PhotoStory

Làng nghề dệt choàng 100 tuổi ở Đồng Tháp giờ ra sao?

Thực hiện: Nguyễn Hành

(Dân trí) - Có lúc, làng nghề dệt choàng 100 năm tuổi ở Đồng Tháp tưởng chừng bị mai một. Nhưng được người dân, chính quyền đã nỗ lực, giúp làng nghề hồi sinh. Hiện nay, sản phẩm làm ra không kịp bán.

Làng nghề dệt choàng 100 tuổi ở Đồng Tháp giờ ra sao? - 1

Làng nghề dệt choàng (khăn rằn) thuộc ấp Long Tả, xã Long Khánh A (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) đã có hơn 100 năm tuổi. Thời thịnh vượng, làng nghề có hàng trăm hộ dân tham gia dệt khăn rằn, bán khắp tỉnh miền Tây. Nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 50 hộ dân theo nghề và chỉ tập trung tại ấp Long Tả.

Làng nghề dệt choàng 100 tuổi ở Đồng Tháp giờ ra sao? - 2

Theo những cụ cao niên trên địa bàn xã Long Khánh A, trước đây, người dân địa phương có nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt vải Lãnh Mỹ A và cung cấp nguyên liệu cho các địa phương có nghề dệt ở An Giang. Sau đó, bà con học cách dệt khăn choàng (khăn rằn) và phát triển đến ngày hôm nay.

Làng nghề dệt choàng 100 tuổi ở Đồng Tháp giờ ra sao? - 3

Trước đây, để làm ra một cái khăn rằn, tất cả các công đoạn đều làm bằng tay. Hiện nay, bà con đã có máy dệt nên đỡ vất vả hơn nhiều. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn giữ lại khung dệt thủ công này như muốn lưu giữ một giai đoạn lịch sử của làng nghề.

Làng nghề dệt choàng 100 tuổi ở Đồng Tháp giờ ra sao? - 4

Nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Chiều (65 tuổi, ấp Long Tả, xã Long Khánh A) cho biết, bà từ nơi khác đến đây làm dâu và học nghề dệt khăn từ mẹ chồng. Tính đến nay, bà có hơn 40 năm tuổi nghề.

"Từ lâu chiếc khăn rằn, áo bà ba như là một biểu tượng của người dân miền Tây", nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Chiều nói.

Làng nghề dệt choàng 100 tuổi ở Đồng Tháp giờ ra sao? - 5

Trước năm 2000, mỗi khi đến vụ lúa (trong năm có 2 vụ lúa, vụ rơi vào tháng 2 đến tháng 3; vụ còn lại từ tháng 4 đến tháng 5), bà con làm khăn không kịp bán cho nông dân. Vì do đặc thù nghề trồng lúa, mỗi nông dân khi ra đồng gặt lúa, vác lúa đều phải có một chiếc khăn choàng lên đầu. Do đó, đến vụ, bà con làng nghề làm khăn bán vô số kể.

Làng nghề dệt choàng 100 tuổi ở Đồng Tháp giờ ra sao? - 6

Thế nhưng, từ những năm 2000 đến 2012, nghề dệt rơi vào cảnh tiêu điều, sắp mai một. Nguyên nhân, do nghề trồng lúa đã được cơ giới hóa và nhiều loại khăn tắm xuất hiện trên thị trường, lấn át chiếc khăn rằn. Nhưng sau đó, chính quyền quan tâm, bà con quay trở lại dệt khăn, dù cuộc sống bấp bênh.

Làng nghề dệt choàng 100 tuổi ở Đồng Tháp giờ ra sao? - 7

Theo nghệ nhân Kim Chiều, năm 2014, nguyên Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan (nay là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT) đến thăm làng nghề và ông gợi mở việc thay đổi mẫu mã, màu sắc và phải làm cái hộp đựng khăn. Người ta mua, mang tặng người khác, nhìn sang trọng hơn. Sau đó, người dân làng nghề học cách thay đổi theo hướng dẫn của Bí thư Hoan.

Làng nghề dệt choàng 100 tuổi ở Đồng Tháp giờ ra sao? - 8

Năm 2014, một đơn vị ở TPHCM mang chiếc khăn mẫu đến gặp Nghệ nhân Kim Chiều đặt làm. Thấy chiếc khăn có màu sắc đẹp, mẫu mã mới nên nghệ nhân Kim Chiều nhận lời. Tuy nhiên, nghệ nhân Kim Chiều và thợ mất một tuần mới dệt xong một cái khăn theo mẫu mới. 

 "Chiếc khăn mẫu mới có size nhỏ và dày hơn khăn làng nghề. Khi đó, tôi phải sửa khung dệt rồi thử nhiều cách dệt nhưng chỉ bị đứt, dệt không được. Bước qua ngày thứ 3, tôi và thợ làm cũng không xong, lúc này, chị em ngồi khóc vì đơn hàng đến mấy nghìn cái. Tuy nhiên, sau đó, hỏi thêm nhiều người và cố gắng dệt đến ngày thứ 7 mới thành công. Sau lần "lột xác" đó, chiếc khăn rằn không còn ra đồng nữa mà được "chấp cánh" bay vào ngành du lịch, văn hóa và cả trời Âu", bà Kim Chiều nói.

Làng nghề dệt choàng 100 tuổi ở Đồng Tháp giờ ra sao? - 9

Để làm ra một cái khăn, phải trải qua 8-10 công đoạn. Khi có chỉ, bà con nhuộm màu, thấm hồ rồi mang phơi nắng. Sau đó, thêm nhiều công đoạn khác, như: se chỉ, lên khuôn, dệt, thêu hoa văn,...

