DMagazine

Hôn nhân hoán đổi của cô gái Việt cãi lời bố mẹ, cưới anh lính hải quân Mỹ

(Dân trí) - Dù bố mẹ phản đối kịch liệt chuyện tình với anh lính hải quân Mỹ, Ngọc vẫn âm thầm yêu anh. Sau hai năm yêu xa, cặp đôi hạnh phúc về chung một nhà, hoán đổi vai trò: chồng nội trợ, vợ làm kinh tế.

Cô gái Việt cãi lời bố mẹ, cưới anh lính hải quân Mỹ: Chồng nội trợ, vợ làm kinh tế

Dù bố mẹ phản đối kịch liệt chuyện tình với anh lính hải quân Mỹ, Ngọc vẫn âm thầm yêu anh. Sau hai năm yêu xa, cặp đôi hạnh phúc về chung một nhà, hoán đổi vai trò: Chồng nội trợ, vợ làm kinh tế. 

Chàng lính hải quân Mỹ say đắm cô gái Việt

Tháng 4/2014, tàu khu trục USS John S.McCain và tàu cứu hộ USNS Safeguard chở theo thủy thủ của lực lượng hậu cần vùng Tây Thái Bình Dương, Liên đội tàu khu trục 7 của Mỹ cập cảng Tiên Sa, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị Đà Nẵng. 

Trong buổi giao lưu âm nhạc ngoài bãi biển giữa hai nước, Phạm Ngọc, khi đó 21 tuổi, sau một tháng tự nhốt mình trong phòng vì thất tình, lần đầu chạm mặt anh lính hải quân Mỹ tên Michael, hơn cô một tuổi. 

Michael tiến đến làm quen Ngọc và nhóm thanh niên Việt Nam. Họ cùng nhau đi dạo vòng quanh Đà Nẵng, phố cổ Hội An, trò chuyện đủ thứ trên đời. Ngọc không có cảm giác đặc biệt với Michael, nhưng ấn tượng chàng trai ngoại quốc cao ráo, đẹp trai, hóm hỉnh và tình cảm. 

Còn Michael thích nhất mái tóc dài đen óng tự nhiên, dáng người nhỏ gọn của Ngọc. Anh nói có thể dễ dàng nhấc bổng Ngọc lên cao, rồi ôm cô thật chặt. 

"Lần đầu gặp mặt, anh khen tôi đẹp. Anh là người đầu tiên, cũng là duy nhất, nói câu đó với tôi", Ngọc nhớ lại. Nhờ Michael, cô gái Việt tự tin, biết trân trọng và yêu thương bản thân hơn. 

Hôn nhân hoán đổi của cô gái Việt cãi lời bố mẹ, cưới anh lính hải quân Mỹ - 1

Chuyện tình của cô gái Việt và anh cựu lính hải quân Mỹ gây "bão" mạng xã hội.

Kết thúc chuyến tham quan, Michael bất ngờ ôm chặt Ngọc và hôn nhẹ lên trán cô, hứa "chắc chắn sẽ có ngày gặp lại". Mặt cô gái đỏ bừng, như có luồng điện chạy qua "làm rụng rời chân tay".  

Hôm sau, tàu của hải quân Mỹ rời Việt Nam, đi thẳng về Nhật. Từ đó, để giữ liên lạc, mỗi ngày cặp đôi đều nói chuyện qua mạng, chia sẻ về bản thân và những chuyện xảy ra trong ngày. 

"Những ngày tàu lênh đênh ngoài khơi, đường truyền mạng không ổn định, anh tìm mọi cách gửi email cho tôi. Nhiều bức thư, anh viết dài tới 4 - 5 trang", Ngọc kể họ đã khích lệ nhau qua từng câu chữ, cùng vượt qua khó khăn trong học tập và công việc. 

Mỗi lần tàu cập cảng, có điều kiện kết nối mạng, Michael gọi video call cho Ngọc, chỉ mong nhìn thấy cô gái Việt Nam nhỏ nhắn, dễ thương. Đôi khi không biết nói gì, mỗi người làm việc của mình, nhưng cảm thấy được gần nhau hơn, chốc chốc lại nhìn nhau cười qua màn hình. 

