PhotoStory

Trắng đêm "đỏ lửa" tại làng đúc lư đồng ở TPHCM ngày giáp Tết

Thực hiện: Quang Ninh - Nguyễn Vy

(Dân trí) - Hàng chục nhân công tại các lò đúc lư đồng An Hội (quận Gò Vấp, TPHCM) làm việc cật lực ngày lẫn đêm, nhằm sản xuất hàng trăm bộ lư đồng mỗi tháng, kịp cung ứng cho thị trường Tết Quý Mão 2023.

Trắng đêm đỏ lửa tại làng đúc lư đồng ở TPHCM ngày giáp Tết - 1

Tại cơ sở lư đồng Quốc Kiển, anh Trần Duy Kha (28 tuổi, chủ cơ sở) cho biết, hiện lò của gia đình anh là một trong số ít các cơ sở đúc đồng An Hội còn hoạt động. Gia đình anh đã theo nghề và gìn giữ được hơn 130 năm qua.

Trắng đêm đỏ lửa tại làng đúc lư đồng ở TPHCM ngày giáp Tết - 2

Theo anh Kha, lư đồng của làng An Hội thường có giá khá cao, bởi mọi chi tiết trên bộ lư hầu như được làm thủ công, chạm khắc hết sức tỉ mỉ. 

Năm ngoái, dù dịch Covid-19 vừa lắng xuống, các thương lái đến mua hàng không kịp bán. Tháng 10 là bắt đầu cao điểm bán Tết của các cơ sở tại đây. Tuy nhiên, việc kinh doanh trước Tết Quý Mão 2023 lại quá ế ẩm. Thông thường, cách 2-3 ngày lại có thương lái từ Vĩnh Long lên mua 50-60 bộ lư, nhưng đến nay phải mất đến hơn 1 tuần mới có người mua.

"Tôi thật sự bất ngờ, nay đã sát Tết rồi nhưng hàng bán chậm, tồn trong kho rất nhiều. Nhiều thương lái không muốn lấy hàng nữa vì lư đồng còn chất đầy ghe. Nếu lấy mà không kịp bán thì bộ lư sẽ bị oxy hóa, phải mất công đem đánh bóng", anh Kha nói.

Trắng đêm đỏ lửa tại làng đúc lư đồng ở TPHCM ngày giáp Tết - 3

Một sản phẩm lư đồng cần phải qua 6 công đoạn chính và một số thao tác phụ khác. Có 2-3 người thợ nhuần nhuyễn cùng đảm nhiệm một khâu. Các công đoạn đều rất quan trọng, quyết định chất lượng của bộ lư. Mặc cho cơ giới hóa, người thợ vẫn giữ vững truyền thống làm thủ công, hiếm có sự can thiệp của máy móc.

Trắng đêm đỏ lửa tại làng đúc lư đồng ở TPHCM ngày giáp Tết - 4

Ở lò, những người phụ nữ tay lấm lem bùn đất, đang say mê với hàng trăm bộ lư đồng. 

Trắng đêm đỏ lửa tại làng đúc lư đồng ở TPHCM ngày giáp Tết - 5

Trước hết, người thợ sẽ làm khuôn ruột từ đất sét thô bằng cách cán thành bột, trộn với trấu giã nhuyễn. Loại đất sét này được đặt mua từ các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, phải là đất sạch, không lẫn cát. Tiếp đó, người thợ dùng sáp ong trộn với sáp đèn cầy để làm ra khuôn sáp - thứ quyết định hình dạng của bộ lư đồng khi nung thành phẩm.

Trắng đêm đỏ lửa tại làng đúc lư đồng ở TPHCM ngày giáp Tết - 6

Sau đó, phần khuôn sáp được bọc 2 lớp đất sét giã nhuyễn bên ngoài. Người thợ dùng đất sét trộn trấu bó bên ngoài khuôn rồi đem đi phơi khô từ 7-10 ngày. Cuối cùng, phần đồng nóng chảy sẽ được đổ vào khuôn, chờ khô rồi đập bỏ khuôn, đem đi làm nguội.

Trắng đêm đỏ lửa tại làng đúc lư đồng ở TPHCM ngày giáp Tết - 7

Trước đây, xưởng có 30 người. Từ ảnh hưởng của dịch bệnh, công việc lại vất vả mà thu nhập thấp, chỉ còn khoảng một nửa số thợ còn trụ lại với nghề.

Ông Lương Hoàng Trắng (48 tuổi) tâm sự, dù thu nhập không cao nhưng anh đã "phải lòng" công việc này từ khi nào không biết. 

"Chắc do cái tình, cái nghĩa đã níu chân tôi. Nói vất vả nhưng đổi lại ổn định, giờ tôi lớn tuổi rồi nên đâu dễ tìm việc khác. Ở đây anh em giúp đỡ nhau nhiều lắm, đặc biệt là những lúc khó khăn về tài chính", ông Trắng xúc động.

