DNews

Chỉ từ 100 triệu đồng tiền gốc, vợ chồng trẻ 9 năm đổi 3 nhà ở Hà Nội

Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Chị Bùi Ngọc Phượng quyết định mua nhà ở Hà Nội sớm hơn hẳn bạn bè cùng tuổi. Chỉ dắt lưng khoảng 100 triệu đồng nhưng qua 9 năm, chị Phượng đã đổi nhà 3 lần.

Chỉ từ 100 triệu đồng tiền gốc, vợ chồng trẻ 9 năm đổi 3 nhà ở Hà Nội

Từ 100 triệu đồng đầu tiên, mua nhà trước tuổi 30

Chị Bùi Ngọc Phượng (36 tuổi) chia sẻ, dù vẫn còn gánh một khoản nợ và phải trải qua khoảng thời gian áp lực đến... bạc tóc vì tiền lãi, song bản thân không hối hận với quyết định mua nhà trước 30 tuổi.

Vợ chồng chị Bùi Ngọc Phượng đều từ tỉnh lẻ tới Hà Nội học tập và lập nghiệp. Ôm nỗi ám ảnh về những căn phòng trọ chật hẹp hồi đi học và mới ra trường, ngay sau khi kết hôn, cả hai đã thống nhất sẽ tìm mọi cách mua nhà ở Hà Nội thật sớm.

Thời điểm năm 2015, chị Phượng dự tính sẽ bán 2 cây vàng mừng cưới (giá trị thời điểm đó khoảng 70 triệu đồng), đồng thời vay người nhà 200 triệu đồng, vay ngân hàng 200-300 triệu đồng mua đất và dựng nhà 1 tầng để ở.

"Số tiền ấy, tôi cứ nghĩ là đủ nhưng không ngờ, việc tìm một miếng đất vừa vặn với tài chính của chúng tôi quá khó", chị Phượng nói.

Những mảnh đất vợ chồng chị Phượng xem đều có giá 600-700 triệu đồng. "Mảnh đất ở trong một con ngõ nhỏ thuộc phường Dương Nội, Hà Đông được chủ rao giá 11 triệu đồng/m2. Tôi khá ưng nhưng diện tích lại quá lớn, hơn 60m2", chị Phượng nhớ lại.

Nếu dồn hết tiền mua đất, sẽ không có tiền xây nhà, hai vợ chồng chuyển hướng sang mua đất đã có sẵn nhà ở.

Suốt 3 tháng liền rong ruổi khắp các con ngõ ở quận Hà Đông, chị Phượng và chồng tìm được một căn nhà 3 tầng trên mảnh đất 30m2 ở Yên Nghĩa có giá 1,1 tỷ đồng. Cả hai tính toán sẽ cố vay mượn để mua nên nhờ người em làm nghề xây dựng đến xem.

"Tôi tưng hửng khi em bảo, nhà này người ta mới xây để bán, tường mỏng, nguyên liệu kém chất lượng. Để ở được, vợ chồng tôi phải tốn thêm một khoản gia cố lại", chị Phượng kể.

Chật vật tìm nhà mặt đất không được, cả hai chuyển hướng mua chung cư.

Tìm hiểu thông tin, chị Phượng thấy lựa chọn mua chung cư thời điểm ấy thuận lợi và có nhiều dự án hỗ trợ người mua vay ngân hàng với thủ tục khá nhanh gọn.

Đặc biệt, chị tìm được gói vay 30.000 tỷ đồng, gói tín dụng của Chính phủ giúp tăng khả năng thanh toán cho nhóm người có thu nhập thấp, gặp khó khăn về chỗ ở như chị Phượng. Thời hạn cho vay là 10-15 năm, mức lãi suất chỉ 5%, không biến động theo thị trường.

Chỉ từ 100 triệu đồng tiền gốc, vợ chồng trẻ 9 năm đổi 3 nhà ở Hà Nội - 1

Khu chung cư nơi chị Phượng mua căn hộ đầu tiên (Ảnh: Hồng Anh).

Chị Phượng quyết định chọn mua căn hộ thuộc một dự án thuộc Hoài Đức, giá hơn 1 tỷ đồng. Nơi này khá xa cơ quan của hai vợ chồng nhưng bù lại giao thông thuận lợi, đường  thông thoáng, đi xe máy 10 phút đã đến đường Phạm Hùng hay Trần Duy Hưng.

