DMagazine

Người Việt kể những chuyện "lạ lùng" ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

(Dân trí) - Chị Ngân thường xuyên mua sắm ở những cửa hàng không người bán, đánh rơi đồ mấy tháng trời nhưng vẫn được trả lại. Ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, chị thấy người dân "không bạt mạng kiếm tiền".

Người Việt kể những chuyện "lạ lùng" ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

Ở Phần Lan, chị Ngân thường xuyên mua sắm ở những cửa hàng không người bán, đánh rơi đồ mấy tháng trời nhưng vẫn được trả lại. Sống ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới nhưng chị thấy người dân nơi đây "không bạt mạng kiếm tiền".

Cửa hàng không người bán

Sau khi kết thúc một ngày làm việc ở cửa hàng hoa, chị Thảo Ngân (sống tại Masku, Turku, Phần Lan) đi tới khu chợ gần nhà để mua ít đồ dùng cho gia đình. Bước qua các gian hàng, chị thảnh thơi lựa đồ rồi tự ra quầy quẹt mã sản phẩm, sau đó thanh toán bằng thẻ ngân hàng. 

Người Việt kể những chuyện lạ lùng ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 1

Quầy thu ngân tự động tại siêu thị Raisio - nơi chị Ngân thường mua sắm. Khách hàng tự lấy đồ và thanh toán.

Quá trình chị Ngân và các vị khách mua sắm, xếp đồ ra về không có sự giám sát hay can thiệp của nhân viên thu ngân hay chủ cửa hàng. 

Chị Ngân bảo, đây là kiểu mua sắm có thể gặp ở rất nhiều nơi trên đất nước Phần Lan, người bán tin tưởng tuyệt đối vào sự trung thực của khách hàng. Họ không sợ khách hàng lấy trộm mà không thanh toán.

Người Việt kể những chuyện lạ lùng ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 2
Người Việt kể những chuyện lạ lùng ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 3

Ở cửa hàng của mình, chị Ngân cũng thường bày các chậu hoa ra trước cửa. Các vị khách sau khi trả tiền có thể ra bên ngoài lựa hoa rồi đi luôn. Chị thường không kiểm tra xem họ có lấy thêm hoa hay cố tình đổi sang loại có giá trị cao hơn hơn không?

"Kể ra như thế để thấy rằng, lòng tin người Phần Lan dành cho nhau rất cao", chị Ngân chia sẻ câu chuyện đầu tiên với Dân trí khi kể về quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm 2022 - Phần Lan.

Theo báo cáo thường niên của Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc mới đây, Phần Lan tiếp tục dẫn đầu danh sách các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trong năm 2022. Đây là năm thứ 5 liên tiếp, Phần Lan đứng ở vị trí này.

Đánh giá về "hạnh phúc" cơ bản dựa vào các chỉ số như tuổi thọ, sức khỏe, thu nhập bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội trong thời kỳ khó khăn, mức độ tham nhũng và lòng tin xã hội. Cùng với đó là độ rộng lượng của cộng đồng và việc người dân được tự do đưa ra các quyết định quan trọng trong cuộc sống.

Người Việt kể những chuyện lạ lùng ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 4

Chị Ngân thường để khách tùy ý lựa chọn hoa và không kiểm tra lại trước khi họ rời đi.

Sinh sống tại đất nước Phần Lan 10 năm nay, chị Thảo Ngân chia sẻ, năm đầu tiên, khi nghe tin Phần Lan được xếp hạng là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, chị cũng có đôi chút bất ngờ. Song những năm tiếp theo chị thấy điều này là lẽ hiển nhiên.

Trước khi chuyển đến Masku, gia đình chị Ngân đã sinh sống ở thủ đô Helsinki của Phần Lan 5 năm.

Với những gì bản thân được trải nghiệm, người phụ nữ đang theo hệ vừa học vừa làm ngành Florist (ngành cắm hoa, chăm sóc hoa) khẳng định, đất nước Phần Lan xứng đáng với danh hiệu này bởi cuộc sống tại đây vô cùng "chất lượng". Có những điều mà người ở quốc gia khác coi là lạ lùng thì ở Phần Lan lại rất hiển nhiên và phổ biến.

