(Dân trí) - "Tôi rùng mình nghe rõ tiếng dao, kéo sắc lạnh, tiếng thảo luận của bác sĩ,… cảm giác "chết đi sống lại". Đêm hết thuốc mê cũng thật đáng sợ. Trải qua đêm đó tôi mới lờ mờ nhận ra mình... sống lại".
Mỹ nhân chuyển giới ở Hà Nội kể về giây phút "chết đi sống lại" trên bàn mổ
"Tôi rùng mình nghe rõ tiếng dao, kéo sắc lạnh, tiếng thảo luận của bác sĩ… cảm giác "chết đi sống lại". Đêm hết thuốc mê cũng thật đáng sợ. Trải qua đêm đó tôi mới lờ mờ nhận ra mình... sống lại".
"Tôi ước một ngày được thay đổi giới tính, họ tên trên giấy tờ"
"Mời Nguyễn Lâm Hoàng Hiếu Trung chuẩn bị, ơ là con gái hả. Sao trong giấy tờ lại ghi giới tính nam, tên cũng như con trai ấy nhỉ", không ít lần người ta đã nói với tôi như vậy khi đi làm thủ tục, giấy tờ.
Theo sau đó, là những tiếng xì xào, bàn tán nhỏ to xung quanh...
Tôi có đôi chút ngại ngùng nhưng nhanh chóng lấy lại sự tự tin bước lên phía trước. Đây là cuộc đời mà tôi đã chọn thì không cớ gì phải cúi đầu nhìn lại phía sau.
Ngày hôm nay, tôi đã không còn là một cô gái bị "nhốt" trong cơ thể đàn ông, dằn vặt với khát khao thầm kín. Tôi được sống thật là mình, một cô gái trẻ với mái tóc dài, mê làm đẹp.
"Cô gái trẻ", cụm từ nói nhanh chưa mất tới một giây nhưng tôi đã phải nỗ lực suốt bao nhiêu năm mới chạm tới.
Nghệ danh của tôi là Bolo Nguyễn. Giống như cách mọi người hay nhận xét về tôi: Thích "bô lô, ba la", hoạt ngôn, có khả năng truyền cảm hứng. Chưa bao giờ tôi ngại nói ra câu chuyện của mình và luôn sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ khi người khác cần.
Nguyễn Lâm Hoàng Hiếu Trung là tên trong giấy khai sinh của tôi.
Nếu có điều kiện được đổi giới tính và họ tên trên giấy tờ, tôi muốn đặt lại là Nguyễn Trang Nhung - cái tên mới mẹ đã chọn cho tôi. Với cái tên này, tôi thấy mình như được tái sinh!
Sinh ra, lớn lên ở Vĩnh Long, tốt nghiệp cấp 3, tôi đỗ Đại học Bách Khoa TPHCM và theo học đến năm thứ 3 thì bỏ dở giữa chừng. Lúc đó, gia đình phản đối dữ dội lắm nhưng tôi vẫn quyết dừng lại vì thấy không phù hợp.
Sáu năm trước, tôi chuyển đến Hà Nội làm việc, học tập. Bên cạnh công việc chính là một người mẫu, tôi dạy nhảy, đào tạo người mẫu nhí, làm biên đạo và theo học kĩ thuật cắt may. Đối với tôi, sự học là không bao giờ ngừng nghỉ.
Nỗi đau của cô gái bị bà mụ nặn nhầm thành con trai
8h sáng Chủ nhật, tôi vội vã có mặt tại một trung tâm nghệ thuật ở Cầu Giấy, chuẩn bị buổi dạy kĩ năng người mẫu cho các em nhỏ.
Trước đó, 4h sáng, tôi mới về tới Hà Nội sau một đêm chạy show mệt nhoài ở Hạ Long. Chỉ kịp chợp mắt 2 tiếng đồng hồ, nghe tiếng chuông báo thức, tôi bật dậy ngay.
