Cô gái ở TPHCM chi 5 tỷ đồng học lái máy bay kể điều bất ngờ về thu nhập
(Dân trí) - Gặp Mạch Khanh ngoài đời nhiều người sẽ cảm thấy bất ngờ khi biết cô gái này là một phi công, cơ phó một hãng hàng không. Khanh có gương mặt trẻ, vẻ ngoài nhí nhảnh, đôi khi cô còn bị nhầm là nữ sinh.
Bước ngoặt năm thứ 3 đại học và cú xoay "vốn" tiền tỷ
Trò chuyện với phóng viên Dân trí, Mạch Khanh (28 tuổi) chia sẻ, trước đây, cô chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành một phi công. Những năm học cấp 3, Khanh chuyên tâm học các môn Toán, Văn, Anh và dự định theo học ngành tâm lý học.
Tuy nhiên, sau đó cô lại thay đổi vào phút chót để thi Đại học kiến trúc TPHCM khi trường này có sự thay đổi về khối thi đầu vào. Dù chỉ có mấy tháng cấp tốc học vẽ, nhưng Khanh vẫn thi đỗ ngành Thiết kế đồ họa của trường với điểm số khá tốt.
Những năm tháng sinh viên, cô gái sinh năm 1996 vừa đi học, vừa đi làm. Có ít nhiều cơ hội làm việc thực tế liên quan đến chuyên ngành, Khanh nhận ra, công việc của nhà thiết kế có nhiều điểm chưa thật hợp với tính cách của bản thân.
"Thiết kế là ngành đòi hỏi sự đổi mới liên tục, đôi khi phải thay đổi ý kiến cá nhân để đáp ứng theo nhu cầu của khách hàng. Giữa guồng quay công việc, mỗi người còn phải đảm bảo đúng deadline (mốc thời gian quy định để hoàn thành công việc được giao - PV). Trong khi đó, bản thân tôi lại mong muốn một công việc mình được chủ động về mặt thời gian, không phải ôm việc về nhà…", Mạch Khanh chia sẻ.
Sau khi tìm hiểu, Khanh thấy phi công là ngành nghề phù hợp với tiêu chí của mình, hơn nữa, cô nhận ra học phi công không quá khó như nhiều người tưởng tượng. Đang học năm thứ 3 Đại học Kiến trúc TPHCM, Khanh mạnh dạn bày tỏ mong muốn theo đuổi nghiệp lái máy bay với bố mẹ.
Thời gian còn là sinh viên, Khanh đã đi làm thêm và làm quen với công việc thiết kế.
Bố mẹ của cô không khỏi lo lắng khi thấy con gái luôn loay hoay giữa các lựa chọn. Mẹ của Khanh gợi ý cô nên học để trở thành một tiếp viên hàng không bởi bà nghĩ công việc này phù hợp hơn với cô hơn. Tuy nhiên, Khanh khẳng định muốn thử thách bản thân. Cô gái trẻ sau đó dành hơn một năm để thuyết phục gia đình tin tưởng vào lựa chọn của mình.
"Thời gian đó, tôi vừa theo học Đại học Kiến trúc TPHCM để không bỏ lỡ tấm bằng đại học, vừa đăng ký tham gia khóa học lý thuyết làm phi công. Bố mẹ thấy tôi học hành nghiêm túc, mỗi ngày hứng thú tìm hiểu về các kiến thức mới nên cuối cùng đã đồng ý", Mạch Khanh nhớ lại.
Nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình nhưng với Khanh, kinh phí để đi học lái máy bay là một vấn đề lớn. Bố mẹ Khanh có công việc với mức thu nhập ổn định hàng tháng. Trong khi, số tiền học làm phi công và các chi phí khác lên tới 4-5 tỷ đồng.
"Bố mẹ tôi phải huy động sự hỗ trợ của người thân hai bên nội ngoại, mỗi người góp một chút, trong đó đặc biệt là ông ngoại. Ông đã đầu tư cho tôi số tiền lớn. Nhờ vậy, tôi mới có được ngày hôm nay. Tôi thấy rất xúc động khi những người thân yêu luôn đặt sự tin tưởng vào mình", cô gái trẻ nhớ lại khoảng thời gian cả gia đình góp "vốn" cho mình đi học.