Trắng đêm đỏ lửa tại làng đúc lư đồng ở TPHCM ngày giáp Tết - 8

Trung bình cứ 10 ngày, cơ sở lư đồng Quốc Kiển sẽ đúc đồng một lần. Công đoạn này bắt đầu từ 0h cho tới rạng sáng. Tại đây, hơn chục công nhân tất bật tay chân để đảm bảo hoàn thành công việc chỉ trong một đêm.

Trắng đêm đỏ lửa tại làng đúc lư đồng ở TPHCM ngày giáp Tết - 9

Ông Nguyễn Trọng Hiếu (48 tuổi) là người có thâm niên lâu nhất ở lò Quốc Kiển. Ông đã theo nghề đúc lư đồng từ khi còn là chàng trai 14 tuổi.

"Nghề này đâu phải ai cũng làm được, cực lắm. Giờ còn được làm 8 tiếng/ngày, chứ hồi xưa làm cũng phải hơn 10 tiếng. Mọi khâu đều là thủ công nên tôi luôn phải tập trung, tỉ mỉ, vậy nên 34 năm rồi chưa lần nào làm hư", ông Hiếu nói.

Trắng đêm đỏ lửa tại làng đúc lư đồng ở TPHCM ngày giáp Tết - 10

Các khuôn sẽ được nung trong nhiều giờ để đảm bảo đủ chắc chắn trước khi đổ đồng vào sẽ không bị vỡ. 

Trắng đêm đỏ lửa tại làng đúc lư đồng ở TPHCM ngày giáp Tết - 11
Trắng đêm đỏ lửa tại làng đúc lư đồng ở TPHCM ngày giáp Tết - 12
Trắng đêm đỏ lửa tại làng đúc lư đồng ở TPHCM ngày giáp Tết - 13

Vụn đồng sẽ được cho vào lò nung trong khoảng một giờ trước khi đổ vào khuôn.

Trắng đêm đỏ lửa tại làng đúc lư đồng ở TPHCM ngày giáp Tết - 14

Trong một đêm, cơ sở này có thể đúc được 3 mẻ, tương đương với 150 bộ lư.

Trắng đêm đỏ lửa tại làng đúc lư đồng ở TPHCM ngày giáp Tết - 15

Khuôn sau khi đổ đồng vào được để trong nhiều giờ để giảm nhiệt. Sau đó, người thợ sẽ đập bỏ khuôn để lấy sản phẩm.

Trắng đêm đỏ lửa tại làng đúc lư đồng ở TPHCM ngày giáp Tết - 16

Từ 6 giờ sáng những người thợ đã rục rịch chuẩn bị nguyên vật liệu cho những chiếc lư đồng đầu tiên trong ngày. Tiếng búa đục gõ leng keng, tiếng máy khò lửa và hơi nóng từ lò nung đánh thức nét lao động tuyệt đẹp ở khu phố yên bình.

Một phần nhờ cơ giới hóa, công việc của người thợ đỡ cực nhọc hơn. Song, máy móc chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong sản xuất, phần lớn vẫn tùy thuộc vào tay nghề của thợ.

Trắng đêm đỏ lửa tại làng đúc lư đồng ở TPHCM ngày giáp Tết - 17

Mỗi tháng, cơ sở sản xuất được khoảng 200 bộ lư đồng. Lư đồng An Hội có 2 loại: loại lư Bắc có dáng tròn trĩnh hoặc bầu dẹp, lư Nam dáng vuông. Loại hàng chợ, giá thường từ 2 đến 6 triệu đồng/bộ và loại hàng đặt, giá dao động từ 5 đến 20 triệu đồng/bộ, tùy theo kích cỡ, độ tinh xảo, kỳ công của các họa tiết rồng phụng, trúc mai, song long hay phúc lộc thọ…

Ông Thành (48 tuổi) được cha truyền nghề từ năm 10 tuổi. Đối với ông, nghề làm gốm như duyên nợ. Nét chạm khắc rồng, phụng trên bộ lư là thứ vô giá được lưu truyền hàng trăm năm qua.

Trắng đêm đỏ lửa tại làng đúc lư đồng ở TPHCM ngày giáp Tết - 18

Mọi năm, đặc biệt là dịp cận Tết, lò đúc đồng dần nhộn nhịp hơn. Các đơn đặt hàng từ khắp nơi lại tới tấp, cả khách sỉ và khách lẻ từ Phú Quốc xa xôi hay miệt vườn miền Tây như Tiền Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang,… cũng tìm đến tận nơi đặt hàng lư đồng, bát nhang, chân đèn.

Năm nay, công việc kinh doanh có phần ế ẩm, nhiều cơ sở lư đồng vẫn mang hi vọng, có thể "đốt" lại ngọn lửa nghề, cung cấp càng nhiều sản phẩm truyền thống cho người dân.