Được làm những công việc yêu thích, tôi sẵn sàng "vắt kiệt" sức, không ngại khó, ngại khổ. Xuất phát điểm không giống những cô gái bình thường, muốn có cái mà người khác có, tôi bắt buộc phải cố gắng nhiều hơn.
Tranh thủ lúc học sinh chưa tới, tôi trang điểm nhẹ nhàng, tô son, điểm phấn.
Từ nhỏ, tôi đã có biểu hiện khác biệt với những cậu con trai xung quanh nhà. Tôi mê mẩn búp bê môi hồng, thích đi giày cao gót, đứng trước gương mơ một ngày trở thành công chúa. Nhưng mọi người trong gia đình ít chú ý tới chuyện này.
Tốt nghiệp cấp 3, lên đại học, tự do bung xõa, thể hiện cá tính riêng, lúc đó nhiều người hỏi tôi: "Là con trai hay con gái vậy". Tôi trả lời, đôi khi đầy cay cú: "Muốn cho con gì ra con đó". Tôi biết đằng sau lưng mình, họ gọi tôi là "thằng bê đê bị bà mụ nặn nhầm".
Đánh đổi, chịu đớn đau để tái sinh trong hình hài mới
Bây giờ, tôi đi ra đường thoải mái hơn trước rất nhiều, được khen xinh, cao và đa phần mọi người không biết tôi chuyển giới.
Thú thực, trước đây ai hỏi, tôi cũng đều trả lời không có ý định chuyển giới. Mọi chuyện chỉ bắt đầu kể từ khi tôi tham dự cuộc thi "Đại sứ hoàn mỹ 2020".
Mang hình hài của một cậu con trai, cố trang điểm, ăn mặc cho nữ tính hơn, tôi gặp trở ngại lớn bởi năm đó có quá nhiều bạn chuyển giới xinh đẹp.
"Bolo đến với cuộc thi để tìm kiếm cơ hội ở làng mẫu", người ta xì xào nói về tôi như vậy. Tôi không phủ nhận cũng chẳng xấu hổ. Có người ủng hộ, cũng có người dè bỉu, chê bai nhưng tất cả đều trở thành động lực để tôi tiến về phía trước.
Sân chơi nhan sắc giúp tôi được tiếp xúc nhiều hơn với các bạn trong cộng đồng LGBT, tôi nhận ra đâu mới là con người thực sự mà mình muốn hướng tới, từ đó nung nấu ý định thay đổi bản thân.
Khi đã quyết tâm chuyển giới, phải làm càng sớm càng tốt nhưng 2 năm dịch bệnh trì hoãn của tôi khá nhiều kế hoạch. Đầu năm nay, tôi mới có thể sang Thái Lan thực hiện giấc mơ.
Toàn bộ cuộc phẫu thuật diễn ra trong vòng 6 tiếng, vì cơ địa nên tôi bất ngờ bị tỉnh trên bàn mổ. Gây mê coi như thất bại, tôi lạnh tóc gáy vì biết bác sĩ đang làm gì, cảm giác lúc đó khá kinh hoàng.
Đêm hết thuốc mê mới thật là đáng sợ, tôi đau tưởng như mình đã chết. Trải qua được đêm đó, tôi mới lờ mờ thấy mình... "sống lại".
Khi tôi mở mắt tỉnh dậy, người đầu tiên tôi nhìn thấy là y tá, được cô ấy khen "xinh". Chuyến đi này, tôi nhờ chị Lâm Thanh Thảo - một người chị trong giới dắt đi. Tôi cho rằng, việc một người từng chuyển giới có kinh nghiệm đưa đi sẽ tốt hơn người thân. Bởi họ biết, mỗi giai đoạn mình cần làm gì.
Người mà tôi muốn trở về ôm ngay lúc đó là mẹ, chỉ để nói: "Mẹ ơi, con làm được rồi". Tôi gọi điện thoại cho mẹ, hai mẹ con mừng mừng tủi tủi bật khóc, ướt đẫm cả màn hình.
