DNews

Liều vay tiền tỷ mua nhà Hà Nội, vợ chồng trẻ cho thuê trả nợ rồi lại ở trọ

Tuệ Minh

(Dân trí) - Hai vợ chồng chấp nhận ở trọ chật chội để gần chỗ làm, còn căn nhà đã mua được cho thuê với giá 5 triệu đồng.

Liều vay tiền tỷ mua nhà Hà Nội, vợ chồng trẻ cho thuê trả nợ rồi lại ở trọ

Khép cánh cổng sắt dẫn vào khu trọ, chị Thanh (sống ở Cầu Giấy, Hà Nội) dắt con gái 6 tuổi len giữa hàng xe máy ở tầng 1 chật ních. Hai mẹ con đi nghiêng, bước qua cầu thang hẹp lên phòng trọ trên tầng 2.

Khu trọ của chị Thanh ở có 10 phòng, chủ yếu cho sinh viên và các cặp vợ chồng trẻ thuê. Mỗi phòng rộng khoảng 20m2, có giá thuê 3,5 triệu đồng/tháng. Đa số những người sống ở đây vừa đi thuê vừa tích góp để thực hiện giấc mơ sở hữu nhà ở thành phố.

Chị Thanh đã có nhà riêng ở quận Long Biên. Nghĩ đến áp lực số tiền nợ mua nhà quá lớn, nơi ở cách chỗ làm 20km nên vợ chồng chị chọn thuê trọ. Trong khi đó, căn nhà ở Long Biên được cho thuê lại với giá 5 triệu đồng/tháng để trả lãi ngân hàng. 

Hoàn thành giấc mơ mua nhà Hà Nội

 Chị Thanh và chồng kết hôn năm 2016. Sau khi cưới, hai vợ chồng có lưng vốn từ tiền mừng và vàng cưới là 300 triệu đồng, thêm khoản tích góp 150 triệu đồng từ lúc còn độc thân. 

Mức thu nhập của hai vợ chồng hàng tháng khoảng 25 triệu đồng. So với nông thôn, mức thu nhập này cao nhưng ở Hà Nội mới chỉ tạm đủ sống.

Hàng tháng, gia đình chị Thanh chi 8 triệu đồng thuê nhà, điện nước, học phí cho con và trích 2 triệu đồng tiền tích góp phòng lúc ốm đau. Số còn lại được trang trải cho ăn uống, ma chay cưới hỏi, mua sắm các vật dụng cần thiết. Là "tay hòm chìa khóa", chị Thanh cố gắng dè sẻn hết mức nhưng không dư dả được bao nhiêu.

Nghĩ đến chuyện con rồi sẽ vào lớp 1, không thể ở trọ cả đời, hai vợ chồng chấp nhận thực tế phải vay mượn thêm để thực hiện giấc mơ mua nhà. 

Với số tiền khoảng 900 triệu đồng nhờ tích góp được và bố mẹ hỗ trợ, năm 2021, hai vợ chồng chị Thanh tính toán đến chuyện mua nhà. Vợ chồng người phụ nữ này từng đi xem nhiều nhà ở các khu vực Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy... nhưng không chọn được căn ưng ý do giá nhà cao so với khả năng. 

"Chồng tôi thích mua nhà đất với quan niệm, nhà đất là của riêng, không phải chung đụng với ai. Giá nhà đất luôn tăng lên, còn chung cư bị xuống cấp theo thời gian, rất khó bán khi cần. Biết là vậy nhưng nếu mua nhà riêng với giá hơn 2 tỷ đồng, có nghĩa chúng tôi phải vay hơn 1 tỷ đồng, chuyện trả nợ rất vất vả", chị Thanh cho biết.

Tiêu chí mà cặp đôi này đặt ra gồm: Vị trí đất cách Cầu Giấy bán kính 4-5km, mức giá hơn 2 tỷ đồng, sổ đỏ và pháp lý đầy đủ, không nằm trong ngách sâu.

