Người đàn ông miền Tây hết mù, hết câm sau khi… chết đi sống lại?
(Dân trí) - Ông Nguyễn Văn Bé (76 tuổi, ở Cần Thơ) bị câm, mù suốt 24 năm cho đến một ngày ông ngất rồi chết lâm sàng, tỉnh lại có thể nói và nhìn thấy đường.
Ông Nguyễn Văn Thâu - nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ kể với chúng tôi về trường hợp hi hữu này: "Sau lần chết lâm sàng cách đây hơn 20 năm, ông Hai Bé (tức ông Nguyễn Văn Bé) hết mù, hết câm, nói chuyện bình thường. Ông ấy còn là một người hoạt động thiện nguyện tích cực tại địa phương".
Phóng viên Dân trí tìm đến khu vực Long Châu, phường Tân Lộc, hỏi thăm ông Bé, những người dân nơi đây vừa nghe tên là đã có thể kể vanh vách chuyện ông hồi sinh từ mấy chục năm trước.
Nằm cách bến phà Tân Lộc - Thốt Nốt khoảng 4-5 cây số, căn nhà của ông Bé vẫn đơn sơ với 3 gian gỗ địa phương, sàn nhà lót gạch tàu, mái lợp tôn. Thấy bóng dáng khách, ông Bé để chân trần đi thẳng vào buồng khoác áo, mặc thêm quần dài cho chỉnh tề bước ra tiếp khách. Ông khẳng định khi nghe phóng viên hỏi chuyện: "Không có chuyện thần thánh như lời người ta nói. Tôi chỉ là một người nông dân bình thường".
"Tôi là người trần mắt thịt, là nông dân vừa nghèo, vừa câm, vừa mù"
Ông Bé đã 76 tuổi, bị câm năm 27 tuổi, bị mù năm 48 tuổi và hết câm, hết mù năm 52 tuổi. Trước đây, ở cù lao Tân Lộc người ta quen gọi là ông Bé "câm". Chuyện thần kỳ về ông lão này vốn không còn mới nên lời đồn thổi cũng được lan truyền khắp Đồng bằng sông Cửu Long.
"Hơn 20 năm rồi nhà tôi chưa từng ngơi khách, người ta đến hỏi han, coi mặt tôi. Đông nhất là hồi năm 2001, khi mắt tôi sáng lên và nói được. Người dân đến đông nghẹt từ nhà ra sân. Khuya tôi với vợ phải lái ghe trốn về quê vợ ở Đồng Tháp, 3 tháng sau mới dám về nhà", ông Bé nhắc lại chuyện cũ.
Ông kể, mình sinh năm 1949, là con cả trong gia đình thuần nông gồm 6 anh em. Năm 26 tuổi, ông lấy vợ rồi được cha mẹ cho một mảnh đất vừa đủ cất căn nhà nhỏ sát vách. Gia cảnh nghèo khó, ai thuê gì ông Bé làm đó, không có dư nhưng đủ để nuôi vợ con. Cuộc đời cứ trôi đi bình yên cho tới năm 28 tuổi.
"Tôi ngày ấy như bao thanh niên trong xóm, sinh ra lành lặn. Thứ tôi nhớ nhất lúc ấy là nhà mình rất nghèo, nhà nghèo tới nỗi có hôm ôm bụng đói đi ngủ", ông Bé run giọng khi nhắc về ngày xưa.
Năm 1977, khi đang cuốc đất thuê ngoài đồng, ông Bé bỗng dưng xây xẩm rồi bị ngã, lúc tỉnh dậy thấy mình đang truyền nước trong trung tâm y tế địa phương, xung quanh là người nhà. Ông cố hỏi, nhưng cổ họng không phát thành tiếng.
"Tôi thấy vợ, anh chị em trong nhà vây quanh mình và dù nghe rất rõ họ hỏi han nhưng cổ họng tôi lại không tài nào phát ra tiếng", ông kể.
Sau gần một tuần điều trị, ông Bé được chuyển lên Bệnh viện tuyến trên với kết quả chẩn đoán bị đông máu thần kinh trung ương và được cho xuất viện trong tình trạng tỉnh táo nhưng không nói được, yêu cầu tái khám mỗi tháng một lần. Nhắc lại đoạn này, ông lão sinh năm 1949 vẫn còn nhớ như in tên 2 vị bác sĩ chữa trị cho mình thời gian ấy.
Khi bác sĩ cho về, ông Bé vẫn không tin mình bị câm bởi thể trạng của ông khi ấy như bao người khác, khỏe mạnh, ai thuê gì cũng có thể làm, duy chỉ có việc nói như ngày trước là không.
Gia đình ông Bé sau đó vay mượn khắp nơi để chạy chữa từ Tây y sang Đông y nhưng cố mấy cũng không thể chữa hết. Mãi cho đến 4 năm sau lão nông dân nghèo mới chấp nhận sự thật: Mình bị câm.
Thấy gia cảnh khó khăn, chính quyền địa phương đưa ông Bé vào diện được trợ cấp khuyết tật. "Vợ tôi sinh cho tôi 3 người con trai, tôi nghĩ bụng mình bị câm nhưng còn sức khỏe để đi làm nuôi cả nhà đã may mắn lắm rồi. Nghĩ vậy mà tôi cố", ông xúc động
Những tưởng ấy là biến cố lớn nhất đời cho đến 20 năm sau, công cuộc vượt lên nghịch cảnh của ông Bé bị "níu lại".