Khanh tập trung học tập để có thể hoàn thành các bằng bay nhanh nhất có thể.
Sau khi hoàn thành khóa học lý thuyết, tháng 10/2019, Mạch Khanh sang Mỹ lần lượt học các bằng bay (bằng bay tư nhân, bằng bay thiết bị, bằng bay thương mại).
Đi học trong điều kiện gia đình không quá dư giả, để tiết kiệm các khoản chi phí lưu trú, ăn ở, Khanh cố gắng học nhanh nhất có thể. Trong khi những người khác mất từ 1,5-2 năm để hoàn thành khóa học thì cô gái sinh năm 1996 dồn hết tốc lực học trong vòng một năm.
"Những buổi học cất cánh đầu tiên, khi điều khiển được chiếc máy bay nhỏ bay lên, tôi thấy chắc chắn mình thuộc về bầu trời này rồi và lựa chọn của mình là đúng. Nhiều lúc, tôi tự động viên, mình nhỏ bé như vậy mà lái được con chim sắt lớn thì cũng đáng tự hào", cô gái 28 tuổi cười nói.
Sau khi trải qua quá trình huấn luyện khắc nghiệt, hoàn thành không dưới 100 bài thi cùng bài kiểm tra đánh giá, Mạch Khanh cũng trở thành cơ phó năm 25 tuổi. Tháng 4/2021, Khanh xin vào hãng hàng không Pacific Airlines, thành viên của Vietnam Airlines.
Đi xin việc vào đúng thời điểm ngành hàng không trầm lắng do đại dịch Covid-19, cô gái trẻ có ít lựa chọn hơn và không tránh khỏi lo lắng. Trước khi vào làm việc thực tế, Khanh còn phải tham gia nhiều khóa đào tạo trong và ngoài nước của hãng.
Tháng 7/2022, Mạch Khanh lái chuyến bay thương mại đầu tiên. Nhớ lại khoảnh khắc được làm chủ bầu trời, cô gái trẻ vẫn còn bồi hồi: "Chuyến đó tôi bay từ TPHCM ra Hà Nội. Tôi thấy tự hào và ý thức được trách nhiệm của mình khi có 200 hành khách ngồi phía sau và đặt niềm tin vào mình. Khoảng thời gian 2 tiếng, tôi định hình, vận dụng thật tốt những kiến thức mình đã học để cùng cơ trưởng có một chuyến bay an toàn", nữ cơ phó nhớ lại.
Trở thành phi công "khó mà không khó"
Theo Mạch Khanh, nhiều người hiểu nhầm rằng, cơ phó thường chỉ ngồi không cạnh cơ trưởng. Tuy nhiên, thực tế, mỗi ngày bay, các cơ phó luân phiên thay nhau cầm lái các chặng cùng cơ trưởng. Khi cơ trưởng cầm lái thì cơ phó ở vị trí quan sát, liên lạc với đài, khi cơ phó cầm lái thì cơ trưởng làm nhiệm vụ còn lại.
Vì vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cô luôn cần tập trung, tỉnh táo, xử lý các tình huống phát sinh và cùng cơ trưởng đưa ra những quyết định kịp thời.
Ngồi ở vị trí buồng lái, Mạch Khanh có không ít kỷ niệm đáng nhớ. Ngoài việc luôn hoàn thành tốt các chuyến bay, Khanh có được "đặc quyền" là ngắm đất nước ở nhiều độ cao với cảnh sắc đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh.
"Có lần bay vào lúc chiều tối, tôi đã nhìn thấy cảnh mặt trăng một bên, mặt trời một bên. Nhiều nơi ở đất nước ta nhìn từ trên cao đẹp vô cùng, không kém gì các quốc gia có thiên nhiên kỳ thú khác", cơ phó trẻ tuổi cho hay.
Mạch Khanh có gương mặt bầu bĩnh, dễ thương và rất trẻ. Đôi khi cô khiến hành khách ngạc nhiên ở vai trò cơ phó. Một lần khác, cô được hành khách nhí người nước ngoài xin chữ ký trong tuyển tập những phi công đã chở cậu bé đi nhiều quốc gia trên thế giới.
