(Dân trí) - Sinh con đủ cả nếp lẫn tẻ, bà Thắm luôn nghĩ mình sẽ có cháu nội, cháu ngoại bế bồng. Nhưng bà không thể ngờ, từ nhỏ, hai anh em Tùng - Nhi đều thầm ao ước mình được hoán đổi vị trí cho người kia.
Hy hữu: Gia đình có anh chuyển giới thành nữ, em gái chuyển giới thành nam
(Dân trí) - Sinh con đủ cả nếp lẫn tẻ, bà Thắm luôn nghĩ mình sẽ có cháu nội, cháu ngoại bế bồng. Nhưng bà không thể ngờ, từ nhỏ, hai anh em Tùng - Nhi đều thầm ao ước mình được hoán đổi vị trí cho người kia.
Một ngày năm học cấp hai, Lê Kim Tùng tình cờ phát hiện em gái Yến Nhi đọc những câu chuyện về tình yêu trong cộng đồng LGBT. Người anh cả trốn vào một góc ôm mặt khóc. Tùng thương Nhi và thương cho chính mình.
Bản thân Tùng không được mang hình hài mình mong muốn đã là bi kịch, cậu không ngờ, người em cũng thuộc thế giới thứ ba giống mình. Tùng nghĩ đến bố mẹ và tự đặt câu hỏi, rồi đây, họ phải làm thế nào để đối diện với sự thực phũ phàng "hai đứa con đều không bình thường".
"Nếp" và "tẻ" chỉ muốn được đổi chỗ cho nhau
Lê Kim Tùng (SN 1991) và Lê Thị Yến Nhi (SN 1997) là hai con của vợ chồng bà Trần Thị Thắm (52 tuổi) ở TP. Hải Phòng. Như bao người mẹ khác, khi con còn nhỏ, bà Thắm thường mua cho con trai Kim Tùng những bộ quần áo siêu nhân, ô tô hay họa tiết kẻ tối màu. Về phần Yến Nhi, bà mua cho con những bộ váy màu sắc bồng bềnh, cho con nuôi tóc dài, cài nơ trên đầu…
Lê Kim Tùng (SN 1991) chuyển giới nam thành nữ (áo trắng bên trái), Lê Thị Yến Nhi (SN 1997) nữ chuyển thành nam (áo nâu bên phải).
Tuy nhiên, trái với mong muốn của bố mẹ, từng ngày, anh em Tùng - Nhi âm thầm mong muốn mình được là người kia, được mặc quần áo của nhau hay được bố mẹ hoán đổi cách cư xử.
Mỗi dịp lễ Giáng sinh, khi viết thư cho ông già Noel, Nhi thường xin quà là siêu nhân, kiếm, ô tô. Khi xem phim kiếm hiệp Trung Quốc, Nhi đặc biệt yêu thích những nhân vật nữ cải trang nam. Nhi thích mặc quần túi hộp, áo rằn ri (những bộ quần áo được mua theo sở thích của bố).
Khi mẹ cho Nhi mặc những bộ đồ diêm dúa, màu sắc, Nhi miễn cưỡng chấp nhận. Song cô bé Nhi khi ấy đã thủ sẵn trong túi một bộ đồ con trai, chỉ chờ đến trường là thay ra ngay lập tức. Những đôi dép nữ đi dưới chân khi đến lớp, Nhi thường giấu thật kỹ trong góc, chờ khi nào các bạn ra về mới lấy ra đeo rồi rời lớp cuối cùng để không ai nhìn thấy.
"Với vẻ bề ngoài là con gái của tôi thì việc đeo dép nữ là hoàn toàn bình thường. Song tôi luôn nghĩ, sẽ thật xấu hổ nếu bị người khác nhìn thấy mình với bộ dạng ấy. Từ nhỏ, tôi đã luôn suy nghĩ và hành động như một đứa con trai", Nhi nói với PV Dân trí.