Hai người đồng điệu trong tâm hồn, như đọc được suy nghĩ của đối phương, có thể trò chuyện hàng giờ đồng hồ mà không chán. Ngọc thích những bài hát mà Michael chia sẻ, trân trọng cả những bài thơ hay bức tranh mà anh vẽ tặng. Anh lính hải quân Mỹ say đắm giọng hát và tiếng đàn piano của cô gái Việt Nam.

Hôn nhân hoán đổi của cô gái Việt cãi lời bố mẹ, cưới anh lính hải quân Mỹ - 2

Năm cuối Đại học và lần đầu đi làm là hai quãng thời gian áp lực với Ngọc, may mắn có Michael bên cạnh lắng nghe và động viên. Anh trở thành chỗ dựa tinh thần, đồng hành và ủng hộ mọi ước mơ của cô gái trẻ. 

Thỉnh thoảng, Michael gửi cho Ngọc những hộp quà mà bên trong có đủ thứ anh sưu tầm trong những chuyến tàu đến các nước khác nhau. Cô cũng đôi lần gửi tặng anh những món quà tự tay làm. Michael rất trân trọng chúng, "cất giữ như báu vật". 

Sau thời gian trò chuyện, Ngọc nhận ra Michael rất chân thành, mang lại cho cô cảm giác an toàn và tin tưởng - nền tảng quan trọng của bất kỳ mối quan hệ nào.  

"Suốt một năm, có hai ngày chúng tôi không nói chuyện, cứ thấp thỏm, đứng ngồi không yên. Lúc đó, chúng tôi mới nhận ra là mình đã yêu nhau từ lúc nào", Ngọc nói. 

Cãi lời bố mẹ, bí mật sang Nhật Bản thăm người yêu

Biết con gái đang tìm hiểu một người lính hải quân Mỹ, bố mẹ Ngọc phản đối kịch liệt. Đó là lần đầu tiên trong đời cô thấy người lớn giận và buồn phiền đến như vậy. 

Gia đình truyền thống nghề giáo vốn nghiêm khắc, những quyết định quan trọng từ trước của Ngọc đều do bố mẹ lựa chọn. Họ lo lắng nguy cơ lừa đảo từ những mối quan hệ "ảo" qua mạng xã hội, nghĩ rằng con gái có thể là nạn nhân và chịu nhiều tổn thương. 

Song cô vẫn âm thầm yêu Michael, "cãi lời" bố mẹ dành trọn niềm tin cho bạn trai và khẳng định "không gì có thể lay chuyển được trái tim mình". 

"Anh ấy không có lỗi gì trong những mất mát chiến tranh. Những nỗi đau trong quá khứ không thể chữa lành bằng cách bóp nát con tim đang yêu trong hiện tại", Ngọc tâm sự. 

Tình yêu lớn dần lên, cô gái sau khi kết thúc chương trình năm cuối Đại học, đã xin bố mẹ qua Nhật Bản thăm người yêu, nhưng một lần nữa bị gia đình phản đối gay gắt. 

Nỗi nhớ khắc khoải và niềm tin rằng Michael chính là một nửa của đời mình đã thúc giục Ngọc lên kế hoạch bí mật sang Nhật Bản. Đây cũng là đất nước cô luôn ao ước đặt chân đến một lần trong đời. 

Ngọc bắt đầu dành dụm tiền mua vé máy bay, lập tài khoản tiết kiệm để xin visa với đủ loại giấy tờ phức tạp, mua bảo hiểm du lịch… 

Hôn nhân hoán đổi của cô gái Việt cãi lời bố mẹ, cưới anh lính hải quân Mỹ - 3

Đêm Giáng sinh năm 2014, Ngọc và Michael lần đầu nắm tay nhau sau gần một năm trò chuyện trên mạng.

Tháng 12/2014, cô gái một mình bước chân lên chuyến bay đến Narita (Tokyo, Nhật Bản) với những nỗi lo dai dẳng. Cũng từ đó, cuộc đời cô bước sang một ngã rẽ hoàn toàn khác. 

