(Dân trí) - Người ta gọi Tiến sĩ Nguyễn Việt là "người đánh thức lịch sử", "người vẽ gương mặt quá khứ", "người vén màn bí ẩn của ngàn năm địa phủ"… bởi những phát hiện khổng lồ, gây sửng sốt.
Vị tiến sĩ sống cùng 70 bộ hài cốt, "đánh thức" cô gái 2.000 năm tuổi
Lâu nay, người ta gọi Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Việt là "người đánh thức lịch sử", "người vẽ gương mặt quá khứ", "người vén màn bí ẩn của ngàn năm địa phủ"… bởi những phát hiện gây sửng sốt.
"Đây là nam. Khoảng 28 - 30 tuổi. Hàm răng còn khá đầy đủ", vừa mân mê trên tay bộ xương sọ, Tiến sĩ (TS) Nguyễn Việt vừa giới thiệu với PV Dân trí về các thông tin liên quan đến chủ nhân của hộp sọ này.
Đứng giữa căn phòng im ắng, bên cạnh hàng chục thùng nhựa trắng đựng các bộ xương người xếp cao, tiếng rơi của hai chiếc răng xuống đất khiến một kẻ ngoại đạo như tôi thoáng giật mình.
TS Việt thì vẫn cứ chăm chắm nhìn vào hộp sọ, thi thoảng, ông lấy tay chỉnh lại cặp kính rồi lẩm bẩm: "Lát nữa phải lấy keo đính lại răng cho cụ".
Là con trai phố cổ Hà thành nhưng ham phiêu bạt, khám phá nên TS Nguyễn Việt thi vào khoa Sử, Đại học tổng hợp Hà Nội rồi đi bộ đội. Sau ngày rời quân ngũ, ông dành trọn vẹn những năm tháng cuộc đời cho ngành khảo cổ học.
Ông công tác ở Viện Khảo cổ học 20 năm, sau đó đứng ra cùng một số nhà khoa học thành lập Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á - cơ sở nghiên cứu khoa học phi Chính phủ đầu tiên ở nước ta.
Thoát ra khỏi cơ chế "hành chính", được thỏa thuê tiếp cận với những lĩnh vực mới lạ trong khoa học khảo cổ như khảo cổ học vi tư liệu, khảo cổ học vải sợi, phục chế mặt người… TS Nguyễn Việt đã "dắt tay" người Việt cổ bước ra khỏi tấm màn sương khói ngàn năm.
Không chỉ giúp thế hệ ngày nay biết "các cụ" tồn tại bằng cách nào, ăn những gì, săn bắn ra sao, mặc thế nào, yêu đương và chết đi ra sao… TS Nguyễn Việt còn dựng nên gương mặt người Việt sống cách nay hơn 2.000 năm rõ mồn một.
Ấn tượng về "xác chết trong rừng bạch dương"
TS Nguyễn Việt chia sẻ, trước đây ông được GS Hà Văn Tấn (một trong tứ trụ của nền sử học Việt Nam - PV) kể cho nghe câu chuyện đầy ấn tượng về GS Gerasimov người Nga.
Chuyện là những năm 1955 đến 1965, cả thế giới sôi động với "phát kiến khổng lồ" của Gerasimov. 11 tuổi vị giáo sư này đã thích mày mò về xương. Lớn lên, Gerasimov xin vào nhà xác làm việc để có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với những xác chết. Gerasimov thường lấy các cây kim nhúng vào dầu luyn sau đó châm vào mặt người chết trong nhà xác.
Khi nào kim kịch đến xương thì ông rút ra để đo đếm và ghi chép. Và với hàng nghìn lần đâm kim như thế ông tìm được ra quy luật độ sâu từ da mặt vào kịch đến xương ở khu vực mũi là bao nhiêu, má là bao nhiêu… để làm cơ sở phục dựng được gương mặt người từ xương sọ.
Một lần, cảnh sát Nga phát hiện một xác chết bị bỏ lại trong rừng bạch dương nhiều ngày. Do thi thể đã bị thối rữa, phân hủy nên cảnh sát không thể nhận diện được nạn nhân là ai. Khi đó, các phòng nghiên cứu khoa học hình sự của Nga đã nhờ Gerasimov tạo dựng ra một gương mặt dựa trên những phần còn lại của xương sọ. Hình ảnh chân dung phục dựng được lan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và giúp tìm ra người nhà của nạn nhân.
Câu chuyện mà GS Tấn kể đã tạo ấn tượng mạnh mẽ với TS Nguyễn Việt và nhen nhóm trong ông niềm đam mê với lĩnh vực khoa học mới mẻ này. Trước khi về Viện Khảo cổ học công tác, GS Hà Văn Tấn đã đề cử ông sang Liên Xô (cũ) học chuyên ngành phục chế mặt người. Tuy nhiên thời điểm đó, Gerasimov đã qua đời vì vậy ông Việt chỉ còn biết tự mày mò, nghiên cứu.
