Vườn lười của gia đình ở Hà Nội: Gà đầy chuồng, cá, lươn bơi "tung tăng"
(Dân trí) - Ngoài rau xanh, trái cây, khu vườn của anh Giang còn có bể cá hơn trăm con đủ loại, vài trăm con lươn và một đàn gà. Điều đặc biệt, khu vườn hoàn toàn tự động tưới nước, làm phân.
Vừa thoáng thấy bóng bố về đến cửa sau chuyến công tác dài ngày, hai cậu con trai của anh Hà Giang đã chạy ùa vào lòng, líu lo kể chuyện.
Cậu bé lớn 7 tuổi phấn khởi khoe bố: "Bố ơi, cây cà chua trên sân thượng sai quả lắm bố ạ, nay con với bà hái đầy giỏ". Cậu em 4 tuổi cũng khoe "chiến tích": "Còn con hái rau giúp mẹ bố ạ, ăn ngon ơi là ngon"... Nói rồi hai cậu bé kéo tay bố lên sân thượng tầng 5.
"Nhìn thấy đàn cá tung tăng trong bể, khu vườn sân thượng sum suê rau trái, các con thích thú chạy nhảy, khám phá… bao nhiêu muộn phiền, mệt mỏi công việc của tôi tan biến hết", anh Hà Giang chia sẻ.
Gia đình anh Giang tại La Khê, Hà Đông, Hà Nội có một khu vườn sân thượng chia làm 2 sàn, mỗi sàn chừng 50m2, được anh tự thiết kế và thực hiện vào tháng 12/2020.
Ngoài rau xanh, trái cây như đu đủ, ổi, cà chua, khu vườn còn có bể cá hơn trăm con đủ loại trê, chép…, vài trăm con lươn và một đàn gà đẻ trứng. Khu vườn không chỉ là "siêu thị thực phẩm sạch" cho gia đình anh Giang mà còn đủ để anh chị thu hoạch tặng hàng xóm, bạn bè.
Hai vợ chồng đều bận bịu: anh Giang thường xuyên công tác xa, bà xã là giảng viên đại học lại chăm sóc mẹ già, con thơ. Để vừa có khu vườn xanh tốt, sum suê rau trái, cá, lươn sạch cho gia đình, vừa không tốn nhiều công chăm sóc, anh Giang đã tự tìm tòi, nghiên cứu và kết hợp làm vườn tuần hoàn. Anh gọi đùa, đây là vườn "dành cho người lười".
"Khu vườn này có hệ thống tự động tưới nước, tự động làm phân hữu cơ, do đó vợ chồng mình chỉ cần trồng và thu hoạch, tốn rất ít thời gian", anh Giang cho biết.
Thời điểm cuối năm 2020, bản thân anh Giang đang gặp khủng hoảng tâm lý do thời gian dài làm việc căng thẳng, áp lực triền miên.
"Tôi có hai năm làm quản lý tại khu công nghiệp của một tập đoàn Hàn Quốc. Mức lương tốt nhưng tôi thường xuyên phải ra khỏi nhà từ 5h sáng và chỉ trở về khi vợ con đã ngủ say. Thậm chí có những lúc vừa ăn cơm xong lại có việc gấp phải gọi taxi quay lại làm việc vào 1-2h đêm", anh Giang chia sẻ.
Cảm thấy công việc quá áp lực, anh Giang quyết định nghỉ việc một thời gian để ở bên vợ con nhiều hơn, tìm một hướng đi khác. "Thời gian đó tôi chủ yếu ở nhà đọc sách, chăm hồ cá nhỏ dưới sân. Cũng từ đây tôi tìm hiểu nhiều hơn về các mô hình trồng vườn sân thượng", anh Giang cho biết.
Sau khi bàn bạc với vợ, anh Giang quyết định thực hiện làm khu vườn trên sân thượng tầng 5. Anh trao đổi với kĩ sư thiết kế ngôi nhà để tính toán kĩ trọng lượng, kết cấu phù hợp cho khu vườn.
"Khi hoàn thành 2 mặt sàn vườn, vợ chồng tôi hào hứng mua đất về trồng rau. Lúc đầu là rau muống, loại dễ trồng nhất. Nhưng không ngờ rau trụi hết, không lớn, không phát triển", anh Giang nhớ lại. Gần nửa năm trời, hai vợ chồng anh Giang chị Trang trồng rau thì rau lụi, trồng hoa thì hoa tàn, thay đổi 7 - 8 loại đất khác nhau.