Về tài chính, chị kể: "Chúng tôi phải đóng 30% và 70% là ngân hàng giải ngân. Khi ấy, tôi có 100 triệu đồng gồm tiền bán toàn bộ số vàng hồi môn, tiền thai sản và tiền mọi người mừng con tôi mới chào đời. Số còn lại, mẹ chồng tôi đi vay mượn người thân và cắm cuốn sổ đỏ của gia đình".

Thời điểm đó, thu nhập của hai vợ chồng chị Phượng khoảng 15 triệu đồng/tháng. Chị Phượng ước tính, nếu chi tiêu tiết kiệm, họ sẽ để dành được 7-8 triệu đồng/tháng, khoản này đủ để trả ngân hàng mỗi tháng. Ngoài ra, khoản tiền thưởng hàng năm, họ sẽ gom để trả các khoản vay người thân, cố gắng khoảng chục năm là sẽ yên ổn.

Vài ba năm đầu, vợ chồng chị Phượng vẫn luôn nghĩ sẽ ở lâu dài trong căn chung cư. Tuy nhiên, khi đã trải qua những ngày tháng khó khăn nhất, họ lại nung nấu ý định đổi nhà.

Năm 2020, chị Phượng bán căn chung cư với giá gần 1,4 tỷ đồng để mua một căn nhà mặt đất với suy nghĩ nhà đất sẽ đảm bảo tính riêng tư, có giá trị và nhanh tăng giá hơn chung cư.

"Khi ấy, tôi vẫn nợ ngân hàng 500 triệu đồng. Sau khi trả nợ, tôi còn hơn 800 triệu đồng trong khi căn nhà tôi mua có giá tới 2,4 tỷ đồng, diện tích 36m2", người phụ nữ nhớ lại.

Lần này chị Phượng đã có kinh nghiệm xoay xở tiền hơn. Chị dùng căn nhà thế chấp, vay được 1,2 tỷ đồng, số còn thiếu, chị lại tiếp tục vay họ hàng, bạn bè.

Chỉ từ 100 triệu đồng tiền gốc, vợ chồng trẻ 9 năm đổi 3 nhà ở Hà Nội - 2

Sau 5 năm, chị Phượng đổi từ nhà chung cư sang căn hộ mặt đất trong một con ngõ nhỏ (Ảnh minh họa: Hồng Anh).

Ở căn nhà này được 2 năm, vợ chồng chị Phượng tiếp tục đổi sang căn nhà thứ 3 rộng hơn vào đầu năm 2023, giá 3,9 tỷ đồng.

Phương án tài chính của chị Phượng lần này vẫn là bán căn nhà cũ, số còn thiếu thì vay ngân hàng kết hợp vay người quen.

"Hiện tại, tôi vẫn còn nợ một số tiền khá lớn. Trong tình huống không thể trả được nợ, tôi tính phương án bán căn nhà này đi và mua một căn nhỏ hơn hoặc căn chung cư thì gần như không còn nợ nữa", chị Phượng nói.

Ăn cá khô cả tháng, bạc tóc khi nghĩ đến nợ

Nhiều bạn bè thấy vợ chồng chị Phượng điều kiện kinh tế không quá khá giả nhưng trong 9 năm đổi 3 ngôi nhà không khỏi thán phục. Song chị Phượng chia sẻ rằng, mọi người đang chỉ thấy "màu hồng", còn rất nhiều những khó khăn, áp lực phía sau, chị ít khi kể ra nên không mấy ai biết.

Nhớ lại những ngày mua căn nhà đầu tiên, chị chia sẻ, cả gia đình đã phải sống đến mức tằn tiện, thậm chí nghèo khổ để có tiền trả lãi và tiết kiệm. Họ chỉ tiêu khoảng 40% thu nhập cho các nhu cầu cơ bản như ăn uống, đi lại, thuốc men.

Chỉ từ 100 triệu đồng tiền gốc, vợ chồng trẻ 9 năm đổi 3 nhà ở Hà Nội - 3

Chị Phượng tìm mọi cách để tăng thêm thu nhập (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Suốt mấy năm, vợ chồng tôi không mua sắm quần áo, giầy dép mới. Tôi cũng không dùng đến son, phấn, kem dưỡng da. Thi thoảng, tôi mua cho con vài bộ đồ vì trẻ con mỗi ngày một lớn", chị Phượng nhớ lại.