Đêm Giáng sinh, Michael đợi ở sân bay mấy tiếng đồng hồ, chờ "chuyến bay tình yêu" hạ cánh. 

"Vậy là sau gần một năm xa cách, cuối cùng chúng tôi cũng được hội ngộ. 10 ngày bên nhau, là một trong những kỷ niệm đẹp nhất đời tôi. Hóa ra, ngoài đời chúng tôi còn tâm đầu ý hợp hơn nữa", Ngọc nói. 

Ngày đưa cô ra sân bay về lại Việt Nam, Michael đứng yên một chỗ, mắt không rời, nhìn theo bóng dáng người yêu bước qua cổng an ninh. Cả hai nhìn nhau, Ngọc òa khóc như một đứa trẻ, mắt anh cũng đỏ hoe. Người đàn ông chợt hét to qua cửa kính: "I Love you. We will be together forever. I promise!". (Tạm dịch: Anh yêu em. Chúng ta sẽ bên nhau mãi mãi. Anh hứa!).

Nửa năm sau, mặc những trở ngại công việc và thủ tục, Michael hai lần đến Việt Nam thăm Ngọc và gia đình, đồng thời xin phép hỏi cưới cô. Gặp gỡ và tiếp xúc với anh, bố mẹ Ngọc dần bỏ đi định kiến về hải quân Mỹ và không còn gay gắt như trước. Từ cảm xúc hoài nghi, cấm đoán, họ chuyển sang quý mến con rể tương lai, ủng hộ chuyện tình cặp đôi. Từ đó, cả hai chính thức công khai mối quan hệ, dù vẫn yêu xa.

Hai năm xa cách, Ngọc và bạn trai không tránh khỏi những bất đồng, phần lớn do áp lực khoảng cách, khác biệt văn hóa và khó khăn giao tiếp. Mỗi lần mâu thuẫn, thay vì im lặng hay trốn tránh, họ chọn cách ngồi lại, nói chuyện cho đến khi vấn đề được giải quyết.

Michael luôn điềm tĩnh, kiềm chế và kiên nhẫn trước những cảm xúc của Ngọc. Cả hai chưa bao giờ giận hờn nhau quá một ngày. Anh cũng không bao giờ nổi nóng, lớn tiếng với người yêu. Trong những dòng thư hàng ngày gửi cho nhau, không bao giờ thiếu những "cử chỉ thân mật" và những lời nói yêu thương, nhớ nhung Michael dành cho Ngọc. 

"Khi ở bên anh, tôi luôn cảm thấy an toàn và được là chính bản thân mình", cô gái chia sẻ.

Hôn nhân hoán đổi của cô gái Việt cãi lời bố mẹ, cưới anh lính hải quân Mỹ - 4
Hôn nhân hoán đổi của cô gái Việt cãi lời bố mẹ, cưới anh lính hải quân Mỹ - 5
Hôn nhân hoán đổi của cô gái Việt cãi lời bố mẹ, cưới anh lính hải quân Mỹ - 6

Đám cưới khởi đầu hành trình nhiều chông gai

Để có cơ hội gần người yêu hơn, Michael đã từ chối cơ hội học tập tại Học viện Hải quân Mỹ (USNA) vốn là mơ ước của anh. 

Ngọc cũng từ bỏ công việc thu nhập tốt tại một khu nghỉ dưỡng nổi tiếng ở miền Trung, một lần nữa lên máy bay sang Nhật Bản. 

Michael không có một lời cầu hôn chính thức dành cho người yêu. Nhưng Ngọc nhớ, một lần hỏi đùa: "Sao không thấy nhẫn cầu hôn?", chàng trai tiện tay ngắt một chiếc lá ven đường, gấp thành hình chiếc nhẫn rồi đeo vào tay bạn gái.

Anh nói: "Nhẫn kim cương hay những màn cầu hôn hoành tráng chỉ là biểu tượng cho một tình yêu vật chất và phô trương, hào nhoáng thôi".

