DNews

Người đàn ông bán nhà ở Hà Nội, về Ninh Bình làm... "người nhà quê"

Nguyễn Ngoan

(Dân trí) - Sau gần hai thập kỷ gắn bó với Hà Nội, anh Trần Văn Tưởng quyết định rời bỏ nhịp sống hối hả nơi đô thị để tìm về sự bình yên giữa thiên nhiên ở Ninh Bình.

Người đàn ông bán nhà ở Hà Nội, về Ninh Bình làm... "người nhà quê"

Sáng sớm tại Bản Sau, (Kỳ Phú, Nho Quan, Ninh Bình), không khí trong lành và yên bình bao trùm cả khu vực.

Gia đình anh Trần Văn Tưởng (41 tuổi) thức dậy muộn hơn so với khi còn ở Hà Nội, không phải vội vã chuẩn bị cho một ngày làm việc bận rộn. Cả gia đình quây quần bên bàn ăn, thưởng thức bữa sáng.

Cậu con trai vui vẻ kể cho cha mẹ nghe về những giấc mơ đêm qua, còn anh Tưởng và chị Mai Sáu (36 tuổi) cùng nhau trao đổi công việc, không còn lo lắng về thời gian hay vội vã đến công ty. 

"Đây mới chính là cuộc sống mà tôi mong muốn", anh Tưởng chia sẻ sau thời gian chuyển từ Hà Nội về sinh sống tại Ninh Bình.

Người đàn ông bán nhà ở Hà Nội, về Ninh Bình làm... người nhà quê - 1

Gia đình anh Tưởng hạnh phúc với cuộc sống mới tại Ninh Bình.

Con đường bỏ phố về quê

Anh Tưởng sinh ra tại Gia Viễn, Ninh Bình, nhưng phần lớn thời gian trưởng thành và lập nghiệp của anh gắn bó với Hà Nội. Tốt nghiệp chuyên ngành Việt Nam học từ Đại học Thành Đô, anh Tưởng đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm hướng dẫn viên du lịch nội địa và quốc tế.

Sau đó, anh chuyển hướng sang làm người dẫn chương trình sự kiện và chuyên tổ chức các chương trình team building (một hoạt động được tổ chức dưới dạng khóa học hay trò chơi ), với thu nhập ổn định. Cuộc sống của anh luôn xoay quanh công việc, sự năng động và những chuyến đi khám phá.

Trong khi vợ anh, chị Sáu, tốt nghiệp Khoa Du lịch tại Viện Đại học Mở Hà Nội. Chị hiện điều hành một phòng vé máy bay, chủ yếu làm việc qua các nền tảng online và quản lý công việc qua máy tính.

Cuộc sống gia đình vốn ổn định, tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, mọi thứ đảo lộn. Công việc đình trệ, thu nhập không ổn định, áp lực cuộc sống ngày càng đè nặng lên vai vợ chồng anh.

Họ bắt đầu lên kế hoạch dài hạn để thay đổi cuộc sống, tìm kiếm một lối thoát khỏi sự mệt mỏi ở Thủ đô. Họ mong muốn có một nơi để trở về sau những giờ làm việc căng thẳng, một không gian mà con cái có thể thoải mái vui chơi mà không bị gò bó bởi nhịp sống thành phố.

"Cuộc sống ở Hà Nội mang lại cho tôi nhiều cơ hội, nhưng cũng khiến tôi cảm thấy kiệt sức. Giao thông tắc nghẽn, không khí ô nhiễm, công việc bận rộn khiến gia đình tôi luôn trong tình trạng căng thẳng.

Chúng tôi bắt đầu khao khát một không gian sống trong lành, nơi có thể thả lỏng và tận hưởng cuộc sống sau những ngày làm việc mệt mỏi", anh chia sẻ về lý do quyết định tìm một nơi ở mới.

Trước khi rời Hà Nội, anh đã thảo luận cùng vợ và quyết định chọn Ninh Bình là nơi sẽ gắn bó lâu dài. Đây cũng là quê hương của anh Tưởng. Khi quyết định được đưa ra, anh chuẩn bị rất kỹ lưỡng, tìm hiểu về môi trường sống và các cơ hội công việc tại Ninh Bình.

Người đàn ông bán nhà ở Hà Nội, về Ninh Bình làm... người nhà quê - 2
Người đàn ông bán nhà ở Hà Nội, về Ninh Bình làm... người nhà quê - 3

Anh Tưởng mua một mảnh đất ở Bản Sau, Kỳ Phú, Nho Quan, Ninh Bình, cải tạo thành nơi sinh sống.

Việc chuyển về đây không phải là một quyết định dễ dàng, vì gia đình phải đối mặt với nhiều thay đổi lớn trong cuộc sống. Tuy nhiên, tất cả đều đồng ý với lựa chọn này vì mong muốn có một không gian sống gần gũi với thiên nhiên và ít căng thẳng hơn. Dù vậy, đôi lúc họ cũng cảm thấy do dự, nhất là khi phải rời xa những người bạn cũ và các mối quan hệ lâu dài ở Hà Nội.

Tháng 3/2021, giữa lúc dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, gia đình anh Tưởng quyết định mua một khu đất ở Bản Sau, Kỳ Phú, Nho Quan, Ninh Bình - một vùng đất mà trước đó họ chưa hề quen biết ai. Khoảng cách từ đây về quê gốc Gia Viễn là 25km, đủ gần để kết nối nhưng cũng đủ xa để tận hưởng sự yên tĩnh của thiên nhiên.