Làng nghề dệt choàng 100 tuổi ở Đồng Tháp giờ ra sao? - 10

Hiện nay, chỉ dệt khăn, người dân hoàn toàn phải mua từ địa phương khác, nhưng chủ yếu là từ TPHCM. Với chỉ trắng ( chỉ chưa nhuộm màu), người dân mang về thực hiện việc nhuộm, nhưng loại này, chất lượng màu sắc không tốt bằng loại nhập khẩu. Chỉ nhập khẩu đắt tiền nhưng màu sắc bền hơn, người làm nghề bớt vất vả khi bỏ qua công đoạn nhuộm màu, phơi chỉ.

Làng nghề dệt choàng 100 tuổi ở Đồng Tháp giờ ra sao? - 11

Hiện nay tại làng nghề dệt choàng Long Khánh A có khoảng 50 hộ dân theo nghề và sử dụng hoàn toàn máy dệt, không còn dệt thủ công như trước. Nhờ dệt máy, năng suất nâng lên đáng kể. Trong 1h30, một máy dệt được 8-10 cái khăn, trong khi đó, máy dệt tay trong 1h chỉ dệt hơn 1 cái khăn.

Làng nghề dệt choàng 100 tuổi ở Đồng Tháp giờ ra sao? - 12

Giám đốc HTX khăn choàng Long Khánh - Phạm Thanh An cho biết, cái khó của thành viên trong hợp tác xã và những người dân theo nghề dệt khăn rằn hiện nay là máy dệt cũ kỹ, lỗi thời. Ngoài ra, hầu hết người theo nghề đều chưa trải qua một lớp học bài bản nào. Mọi người truyền cho nhau theo kinh nghiệm, nhưng lớp trẻ hiện nay thì không mặn mà với nghề này.

Làng nghề dệt choàng 100 tuổi ở Đồng Tháp giờ ra sao? - 13

Là chủ cơ sở, giám đốc HTX nhưng hàng ngày anh Phạm Thanh An An vẫn xắn tay vào việc, từ việc hướng dẫn thợ dệt khăn, đến các khâu sửa máy dệt,... Qua 8 năm giữ chức giám đốc HTX, anh An  mong muốn ngành chức năng tổ chức những lớp bồi dưỡng tay nghề cho người dân. Vì đây, không chỉ nâng cao tay nghề mà còn là một cách truyền lại nghề dệt bài bản cho thế hệ trẻ, nếu không muốn nó bị mai một về sau.

Làng nghề dệt choàng 100 tuổi ở Đồng Tháp giờ ra sao? - 14

Chị Ngô Thị Thùy Hằng - nguyên PTC Hội phụ nữ xã Long Khánh A, cho biết, do từng tham gia công tác Hội và gia đình gắn bó với chiếc khăn rằn nên chị hiểu rõ sự vất vả và cuộc sống khó khăn của bà con theo nghề dệt. Vì thế, sau khi không còn tham gia công tác Hội, chị thực hiện dự án "Phát triển các sản phẩm từ khăn choàng". Chị liên kết với người sản xuất, tìm kiếm mở rộng thị trường, phát triển thêm các sản phẩm mới. Sau đó, chị Hằng "lo" đầu ra cho bà con, giúp bà con nâng cao giá trị sản phẩm, ổn định cuộc sống. 

Làng nghề dệt choàng 100 tuổi ở Đồng Tháp giờ ra sao? - 15

Hiện này, ngoài sản phẩm chủ lực khăn rằn, người dân còn làm thêm nhiều sản phẩm khác, như: túi xách, cà vạt, áo sơ mi, áo bà ba,... Riêng khăn rằn, người dân vẫn sản xuất loại truyền thống (khăn tắm, đi ruộng,...) và một loại phục vụ cho du lịch, làm quà tặng. Loại này mình khăn dày và có nhiều màu sắc; có loại làm 100% bằng cotton.

Làng nghề dệt choàng 100 tuổi ở Đồng Tháp giờ ra sao? - 16

Cơ cở của nghề nhân Kim Chiều và HTX khăn choàng Long Khánh cho biết, từ 7-8 năm nay, nhờ các chính sách xúc tiến, quảng bá chiếc khăn rằn Đồng Tháp nên đầu ra sản phẩm tốt hơn. Mỗi năm, làng nghề cung ứng ra thị trường khoảng 1,5 triệu chiếc khăn.

Làng nghề dệt choàng 100 tuổi ở Đồng Tháp giờ ra sao? - 17

Năm 2014, làng nghề dệt choàng Long Khánh A được UBND tỉnh chọn làm sản phẩm công nghiệp nông nghiệp tiêu biểu. Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp tập trung quảng bá các sản phẩm của làng nghề dệt choàng Long Khánh, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, giúp người dân theo nghề dệt từng bước phát triển kinh tế.

Lãnh đạo huyện Hồng Ngự cho biết, địa phương luôn tạo điều kiện để giúp bà con làng nghề tiếp cận nguồn vốn vay, nhằm phát triển làng nghề. Đồng thời, địa phương còn tập trung đầu tư hạ tầng, xúc tiến quảng bá du lịch gắn với làng nghề để khách du lịch tìm đến làng nghề nhiều hơn, tham quan, mua sắm, góp phần làm tăng thu nhập cho bà con làng nghề.