Tuy nhiên, theo đuổi ngành phục dựng mặt người không phải là chuyện đơn giản, một sớm một chiều. Thời điểm phụ trách Tạp chí Khảo cổ học, TS Nguyễn Việt mượn được một sọ người vô danh đào được ở Văn Điển. Ông đem về để trên bàn làm việc và tối ngày ngắm nghía, tính toán các kích thước để tìm ra gương mặt.
Tuy nhiên, thời điểm đó, điều kiện làm việc còn nhiều hạn chế nên kết quả thu về chưa khiến TS Nguyễn Việt cảm thấy hài lòng.
Không từ bỏ, ông tiếp tục tìm hiểu các tài liệu khoa học của thế giới về lĩnh vực phục dựng gương mặt người. Lĩnh hội được nhiều kiến thức quý báu nhưng TS Việt gặp cái khó là không có sọ người thật để thực hành. Viện khoa học hình sự có hẳn một nhà sọ nhưng "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Các bảo tàng cũng có sọ, nhưng lại không cho phép thao tác trên hiện vật.
"Cán bộ bảo tàng "sợ ma", còn tôi thì lúc nào ước có sọ người"
Năm 2004, khó khăn về nguồn sọ mới được giải quyết. Khi khai quật khu mộ thời kỳ Đông Sơn ở Động Xá, Hưng Yên, các nhà khảo cổ phát hiện gần 70 bộ xương người còn khá đầy đủ. Biết bảo tàng địa phương không "mặn mà" với những bộ xương này (phần vì họ không có đủ điều kiện bảo quản, phần vì vấn đề tâm linh), TS Nguyễn Việt đã xin đưa "các cụ" về Hà Nội.
"Nhiều nơi cán bộ sợ ma, nhiều nơi thì không biết bảo quản xương cốt nên sau khi đào được họ thường đem chôn xuống đất. Tôi thì lúc nào cũng ước có sọ người để thực hành nên tranh thủ "xin luôn", vị TS chia sẻ.
Từ số hài cốt khai quật được ở khu mộ Động Xá, TS Nguyễn Việt lọc ra khoảng 10 hộp sọ người bao gồm đủ nam, nữ, già, trẻ, trai gái. Ông đề nghị với Hội khoa học Đông Nam Á cũng như trung tâm của mình tạo điều kiện để ông trở lại với đề tài này.
Các mô hình xương sọ xuất hiện ở khắp nơi trong nhà của vị tiến sĩ
Trùng hợp thế nào, thời điểm đó, TS Nguyễn Việt quen biết và thường xuyên làm việc với một chuyên gia bảo quản, phục dựng nổi tiếng của Đan Mạch. Hành lý trở về sau mỗi chuyến công tác Đan Mạch của TS Việt thường có thêm một ít "đất sét". Loại chất dẻo này không dính, khi tiếp xúc với nhiệt độ tay người khoảng 37oC thì đất sẽ đủ mềm để tạo hình. Nhờ có loại đất đó mà TS Việt thực hiện tương đối dễ dàng các chỉ số mà Gerasimov đề ra khi phục dựng mặt người.
"Mối tương quan giữa phần mềm và nền xương sọ đã được Gerasimov công bố qua các chỉ số. Dựa vào đó, ta sẽ phục hồi được những phần không có xương. Tuy nhiên chỉ số của Gerasimov đưa ra dựa trên căn cứ nghiên cứu các bộ xương sọ người Nga. Dù trong số này có cả những người Trung Á nhưng tôi nghĩ không thể coi đây là chỉ số đại diện cho người Việt được", TS Việt cho hay.
Ông cất giữ các bộ xương trong nhà và coi đó là những "vị khách" đặc biệt (Ảnh: Trần Quân)
TS Nguyễn Việt vì thế đã phối hợp với Bệnh viện Hưng Yên thu thập hơn 100 mẫu X-quang chụp xương sọ người Việt để tìm ra mối liên hệ giữa người Việt ngày nay và tổ tiên xa xưa của họ trên chính vùng đất này.
Từ đó, ông căn cứ theo các chỉ tiêu mà Gerasimov đề ra cộng thêm các yếu tố về môi trường sống, dinh dưỡng, thời tiết… để hiệu chỉnh được số liệu phù hợp với người Việt cổ.
"Chẳng hạn chỉ số ở phần môi của Gerasimov là 1,8cm thì của người Việt chỉ là 1,6cm vì rõ ràng lớp mỡ, biểu bì của người Việt sẽ mỏng hơn vì không phải chống lạnh", vị TS nêu ví dụ.
Nhìn thấy cô gái sống cách nay hơn 2.000 năm
Dựa trên nguồn sọ và các chỉ số phù hợp với người Việt mà mình hiệu chỉnh, TS Việt quyết định phục hồi chân dung người Việt ở Động Xá vào khoảng 2.000 năm trước.