Dù đã sở hữu đất, nhưng họ không vội vàng chuyển về ngay. Cả gia đình vẫn duy trì công việc tại Hà Nội, con cái tiếp tục học tập, trong khi song song chuẩn bị cho cuộc sống ở nơi mới. Đến tháng 8/2023, anh bắt đầu cải tạo lại căn nhà cũ để có thể về vào cuối tuần, dần thích nghi với nhịp sống nông thôn.

Bước ngoặt thực sự diễn ra vào tháng 5/2024, khi anh và gia đình quyết định rời Hà Nội hẳn để định cư tại Bản Sau. Đây là quyết định lớn, không chỉ vì công việc mà còn vì thay đổi hoàn toàn môi trường sống và các mối quan hệ.

Người đàn ông bán nhà ở Hà Nội, về Ninh Bình làm... người nhà quê - 4

Căn nhà của anh Tưởng được bao trọn bởi núi rừng, cây xanh.

Những ngày làm "người nhà quê"

Ở Ninh Bình, cuộc sống của gia đình anh thay đổi đáng kể. Không còn những buổi sáng vội vã giữa dòng xe cộ đông đúc hay những đêm muộn với công việc, thay vào đó là những ngày bình yên giữa thiên nhiên, những buổi chiều thảnh thơi bên vườn cây và những khoảnh khắc trọn vẹn bên gia đình.

Anh vẫn tiếp tục công việc nhưng theo cách linh hoạt hơn. "Tôi làm việc từ xa, tập trung vào những dự án phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Mặc dù thu nhập không còn cao như trước, nhưng chi phí sinh hoạt ở đây thấp hơn, và quan trọng nhất là chúng tôi cảm thấy hạnh phúc hơn", anh chia sẻ.

Một điểm thay đổi rõ rệt là cách giáo dục con cái. Năm qua, gia đình anh thử nghiệm phương pháp học tại nhà, để con có thể vui chơi, khám phá thiên nhiên và học theo cách tự nhiên nhất.

"Con thích nghi rất tốt, và chúng tôi có nhiều thời gian bên nhau hơn bao giờ hết, sức khỏe của con cũng được cải thiện khi tránh xa bầu không khí ô nhiễm tại Hà Nội", anh nói.

Tuy nhiên, hành trình "bỏ phố về quê" không hoàn toàn suôn sẻ. Ban đầu, việc thích nghi với nhịp sống mới, tìm cách duy trì thu nhập và xây dựng các mối quan hệ trong cộng đồng là một thử thách không nhỏ.

"Tôi từng quen với môi trường làm việc nhanh, cường độ cao ở thành phố, nên khi về đây, tôi phải học cách sống chậm lại, kiên nhẫn hơn và tìm niềm vui trong những điều giản dị", anh chia sẻ.

Ngoài ra, sự khác biệt về văn hóa, cách sinh hoạt giữa thành phố và vùng quê cũng khiến anh cần thời gian để thích nghi. "Những ngày đầu, tôi thấy khá lạ lẫm, nhưng dần dần, tôi nhận ra mọi người ở đây sống rất gần gũi, chân thành, và điều đó giúp tôi cảm thấy đây thực sự là nhà", anh nói.

Sau một thời gian sống tại Bản Sau, anh Tưởng nhận ra quan điểm sống của mình đã thay đổi đáng kể. Nếu như trước đây, anh chạy theo công việc và những áp lực của thành phố, thì giờ đây, anh học cách sống chậm, trân trọng từng khoảnh khắc và những niềm vui giản đơn.

Người đàn ông bán nhà ở Hà Nội, về Ninh Bình làm... người nhà quê - 5
Người đàn ông bán nhà ở Hà Nội, về Ninh Bình làm... người nhà quê - 6

Rời bỏ cuộc sống xô bồ ở Hà Nội anh Tưởng tận hưởng cuộc sống cùng con ở vùng quê thanh bình.

"Tôi dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, trồng cây, làm vườn, hít thở không khí trong lành. Chúng tôi không chỉ sống mà còn thực sự tận hưởng cuộc sống", anh chia sẻ.

Anh cũng dự định tham gia nhiều hơn vào các hoạt động cộng đồng, tìm cách kết nối với người dân địa phương, đồng thời phát triển các dự án liên quan đến du lịch bền vững và bảo vệ môi trường. "Tôi muốn tạo ra một mô hình sống vừa hiện đại, vừa gắn bó với thiên nhiên, để không chỉ gia đình tôi mà nhiều người khác cũng có thể tận hưởng cuộc sống bình yên này", anh nói.

Còn đối với Hà Nội, anh chia sẻ mình sẽ  không quay lại sinh sống lâu dài, nhưng thỉnh thoảng vẫn sẽ trở lại để thăm bạn bè, người thân và tham gia các sự kiện công việc.

"Hà Nội vẫn là một nơi quan trọng đối với tôi, nhưng tôi cảm thấy rằng lối sống hiện tại ở Ninh Bình là phù hợp với gia đình tôi hơn", anh Tưởng nói.

Với những ai đang cân nhắc từ bỏ thành phố để tìm về quê hương, anh Tưởng cho rằng điều quan trọng nhất là phải xác định rõ mong muốn và mục tiêu của bản thân. "Đừng nghĩ rằng về quê là một lối thoát dễ dàng. Nó cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ tài chính, công việc cho đến tâm lý. Quan trọng nhất là bạn phải thật sự yêu thích cuộc sống này", anh chia sẻ.

Cuộc sống ở nông thôn không có sự tiện nghi như thành phố, nhịp sống chậm hơn, nhưng bù lại, nó mang đến sự thư thái, gần gũi với thiên nhiên và đặc biệt là sự gắn kết gia đình. Nếu bạn sẵn sàng chấp nhận những thay đổi này, thì đó có thể là một quyết định đúng đắn.

Ảnh: Nhân vật cung cấp