DNews

Sống đẹp ở Hà Nội (Kỳ 2): Lòng hiếu khách của người Thủ đô

Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Người Hà Nội vốn thân thiện, mến khách nên đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với du khách nước ngoài hay những người có khoảng thời gian dài sinh sống, làm việc tại Thủ đô.

Sống đẹp ở Hà Nội (Kỳ 2): Lòng hiếu khách của người Thủ đô

"Sống đẹp ở Hà Nội" là tuyến bài kể về những câu chuyện đời thường trong nhịp sống hiện đại ở Thủ đô.

Mỗi người ở các ngành nghề lứa tuổi khác nhau: Từ ông chủ quán ăn, người thợ may, anh xe ôm đến những công nhân, viên chức… bằng những việc làm tử tế, và tình yêu thương chân thành, họ đã lan tỏa lối sống đẹp, năng lượng tích cực đến cộng đồng. Qua đó, góp phần xây dựng một Thủ đô Hà Nội hiện đại, văn minh, năng động.

"Chuyến phiêu lưu" của chú ngựa giấy phố Hàng Mã   

Cầm trên tay hộp quà được gửi từ Hà Nội, Việt Nam, ông Arnaud Zein El Din (kiến trúc sư người Mexico) cẩn thận lột từng lớp băng dính. Bên trong hộp quà là một chú ngựa vàng mã do những người bạn Việt Nam ông chẳng hề quen biết gửi tặng.

Ông Arnaud Zein El Din bất ngờ nổi tiếng sau chuyến du lịch tại Việt Nam cách đây ít lâu. Là người đam mê du lịch, ông di chuyển tới nhiều thành phố trên thế giới và khám phá văn hóa của mỗi vùng đất. Trên hành trình ấy, vị kiến trúc sư lựa chọn ở lại Hà Nội 3 tuần.

Sống đẹp ở Hà Nội (Kỳ 2): Lòng hiếu khách của người Thủ đô - 1

Hình ảnh từng "gây sốt" mạng xã hội của ông Arnaud Zein El Din.

 Trong khoảng thời gian này, người đàn ông Mexico đã đi qua nhiều con phố của Thủ đô, thưởng thức những món ăn ngon như bún chả, chả cá Lã Vọng, bánh cuốn, bánh đậu xanh, cốm, cà phê vỉa hè, uống bia hơi...

Đặc biệt, ông còn tham gia một buổi hầu đồng, tắm ở sông Hồng và lượm lặt những món đồ "rất Việt Nam" như: Mũ cối, điếu cày, chiếu cói, cốc thủy tinh uống bia, mặt nạ mẹt, đó bắt cá, một cái bát đựng đầy gạo.

Khi đi qua một con phố, Arnaud ấn tượng với chú ngựa giấy có hoa văn tinh xảo. Ông đoán, đó là món đồ có nhiều ý nghĩa và để dùng cho một nghi lễ nào đó nên đã mua với giá 100.000 đồng để bổ sung vào "bộ sưu tập" của mình.

Kết thúc chuyến đi, Arnaud gói ghém tất cả đồ đạc và ôm trên tay con ngựa giấy đến sân bay Nội Bài để rời khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, ông không thể vận chuyển chú ngựa về nước vì bị hãng hàng không từ chối.

Vị khách đành tiếc nuối bỏ lại con ngựa tại sân bay. Hình ảnh này vô tình được chụp lại, chia sẻ trên mạng xã hội.

Câu chuyện về Arnaud và chú ngựa vàng mã lập tức "gây sốt" và để lại cảm tình với nhiều người Việt. Tài khoản mạng xã hội của Arnaud nhận được rất nhiều tin nhắn hỏi thăm, kết bạn. Nhiều người Việt muốn gửi tặng con ngựa giấy, món đồ Araund không được mang lên máy bay.

Sống đẹp ở Hà Nội (Kỳ 2): Lòng hiếu khách của người Thủ đô - 2

Những món đồ kỷ niệm vị khách Mexico mua tại Hà Nội.

Anh Sơn Đặng, một kiến trúc sư và nhóm bạn tại Hà Nội đã quyết định hiện thực hóa mong muốn của vị khách nước ngoài này khi cùng nhau quyên góp và tìm mua một con ngựa giấy gửi tặng Arnaud.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Arnaud cho biết, thời điểm nhận món quà, mình đang lưu trú và làm việc tại Pháp. "Tôi rất bất ngờ và xúc động. Tôi không nghĩ, dù đã kết thúc chuyến đi đến Hà Nội, bản thân vẫn nhận được sự quan tâm, trợ giúp nhiệt tình của những người bạn chưa gặp mặt. Nhờ món quà đặc biệt này, tôi có thể hoàn thiện "bộ sưu tập" những món đồ kỷ niệm khi ghé thăm Thủ đô của Việt Nam", ông Arnaud nói.