Thiên đường trợ cấp

Sinh sống ở Phần Lan từ năm 1989, bà Nga Nguyễn Pakarinen, Chủ tịch Hội Người Việt tại Phần Lan nhận thấy chất lượng cuộc sống của người dân được duy trì ở mức khá cao trong suốt hơn 30 năm bà định cư tại đây. Theo bà Nga, Phần Lan thật sự là một trong những quốc gia có hệ thống hỗ trợ xã hội mạnh mẽ nhất. Lòng tin xã hội rất cao và người dân rất tin cậy vào Chính phủ. 

Đến Phần Lan lập nghiệp khi vừa học xong năm thứ 3 Trường ĐH Kinh tế TP. HCM, bà Nga được nhân viên của Văn phòng chuyên trách người nhập cư hỗ trợ tận tình. Bà Nga kể: "Thời gian đầu, tôi thấy cái gì cũng lạ. Tôi được thuê cho một căn hộ, trong đó có khá đầy đủ các vật dụng và nhu yếu phẩm cần thiết đủ dùng trong 1 tuần. Tôi được cấp mỗi tháng một khoản tiền trợ cấp để có thể tự mua thức ăn và vật dụng cần thiết.

Ban đầu tôi nghĩ đây là trợ cấp tạm thời cho những người mới nhập cư. Nhưng sau này tôi mới biết trợ cấp này có tên là Toimeentulotuki (trợ cấp sinh hoạt phí) dành cho tất cả công dân Phần Lan và những người có giấy phép định cư hoặc tạm cư dài hạn tại Phần Lan mà không có thu nhập để trang trải chi tiêu tối thiểu trong cuộc sống".

Người Việt kể những chuyện lạ lùng ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 5

Bà Nga Nguyễn Pakarinen, Chủ tịch Hội Người Việt tại Phần Lan

Chính vì vậy, bà Nga cho rằng, Phần Lan thật sự là "thiên đường của trợ cấp" với rất nhiều loại trợ cấp cho người dân trong những hoàn cảnh khác nhau như: Trợ cấp thất nghiệp; học bổng và học tập miễn phí từ mầm non đến đại học, kể cả các trường đào tạo nghề; trợ cấp hộ sản, nghỉ ốm, chăm sóc con dưới 3 tuổi tại nhà; trợ cấp chăm sóc người bệnh tại nhà; trợ cấp cư trú; trợ cấp sinh hoạt phí...

Mất đồ 2 tháng vẫn tìm lại được

Đồng tình với những nhận định trên, chị Thảo Ngân chia sẻ, chế độ phúc lợi xã hội ở Phần Lan rất tốt. Tất cả người dân dù giàu hay nghèo thì con cái vẫn được đi học trường công, sách vở , y tế và bữa trưa tại trường đều miễn phí. Người già trên 65 tuổi sẽ có lương hưu, dù cho trước đó họ làm làm bất cứ nghề nào hoặc thất nghiệp.

Cuộc sống ở quốc gia này được chị Ngân đánh giá là khá yên bình và an toàn. Trẻ em 8 tuổi có thể tự mình đi xe buýt hoặc đạp xe đến trường. Trung tâm thất lạc đồ được thành lập ở nhiều nơi.

"Tôi từng đánh rơi một túi tiền khoảng 10 triệu đồng ở công viên. Một người đã mang đến trung tâm thất lạc đồ trả lại. Bé nhà tôi từng làm rơi mũ trong trung tâm mua sắm. 2 tháng sau, chúng tôi tới trung tâm thất lạc thì vẫn thấy mũ của cháu đang được đặt ở đó. Tuy nhiên, Noel vừa rồi tôi bị rơi bao tay da trong chợ và mất luôn. Điều này có nghĩa là tỷ lệ mất đồ vẫn có song rất ít", chị Thảo Ngân kể.

Người Việt kể những chuyện lạ lùng ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 6

Gia đình 4 thành viên của chị Thảo Ngân và Phước Tồn

Chị Ngân đánh giá khu vực mình sống khá yên bình. Đôi lần cả gia đình chị ra ngoài quên khóa cửa nhưng tài sản trong nhà không bị mất mát. "Ở những vùng quê, dân cư thưa thớt, nhiều người cũng không lo chuyện khóa nhà, khóa xe. Tuy nhiên, ở thành phố và những nơi đông dân cư mọi người vẫn phải cẩn thận vì vẫn có thể xảy ra tình trạng trộm cắp", chị Ngân kể.