Lên cấp hai, khi bố mẹ chia tay, anh em Nhi sống cùng bố. Nhi thường được mẹ cho tiền nên có một khoản quỹ riêng. Cô bắt đầu tự mua những chiếc áo phông, áo bóng đá. Đến trường, cô thay áo lá (áo ngực cho con gái tuổi dậy thì) bằng áo phông. Bên ngoài, Nhi mặc thêm chiếc áo sơ mi, áo đồng phục để che giấu bộ ngực tuổi mới lớn. Nhi thích được bạn bè gọi là "Nhi tomboy" thay vì "chị Nhi", "cái Nhi"…
Sống cùng dưới một mái nhà, thấy Yến Nhi được mẹ mua cho nhiều đồ con gái, được đưa ra hàng để gội đầu, chăm sóc tóc hàng tuần, Tùng thầm ước mình được như em gái. Hàng ngày, Tùng thường chơi với các bạn gái, yêu thích các bộ phim có nhân vật nữ xinh đẹp, giỏi giang.
Tùng dễ xúc động và thường khóc một mình nếu gặp chuyện gì ấm ức hay bị bố trách phạt. Khoảng thời gian cấp ba, Tùng từng tham gia đóng một số phim ngắn với vai diễn là một cậu nhóc. Tuy nhiên, sau mỗi lần đóng phim, Tùng sợ nhìn thấy hình dáng con trai của mình nên không dám xem lại.
Mỗi lần nghe bố mẹ, họ hàng nhắc đến chuyện sau này người cháu đích tôn như Tùng lấy vợ sinh con, cậu cảm thấy có một nỗi sợ hãi vô hình. Cho đến khi tiếp cận với cộng đồng người chuyển giới qua internet, Tùng mới hiểu được sự khác biệt của bản thân.
Hiểu được con người mình, Tùng cũng đủ tinh tế để nhận ra những tâm sự ẩn sâu trong lòng Yến Nhi. Tùng phát hiện ra Nhi không mặc áo lá, hay lên mạng đọc truyện tình yêu của người đồng giới… Tùng có lần đã viết thư rồi nhét vào cặp em để hỏi sự thực. Nhưng Nhi vẫn phủ định mọi chuyện.
Một lần, sau khi được Tùng giải vây khỏi đám bạn bắt nạt, Nhi thực sự xúc động khi nghe anh trai nói: "Có chuyện gì cũng phải nói ra để cùng nhau giải quyết".
"Hôm đó, tôi mạnh dạn hỏi Nhi rằng: "Nhi thích con gái hả?". Yến Nhi nghe thấy thế không phủ nhận như lần trước nhưng cũng không trả lời. Nhi chỉ hỏi lại: "Thế anh yêu con trai phải không?". Hai chúng tôi không ai trả lời ai mà chỉ cùng cười", Kim Tùng chia sẻ.
Ước mơ của bố mẹ về những đứa cháu nội, cháu ngoại
Sinh con đủ cả nếp lẫn tẻ, vợ chồng bà Thắm luôn nghĩ gia đình của họ sẽ bình thường như bao gia đình khác. Về già họ sẽ có cháu nội, cháu ngoại bế bồng. Tuy nhiên, dần dần, họ nhận ra những khác biệt ở hai đứa con. Đầu tiên là từ Kim Tùng - đứa con trai cả, cháu đích tôn của dòng họ.
Thấy những biểu hiện trái ngược với vẻ bề ngoài của con, vợ chồng bà Thắm tìm nhiều cách thay đổi, người bố thậm chí còn dùng tới roi vọt.
Tùng chia sẻ, từ nhỏ Tùng luôn được bố rèn cho tư thế đĩnh đạc của một người đàn ông. Nói chuyện phải nhìn thẳng vào người khác, nói to, rõ ràng, khi ăn không bao giờ được ngồi quay mặt vào tường mà phải nhìn ra phía ngoài.