Chú ngựa giấy cùng câu chuyện về những người Việt giàu lòng mến khách đã theo Arnaud đến nhiều bối cảnh, gặp gỡ nhiều người khác nhau.

Trên trang cá nhân của mình, Araund đã chia sẻ hình ảnh về chuyến chu du của chú ngựa giấy kèm theo lời cảm ơn sâu sắc: "Tháng trước, tôi nhận được ngựa vàng mã do bạn ở Việt Nam gửi. Hiện tại tôi ở Pháp và chụp ảnh với hàng xóm cùng bạn bè",  "Cảm ơn các bạn Việt Nam đã làm điều này"...

Sống đẹp ở Hà Nội (Kỳ 2): Lòng hiếu khách của người Thủ đô - 3
Sống đẹp ở Hà Nội (Kỳ 2): Lòng hiếu khách của người Thủ đô - 4

Cô gái Nhật và kỷ niệm khó quên đêm mưa

Người Hà Nội vốn được nhắc đến bởi sự thân thiện, mến khách nên đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với du khách nước ngoài hay những người có khoảng thời gian dài sinh sống, làm việc tại Thủ đô.

Ayano Kasahara (23 tuổi, người Nhật Bản) từng học tập tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện tại dù đã trở về quê hương làm việc nhưng cô vẫn luôn nhớ da diết thành phố này.

Mẹ của cô - bà Rie - là một người yêu mến Việt Nam và tham gia nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, hỗ trợ việc làm tại Việt Nam. Suốt nhiều năm, Ayano được nghe về Việt Nam qua những câu chuyện của mẹ.

Năm 10 tuổi, cô được mẹ đưa sang Việt Nam du lịch. Dù còn nhỏ tuổi, nhưng Ayano vẫn lưu giữ được những ấn tượng tốt về đất nước "có nhiều xe máy, phong cảnh đẹp". Trở về nước, Ayano luôn ấp ủ một ngày sẽ được quay lại nơi đây.

Năm 2022, Ayano đã đăng ký chương trình du học ở Việt Nam và quyết định cùng mẹ sinh sống tại Hà Nội.

Sống đẹp ở Hà Nội (Kỳ 2): Lòng hiếu khách của người Thủ đô - 5

Ayano Kasahara và mẹ có nhiều gắn bó với Việt Nam.

Trong năm đầu tiên, cô gái Nhật Bản gặp nhiều khó khăn trong việc giao tiếp với thầy cô bạn bè vì rào cản ngôn ngữ. "Ngữ pháp tiếng Việt thì dễ nhưng phát âm khó. Đối với người nước ngoài lại càng khó. Một năm đầu tôi vẫn chưa thể nghe nói được", Ayano chia sẻ với Dân trí

Thời gian đầu, dù gặp bất đồng về ngôn ngữ nhưng đến bất cứ nơi đâu ở Hà Nội, cô đều nhận được sự giúp đỡ. Mỗi lần Ayano mua đồ, hỏi đường… đều được người Hà Nội nhiệt tình chỉ dẫn bằng cách biểu thị ngôn ngữ cơ thể, dùng tiếng Anh hay thậm chí sử dụng các tính năng dịch thuật qua điện thoại…

Gần 2 năm sinh sống ở Hà Nội, Ayano Kasahara nhận thấy Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung có thật nhiều sức hút. Điểm khiến cô yêu mến nhất có lẽ là tính cách gần gũi, thân thiện của người dân. Cô được thoải mái thể hiện con người mình mà không phải lo người khác phán xét, đánh giá.

Cô cũng thường xuyên nhận được sự giúp đỡ vô tư của những người không quen. Điều này khiến Ayano Kasahara vô cùng cảm kích.

Sống đẹp ở Hà Nội (Kỳ 2): Lòng hiếu khách của người Thủ đô - 6
Sống đẹp ở Hà Nội (Kỳ 2): Lòng hiếu khách của người Thủ đô - 7

Ayano Kasahara nhận thấy Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung có thật nhiều sức hút.

Cô kể về một lần đi chơi về muộn, trời có mưa lớn và đường sá vô cùng vắng vẻ. Xe của Ayano không may bị hết điện. Trong khi đang loay hoay không biết phải về nhà ra sao thì cô thấy một thanh niên đi tới. Ban đầu Ayano tưởng đối phương là người xấu nên khá lo lắng. Lúc sau người này mới giải thích rằng chỉ muốn đẩy xe giúp cô.

