"Cơm treo" độc lạ ở TPHCM: "Cho đi ngay khi chỉ có một chút"
(Dân trí) - Với mỗi suất "cơm treo" 20.000 đồng, người cho có thể giúp cho những người vô gia cư, người lao động nghèo có được bữa ăn ấm lòng giữa TPHCM.
"Đêm nay cô chú không sợ đói nữa, vì có cơm treo"
Khoảng 16h, nhân viên quán cơm tấm Thanh Niên trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) rục rịch dọn hàng, mở cửa bán. Người lên khay nướng thịt, người xới cơm, bày dưa chua, chả trứng…
Khoảng 15 phút sau, quán bắt đầu có khách. Một người đàn ông trung niên ghé quán mua 2 hộp cơm. Lúc thanh toán, anh nhẹ nhàng nhờ nhân viên "treo" thêm 3 hộp rồi vội vàng lên xe rời đi.
Ngay sau đó, nhân viên quán làm 3 hộp cơm, mang bỏ vào chiếc thùng đặt trước cửa quán, bên cạnh tấm bảng : "Cơm treo gửi tới cô chú khó khăn. Mở lên, nếu có hãy lấy 1 phần".
Nếu là khách quen của quán cơm tấm này, nhiều người sẽ không thấy xa lạ với khoảnh khắc trên. Đây chính là mô hình "cơm treo" được quán thực hiện suốt 1 tháng qua.
Theo nghĩa gần gũi, "cơm treo" được hiểu là khách đến ăn cơm và trả tiền thêm một hoặc nhiều suất cơm khác, rồi gửi lại quán. Quán sẽ dành suất cơm này cho người khó khăn, nghèo khổ. Đây có thể xem là một hình thức thiện nguyện gián tiếp, quán là cầu nối giữa người cho và người nhận.
Trò chuyện với phóng viên Dân trí, anh Nguyễn Thành Công (23 tuổi) - chủ của quán cơm tấm này - cho biết anh phải nghỉ học từ lớp 10, từng có khoảng thời gian mưu sinh xa nhà bằng nhiều nghề khác nhau.
Khi đã tích góp đủ vốn liếng, anh cùng bạn kết hợp mở quán cơm tấm. Đến nay, quán đã có hơn 1 năm hoạt động.
Trước khi có mô hình "cơm treo", quán của Thành Công từng là điểm phát cơm miễn phí cho nhiều mảnh đời khó khăn. Mỗi tối trước giờ đóng cửa quán, anh thường mời người vô gia cư, người nhặt ve chai, bán vé số vào quán ăn cơm, xem như cách san sẻ với họ.
Cách đây 1 tháng, Thành Công vô tình xem được một đoạn clip liên quan đến mô hình "cà phê treo" của Italia. Nhận thấy đây là một hoạt động nhân văn và vừa vặn sức mình, Thành Công triển khai mô hình "cơm treo" tại quán.
Thành Công nói, từ ngày mở "cơm treo", anh chưa bao giờ chủ động kêu gọi khách hàng "treo" cơm lại quán. Vì những lý do nhạy cảm khách quan, Thành Công không chọn cách giới thiệu về "cơm treo" bằng lời, thay vào đó anh truyền tải thông điệp qua những dòng chữ ghi chú trong quán.
"Đêm nay, các em và cô chú khó khăn sẽ không sợ đói nữa. Vì đã có những phần "cơm treo" của bạn. Chúng ta hãy gửi những phần cơm vào cây phía trước nhé", đây là nội dung treo trong quán.
Khi có người thắc mắc về những tấm bảng trên, anh mới bắt đầu nói về mô hình "cơm treo" của quán.
Tại quán, một suất cơm có giá 35.000-50.000 đồng, tuy nhiên, mỗi suất "cơm treo" chỉ bán với giá 20.000 đồng. Mỗi phần "cơm treo" đều đảm bảo có thịt và canh như một suất cơm bình thường.
Chủ quán cho biết, ban đầu anh đưa giá "cơm treo" là 25.000 đồng. Tuy nhiên, khi thấy các em học sinh cũng có nhu cầu muốn "treo" cơm, anh hạ giá xuống 20.000 đồng để vừa vặn túi tiền của nhiều người.
"Người cho không cần nhận được lời cảm ơn từ người nhận, ngược lại, người nhận cũng đỡ ngại khi được nhận miễn phí cái gì đó. Ở đây không có một sự ghi danh nào, chỉ là lòng tốt hiện hữu một cách thầm lặng.
Tôi không gọi đây là cơm từ thiện, mà đơn giản chỉ là sự sẻ chia "miếng ăn" giữa người với người. Một hộp cơm có thể không lớn, nhưng đôi khi lại là bữa ăn đầy giá trị đối với những người khó khăn, lao động nghèo", anh Công nói.
Quán mở cửa từ 16h đến 0h, khách muốn đến ủng hộ "cơm treo" có thể đến trong khung giờ đó. Lắm lúc, có những ngày không có phần cơm nào được "treo" lại, anh Công cũng chủ động làm thêm vài phần cơm, để vào thùng rồi nói dối với người nhận là có người đến "treo" cơm.
"Tôi chưa bao giờ được ăn ngon nhiều ngày như thế"
Sau 1 tháng hoạt động, "cơm treo" trên đường Nguyễn Ảnh Thủ ngày càng được nhiều người biết đến. Khách ăn cơm xong vui vẻ "treo" thêm cơm, còn người khó khăn cũng truyền miệng nhau về những suất cơm miễn phí.