Mỗi bữa cơm, bố của Tùng thường hẹn giờ đúng 15 phút và yêu cầu con phải hoàn thành bữa cơm trong từng ấy thời gian vì "nam thực như hổ", không thể ăn uống thỏ thẻ, chậm chạp như đàn bà con gái. Thấy bố đối xử với mình quá nghiêm khắc và "dữ đòn", nhiều lúc Tùng tự hỏi liệu có phải bố ghét mình hay mình không phải là con đẻ của bố.
Dưới áp lực của gia đình, Tùng gồng lên sống như một chàng trai, để đầu đinh, đi giày thể thao, thi thoảng còn tụ tập đánh nhau… Tuy vậy, càng ngày khi lớn lên, Tùng không thể che giấu được bản thân mình.
Cậu cứ từng chút một thể hiện sự nữ tính. Tùng để tóc dài, buộc chỏm theo phong cách unisex rồi nuôi dài hẳn. Tùng trang điểm, đánh son màu nude rồi chuyển sang màu đỏ, màu hồng, độn ngực khi mặc trang phục con gái…
Năm 20 tuổi, cậu được một nhóm chuyển giới nữ ở Hải Phòng mời đi diễn. Lần đầu đi guốc, mặc áo dài, Tùng không chút ngượng ngùng. "Diễn xong, tôi chụp hẳn một bộ hình làm kỷ niệm vì quá hạnh phúc", cậu kể. Năm 2019, Tùng quyết định phẫu thuật ngực và đổi tên thành Cô Cô Kim.
Về phần Nhi, từ ngày biết mình có đồng minh, Nhi cũng mạnh dạn sống với những mong muốn của bản thân. Năm 12 tuổi, Nhi cắt phăng mái tóc dài. Nhi mừng thầm trong lòng khi được ai nhận nhầm là một thằng con trai.
Song bà Thắm thì cực kỳ nhạy cảm. Ai đó có gọi nhầm Nhi là con trai thì bà lại vội vàng đính chính đó là con gái thứ hai của bà.
Nhi (bên trái) khi còn nhỏ và Nhi của hiện tại với vẻ ngoài nam tính.
Nhiều lần mẹ Nhi đã tỏ rõ sự tức giận khi có người nói Nhi chẳng giống con gái chút nào, hoặc "cháu nó sau này sẽ không yêu đàn ông đâu". "Mẹ tôi vẫn cố nuôi chút hy vọng về Yến Nhi", Kim nói.
Thấy hai con càng lớn càng khác, người bố chỉ biết thở dài. Ông không ủng hộ, không phản đối mà chỉ lặng im.
Kim tâm sự: "Sau mỗi lần chúng tôi có sự thay đổi nào đó, bố thường không nói gì. Thi thoảng ông ngồi lặng im suy tư một mình. Nhìn dáng vẻ ấy, tôi hiểu ra ngày xưa bố đánh tôi không phải vì ông ghét tôi. Ông có lẽ đã chấp nhận bản thân bị mang tiếng là cục cằn, độc ác chỉ vì cố gắng "gò" con vào khuôn khổ và thay đổi "đứa con trai" của mình".
Không trầm tĩnh được như chồng, bà Thắm hết lần này đến lần khác khóc và đòi tự vẫn. Thậm chí, người mẹ này nghĩ rằng, tại vì Kim Tùng nên Yến Nhi mới bắt chước theo. Tại vì con trai cả nên con gái mới thích chuyển thành giới tính ngược lại.
"Có lần mẹ bảo tôi, con như thế, mẹ đã phải chấp nhận rồi. Giờ đến em cũng như thế, thì mẹ không thiết sống nữa", Kim kể lại lần nói chuyện với mẹ trong nước mắt.
Để mẹ dần hiểu ra, Kim luôn khẳng định cả hai cảm thấy rất hạnh phúc khi được sống với con người thật của chính mình. Họ cũng cảm thấy áy náy, day dứt khi không thể có một cuộc sống hôn nhân bình thường, sinh ra những đứa trẻ như bố mẹ mong muốn. Song họ mong được bố mẹ chia sẻ điều đó.