Trong hành trình tìm lại chính mình, tôi may mắn có gia đình ủng hộ, đặc biệt là mẹ. Thời gian đầu, mẹ chưa chấp nhận được ngay, nhưng đối với mẹ, điều quan trọng nhất là con của mẹ cảm thấy thế nào, có vui vẻ không. Dần dần mẹ thẳng thắn đối diện với câu chuyện giới tính thật của tôi.
"Con là con của mẹ, những người khác nói gì không quan trọng, chỉ cần mẹ đồng ý, con hạnh phúc là được", ngày mẹ nói vậy, tôi rơm rớm nước mắt.
Trước khi tôi đi Thái Lan, mẹ bồn chồn mất ăn mất ngủ nhưng cố giấu không nói ra. Cuộc điện thoại báo tin của tôi khiến mẹ thở phào nhẹ nhõm. Mẹ chính là người đã lo toàn bộ chi phí ca phẫu thuật.
Có nhiều phương án lựa chọn để tạo hình từ nam sang nữ: Bằng da, đường ruột hoặc mô. Tôi chọn phẫu thuật bằng da có mức chi phí thấp nhất, khoảng 100 triệu đồng để phù hợp với kinh tế gia đình.
Nhiều người hỏi, đau đớn như vậy, đã bao giờ tôi nghĩ đến chuyện từ bỏ, tôi có thể tự tin đáp: "Chưa từng". Vì tôi luôn có mẹ phía sau, thúc đẩy tôi kiên cường, mạnh mẽ.
Khoảnh khắc vỡ òa khi mẹ nắm tay giới thiệu: "Con gái em nè"
Sau 3 tuần, bay về TPHCM, việc đầu tiên tôi làm là tiến hành nâng ngực. Hai ca phẫu thuật liên tiếp trong vòng một tháng tưởng chừng "rút cạn" nguồn sinh lực nhưng tôi vẫn vượt qua.
Tôi về nhà được mẹ chăm sóc. Lưng nhức mỏi vì chỉ có thể nằm ngửa trong suốt một tháng đầu, không thể nằm nghiêng, tôi cũng dần quen, đôi khi mệt mỏi quá, than thở chút rồi quên luôn.
Tôi nhớ cái Tết đầu tiên khi đã thực sự trở thành người chuyển giới, mẹ kéo tay tôi đi chúc Tết họ hàng. Tôi ái ngại nói với mẹ: "Con nghĩ rằng, sự xuất hiện của con không thích hợp vào đầu năm". Nhưng mẹ bảo: "Có gì đâu, con cứ đi cùng mẹ".
Khi vừa bước vào, mẹ vui vẻ giới thiệu với mọi người: "Con gái em nè". Câu nói của mẹ giúp tôi tự tin hơn rất nhiều. Mọi người xung quanh cũng không đàm tiếu gì nữa. Niềm hạnh phúc đó khó diễn tả được bằng lời.
Mẹ rất tinh tế trong cách ứng xử và tôi đã học được từ bà những điều nhỏ nhất.
Ban đầu tôi dự định nghỉ ngơi 3 tháng nhưng được một tháng thì có show diễn, nỗi nhớ nghề thôi thúc tôi trở lại, tôi chào mẹ lên đường.
Học sinh, phụ huynh thường nhận xét tôi nói chuyện nhẹ nhàng, có lẽ tôi ảnh hưởng điều này từ mẹ. Việc điều khiển cơ thể và tập trung đối với các em nhỏ là một thử thách nên trong mỗi ca dạy, tôi phải nói đến khản giọng. Nhưng tôi vẫn luôn cố gắng kiên trì, nhẫn nại, như cách mà mẹ đã đồng hành cùng tôi.
Nụ cười hồn nhiên của bé Tuyết, sự tinh nghịch Poki hay ánh mắt háo hức của Minh ở buổi tập đầu tiên... khiến bao nhiêu mệt mỏi trong tôi tan biến.