Ngày 22/12/2015, cặp đôi nắm tay nhau đến tòa thị chính đăng ký kết hôn. Với Ngọc, kết hôn không phải kết thúc tốt đẹp của một hành trình đầy nước mắt, mà là khởi đầu cho quãng đường mới với nhiều chông gai, trắc trở hơn. 

Đám cưới được tổ chức nhẹ nhàng, giản dị và ấm cúng tại Đà Nẵng, với gần 200 khách mời. Khi Michael nói lời thề nguyện với vợ, nhiều người bạn của Ngọc đã bật khóc xúc động. Cuối buổi tiệc, cô dâu - chú rể cùng bạn bè nhảy múa và ca hát.

Hôn nhân hoán đổi của cô gái Việt cãi lời bố mẹ, cưới anh lính hải quân Mỹ - 7
Hôn nhân hoán đổi của cô gái Việt cãi lời bố mẹ, cưới anh lính hải quân Mỹ - 8
Hôn nhân hoán đổi của cô gái Việt cãi lời bố mẹ, cưới anh lính hải quân Mỹ - 9

Sau đám cưới, cứ tưởng vợ chồng son được bên cạnh nhau, nhưng do Michael vướng một vài rắc rối trong công việc nên phải ở trên tàu suốt 3 tháng. Đây là quãng thời gian Ngọc một mình nơi đất khách, không gia đình, không bạn bè. Nhiều lúc cô khóc thổn thức vì nhớ chồng, nhớ người thân.

Ngày thứ hai ở Nhật Bản, trận động đất nhẹ nửa đêm khiến Ngọc choàng tỉnh dậy từ giấc ngủ, khóc thét. Cô hoảng hốt vì xung quanh không có ai, Michael cũng chỉ biết động viên vợ từ xa.

Thời gian này, ngoài học tiếng Nhật, cô gái Việt cố gắng tìm cơ hội việc làm. Mấy tháng đầu thất nghiệp do khó khăn về visa, cô như "phát điên".

Về sau, một lần phát hiện nhiều người lính Mỹ đóng quân ở căn cứ Yokosuka và gia đình của họ rất thích ăn phở Việt Nam, cô đã thử nấu phở và đem bán, không ngờ thu hút được rất nhiều khách. Cô cũng bán thêm nhiều món Việt Nam khác, nhận ra đây là một thị trường kinh doanh béo bở với 24.500 dân. 

Ngoài ra, Ngọc cũng nhận chụp ảnh dạo. Từ đó, cô có thêm bạn, trải nghiệm một mình đi du lịch nhiều vùng đất khắp nước Nhật, tìm hiểu và giao tiếp với người dân bản địa.

Cuộc sống chưa kịp khởi sắc thì đã bị hiện thực dập tắt. Sau 3 tháng, Michael bị điều chuyển về Mỹ, để lại Ngọc bơ vơ trên đất nước Nhật Bản xa lạ…

Cặp đôi nhận ra, môi trường làm việc nghiêm khắc và gò bó của Michael là nguyên nhân khiến các kế hoạch mà họ đặt ra đều đi chệch hướng. Nhiều lúc, đôi vợ chồng trẻ áp lực đến mức muốn buông xuôi tất cả. Sau cùng, Michael chọn từ bỏ công việc ở quân đội Mỹ để về bên vợ. 

Hôn nhân hoán đổi của cô gái Việt cãi lời bố mẹ, cưới anh lính hải quân Mỹ - 10

Chồng nội trợ, vợ làm kinh tế

7 năm bên nhau, Michael và Ngọc lần lượt chào đón hai người con đáng yêu là bé trai Lucian (4 tuổi) và em gái Nova (2 tuổi). Họ chọn sống tại Nhật Bản, vì cả hai đều yêu vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa độc đáo của đất nước này. Hai đứa trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường đa ngôn ngữ, có thể giao tiếp 3 thứ tiếng: Việt - Anh - Nhật. 

Trong khi Ngọc làm nghiên cứu thị trường cho chi nhánh Nhật Bản của một công ty có trụ sở ở Mỹ, thêm một vài khoản đầu tư thụ động và kinh doanh nhỏ, đủ nuôi sống cả gia đình, thì cơ hội việc làm với Michael khá hạn chế vì anh không nói được tiếng Nhật. 

