi quãng đường tương tự nhưng chỉ có giá 160.000 đồng bao gồm cả thuế, phí sân bay. 

Rick Wright khẳng định, việc nâng khống giá cũng xảy ra ở New York. Một số tài xế đã tác động vào đồng hồ gắn trên xe và nâng giá tiền lên gấp 3-5 lần. Tuy nhiên, điều này đã dừng lại vào năm 2000.

Rick tâm sự, trước khi đến Việt Nam, anh đã ấn tượng với những bãi biển hoang sơ, con suối hùng vĩ hay thảm lúa xanh… Phong cảnh đẹp, văn hóa đậm đà bản sắc là lợi thế để Việt Nam khai thác du lịch. Tuy nhiên, trải nghiệm lần đầu tiên tại sân bay đó đã để lại kí ức xấu đối với Rick.

Du khách một đi không trở lại vì nạn chặt chém, văn hóa nói thách - 2

Khách thường lựa chọn phương tiện giao thông mang tính địa phương để trải nghiệm (Ảnh: Minh Duy).

Du khách Avram (20 tuổi) đã quyết định "một đi không trở lại" Đà Lạt, khi bị hét giá vô lý. Anh cùng người bạn Việt Nam đi săn mây tại thành phố ngàn hoa. Sau khi chụp ảnh, anh cùng bạn dạo quanh ngọn đồi và trông thấy người đàn ông chăn ngựa phục vụ khách du lịch.

Bạn của Avram tiến lại gần, chụp vài kiểu ảnh với chú ngựa. Người đàn ông trên thu 20.000 đồng cho một lần chụp. 

"Người bạn có đề nghị tôi đứng vào để chụp ảnh cho, tôi cũng vui vẻ làm theo. Xong việc, tôi đưa 20.000 đồng thì anh ta nói lớn đòi 50.000 đồng rồi nhấn mạnh bằng cách đưa ra 5 ngón tay. Tôi đã rất sốc vì lượt chụp của người bạn trước tôi rẻ hơn 30.000 đồng. Vì sao họ lại tính giá người nước ngoài như vậy. Số tiền chẳng đáng là bao nhưng nó thật tệ, anh ta đã gian dối", nam thanh niên 20 tuổi nói.

Du khách một đi không trở lại vì nạn chặt chém, văn hóa nói thách - 3
Du khách một đi không trở lại vì nạn chặt chém, văn hóa nói thách - 4

Văn hóa nói thách ngập tràn

"Này, hãy trả xuống 5 lần giá mà người bán nói với bạn", Vladimirovich Konstantin (28 tuổi, người Nga) chia sẻ kinh nghiệm trong hội nhóm du khách quốc tế tại Việt Nam, sáng 13/3. 

Trao đổi với phóng viên Dân trí, anh cho biết, lần đầu đến Việt Nam, anh đã ghé chợ Bến Thành (quận 1) để mua hương liệu. Tiểu thương khu chợ này đã đưa ra mức giá 1 triệu đồng/lọ.

Sau một hồi kì kèo, Vladimirovich Konstantin đã trả giá 200.000 đồng/lọ và được bán. "Bạn biết không, họ đã "hét" lên 5 lần giá trị thực của lọ hương liệu. Lần khác, tôi đã tản bộ ở một khu vực rìa trung tâm TPHCM và khá sốc khi sản phẩm đó được bán với giá 100.000 đồng", Vladimirovich Konstantin nói. 

Một lần khác, người bán trái cây đã thay đổi kết cấu quả cân để bán trái cây đắt hơn cho Konstantin. Sự việc này xảy ra trong vài tháng nhưng anh không hay biết. "Sau đó, một vài người địa phương nói với tôi anh ta gian dối trong lúc cân trái cây. Tôi đem chuyện này hỏi thẳng thì anh ta đã trả lại tôi ít tiền. Tuy nhiên, tôi chọn cách không bao giờ mua hàng của anh ta nữa. Anh ấy đã mất một khách hàng vì không trung thực", du khách Nga nói.

Du khách một đi không trở lại vì nạn chặt chém, văn hóa nói thách - 5

Du khách tham quan, mua sắm tại chợ Bến Thành (Ảnh: Ngọc Ngân).