"Năm 1997, sau khi ngủ dậy, tôi thấy tối sầm, hoảng loạn. Tôi được gia đình đưa đến bệnh viện nhưng một lần nữa, bác sĩ cũng bó tay. Thấy tôi mù nên vợ con đưa về nhà. Làng xóm nói với vợ tôi, tôi bị ân trên quở trách, bà ấy âm thầm mời thầy cúng, xin bùa về chữa cho chồng, nhưng đều không đúng bệnh. Câm 20 năm giờ lại thêm mù, tôi đã nghĩ đến chuyện giải thoát cho vợ con", ông kể.
Không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận, ông Bé được gia đình trấn an vượt qua nghịch cảnh. Thông qua những giác quan còn lại, giúp ông học đan tre. Cùng với chiếc gậy dò đường, ông lão mù, câm ấy đi rao bán rổ, rá làm bằng tre kiếm tiền viết tiếp cuộc đời.
"Tôi chết và được sống lại vì một lời hứa với đời"
Rằm tháng Bảy năm 2001, tức là 24 năm sau khi bị câm và mù, gia đình ông Bé dâng mâm cơm chay để cầu sức khỏe, bình an. Nhưng trước bàn hương án, ông lão câm mù ấy không ngừng nhen nhóm hy vọng.
"Gia đình tôi đang cúng chay, sau khi bày biện lễ vật xong thì con trai lớn mới dắt tôi ra làm lễ. Tôi đốt nén nhang nguyện trong lòng: "Con khổ quá rồi, nếu ân trên có thương con thì xin cho con hết câm, hết mù, suốt đời còn sẽ làm từ thiện"".
Một lúc lâu sau khi cúng, ông Bé than đau đầu rồi ngất lịm trong sự hoảng loạn của người nhà.
Bà Mai Thị Dễ (vợ ông Bé) kể lại chuyện 24 năm về trước. Bà cho biết, dù đã hơn 2 thập kỷ qua đi nhưng bà vẫn không sao quên được khi là người tận mắt chứng kiến cảnh chồng té rồi ngưng tim, da thịt lạnh ngắt, tím lịm như người chết.
"Ông ấy ngất là tôi đã run hết tay chân, tôi kêu cứu với hàng xóm, vừa kêu vừa khóc, cho tới khi ông Tằng (hàng xóm sát vách nhà ông Bé), chạy sang coi. Khi thấy ông ấy đơ dưới đất, không còn thở. Ông Tằng nói: "Ổng ấy chết rồi". Tôi nghe mà rụng rời tay chân", bà Dễ kể lại.
Thương cảm, nhiều người cùng xóm kéo đến lo hậu sự giúp bà Dễ. Họ phụ nhau khiêng ông Bé đặt lên giường. Đốt nhang xuyên suốt như một thủ tục trước khi nhập quan. Trong tiếng khóc nấc của vợ con, ông Bé lúc này mới choàng tỉnh dậy.
Tiếp lời vợ, ông Bé kể với phóng viên: "Lúc đó, tôi cất tiếng hỏi: "Sao nhà mình đông quá vậy?". Nghe xong ai cũng bỏ chạy, họ tưởng là vong nhập vô tôi. Hàng xóm kêu vợ với các con giữ tay tôi lại vì nghĩ là vong nhập. Đến khi tôi xác nhận đúng tên từng nhân thân trong gia đình, họ mới tin tôi còn sống", ông Bé kể rồi bật cười.
"Hơn 20 năm các con không được nghe ba nói, đùng một cái ổng gọi tên từng đứa khiến chúng cũng hết hồn", bà Dễ bật cười kể.
Sau ngày ấy, ông Bé giữ đúng lời hứa, dùng phần đời còn lại làm từ thiện.
"Tôi thấy mình còn ngon lành, còn sức để đi tiếp cái đời nông dân khổ nhọc. Tôi muốn trả cái nghĩa, cái ơn mà bà con dành cho tôi khi bệnh tật. Ngẫm lại tôi mới thấy, chỉ có thân thể này mới đúng là của mình, còn vật chất ngoài kia đều là của xã hội", giọng ông trầm ngâm.
Suốt những tháng sau đó, căn nhà ở cù lao Tân Lộc của ông Nguyễn Văn Bé luôn chật kín người tò mò đến xem, thăm hỏi. Ông sau đó được một nhà hảo tâm tài trợ đi học Trung cấp Y học cổ truyền ở TP Cần Thơ; ông tham gia các hoạt động của Hội Đông y TP Cần Thơ.
Khi đã có đủ vốn kiến thức, ông lão may mắn về quê nhà xin giấy kiểm định công dụng nước bông sen do chính ông chưng cất có tác dụng trị bệnh mất ngủ, tim mạch. Sau khi được TP Cần Thơ chứng nhận là an toàn, ông đong thành từng can và phát miễn phí cho người dân. Công việc này cứ thế duy trì suốt 2 thập kỷ qua.
Ông Đinh Minh Thương - Chủ tịch UBND phường Tân Lộc (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) xác nhận ông Bé là người địa phương. Tuy nhiên, việc ông Bé bị câm, mù đã xảy ra quá lâu nên địa phương không nắm.
Còn bà Trần Thị Bảy (67 tuổi, khu vực Long Châu, phường Thốt Nốt) kể, việc ông Bé bị câm và mù rồi hết có người dân sống lâu năm ở địa phương còn nhớ.
"Đúng là trước đây ông ấy mù chống gậy dò đường đi bán mấy cái giỏ tre. Hỏi ông Bé thì không ai biết nhưng hỏi Bé "mù" người ta mới biết, rồi sau đó thấy ông ấy đi lại trong xóm bình thường. Lúc đó, nhiều đài truyền hình xuống quay lắm, báo đài người ta xuống đây đưa tin về ổng suốt", bà Bảy nói.