Nhìn các con, tôi thực sự khao khát trở thành một người mẹ...
Buồn, tủi thân, tự ti nhưng không được phép gục ngã
10h30, kết thúc ca dạy, quyến luyến chào tạm biệt các con, tôi nhanh chóng di chuyển đến studio trên đường Hoàng Cầu.
Hôm nay tôi có lịch làm mẫu cho bộ sưu tập đồ án tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế thời trang của bạn Lê Linh - Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Dự kiến cả thời gian trang điểm, chụp hình sẽ kéo dài liên tục trong vòng 6 tiếng đồng hồ.
Theo dự kiến, tôi sẽ bắt đầu trang điểm ngay khi đến nơi nhưng vì ê-kíp có chút điều chỉnh, tôi ngồi một góc chờ đợi, tranh thủ nghỉ ngơi.
Thời gian này, tôi đang giảm cân nên thường nhịn đói đi làm, cao điểm có ngày không ăn gì. Khi chuyên viên trang điểm đến nơi, cảm thấy hơi mệt, tôi đành gọi bánh mì ăn kèm nước lọc. Tôi biết, ăn kiêng thế này phi khoa học nhưng không còn cách nào khác. Tôi không thể tập gym vì không muốn lên cơ bắp.
Đến bây giờ, dù đã chuyển giới, đôi khi tôi vẫn phải nghe những lời chê bai. Buồn, tủi thân, có người thì nói sau lưng, có người nói nhẹ nhàng vì sợ tôi tổn thương. Dù mạnh mẽ đến đâu, tôi cũng có những góc tự ti như bất kể người con gái nào khác.
Tôi biết điểm yếu của mình là khung xương to, không ăn ảnh, từ đó tôi cố gắng khắc phục, giảm cân để cơ thể nhỏ nhắn hơn và chọn góc mặt phù hợp khi chụp.
Sống với những viên thuốc dạy cơ thể làm con gái
Khi chuyển giới, bắt buộc tôi phải dùng hormone để nội tiết tố trong cơ thể được ổn định. Có thể dùng trong hai năm, sau đó ngưng nhưng tôi tham khảo ý kiến của bác sĩ, quyết định tiếp tục dùng theo liệu trình phù hợp để có được sự mềm mại, nữ tính hơn.
Mọi người hỏi tôi, việc dùng thuốc có ảnh hưởng gì không thì câu trả lời của tôi là: "Có". Tính cách tôi thường xuyên "nắng mưa thất thường".
Tôi thấy nhiều người truyền tai nhau, việc chuyển giới làm tổn thọ 20 năm, nhưng tôi được bác sĩ giải thích rằng, đến bây giờ vẫn chưa có căn cứ khoa học nào chứng minh điều này.
Tuy nhiên, việc sử dụng hormone sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và có liên quan đến tuổi thọ hay không là tùy vào cơ địa mỗi người, việc người đó chăm sóc bản thân mình ra sao.
Dù biết tác dụng phụ của thuốc, tôi vẫn chấp nhận đánh đổi, được sống đúng là một cô gái, tôi thấy mãn nguyện.
Tai nạn nghề nghiệp và quyết tâm bám trụ
Là người mẫu, việc phải đối diện với những "tai nạn" trong lúc trình diễn như trượt chân ngã, bị đồ quấn... không hiếm. May mắn, tôi chưa bị pha "vồ ếch" nào trên sân khấu.
Tuy nhiên, có một lần khi đang đứng trong cánh gà chuẩn bị lên diễn, tôi bất ngờ bị một chiếc kim khâu sót lại chọc vào đùi khiến tôi hốt hoảng. Bộ trang phục bằng len với nhiều chi tiết nên các bạn trợ lý tìm cả buổi mới ra. Tôi vốn rất sợ kim, vật nhọn... May là không có chuyện gì.