Mang thai và sinh con ở Phần Lan nên chị Thảo Ngân được hưởng chế độ thai sản vô cùng tuyệt vời. Chị Ngân kể, bác sĩ thăm khám miễn phí, hỏi rất kỹ về tình hình sức khỏe của 3 thế hệ. Em bé sinh ra được y tá theo dõi sự phát triển hàng tháng. Mỗi người mẹ sẽ được nhận 1 thùng quà gồm những vật dụng cần thiết như áo khoác, tã, quần áo, cắt móng tay…. cho bé trong 1-3 tháng đầu.

Thời gian sau sinh, phát hiện ra chị Thảo Ngân có dấu hiệu trầm cảm vì không có bạn bè, người thân, lực lượng y tế địa phương đã cử nhân viên đến nhà chị để nói chuyện và chăm sóc em bé giúp chị. Chị Ngân vì thế có thời gian ra ngoài thư giãn 1 lần/tuần như thời còn son rỗi.

"Suốt 3 tháng được hỗ trợ miễn phí, tôi có thời gian nghỉ ngơi, vượt qua được giai đoạn khủng hoảng", chị Ngân nhớ lại.

Sinh sống 8 năm ở Phần Lan, chị Lê Thị Ngọc Giao (hiện đang làm cố vấn chiến lược và vận hành doanh nghiệp cho một công ty trong lĩnh vực điện toán đám mây) thì kể cho PV về những tiện ích thân thiện trong các nhà hàng, siêu thị, khu vui chơi.

"Tại nhiều cửa hàng, người ta có thể tìm thấy một chiếc giỏ đựng gel xịt tóc, đồ dùng cá nhân cho phụ nữ, thậm chí còn có cả khăn giấy ướt để lau mắt kính hay lọ xịt khử mùi... và chúng hoàn toàn miễn phí… Đặc biệt, với những ông bố bà mẹ có con nhỏ thì các trung tâm thương mại luôn có một phòng chơi cho trẻ con đi kèm những tiện ích khác để chăm sóc trẻ khi đi ra ngoài như bàn thay tã, lò vi sóng hâm đồ ăn, ghế ăn cho trẻ, ghế bành có màn che để các mẹ thoải mái cho con bú", chị Giao kể.

Những ngôi nhà đặc biệt trong rừng

Tại Phần Lan, những chú chó cưng được đối xử rất đặc biệt. Rất nhiều người Phần Lan yêu động vật, họ nuôi các chú chó trong nhà và dắt chúng đi dạo, đi ăn cùng. Nhiều nhà hàng, quán cà phê có cả menu phục vụ thú cưng của thực khách.

Các chú chó cưng sẽ được phục vụ thực đơn gồm nước uống, đồ ăn nhẹ và thậm chí là đồ tráng miệng. "Không chỉ có nhà hàng, ở Phần Lan còn có cả công viên và nghĩa trang dành cho chó", chị Ngân kể.

Người Việt kể những chuyện lạ lùng ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 7
Người Việt kể những chuyện lạ lùng ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 8

Đất nước Phần Lan có tỷ lệ rừng bao phủ đến 75% diện tích, có những khu rừng và hồ rộng lớn nên ý người dân luôn hướng đến cuộc sống hòa mình vào thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Chị Ngân cho hay: "Giữa rừng hay các đảo nhỏ, chính quyền thường dựng nhà gỗ, bên trong có sẵn củi, bếp. Khi đi du lịch, chúng tôi chỉ cần mang thịt, xúc xích, đồ uống và bật lửa là đã có một buổi đi chơi vui vẻ.

Phần Lan chú trọng việc tái chế rác thải. Vỏ chai cocacola, lon bia, nước ngọt... đều được đem đi đổi trong các quầy thu gom vỏ chai lon tự động gần các khu chợ. Mỗi vỏ chai hay lon được đổi lấy 10-40 cent (khoảng 2.500 - 10.000 đồng).

Người Việt kể những chuyện lạ lùng ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 9
Người Việt kể những chuyện lạ lùng ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 10

Sau khi nhận vỏ chai, máy sẽ in ra tờ biên lai có mệnh tương ứng với từng loại vỏ chai, lon bia... Người dân dùng biên lai đó đi đổi lấy tiền hoặc dùng để thanh toán khi mua sắm.

Giá trị tiền đổi vỏ chai tuy không lớn nhưng lại giúp người dân có ý thức tái chế rác thải, bảo vệ môi trường.

