Công việc không ai muốn làm: Chuyên đi dọn dẹp hiện trường án mạng
(Dân trí) - Công việc dọn dẹp hiện trường án mạng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với người thực hiện. Một trong những điều khó khăn nhất chính là gặp gỡ người thân của nạn nhân.
Hai người đàn ông Mỹ - Tom DeSena (23 tuổi) và Junior Lallbachan (26 tuổi) nhận làm một công việc lạ lùng, đó là dọn dẹp hiện trường các vụ án mạng, các vụ tự sát hay nơi ở của những người qua đời mà không ai hay biết.
Junior đã làm công việc này được 8 năm. Tom trở thành cộng sự của Junior trong vài năm trở lại đây. Junior và Tom cho rằng tiêu chí đầu tiên để làm được công việc này là phải có thần kinh vững và không dễ bị nôn ói.
Trước khi bắt tay vào dọn dẹp sạch sẽ một hiện trường, Junior và Tom đều yêu cầu bên mua dịch vụ gửi cho họ những thông tin cơ bản, trong đó có miêu tả sơ lược về nơi cần dọn dẹp và thời điểm phù hợp để tới dọn dẹp.
Dù vậy, Junior và Tom không bao giờ nhận ảnh chụp nơi họ cần tới dọn. Điều này là để họ không biết quá nhiều thông tin trước khi thực sự có mặt tại hiện trường. Nhờ vậy, cả hai sẽ giữ được sự tỉnh táo, tập trung, kích hoạt cao độ các giác quan cũng như năng lực tư duy, quan sát, hành động trong quá trình làm việc, để luôn sẵn sàng cho những tình huống bất ngờ.
Trong quá trình làm công việc này, Junior và Tom luôn cảm thấy khó khăn khi phải gặp gỡ người thân của người đã ra đi ở chính nơi mà họ được mời tới dọn. Tom cho biết: "Trước khi bắt tay vào việc, cũng có những khi chúng tôi phải gặp gỡ, trò chuyện đôi chút với gia đình của người quá cố đã ra đi ở chính nơi chúng tôi chuẩn bị dọn dẹp.
Chúng tôi luôn cố gắng thể hiện sự tôn trọng, cảm thông và thái độ làm việc chuyên nghiệp, nhưng quả thực, vẫn luôn có cảm giác khó khăn về mặt tâm lý khi phải đối diện với những con người đang đau buồn".
Để giữ được sự tỉnh táo và cân bằng khi làm công việc này, Junior và Tom luôn phải nhắc mình nhớ rằng họ chỉ đang làm công việc dọn dẹp, những gì mà họ thấy trong quá trình dọn dẹp không phải là bản chất hay thực tế cuộc sống của họ.
Junior và Tom sẵn sàng nhận việc ở khắp nơi trên toàn nước Mỹ. Mức thù lao mà họ nhận được tùy thuộc vào tính chất của từng nhiệm vụ cũng như chi phí phục vụ cho quá trình di chuyển. Dù không đưa ra con số thù lao cụ thể, nhưng Junior và Tom cho biết thu nhập của hai người không tệ.
Nghề dọn nhà của người qua đời một mình tại Singapore
Anh Rahman Razali (40 tuổi) đã thành lập công ty dọn dẹp vệ sinh DDQ từ nhiều năm trước, công việc của anh rất đa dạng, trong đó có việc dọn dẹp căn hộ của người qua đời một mình. Công việc này có những đặc thù, bởi thường những trường hợp này chỉ được phát hiện ra sau khi đã qua đời vài ngày, thậm chí vài tuần, vài tháng...
Công việc dọn dẹp của anh Rahman và người cộng sự của mình - một thanh niên 19 tuổi có tên Qasrina bắt đầu bằng việc xịt khử khuẩn lên khắp các bề mặt và vật dụng trong căn hộ của người quá cố.
Sau đó, những vật dụng của người quá cố được phân loại, bỏ vào các túi. Những túi đồ này sẽ bị đem vứt bỏ nếu không có ai muốn nhận. Trong trải nghiệm công việc của mình, anh Rahman đã từng gặp trường hợp người quá cố đã qua đời hai tháng mới được phát hiện ra.
Nhiều người cho rằng công việc của anh Rahman quá kinh khủng và đó là công việc không ai muốn làm, nhưng bản thân anh lại thấy mình đang giúp đỡ cho những hoàn cảnh không may.
"Nhiều người qua đời một mình thực ra vẫn có người thân, khi sự việc được phát hiện ra, nhiều khi người thân của họ trở nên rối bời và còn phải lo các công việc ma chay, an táng một cách gấp rút. Việc phải dọn dẹp căn hộ vào lúc này sẽ trở nên rất khó khăn, tôi nghĩ công việc của mình đã giúp những gia đình đang trong lúc bối rối có thể bớt đi một chút mệt mỏi, khổ tâm", anh Rahman nói.