Người phụ nữ này xoay xở mọi cách để tăng thu nhập. Chị nhận thêm việc ở công ty khác, tranh thủ làm ngoài giờ. Ngoài ra, chị còn bán hàng ở chung cư nơi mình sinh sống.

Nơi chị ở tập hợp chủ yếu các gia đình trẻ. Mọi người lập nên một chợ cư dân online. Ai có đồ quê thường đăng tin rao bán và giao hàng tận cửa.

Chị Phượng đem từng quả mít quê, gom người mua gà rồi về quê lấy gà lên Hà Nội để hai vợ chồng chia nhau đi ship (giao hàng).

Dẫu vậy, tháng nào với áp lực từ khoản tiền nợ, chị cũng phải kêu gọi sự viện trợ của người thân vì cứ gần cuối tháng lại hết tiền. Có những hôm, trong túi chị chỉ còn đúng 20.000 đồng.

"Cá khô là món ăn mà giờ chỉ nghĩ đến tôi đã thấy ngán. Để tiết kiệm, tôi chủ yếu ăn cá khô kho mặn. Kho đi kho lại đến mức bê mâm ra là không muốn ăn.

Mệt mỏi nhất là những khi con ốm đau, đi viện tốn cả đống tiền thuốc men. Nhiều lúc tôi mất ngủ, căng thẳng, đêm nằm không ngủ được cứ chảy nước mắt. Bạn bè gặp bảo tôi già hẳn đi. Tôi thấy mình bạc cả tóc vì mua nhà", chị Phượng nhớ lại.

Trong căn chung cư nội thất gần như không có, giữa nhà đặt bếp gas cũ, xoong nồi úp trên giá không khác cảnh ở trọ, động lực lớn nhất khiến chị Phượng vượt qua những ngày khó khăn đó là hai vợ chồng đã có căn nhà của riêng mình. Dù sống khổ nhưng không phải sống ở nhà người khác.

Chỉ từ 100 triệu đồng tiền gốc, vợ chồng trẻ 9 năm đổi 3 nhà ở Hà Nội - 4
Chỉ từ 100 triệu đồng tiền gốc, vợ chồng trẻ 9 năm đổi 3 nhà ở Hà Nội - 5
Chỉ từ 100 triệu đồng tiền gốc, vợ chồng trẻ 9 năm đổi 3 nhà ở Hà Nội - 6

Chị Phượng bán đủ mọi mặt hàng trên chợ cư dân từ mớ rau đến quả bầu, quả bí (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Những năm về sau, khi chị Phượng quyết định đổi nhà lần 2 rồi lần 3, thu nhập của hai vợ chồng đã ổn định hơn. 

Sự tự tin bản thân có thể xoay xở được tài chính và sự tăng trưởng của thị trường bất động sản cũng khiến chị mạnh dạn đưa ra quyết định thay đổi.

Ngẫm lại, quãng thời gian đã qua, chị Phượng thấy thực sự áp lực, vất vả. Bản thân chị cũng ngạc nhiên với chính mình khi trước đây chưa từng chịu cảnh sống tằn tiện, chưa từng đụng tay bòn từng mớ rau mà khi mua nhà lại gom góp từng đồng lẻ.

Người phụ nữ này tổng kết, nếu không có áp lực nợ nần thì vợ chồng chị có thể sẽ vẫn giữ lối sống chi tiêu thoải mái mà không biết khi nào mới có được nhà. Những cặp vợ chồng trẻ nếu không có khoản tiền lớn tích cóp, không có hỗ trợ của bố mẹ thì khó lòng mua nhà. Vì vậy, chỉ còn một cách duy nhất là chấp nhận "liều" một chút, sống tằn tiện ở mức "tồn tại", ngủ ít làm nhiều… thì mới mong sớm có căn nhà của riêng mình.

 "Nếu có niềm tin, có sự lạc quan, có quyết tâm vượt qua thì khó khăn nào cũng sẽ lùi lại. Dù đã phải sống khó khăn suốt một thời gian dài, tôi vẫn thấy hạnh phúc vì đã vượt qua được quãng thời gian khó khăn nhất", chị Phượng chia sẻ.