Người Việt kể những chuyện lạ lùng ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 11
Người Việt kể những chuyện lạ lùng ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 12

Từ nhỏ, người Phần Lan đã dạy cho con trẻ tình yêu thiên nhiên. Chị Thảo Ngân kể: "Trẻ em Phần Lan phần lớn ở ngoài thiên nhiên vui chơi, khám phá. Bất kể âm mười mấy độ, mùa đông lạnh giá, trẻ em vẫn ra ngoài. Cha mẹ sẽ mặc ấm cho con, trùm thêm áo mưa. Cứ thế nhiều đứa trẻ có thể chơi trong tuyết hay các vũng nước suốt mấy tiếng liền.

Khi con chị Ngân đi học, mỗi thứ 3 hàng tuần cháu bé đều được đi vào rừng khám phá thiên nhiên. Có lần con chị cùng các bạn được cô giáo dẫn vào rừng chỉ để chôn ít vỏ chuối.

Vài tuần sau, cả lớp quay trở lại đào vỏ chuối lên, nghe cô giáo giảng dạy các bài học về rác thải, bảo vệ môi trường.

Người Việt kể những chuyện lạ lùng ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 13
Người Việt kể những chuyện lạ lùng ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 14
Người Việt kể những chuyện lạ lùng ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 15
Người Việt kể những chuyện lạ lùng ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 16

"Từ nhỏ trẻ con đã học được cách phân chia rác ra từng loại riêng biệt. Nhà trường sẽ cho các con đi nhặt rác trong rừng, sau đó tự phân thành các loại: rác hỗn hợp, rác kim loại, nhựa, giấy, thủy tinh…", chị Ngân cho hay.

Thư viện ở khắp nơi

Phần Lan nổi tiếng là một quốc gia thích đọc sách. Ngoài những thư viện cố định được bố trí khắp nơi còn có các thư viện di động. Đó là những chiếc xe rộng lớn chứa đầy sách.

Vào các buổi sáng trong tuần, chiếc xe di chuyển đến những nơi có nhiều trẻ nhỏ như nhà trẻ, trường học, công viên... Vào buổi tối, chiếc xe này sẽ tới các khu vực người dân sinh sống xa thư viện để phục vụ nhu cầu đọc sách.

Người Việt kể những chuyện lạ lùng ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 17
Người Việt kể những chuyện lạ lùng ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 18

Chị Ngân chia sẻ: "Sách trong các thư viện rất đa dạng, phục vụ đủ mọi ngành nghề lứa tuổi. Tôi học ngành chăm sóc hoa thì thư viện địa phương có tới hơn 50 quyển sách để tôi nghiên cứu, tham khảo. Nếu như thư viện địa phương không có, tôi có thể đặt mượn từ các thư viện lớn khác trong nước, họ sẽ vận chuyển về thư viện địa phương cho tôi và dịch vụ này hoàn toàn miễn phí".

Theo chị Ngân để người Phần Lan ham đọc sách, các gia đình luôn cho con cái làm quen với thư viện từ khi các bé mới chỉ 2-3 tuổi. Khi đi học, thư viện thường tổ chức các buổi đọc truyện cho các bé nghe.

Có lẽ chính vì điều này mà Phần Lan được mệnh danh là thiên đường cho người đọc sách. Giáo dục Phần Lan cũng trở thành nền giáo dục hàng đầu và là điểm đến mơ ước cho nhiều du học sinh. 

Hạnh phúc dù không "bạt mạng kiếm tiền"

Chồng chị Thảo Ngân - anh Phước Tồn làm nghề kỹ sư thiết kế du thuyền, đã sinh sống ở Phần Lan 32 năm thì nhận thấy, xã hội Phần Lan tôn trọng quyền cá nhân riêng tư của con người, người dân rất tin tưởng vào chính quyền, quan hệ giữa người với người rất bình đẳng, ai cũng như nhau. Giữa sếp và nhân viên có thể nói chuyện trao đổi tất cả các vấn đề. Việc sếp pha cà phê cho nhân viên uống là chuyện vô cùng bình thường tại đây.

Đặc biệt, anh nhận thấy, người Phần Lan sống đơn giản, nhìn bề ngoài khó đoán được họ giàu hay nghèo bởi họ thường không có thói quen khoe mẽ, không phô trương nhà lầu, xe sang.

Người Việt kể những chuyện lạ lùng ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 19
Người Việt kể những chuyện lạ lùng ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 20
Người Việt kể những chuyện lạ lùng ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 21

Từng có cơ hội được đi đến các quốc gia khác, chị Ngân cảm nhận thấy Phần Lan không cường thịnh như các nước khác trong khu vực. Song theo chị, người Phần Lan không quá áp lực chuyện tiền bạc, không phải "bạt mạng để kiếm tiền". Người dân nước này không bỏ hết thời gian ra để kiếm tiền.  