Nhiều lần chấp nhận những công việc có sẵn để giảm gánh nặng thu nhập cho vợ, cựu lính hải quân Mỹ không may bị những người chủ bắt nạt và chèn ép.

"Sau cùng, chúng tôi thống nhất Ngọc sẽ là trụ cột kinh tế, còn tôi ở nhà nội trợ, làm việc online part time (bán thời gian), tập trung học tập để tìm kiếm những cơ hội tốt hơn cho sự nghiệp", Michael cho hay. 

Hôn nhân hoán đổi của cô gái Việt cãi lời bố mẹ, cưới anh lính hải quân Mỹ - 11

Hàng ngày, anh dậy từ 7h, chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Sau khi cho con ăn sáng, anh thay đồ và đưa 2 đứa trẻ đến lớp. Trên đường về nhà, anh ghé siêu thị mua đồ ăn theo danh sách vợ đã ghi sẵn. Đến chiều, anh đón con, rồi đưa chúng ra công viên hoặc bờ sông đi dạo.

Người chồng cũng thành thạo việc rửa chén; giặt, gấp quần áo; đổ rác; chăm mèo; tắm cho hai con, hướng dẫn chúng lên giường đúng giờ và không quên đọc sách mỗi tối cho con trước khi ngủ. 

Sau đó là khoảng thời gian hai vợ chồng dành riêng cho nhau, như tâm sự, hoặc làm những việc yêu thích của bản thân. Cuối tuần, cả gia đình cùng sửa soạn, dọn dẹp nhà cửa, trồng hoa, gặp gỡ bạn bè hoặc đi chơi công viên.

Mấy tháng qua, Michael nỗ lực tham gia 2 đợt tuyển dụng của Amazon và Google, mỗi đợt kéo dài một tháng rưỡi với 5-6 vòng phỏng vấn, song không vượt qua được vòng tuyển dụng cuối cùng với lý do "chưa đủ kinh nghiệm làm việc". Anh không dễ dàng bỏ cuộc, mỗi ngày bên cạnh nội trợ, cố gắng trau dồi kiến thức về lĩnh vực Khoa học máy tính - lập trình. 

Hôn nhân hoán đổi của cô gái Việt cãi lời bố mẹ, cưới anh lính hải quân Mỹ - 12
Hôn nhân hoán đổi của cô gái Việt cãi lời bố mẹ, cưới anh lính hải quân Mỹ - 13
Hôn nhân hoán đổi của cô gái Việt cãi lời bố mẹ, cưới anh lính hải quân Mỹ - 14

Thời gian đầu hai vợ chồng "hoán đổi vai trò", Ngọc chịu nhiều áp lực từ phía gia đình và bạn bè bởi định kiến "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Bố mẹ cô xót con gái một mình gánh vác kinh tế gia đình. Bạn bè thương hại, cho rằng số cô vất vả, không được nương tựa chồng. Mọi người xung quanh bàn tán về anh chồng "kém cỏi", "ở nhà chờ vợ nuôi",... 

Là người "gánh vác gia đình", Ngọc thừa nhận không có nhiều thời gian và nguồn lực theo đuổi đam mê riêng, như dự án kinh doanh, làm kênh vlog nuôi dạy con và cuộc sống ở Nhật Bản. Cô cũng bỏ qua thú vui mua sắm cá nhân, chỉ dám mua những thứ cơ bản thực sự cần, để cân đối chi tiêu cho gia đình 4 thành viên.

"Đôi lúc tôi cảm thấy hơi tủi thân khi liên tục nghe người ngoài bàn tán, chạnh lòng khi thấy bạn bè xung quanh có nhiều thời gian hơn để chăm sóc bản thân và gia đình khi chồng làm trụ cột kinh tế", Ngọc cho hay. 

Nhưng ngẫm lại, cô biết đó không phải là những giá trị muốn theo đuổi. Cuộc sống không đặt ra một chuẩn mực cho hạnh phúc gia đình. Đối với cô, sự cân bằng trong công việc và gia đình như thế này đã là quá viên mãn. 