Hai vợ chồng cũng ít nhiều nản chí nhưng "đâm lao thì phải theo lao", anh chị vào các hội nhóm tìm hiểu kinh nghiệm mọi người, nghiên cứu các mô hình khác nhau trên thế giới. Sau một thời gian tìm hiểu, anh Giang đặc biệt ấn tượng với 3 mô hình Aquaponics, Wicking bed và tháp trồng cây hữu cơ - các mô hình được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới như: Israel, Nhật Bản, Mỹ…
Aquaponics là mô hình tích hợp nuôi thủy sản và trồng thủy canh, dựa trên nguyên tắc sản xuất trong tự nhiên cân bằng và khép kín. Chất thải của cá được chuyển hóa thành nitrat - nguồn phân bón cho rau; ngược lại, rau xanh lọc và làm sạch nước cho bể cá. Mô hình này đang dần trở nên phổ biến tại các vườn sân thượng nhà phố ở Việt Nam khi có lợi thế ít sâu bệnh, không sử dụng hóa chất độc hại.
"Tuy nhiên giá thành cho một hệ thống Aquaponics hoàn chỉnh rất đắt đỏ so với thu nhập của đa số gia đình Việt Nam. Một số loại rau trồng theo phương pháp này ăn không thực sự ngon, đậm đà", anh Giang cho biết.
Anh Giang quyết định kết hợp những ưu thế của hệ Aquaponics và mô hình Wicking bed. Dưới hệ thống bồn trồng cây, anh Giang lắp đặt một đường ống ngầm chứa nước. Phần nước này sẽ ngấm dần từ dưới đáy bồn vào đất. Cách tưới tự động này cho phép mặt trên của bồn đất không quá ẩm ướt, úng nước mà luôn khô ráo, nhờ đó mà hạn chế nấm mốc, sâu bệnh.
Mô hình Wicking bed được chứng minh là giúp giảm khoảng 50% nước so với cách canh tác truyền thống. Đồng thời với thiết kế đáy bồn chứa nước ngầm, các chất hữu cơ được giữ lại và thấm ngược vào đất, cung cấp dinh dưỡng cho cây.
"Bản thân mô hình Aquaponics đã tưới tự động còn với mô hình Wicking bed chúng ta có thể tưới hẹn giờ xuống ống chứa nước", anh Giang cho hay.
Không chỉ tưới tự động, anh Giang cũng làm phân, làm đất "tự động". Tại các bồn, anh Giang đặt 1 chiếc thùng nhựa đã đục lỗ nhỏ xung quanh thân và đáy thùng, đồng thời thả giun trùn quế. Hàng ngày, gia đình sử dụng rác thải nhà bếp như vỏ củ quả để thả vào thùng.
Sau khi ủ, rác phân hủy, ngấm ra ngoài, tạo thành thức ăn cho trùn quế. Loại phân này "tự động" làm đất thêm dinh dưỡng, tơi xốp. Trung bình mỗi bồn 3m3 đất anh Giang cho 0,5 kg trùn quế.
Khi mô hình "khu vườn lười" hoạt động ổn định, vợ chồng anh Giang chủ yếu chỉ cần trồng cây và thu hoạch. Gia đình có thể yên tâm đi chơi, công tác mà không lo cây thiếu nước, thiếu dinh dưỡng. "Tất nhiên trước khi mô hình hoạt động ổn định, mình từng thất bại nhiều lần. Đến nay mình vẫn vừa làm vừa rút kinh nghiệm và cố gắng cải tiến thêm", anh Giang cho biết.
Trên khu vườn anh Giang cũng làm 1 khu nuôi chục con gà đẻ trứng. Gà được nuôi trên bề mặt trải đất và rải đều loại nấm Balasa giúp phân hủy phân gà, hạn chế mùi hôi. Mỗi ngày gia đình có thể thu hoạch 5 - 6 quả trứng gà ta.
Với hệ thống tự động, anh Giang có thể nuôi nhiều loại cá khác nhau như cá chép, cá rô, cá diêu hồng… với sản lượng 30kg/m3 nước. Hiện tại bể cá nhà anh có hơn 100 con. Sau khi nuôi 7 - 8 tháng, gia đình có thể thu hoạch.
Tổng chi phí anh Giang hoàn thiện khu vườn là khoảng 250 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ nhưng vợ chồng anh rất đỗi hài lòng. Từ khi có khu vườn, gia đình hoàn toàn chủ động nguồn thực phẩm sạch, có không gian vui chơi, thư giãn, giúp các con học và tìm hiểu về thiên nhiên.
"Dịch Covid-19 khiến mình và hai con phải làm việc, học online, rất căng thẳng. Khu vườn trở thành nơi mình thư giãn, hít thở không khí trong lành, giải tỏa áp lực. Cả nhà hay lên vườn tổ chức ăn lẩu, nướng khoai. Vui lắm!", chị Trang - bà xã anh Giang chia sẻ.
Khu vườn của vợ chồng anh Giang được nhiều người thân, bạn bè yêu thích. Không ít người ngỏ lời nhờ anh Giang thiết kế và hướng dẫn thực hiện "khu vườn lười" tương tự.