Nhiều du khách cho biết, việc nói thách luôn xảy ra ở các bãi biển, tuyến phố, vỉa hè, khu chợ địa phương, chợ trung tâm TPHCM hoặc các khu du lịch không được niêm yết giá. Một số người bán hàng rong khu vực phố Tây Bùi Viện (quận 1)… luôn nâng giá trị món hàng lên nhiều lần khi khách du lịch hỏi giá. Tùy thuộc vào cuộc thỏa thuận giá cả, món hàng mới về đúng hoặc gần đúng giá trị. Đây là một trong những vấn đề làm du khách không hài lòng.

Vladimirovich Konstantin cho biết, tình trạng này khó xảy ra ở một số quốc gia phương Tây, bởi hệ thống siêu thị, cửa hàng niêm yết giá luôn chiếm đa số. Tuy nhiên, ở khu vực châu Á ngược lại, nói thách gần như trở thành "văn hóa mua bán".

Anh Wong Yee Chong (người Malaysia) đã đến Việt Nam 3 lần và dành nhiều thời gian mua sắm đồ lưu niệm tại các khu chợ. Anh cho biết, người Việt luôn bắt đầu với mức giá cao gấp 2-3 lần so với giá trị thực. Sau đó, người mua sẽ giảm giá dần dần cho đến khi cả hai "thuận mua vừa bán". Vì thế, anh thường phải khảo sát rất nhiều nơi, trước khi quyết định mua món hàng nào đó.

"Tôi cũng thường xuyên gặp vấn đề nói thách ở các nước châu Á. Thậm chí, tại các khu chợ ở Malacca, Penang thuộc Malaysia, tôi cũng phải làm như thế. Nếu bạn muốn mua hàng, hãy chắc chắn rằng mình có kỹ năng trả giá", Yee Chong cho biết.

Du khách một đi không trở lại vì nạn chặt chém, văn hóa nói thách - 6

Nhiều du khách bức xúc vì bị nói thách tại chợ Bến Thành (Ảnh: Ngọc Ngân).

Đừng để mất khách từ những điều rất nhỏ

Ông Hồ Tiểu Bảo (Thạc sĩ - giảng viên khoa Du lịch, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn) cho biết, việc "chặt chém" sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý mua hàng của khách. 

Theo ông Bảo, việc "chặt chém" đa phần xảy ra đối với khách du lịch tự túc, khách đi lẻ (không qua công ty du lịch)… Điều này xảy ra phổ biến khiến khách phải trang bị cho mình "văn hóa hỏi giá" trước khi sử dụng dịch vụ. Thậm chí, một số nơi còn có câu "chỉ có người mua lầm chứ người bán không bao giờ lầm".

Không chỉ ở Việt Nam, việc "chặt chém" hay "mặc cả, trả giá" còn tồn tại ở nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, giá chỉ nên được nâng đủ lợi nhuận và được "thách" trong khoảng chấp nhận được.

Để bảo vệ quyền lợi khách du lịch, vị giảng viên cho rằng bản thân khách hàng nên nắm được giá trị thực của hàng hóa. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý thị trường cũng cần phải bảo vệ quyền lợi của khách hàng.

Du khách một đi không trở lại vì nạn chặt chém, văn hóa nói thách - 7

Nạn chặt chém, nói thách... là một trong những lý do khiến du khách "một đi không trở lại" (Ảnh minh họa: Ngọc Ngân).

"Tôi đã từng có nhiều trải nghiệm thực tế cùng với khách du lịch. Trong trường hợp đó, hướng dẫn viên/dân địa phương phải tư vấn về giá trị của món hàng mà họ muốn mua', ông Bảo nói.

Theo ông, do khách du lịch quốc tế có thể bị "chặt chém" nên họ thường được khuyến khích mua sắm tại những siêu thị lớn, cửa hàng tiện lợi. Những nơi này giá cả niêm yết rõ ràng, giá bán cho người dân địa phương và khách du lịch hầu như là như nhau, không có sự phân biệt.

Đồng thời, ông Bảo cũng cho rằng khu du lịch hay chợ trung tâm cũng cần có quy hoạch cụ thể và quy định rõ ràng. Ban quản lý khu du lịch, chợ trung tâm phải đưa ra biện pháp quản lý hiệu quả với các hộ kinh doanh trong vấn đề giá cả hàng hóa, có bảng niêm yết giá cụ thể, số điện thoại phản ánh. Có như vậy, thực trạng "trả giá" khi mua hàng sẽ diễn ra rất ít.

Bài 3: Khách Tây than vì bị ép mua hai quả dừa giá 300.000 đồng

Nội dung: Ngọc Ngân

Ảnh: Ngọc Ngân, Minh Duy, Tiên Phùng