"Tôi mặc áo mưa to trùm kín người, người kia không nhìn rõ tôi là nam hay nữ, người Việt hay người nước ngoài nhưng vẫn giúp đỡ rất nhiệt tình và đưa tôi về tận nhà", Ayano kể kỷ niệm một đêm mưa ở Hà Nội.

Cô gái Nhật Bản cũng cho hay: "Người Việt Nam đặc biệt là người Hà Nội rất dễ thương, hiền lành và tốt bụng. Mọi người luôn bắt chuyện với tôi và sẵn sàng giúp đỡ khi tôi gặp khó khăn".

"Mất" tiền lấy lại được, uống cà phê được mời ăn cơm nhà

Hà Nội được chuyên trang du lịch trực tuyến hàng đầu Đông Nam Á Tripzilla gợi ý đứng đầu danh sách 5 điểm đến an toàn nhất khu vực dành cho phụ nữ đi du lịch một mình.

Năm 2023, Hà Nội được vinh danh với nhiều giải thưởng quốc tế: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới cho kỳ nghỉ ngắn ngày; Điểm đến thành phố Golf tốt nhất thế giới năm 2023; Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á năm 2023….

Rất nhiều du khách nước ngoài khi đến Hà Nội tham quan không may gặp sự cố đều được người dân Thủ đô nhiệt tình giúp đỡ.     

Tháng 5/2024, vợ chồng bà Marie Helleux (51 tuổi, quốc tịch Pháp) đến Việt Nam du lịch. Cặp vợ chồng từng trải qua những phút hoảng loạn khi không may bị một tài xế vòi tiền khi đi taxi.

Bà Marie kể, đêm 11/5, bà cùng chồng đi xe khách từ Sa Pa (Lào Cai) về văn phòng nhà xe tại số 114 Trần Nhật Duật (phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm). Tại đây, họ bắt một chiếc taxi bất kỳ để tới số 9 Chợ Gạo.

Đến nơi, tài xế taxi bất ngờ khóa cửa xe sau và đề nghị hai du khách người Pháp trả 500.000 đồng mới được xuống xe. Quãng đường di chuyển chưa đầy 200m.

Sống đẹp ở Hà Nội (Kỳ 2): Lòng hiếu khách của người Thủ đô - 8

Vợ chồng bà Marie được hoàn trả một triệu đồng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Khi tài xế rời đi, người chồng phát hiện khách quên ví và hộ chiếu trên xe. Tài xế taxi sau đó đã quay lại trả tài sản nhưng đòi thêm 500.000 đồng. Bất đắc dĩ, cặp vợ chồng người Pháp phải trả thêm tiền để nhận lại tài sản.

Bức xúc trước hành động của tài xế, cả hai đã gửi hình ảnh taxi, tài xế và thuật lại sự việc, nhờ hướng dẫn viên phản ánh thông tin đến cơ quan chức năng.

Không thể để một người làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Thủ đô, hướng dẫn viên đã đăng tải thông tin, đồng thời trình báo sự việc tới cơ quan chức năng. Trên các diễn đàn mạng, rất nhiều người dân bày tỏ sự bức xúc trước hành động của người tài xế taxi. 

"Đây không phải là cung cách phục vụ ở Hà Nội. Vị tài xế chỉ là con sâu làm rầu nồi canh, cần phải xử lý nghiêm", một người tên T.K bình luận.

Nhiều người khác cũng hỏi địa chỉ của vị khách nước ngoài đang ở Hà Nội để có thể hỗ trợ miễn phí chỗ ở, bữa ăn. "Tôi muốn vị khách nước ngoài hiểu người Hà Nội thân thiện, dễ mến thế nào. Chắc chắn công an Hà Nội sẽ tìm được người tài xế kia", người có tên Minh Hoa viết.

Ngay sau khi có thông tin trên mạng xã hội, Công an quận Hoàn Kiếm đã ngay lập tức vào cuộc xác minh, triệu tập tài xế lái xe. Ít ngày sau, bà Marie cùng chồng đã được hoàn trả số tiền 1 triệu đồng.

Sự hỗ trợ kịp thời của hướng dẫn viên cùng các cán bộ Công an quận Hoàn Kiếm đã giúp vợ chồng du khách Pháp lấy lại được tài sản. Chia sẻ với phóng viên Dân trí, hai vợ chồng bà Marie không giấu khỏi sự xúc động, biết ơn. 