Khi chúng tôi có mặt tại quán, một người phụ nữ với dáng người gầy gò đạp xe đến lấy cơm. Bà giới thiệu mình tên Ngọc Sương (60 tuổi), đang ở nhà thuê trong căn hẻm gần đó, mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai.
"Tôi đi nhặt ve chai thì thấy bảng phát cơm miễn phí, lòng vui khôn siết. Từ ngày biết đến quán, mỗi chiều tôi đều ghé lấy 1 phần về ăn. Thu nhập từ việc nhặt ve chai của tôi chỉ vài chục ngàn mỗi ngày, nên cơm sườn là món xa xỉ với tôi. Ở đây người ta cho cơm rất tử tế, nóng hổi và có đầy đủ rau, thịt. Tôi chưa bao giờ được ăn ngon trong nhiều ngày như thế", bà Ngọc Sương nói.
Bà Hồng (61 tuổi), làm nghề bán vé số, luôn dắt theo cháu ngoại là bé Đức (5 tuổi) đến nhận "cơm treo". Bà Hồng mắc bệnh thận, phải đi bán kiếm tiền nuôi 2 cháu trai. Thường ngày, 3 bà cháu có gì ăn nấy.
"Giờ có cơm treo rồi, không cần phải nhịn như trước nữa", bà Hồng mừng rỡ, nói.
Nếu muốn ăn cơm sườn, cả nhà phải dành dụm tiền đến cả tháng mới đủ mua một hộp cơm nhỏ cho 3 người.
Chủ quán nói, mỗi người ghé quán lấy cơm đều có câu chuyện và nỗi khổ riêng. Trong cuộc trò chuyện cùng chúng tôi, anh rơm rớm nước mắt khi kể về hoàn cảnh ngặt nghèo của một cụ ông hơn 70 tuổi.
"Sau đại dịch Covid-19, ông Sơn (tên nhân vật đã được thay đổi - PV) đã mất đi vĩnh viễn người vợ đồng hành cùng mình suốt bao năm. Từ ngày vợ mất, ông sống cảnh một mình giữa TPHCM và nuôi sống bản thân bằng nghề xe ôm truyền thống. Tuy nhiên, vì một bên mắt bị giảm thị lực, lại phải cạnh tranh với xe ôm công nghệ, nên thu nhập của ông chỉ 50.000-60.000 đồng/ngày cho vài cuốc xe.
Sau mỗi chuyến xe đêm, ông thường ghé quán để xin 1 phần cơm mang về. Trong căn trọ chật hẹp, ông cẩn thận mang phần cơm vừa nhận được để lên bàn thờ của vợ, rồi lát sau mới ăn", chủ quán kể.
Thỉnh thoảng, vẫn có những ngày không có khách "treo cơm", nhưng quán vẫn tự "treo" để đảm bảo khi có người ghé lấy đều có cơm mang về.
Thành Công nói thêm: "Tôi muốn là mỗi khi các cô chú mở thùng ra đều thấy có cơm trong đó. Tôi luôn dặn nhân viên là hãy luôn tạo sự thoải mái, tự nhiên mỗi khi có người đến lấy cơm. Cứ để cô chú tự mở thùng lấy cơm rồi rời đi một cách lặng lẽ, như vậy đỡ tạo cảm giác ngại ngùng hơn".
Tuy mô hình còn nhỏ nhưng Thành Công từng gặp không ít những tình huống khó xử, khi khách hàng đặt hoài nghi về anh. Họ cho rằng anh lợi dụng mô hình này để có thêm khách hoặc xét nét chuyện anh kiếm lời từ số tiền 20.000 đồng (tương đương cho 1 phần "cơm treo").
"Thật ra, nếu không có "cơm treo" thì quán tôi vẫn duy trì việc bán buôn ổn định như một năm qua. Khi khách thắc mắc, tôi sẵn sàng giải thích cặn kẽ từng chỗ, 20.000 đồng vừa đủ cho 1 phần cơm có rau và thịt, chứ không hề có thêm khoản sinh lời nào.
Tôi nghĩ, nếu ai thương thì sẽ hiểu. "Cơm treo" ra đời cũng dựa trên lòng tin và sự tự nguyện. Nếu bạn đủ tin tưởng thì gửi gắm vào đây, nếu không thì có thể chọn cách thức khác", chủ quán chia sẻ.
Khi cho ra đời mô hình này, Thành Công cho biết anh không chỉ tìm hạnh phúc cho bản thân mà mong nhìn được nụ cười, ánh mắt hạnh phúc từ mảnh đời "thiếu ăn thiếu mặc". Anh cũng mong rằng ở những nơi khác cũng xuất hiện các quán "cơm treo" tương tự.
"Tôi không dám nhận việc mình làm có gì lớn lao, mà chỉ xem đây là cách kết nối, san sẻ và trao yêu thương. Tôi nghĩ, nếu các quán khác cũng áp dụng mô hình này thì có thể giúp đỡ được nhiều người lắm", chàng trai sinh năm 2001 nói.
Gần 18h, con đường Nguyễn Ảnh Thủ tấp nập xe cộ qua lại nhưng đâu đó vẫn có một trạm dừng đầy ấm áp mang tên "cơm treo"...