Nhìn vào cuốn sổ, Khanh thấy, chữ ký của mình là một trong số ít những chữ ký của phi công nữ. Cô cảm thấy vô cùng vui mừng vì được hành khách tin yêu và đặc biệt, bản thân có thể làm được công việc mà lâu nay nhiều người cho rằng, chỉ nam giới mới có thể làm tốt.
Chia sẻ về thu nhập hiện tại, Mạch Khanh cho hay, cô có thu nhập đủ sống chứ không phải ở mức 9 con số (mức trăm triệu đồng) như nhiều người vẫn nghĩ. "Nhiều người cho rằng, phi công là "nghề hái ra tiền". Tuy nhiên, tôi cho rằng, quan điểm này chưa thật phù hợp. Trước dịch thì tùy hãng, còn thời kỳ này thu nhập của cơ phó hiếm khi đạt mức 9 con số", Mạch Khanh chia sẻ.
Cô gái trẻ cũng cho hay, trở thành phi công vừa khó, vừa không khó. Không khó là bởi nếu đủ thông tin, đủ sự kiên trì, quyết tâm và đam mê thì dù là một cô gái như Khanh cũng có thể biến giấc mơ làm chủ bầu trời thành sự thực. Còn khó là bởi cần có sức khỏe và tài chính.
Theo Mạch Khanh, học làm phi công đòi hỏi nhiều chi phí huấn luyện, thi cử. Thời điểm này, số tiền đầu tư học phi công đã ở mức cao hơn chứ không phải 5 tỷ đồng như trước đây.
Mạch Khanh trong buồng lái máy bay.
"Sẽ hơi khó để nói về những con số. Nhưng ở thời điểm của tôi trở về trước, nếu không tính chi phí tiêu xài thì cần đi làm khoảng 4-5 năm là có thể trả hết chi phí huấn luyện. Còn ở thời điểm này, chi phí đi học cao hơn mức của tôi mấy năm trước, nhưng lương nhận về không quá cao, phải khoảng 10 năm mới có thể lấy lại số tiền đã đầu tư đi học", Mạch Khanh nói.
Nhìn lại bước ngoặt táo bạo về nghề nghiệp, cô gái ở TPHCM cho hay, bản thân chưa bao giờ hối tiếc về việc học phi công bởi đó là lựa chọn đúng đắn nhất, phù hợp với tính cách và định hướng cuộc sống của cô. Trong tương lai, Khanh đặt mục tiêu sẽ trở thành cơ trưởng, được đi đến nhiều vùng đất mới và đem lại nhiều hành trình thú vị cho các hành khách.
Nữ cơ phó năng động, nắm bắt nhanh
Có dịp đồng hành cùng Mạch Khanh trên nhiều chuyến bay cũng như quá trình đào tạo, anh Vũ Anh Tuấn, Cơ trưởng đồng thời là Giáo viên kiểm tra bay của Pacific Airlines chia sẻ, để trở thành một phi công, mỗi cá nhân phải trải qua rất nhiều quá trình: Học tập huấn luyện ở nước ngoài, tập huấn buồng bay giả định, bay thực tế, đào tạo chuyển loại máy bay theo từng hãng... Mạch Khanh đã hoàn thành tốt quá trình huấn luyện, đảm bảo đủ tiêu chí để trở thành một cơ phó của hãng.
"Phi công là ngành đặc thù. Mạch Khanh năng động, nắm bắt nhanh các kiến thức chuyên ngành, luôn thực hiện tốt những bài kiểm tra hay thử thách trong giới hạn mà tôi đưa ra", cơ trưởng Vũ Anh Tuấn nói.
Cũng theo anh Vũ Anh Tuấn, so với các ngành nghề khác, chi phí để trở thành một phi công khá cao, tùy theo từng trường, từng hãng mà khác nhau, thường từ 4 đến 5 tỷ đồng hoặc cao hơn.
"Riêng chi phí tốt nghiệp ở nước ngoài như Pháp, Mỹ là khoảng 2 tỷ đồng, sau khi về hãng thì còn có chi phí chuyển loại máy bay, chi phí bay huấn luyện, bay khai thác… tổng số tiền lên tới 4-5 tỷ đồng hoặc hơn", anh Vũ Anh Tuấn cho hay.
Ảnh: Nhân vật cung cấp