Với trải nghiệm 6 năm đi làm ở Phần Lan, chị Ngọc Giao (đang sinh sống ở thủ đô Helsinki) đồng tình cho rằng, nhìn chung người Phần Lan rất biết cân bằng giữa công việc và những khía cạnh khác của cuộc sống như gia đình, bạn bè, sở thích cá nhân, hoạt động thể thao.

Người Việt kể những chuyện lạ lùng ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 22
Nhìn chung, tôi thấy ở Phần Lan, mỗi người chịu khó bất tiện một chút để mang lại sự thoải mái cho tất cả mọi người.
Chị Ngọc Giao

"Việc làm ngoài giờ nếu có là lựa chọn cá nhân và sẽ được đền bù xứng đáng bằng tiền lương hoặc ngày nghỉ bù chứ không vì áp lực từ sếp, khách hàng hay đồng nghiệp. Người Phần Lan cũng rất coi trọng các đợt nghỉ dài trong năm để nạp lại năng lượng như nghỉ hè, nghỉ Giáng sinh, nghỉ đông trượt tuyết vào khoảng tháng 2", chị Giao chia sẻ.

Nhận xét về tính cách của người Phần Lan, bà Nga cho hay, do khí hậu lạnh nên người dân quốc gia này sống ở trong nhà nhiều hơn. Do ít quan hệ xã hội nên tính cách của họ không cởi mở như người dân các nước Trung Âu, Nam Âu. Tuy không cởi mở nhưng họ  rất tốt tính, ai đó cần sự giúp đỡ thì họ lại rất nhiệt tình.

Người Việt kể những chuyện lạ lùng ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 23

Là đất nước hạnh phúc nhất thế giới nhưng theo chị Thảo Ngân, Phần Lan vẫn còn có những điểm "không hoàn hảo". Đất nước này vẫn có những gia đình nghèo, vì dân số ít nên người dân phải đóng thuế khá cao, nhiều người sẽ vì thế mà "than phiền". 

"Ví dụ một người được công ty thưởng 1 tháng lương thì cũng phải trích ra một phần để đóng thuế. Lương các ngành nghề còn chênh lệch nên đôi khi vẫn có tình trạng biểu tình", chị Ngân kể.

Chị Ngọc Giao thì nhận thấy để xây dựng được một quốc gia hạnh phúc như hiện nay Phần Lan cũng phải có những "đánh đổi". Theo chị Giao, khi thiết kế một hệ thống y tế miễn phí cho tất cả mọi người, người dân phải chấp nhận cảnh phải đợi lâu hay đi xa để được chăm sóc y tế nếu không khẩn cấp. Ví dụ, phụ nữ mang thai sẽ không biết được chính xác họ sẽ sinh con ở đâu mà khi có dấu hiệu sinh, họ cần gọi điện lên tổng đài để được hướng dẫn đến bệnh viện phụ sản gần nhất có… chỗ trống.

Hay là khi thiết kế một hệ thống giáo dục chất lượng đồng đều để không đứa trẻ nào bị bỏ lại phía sau thì có những đứa trẻ có năng khiếu đặc biệt có thể không được đầu tư đủ nhiều để vươn lên đỉnh cao.

Khi được hỏi về trải nghiệm cảm giác hạnh phúc tại Phần Lan, chị Ngọc Giao chia sẻ, với chị sinh sống ở một nơi mà những người xung quanh ít đói khổ nhất là hạnh phúc.

Chị thường nói với bạn bè rằng, đặc sản ở Phần Lan không phải là sơn hào hải vị hay danh lam thắng cảnh hoành tráng mà là ở việc khi đi dạo trên phố, bạn không bắt gặp một người vô gia cư hay người đi xin ăn.

Còn với bà Nga Nguyễn Pakarinen, hạnh phúc mà bà cũng như rất nhiều người dân Phần Lan cảm nhận được đó chính là sự an tâm trong cuộc sống. Nếu không may có xảy ra bất trắc, hay ốm đau bệnh tật, già yếu neo đơn thì ai cũng sẽ được xã hội giúp đỡ, hỗ trợ. Ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới này, sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau.

Nội dung: Phạm Hồng Hạnh

Ảnh: Thảo Ngân - Kha Journey