Đôi khi anh Rahman cũng cảm thấy khó kiểm soát cảm xúc của mình trong lúc làm việc, nhưng sau cùng, khi đã hoàn tất công việc, anh luôn cảm thấy trân trọng cuộc sống hơn: "Mỗi chúng ta đều nên trân trọng những mối quan hệ mình có. Cuộc sống này thực ra rất mong manh, nhiều bất trắc và cũng có nhiều nỗi buồn".
Anh Rahman đã bắt đầu làm công việc này kể từ năm 2015, trung bình mỗi tháng anh nhận được 3 - 4 lời mời tới dọn dẹp những ngôi nhà vừa có người qua đời một mình. Theo thống kê của nhà chức trách Singapore hồi năm 2020, có khoảng 10% người già Singapore trên 60 tuổi đang sống một mình, tức khoảng 88.000 người già.
Thực tế, ở Singapore, một số tòa nhà chung cư có những căn hộ nhỏ dành riêng cho người độc thân. Những căn hộ này có lắp đặt hệ thống báo khẩn cấp, để trong trường hợp cấp bách, người sống độc thân có thể báo cho ban quản lý tòa nhà biết và nhận được sự hỗ trợ.
Nhưng nhiều khi, dù hệ thống đã được lắp đặt, vì lý do nào đó, hệ thống báo khẩn cấp vẫn không được người sống độc thân kích hoạt vào lúc khẩn cấp.
Bên cạnh đó, nhà chức trách tại Singapore cũng đã lập ra những tổ chức và đường dây nóng để hỗ trợ người già sống một mình, bao gồm việc quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe thể chất - tinh thần cho người già, nhưng những cái chết trong đơn độc vẫn xảy ra, vì những lý do riêng khó nói hết...
"Nghề nghiệp buồn nhất thế gian" tại Nhật Bản
Công việc dọn dẹp nhà của người vừa qua đời không phải là một công việc quá lạ lẫm tại Nhật Bản, bởi ở Nhật Bản có nhiều người già, nhiều người sống độc thân. Công việc này đã sớm xuất hiện để đáp ứng một nhu cầu hiện hữu tại đất nước này.
Khi công việc này mới bắt đầu được báo chí quốc tế biết đến và đề cập, người ta thường gọi đây là "nghề nghiệp buồn nhất thế gian".
Một thực tế đối với những cụ già sống một mình, đó là họ có thể đã qua đời cả tuần, cả tháng mà không ai hay biết. Những bức ảnh xuất hiện dưới đây được chụp tại thành phố Tokyo, Nhật Bản. Trước khi một biệt đội đến dọn dẹp, cảnh sát đã đến trước để đưa thi hài cụ già đi an táng.
Ở Nhật, người ta không quá để ý tới cuộc sống của hàng xóm. Ngoài ra, những chi phí như tiền nhà, tiền điện, tiền nước… có thể được trả tự động hàng tháng thông qua tài khoản ngân hàng, con cái của cụ già có thể đi làm ở xa và không thể về thăm cha mẹ thường xuyên, họ hàng thì lâu lâu mới tới chơi…
Vì vậy, lý do thường thấy nhất để người ta phát hiện một cụ già đã qua đời, đó là khi có mùi lạ xuất hiện. Ở Nhật Bản, vấn đề dân số già từ lâu đã được biết tới. Tại đây, ngày càng có nhiều người già sống cô đơn một mình.
Sau khi mọi công việc đã hoàn tất, hương và hoa sẽ được đặt ở vị trí người quá cố trút hơi thở cuối cùng (Ảnh: Reuters).
Anh Hirotsugu Masuda - người chuyên làm công việc dọn dẹp nhà của người vừa qua đời một mình - cho biết một tuần, anh và nhóm cộng sự của mình thường được gọi tới dọn dẹp 3 - 4 ngôi nhà có người vừa qua đời một mình.
Việc dọn dẹp toàn bộ một căn hộ thường mất khoảng 6 tiếng, trong suốt quá trình làm việc, nhóm dọn dẹp phải giữ trật tự tối đa để tránh làm những người hàng xóm cảm thấy lo lắng, bất an. Sau khi mọi công việc đã hoàn tất, hương và hoa sẽ được đặt ở vị trí người quá cố trút hơi thở cuối cùng.
Tại Nhật, để một nhóm chuyên nghiệp đến dọn dẹp nhà cửa như thế này, người ta phải trả số tiền tương đương từ 15 - 65 triệu đồng, tùy thuộc vào diện tích căn hộ.
Bích Ngọc
Theo Daily Mail