Con sẽ vẫn hạnh phúc dù không ở trong hình hài bố mẹ trao cho
Mấy năm gần đây, Kim tham gia vào cộng đồng dành cho người chuyển giới, truyền cảm hứng sống tích cực cho mọi người, đồng thời tuyên truyền về tình dục đồng giới lành mạnh. Trên mạng xã hội, Kim gắn thẻ tên mẹ các bài viết, chia sẻ của cộng đồng LGBT.
"Trong seri các chương trình nói về cộng đồng người chuyển giới của nghệ sĩ Lâm Khánh Chi, nhiều bạn trẻ đã chia sẻ vô số câu chuyện bất hạnh, đáng thương khi phát hiện ra mình thuộc về giới tính thứ ba… Có người không được gia đình chấp nhận phải bỏ nhà đi, phải sống cuộc sống khổ sở, có trường hợp thậm chí còn bị bố mẹ ép ngủ với người khác giới…", Nhi kể.
Xem được những bài viết, video đó, bà Thắm đã hiểu và thương con mình nhiều hơn. Người mẹ nhận ra sự cô đơn của các con khi không được cha mẹ thấu hiểu.
Trong một sự kiện LGBT tổ chức ở Thái Bình năm 2020, Kim đưa bà Thắm tới tham dự. Sau khi được mời lên sân khấu, bà Thắm đã nói trong nước mắt: "Tôi sinh ra hai đứa con hình hài xinh đẹp. Khi biết các con đều là người chuyển giới, tôi thực sự rất đau lòng.
Khi con trai tôi đi làm ngực, tôi thương và xót xa lắm. Dao kéo đặt lên người các con cũng như đặt lên một người mẹ như tôi".
Tại sự kiện này, bà Thắm đã gặp gỡ rất nhiều bạn trẻ trong giới của con. Nhiều người còn được cả bố lẫn mẹ đưa đến. Bà nhận ra, có rất nhiều người giống con mình, ai cũng xinh đẹp, có công việc và cuộc sống tốt đẹp.
Trước khi đi dự sự kiện ở Thái Bình, bà Thắm vẫn ôm một tia hy vọng le lói về Yến Nhi. Nhưng khi thấy cô công khai bản thân tại đây, đổi tên thành Bình Nhi, bà Thắm biết mình không thể thay đổi được ý trời.
Từ ngày chính thức nói về con người thật của mình với mẹ, Bình Nhi đi tập gym để phát triển cơ bắp và chuẩn bị phẫu thuật cắt ngực. Bình Nhi cũng đưa người yêu đồng giới về giới thiệu với mẹ.
Trong mắt bạn bè, người thân, Bình Nhi đã là một chàng trai thực sự. Trong tang lễ của bà ngoại (bà của Nhi chỉ có duy nhất hai người cháu Tùng và Nhi), Nhi được giao trọng trách cầm di ảnh, đón khách và tạ lễ với khách đến viếng.
Còn "người chị" của Bình Nhi, sau khi dành dụm và được bạn bè giúp đỡ một phần tiền, Kim đã bay sang Thái Lan để thực hiện ca đại phẫu thay đổi hoàn toàn từ nam sang nữ. Trải qua 25 ngày đau đớn và ba cuộc phẫu thuật lớn nhỏ, Kim bị sụt mất 10kg. Dẫu vậy, nghĩ tới cuộc sống sau này với hình hài một người con gái thực sự, Kim đã từng giây từng phút vượt qua đau đớn, trở về.
Từ khi được bố mẹ chấp nhận, hai chị em Kim và Bình Nhi càng tự tin vào bản thân hơn và có mục tiêu sống rõ ràng. Mỗi người đều đang có công việc và cuộc sống vui vẻ để minh chứng cho bố mẹ thấy rằng, dù không ở trong hình hài mà bố mẹ sinh ra, họ vẫn có thể trưởng thành, hạnh phúc.
Nội dung: Phạm Hồng Hạnh - Toàn Vũ