Cô gái sống cách nay 2.000 năm được "tái sinh"
Một buổi tối năm 2005, ông chọn xương sọ của một cô gái để phục dựng gương mặt. "Tôi biết xương sọ đó của nữ là vì căn cứ vào phần xương chậu. Cô gái này có tuổi đời khá trẻ, chỉ 18-20 tuổi vì có chiếc răng khôn mới nhú. Từng bước làm theo các chỉ số, gương mặt của cô gái trẻ dần hiện ra.
Tôi rất ấn tượng, xúc động và thương cảm. Cảm giác là người đầu tiên nhìn thấy gương mặt của người Việt cổ thời văn hóa Đông Sơn thật khó tả. Đó lại là một cô gái bị chết trẻ. Trước đó, suốt cả một đời làm khảo cổ, tôi chỉ nhìn thấy xương và xương. Vậy nên khi ấy, tôi thấy một người sống cách mình 2.000 năm sao mà gần gũi đến thế", vị TS xúc động kể.
Gương mặt tổ tiên người Việt qua bàn tay phục dựng của TS Nguyễn Việt
Vậy là sau 40 năm kể từ khi được truyền cảm hứng từ câu chuyện của Gerasimov, sau nhiều ngày "ăn ngủ" cùng hàng chục bộ hài cốt, hình hài về gương mặt người Việt cổ với tiến sĩ này không còn là "mơ" nữa. Ông như đã "tái sinh" một con người sống cách mình hơn 2.000 năm một cách có cơ sở.
TS Nguyễn Việt cũng miêu tả thêm, mặc dù sống cách đây 2.000 năm, ở vào thời Đông Sơn nhưng đường nét trên gương mặt người con gái này lại không khác nhiều so với người Việt đương đại, ngoài hàm trên nhô hơn mà nguyên nhân có thể do ăn thực phẩm thô, cứng.
Khi chúng tôi băn khoăn về độ chính xác, vị tiến sĩ này cho hay: "Độ chính xác thế nào thì cũng khó nói vì người thời xưa đã mất rồi. Tuy nhiên, khoa học về phục dựng mặt người mà chúng tôi căn cứ là một khoa học chính xác, đã được thế giới công nhận và nhiều lần kiểm nghiệm độ tin cậy".
Mọi chuyện không có gì là kì bí
Sau hơn 40 năm nghiên cứu về phục dựng mặt người, TS Nguyễn Việt tự tin khẳng định bản thân có thể căn cứ vào hình ảnh X-quang chụp xương sọ để nhận ra chân dung của ai đó. Được biết, có nơi đã mời ông quay chương trình truyền hình để nhận diện khuôn mặt theo cách này. Họ xem đó là một khả năng bí ẩn.
"Tuy nhiên, tôi đã từ chối vì nhiều lý do. Với tôi, đây không phải là một tài năng gì đặc biệt mà là thành tựu của khoa học tôi lĩnh hội được. Thành tựu này đã chín muồi và có độ tin cậy. Bất kể ai nếu được tôi huấn luyện, chỉ dạy thì người ta cũng có thể nhận diện được như tôi", ông nói.
Đề tài khoa học phục dựng mặt người Động Xá đã được Hội đồng Khoa học của Hội Nghiên cứu Đông Nam Á Việt Nam nghiệm thu và được trình bày tại Viện Goethe (Viện Phát triển văn hóa và ngôn ngữ Đức) tại Hà Nội năm 2005.
Suốt nhiều năm qua, dù đã hoàn thành đề tài phục dựng gương mặt người Việt cổ nhưng TS Nguyễn Việt vẫn giữ 70 bộ hài cốt trong ngôi nhà của mình cũng là trụ sở của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á (ông đã chuyển trung tâm từ Hà Nội về Kim Bôi, Hòa Bình).
Ông xếp các bộ hài cốt trong các thùng nhựa trắng, có nắp đậy theo quy củ và tiêu chuẩn khảo cổ thế giới. Bên ngoài đánh số cẩn thận.
Thi thoảng, ông đem các bộ xương ra lau chùi, cũng có lúc lại ghé qua thắp vài nén hương thơm. Ông thắp hương không phải mưu cầu điều gì cho bản thân mà đơn giản chỉ là cách để gặp gỡ, để nói một "lời chào" với những "vị khách" đặc biệt trong căn nhà của mình.
Sự gần gũi đó đã thúc đẩy TS Nguyễn Việt đi sâu vào cuộc đời của họ để tìm hiểu xem họ ăn gì, họ mặc gì, ốm đau ra làm sao, yêu như thế nào.
Qua những công trình như phục dựng gương mặt người Việt cổ, vị tiến sĩ uyên bác chủ trương biến khảo cổ thành một thứ khoa học gần gũi với đời sống. Ở đó, các nhà khoa học như ông có nhiệm vụ tìm ra những chứng cứ theo chiều hướng sâu để làm rõ sự thực về lịch sử sau những màn khói huyền thoại ngàn năm.
Nội dung: Phạm Hồng Hạnh - Toàn Vũ