Việc đứng hàng giờ liên tục trên giày cao gót, mặc những bộ trang phục có khi lên tới mười mấy cân với tôi không phải là thử thách. Casting trượt, dính thị phi, hiểu nhầm trong nghề mới đáng sợ. Tôi chỉ biết cố gắng mỗi ngày để được ghi nhận.
Trong buổi chụp hình hôm nay, nhiệt độ ngoài trời lên tới 39-40 độ C, tôi vẫn vui vẻ khoác lên người bộ sưu tập thời trang kín mít. Xung quanh tôi là hàng chục thành viên của nhiều ê-kíp sáng tạo khác nhau đang căng mình tư duy ý tưởng. Mồ hôi liên tục túa ra trên gương mặt tôi. Nhưng với tôi, cảm giác được thăng hoa, phiêu với những góc máy luôn là thứ "ma lực" hấp dẫn.
Khát khao yêu thương, khát khao thiên chức làm mẹ
Tôi vẫn đang trong quá trình học làm con gái: Từ cách buộc tóc, cười duyên cho đến cách yêu. Ai cũng khát khao yêu thương nhưng đối với một người chuyển giới, việc tìm được một người thực sự yêu, hiểu mình vô cùng khó khăn.
Tôi luôn tự ti mình không phải con gái thật, dù có xinh cỡ nào, người ta cũng không chọn mình đâu...
Mối tình đầu tiên trong đời tôi trải qua nhiều sóng gió. Đó là một người con trai bình thường. Có lẽ vì tôi quá mạnh mẽ mà người ta quên mất rằng, tôi cũng biết đau như những cô gái khác.
Thú thực, tôi yêu vào ngu ngốc lắm nên thời gian này, tôi tập trung cho công việc. Tôi tin vào duyên số, tình cảm đến tôi sẽ đón nhận, không cưỡng cầu.
Trong sâu thẳm, tôi vẫn khát khao có tổ ấm của riêng mình. Gia đình trong định nghĩa của tôi: Có thể có con, hoặc có chồng và con. Có thể, tôi sẽ nhận con nuôi, hoặc nếu có chồng, sẽ là con của chồng.
(PV: Hiện tại, người chuyển giới từ nam sang nữ mong chờ vào sự tiến bộ khoa học vượt bậc để có thể cấy ghép tử cung một cách phổ biến và có thể mang thai, sinh con như một người phụ nữ thực thụ).
Còn giờ đây, tôi sẽ cố gắng sống vui, sống tốt để mẹ vui lòng và tự hào về tôi. Mẹ tôi sắp phải trải qua một ca mổ u. Với tôi, mẹ khỏe là niềm hạnh phúc lớn nhất cuộc đời.
Bolo Nguyễn tên thật là Nguyễn Lâm Hoàng Hiếu Trung. Cô là học trò Á hậu Hoàng Thùy. "Tôi và chị Thùy giống nhau ở một điểm tính cách thẳng thắn. Trong thời gian tôi chuyển giới, chị thường xuyên hỏi thăm, động viên", Bolo kể.
Bolo từng lọt Top 9 Đại sứ hoàn mỹ Việt Nam (Miss International Queen Vietnam 2020), Top 30 Người mẫu Việt Nam (Vietnam's Next Top Model 2020).
Cô tham gia trình diễn tại Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam và nhiều sự kiện thời trang lớn, nhỏ khác.
Khát khao lớn nhất với Bolo, cũng là nỗi niềm của nhiều người chuyển giới khác ở Việt Nam là Luật Chuyển đổi giới tính sớm được ban hành.
Việt Nam đã đưa vào quy định về quyền được công nhận của người chuyển giới trong Bộ luật dân sự năm 2015. Tuy nhiên, pháp luật để thực hiện các quy định liên quan và đảm bảo các quyền đó trên thực tế vẫn còn đang được hình thành.
Nội dung: Phương Nhung
Ảnh: Vân Hương
Video: Minh Hoàng