"Chuyến đi của chúng tôi đã diễn ra tốt đẹp dù có một sự cố nhỏ. Tôi hiểu rằng, người lái taxi kia chỉ là cá biệt và người Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung đều rất thân thiện, có lòng tốt bụng. Chúng tôi thực sự xúc động. Trong tương lai, nếu có cơ hội, chúng tôi sẽ quay lại Việt Nam đặc biệt là Hà Nội", bà Marie xúc động. 

Trở về sau chuyến du lịch đến Hà Nội đã hơn 2 năm nhưng anh Sujit người Ấn Độ vẫn lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp về con người và cảnh đẹp Thủ đô.

Đầu năm 2024, anh Sujit đăng tải lên mạng xã hội bức ảnh chụp lại khoảnh khắc anh và bạn ăn tối tại nhà của một gia đình người Việt. Theo người đàn ông Ấn Độ, đó là một trong những kỷ niệm ấn tượng nhất khi anh tới thăm Hà Nội.

Chia sẻ cụ thể hơn, anh Sujit cho hay, một chiều muộn năm 2022, anh tới quán cà phê trên đường Trần Phú và bất ngờ được vợ chồng chủ quán mời ở lại dùng bữa cơm thân mật với gia đình, dù trước đó họ chỉ là những người xa lạ.

Du khách Ấn Độ không nói được tiếng Việt và chủ quán cũng không hiểu tiếng Anh nên đôi bên đã giao tiếp qua ứng dụng dịch Google Translate.

Dù cả hai không thông thạo ngôn ngữ của nhau nhưng bữa ăn diễn ra trong bầu không khí đầm ấm, vui vẻ. Bữa cơm có những món quen thuộc của người Việt như món cuốn, chả thịt lợn, canh rau, phở…

Chủ quán cà phê - anh Nguyễn Văn Long (52 tuổi) - còn tinh ý mở những bài nhạc Ấn Độ dành tặng 2 vị khách.

Sống đẹp ở Hà Nội (Kỳ 2): Lòng hiếu khách của người Thủ đô - 9

Anh Sujit chia sẻ khoảnh khắc ăn cơm cùng gia đình chủ quán cà phê.

Ấn tượng với sự hiếu khách của chủ quán cà phê ở Hà Nội, vị khách Ấn Độ sau đó đã đăng tải bài trải nghiệm thú vị của bản thân lên một diễn đàn du lịch. Bài viết nhanh chóng nhận về hàng chục nghìn lượt yêu thích và bình luận.

Dưới bài chia sẻ của anh Sujit nhiều người cũng kể lại trải nghiệm ấn tượng khi tới Việt Nam du lịch. "Người Việt Nam rất thân thiện và sống thật. Họ không có kiểu lừa đảo khách du lịch như ở một số nơi tôi từng đi qua", một tài khoản lên tiếng.

"Với tôi, Việt Nam là một trong những nước có người dân thân thiện nhất thế giới. Họ rất hiếu khách, bất chấp những khó khăn về rào cản ngôn ngữ", một tài khoản có tên Pate nhận xét.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chủ quán anh Nguyễn Văn Long (SN1972), vui vẻ cho biết vẫn giữ liên lạc với vị khách Ấn Độ tên Sujit. 

"Anh Sujit cùng một người bạn tới quán vào lúc chiều muộn. Sau đó tới giờ cơm nên chúng tôi cũng mời họ vào mâm dùng bữa cùng gia đình. Cả hai đều rất vui vẻ. Họ cũng chẳng ăn được nhiều, nhưng chủ yếu rất thích không khí bữa cơm gia đình", anh Long nói.

Quán của anh Long mở cửa đã vài năm, 90% lượng khách là người nước ngoài. Tới bữa cơm hàng ngày nếu quán có khách, anh Long thường mời các vị khách dùng cơm cùng gia đình.

Qua những bữa cơm đậm chất Việt và ấm cúng, những vị khách nước ngoài như anh Sujit đã hiểu thêm về văn hóa, ẩm thực và con người Thủ đô.

Câu chuyện của Arnaud, Ayano, Marie hay Sujit là những minh chứng sinh động cho thấy Hà Nội với những con người hiếu khách, thân thiện, hiền hòa; ẩm thực đặc sắc và cảnh quan ấn tượng thật sự là điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện với các du khách nước ngoài.

Có cùng chung những cảm xúc tốt đẹp, nhiều  du khách sau khi đến Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đều để lại một lời hẹn "sẽ quay lại Việt Nam vào một ngày không xa".

Ảnh: Arnaud Zein El Din, Ayano Kasahara, Sujit

Bài 3: Ra ngõ gặp anh hùng!