"Nếu cả hai đều lao vào làm lụng kiếm tiền thì tôi không biết sẽ dành thời gian nuôi dạy con như thế nào và rồi kiếm được nhiều tiền như thế để làm gì nữa", Ngọc nói. 

Nuôi nấng và dạy dỗ con cái là mục tiêu lớn nhất của vợ chồng Michael. Họ muốn hai con trở thành những đứa trẻ tử tế, giàu tình thương, biết yêu nghệ thuật và cái đẹp, quan trọng nhất là luôn hạnh phúc và khỏe mạnh. Bởi thế, họ chấp nhận với cuộc sống hiện tại. 

Hôn nhân hoán đổi của cô gái Việt cãi lời bố mẹ, cưới anh lính hải quân Mỹ - 15

7 năm chưa một ngày xa nhau, Ngọc và chồng như hai người bạn tâm giao chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn. Cả hai cùng học cách làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ, san sẻ trách nhiệm để cùng vun đắp hạnh phúc gia đình, cùng bên con lớn lên từng ngày. 

"Cuộc sống vợ chồng không đơn giản chỉ có những phút giây bình lặng trôi chảy. Có những rạn nứt tưởng chừng như không thể hàn gắn nổi khiến tôi nhiều lúc đã muốn bỏ cuộc và bước ra khỏi cuộc hôn nhân này. Nhưng chồng không bao giờ buông tay. Anh luôn phấn đấu để khắc phục bản thân và níu giữ tôi bằng tình cảm chân thành. Ngôi nhà nhỏ xinh nhờ thế lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười", cô gái Việt trải lòng. 

Michael từng nói với vợ, "Nếu có khi nào giận anh đến mức có ý định buông bỏ, xin em làm ơn hãy nhớ đến những khó khăn, thử thách mà chúng mình đã cùng vượt qua để đến được với nhau. Hãy cùng anh cố gắng để các con có một gia đình trọn vẹn. Hãy cho anh thêm cơ hội để yêu thương em mỗi ngày".

Đáp lại, Ngọc cảm ơn chồng vì tất cả!

Hôn nhân hoán đổi của cô gái Việt cãi lời bố mẹ, cưới anh lính hải quân Mỹ - 16
Hôn nhân hoán đổi của cô gái Việt cãi lời bố mẹ, cưới anh lính hải quân Mỹ - 17
Hôn nhân hoán đổi của cô gái Việt cãi lời bố mẹ, cưới anh lính hải quân Mỹ - 18
Hôn nhân hoán đổi của cô gái Việt cãi lời bố mẹ, cưới anh lính hải quân Mỹ - 19

Chia sẻ câu chuyện của bản thân lên một hội nhóm mạng xã hội, Ngọc bất ngờ khi nhận được nhiều sự sẻ chia tích cực và những lời động viên ấm áp từ cộng đồng. 

Cô hy vọng, những tâm sự về cuộc đời mình sẽ là lời động viên cho những trái tim đang yêu nỗ lực tìm được "tri kỷ", dẫu biết còn nhiều gian nan và thử thách, như cách cô đã dám chạy đến bên tình yêu đời mình.

"Tôi cũng mong mọi người sẽ có cái nhìn tích cực hơn về việc đàn ông làm nội trợ, dần xóa bỏ định kiến đàn ông mới là trụ cột gia đình. Có nhiều gia đình người Việt sinh sống ở Nhật, vì gánh nặng tiền bạc mà phải chịu cảnh vợ chồng xa cách, con cái bị chia cắt với cha mẹ,...

Tôi hy vọng họ hiểu được rằng gia đình mới chính là nguồn sức mạnh, là động lực để mỗi cá nhân vượt qua trở ngại, khó khăn. Duy trì sự cân bằng trong cuộc sống, dung hòa giữa sự nghiệp và gia đình là những gì bản thân tôi đang hướng tới", Ngọc nói. 

Nội dung: Minh Nhân

Ảnh: Nhân vật cung cấp