Gỡ visa cứu du lịch, hút "khách sộp" đến tiêu tiền ở Việt Nam
(Dân trí) - Việc nâng cấp thị thực lên 90 ngày sẽ kéo dài thời gian lưu trú của khách, tăng chi tiêu mua sắm, dễ dàng "móc hầu bao" với nhóm khách nhà giàu.
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp liên quan đến việc miễn visa đơn phương của Việt Nam cho công dân các nước và một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, thường trực Chính phủ yêu cầu các cơ quan báo cáo Chính phủ 3 nội dung để trình Quốc hội xem xét: Thứ nhất là nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần.
Hai là cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ.
Ba là nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.
Tròn một năm mở cửa sau Covid-19, câu chuyện visa Việt Nam dành cho khách quốc tế vẫn là vấn đề được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.
Nếu được Quốc hội sớm thông qua vào kỳ họp tháng 5 tới, đề xuất nới chính sách thị thực của Chính phủ sẽ tạo nên cú hích cho ngành du lịch.
Theo các dữ liệu của Eurocham, phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam cho thấy, visa là một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đối với du khách mà các quốc gia có thể sử dụng để thu hút đến nước mình.
Không phải là vấn đề phí, mà du khách sẵn sàng trả 10 USD, 15 USD hay 30 USD cho phí visa, miễn là thủ tục phải dễ dàng, thuận tiện và minh bạch.
Chính vì vậy, thông tin về chính sách visa trên nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp du lịch.
"Việc nâng cấp thị thực sẽ giúp chúng ta tự tin hơn trong quá trình cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực. Thời gian lưu trú dài phù hợp với nhu cầu du lịch dài ngày của khách quốc tế, nhất là thị trường xa như châu Âu, thường đi 3-4 tuần", ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group nhận định.
Cùng quan điểm, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký, Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) cho rằng, việc mở cửa chính sách thị thực sẽ tốt hơn cho ngành du lịch trong thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Ngoài ra, cùng với các đường bay thẳng đến các nước được nhiều hãng hàng không khai thác sẽ giúp Việt Nam trong 3 năm tới nâng lượng khách quốc tế tăng lên gấp đôi.
"Tôi tin với những chuyển biến mới về chính sách visa, du lịch sẽ sớm trở lại và chắc chắn đạt mục tiêu thu hút 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay thậm chí có thể là 10 triệu đến 12 triệu lượt khách", ông Hoàng Nhân Chính chia sẻ.
Theo các chuyên gia, khi du khách đã đưa ra quyết định đến Việt Nam, cần khiến cho hành trình của họ dễ dàng hơn, việc nâng cấp thị thực, miễn thị thực giúp họ cảm thấy được chào đón hơn. Điều này có thể học hỏi được từ quốc gia có lượng lớn khách du lịch như Thái Lan.
Nếu có thời hạn visa 90 ngày hoặc lâu hơn thì khách sẽ có kế hoạch vui chơi dài hạn, ở lại lâu hơn và chi tiêu vì thế cũng tăng lên.
"Khách ở càng lâu tiêu càng nhiều tiền, đây là mối quan hệ cấp số nhân, khách du lịch ở lại Việt Nam 7 ngày sẽ tiêu số tiền gấp đôi những người ở ít hơn 7 ngày. Từ góc độ kinh tế, nếu kéo dài được thời gian lưu trú của khách du lịch sẽ mang lại hiệu quả cao", tiến sĩ Nuri F.Ribeiro phó chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, ĐH RMIT Việt Nam khẳng định.
Bên cạnh đó, nâng việc nâng giá trị thị thực điện tử từ một lần lên nhiều lần, đảm bảo người nước ngoài có thể xuất nhập cảnh nhiều lần là điều kiện thích hợp để tung ra thị trường những sản phẩm du lịch mới, kết hợp với các quốc gia trong khu vực tạo thành một gói sản phẩm du lịch.
Đồng quan điểm chia sẻ với PV Dân trí, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy cho biết, chính sách visa là điều kiện cần và điều kiện đủ của hoạt động kinh doanh du lịch. Do vậy, nếu mở rộng các nước được cấp thị thực điện tử và kéo dài thời gian lưu trú cho du khách khi lưu trú tại Việt Nam thì sẽ là cơ hội tuyệt vời cho các nhà kinh doanh du lịch phát triển du lịch một cách bền vững không chỉ ở giai đoạn phục hồi mà còn lâu dài về sau.
"Đây là mong muốn của các doanh nghiệp du lịch nói riêng và ngành du lịch Việt Nam nói chung. Tôi cho rằng, nếu được Quốc hội thông qua đây sẽ là cơ hội vàng để thu hút khách du lịch quốc tế, tăng khả năng cạnh tranh của điểm đến Việt Nam so với các nước trong khu vực. Tôi tin chắc con số 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay chúng ta sẽ đạt được và thậm chí là vượt", ông Thủy nhấn mạnh.
Việc kéo dài thời gian thị thực đồng nghĩa với việc làm sao để tăng mức chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam, theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam doanh nghiệp cần phải chuẩn bị các sản phẩm du lịch đáp ứng được nhu cầu khách.
"Khách hàng luôn luôn lựa chọn sản phẩm mới, hấp dẫn. Chúng ta phải tạo ra các sản phẩm du lịch mà nhu cầu của khách cần, chứ không phải là sản phẩm du lịch hiện có của chúng ta", ông Thủy nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Lê Hương, Phó tổng giám đốc Vietravel cho rằng, vẫn còn có rào cản với những nước không có visa điện tử và không được miễn visa đó là du khách đến Việt Nam cần phải có người ở trong nước đưa đi, theo sát hành trình trong thời gian họ ở Việt Nam.
Theo bà Lê Hương, cần xem xét lại gỡ bỏ rào cản này bởi với những nhóm nhỏ du khách muốn đến Việt Nam nhưng không có ai quen ở Việt Nam họ sẽ không đến Việt Nam đi du lịch.