Mỗi lần gặp môi giới đều mất tiền phí nhưng quảng cáo trên mạng rất mỹ miều, đến nơi mới vỡ lẽ không đáp ứng được sự kỳ vọng, vợ chồng chị không ít lần phải ra về trong thất vọng.

"Mua được mảnh đất hay nhà riêng có giá hơn 2 tỷ đồng đáp ứng đủ các tiêu chí trên không khác gì "mò kim đáy bể". Nhiều căn nhà rao bán với giá dưới 2 tỷ đồng nhưng pháp lý không đảm bảo yên tâm", chị Thanh chia sẻ.

Liều vay tiền tỷ mua nhà Hà Nội, vợ chồng trẻ cho thuê trả nợ rồi lại ở trọ - 1

Sau khi cho thuê căn nhà, vợ chồng chị Thanh chọn ở trọ chật chội để tập trung trả nợ và không phải di chuyển xa đến chỗ làm (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Sau một thời gian tìm mua nhà riêng không được, có lúc vợ chồng chị Thanh xoay hướng, lựa chọn chung cư.

Vào thời điểm cách đây vài năm, khách cầm số tiền 2-2,5 tỷ đồng trong tay, may mắn lắm mua được căn tập thể cũ hoặc căn hộ có diện tích nhỏ ở Cầu Giấy, Nam Từ Liêm... Diện tích nhà nhỏ, hai vợ chồng không thể đón ông bà nội đến ở cùng. 

Sau nhiều đêm tính toán, chị Thanh chấp nhận mua nhà ở Long Biên với giá 2,2 tỷ đồng. Lựa chọn này phù hợp mong muốn của chồng về 2 yếu tố: Nhà đất không lo mất giá, nơi sống không chật chội như khu vực Cầu Giấy. 

Căn nhà có 4 tầng, một tum. Mỗi sàn 40m2, tổng diện tích sử dụng gần 180m2. So với thời điểm mua, hiện giá ngôi nhà đã tăng thêm 600-700 triệu đồng. 

Ngoài số tiền 900 triệu đồng có trong tay, chị Thanh vay 700 triệu đồng của ngân hàng, vay hơn 5 cây vàng từ người thân và hơn 300 triệu đồng từ bạn bè. 

Mỗi tháng cặp vợ chồng này phải trả nợ 15 triệu đồng. Để giải quyết nợ nần và không phải di chuyển quá xa khi đi làm, vợ chồng chị Thanh thế chấp chính căn nhà đã mua và cho thuê lại. Cả gia đình tiếp tục cuộc đời ở trọ để trả nợ...

Từ khi mua nhà, hai vợ chồng nhắc nhau tiết kiệm các khoản đi chơi, ăn uống, tụ tập, mua sắm, tìm thêm việc làm để tăng thu nhập. Nhiều đêm, kim đồng hồ đã chỉ sang ngày mới, chị Thanh vẫn "ôm" máy tính để hoàn thành công việc làm thêm. 

Điều may mắn là trong lúc kinh tế khó khăn như hiện nay, cặp vợ chồng này không bị giảm thu nhập. Mỗi tháng, tổng thu nhập từ công việc chính và làm thêm của cặp đôi này là 35 triệu đồng.

Giá vàng không ngừng tăng nên chị Thanh xác định phải trả khoản vay bằng vàng càng sớm càng tốt.

Chị Thanh nói: "Áp lực nhất với hai vợ chồng là khoản vay vàng nhẫn của họ hàng để mua nhà. Cách đây 2 năm, giá vàng chỉ quanh ngưỡng 5,4 triệu đồng/chỉ, nhưng năm ngoái đã vọt lên 7,1 triệu đồng/chỉ. Nhìn giá vàng tăng, chúng tôi đứng ngồi không yên nên quyết định dốc hết tiền phòng thân và vay thêm một ít từ người thân để mua vàng trả cho người ta".

Khoản nợ của hai vợ chồng chị Thanh đến nay mới vơi hơn một nửa. 

Có nhà Hà Nội nhưng vẫn chịu cảnh sống chật chội

Giấc mơ có nhà Hà Nội đã hoàn thành song cặp vợ chồng này vẫn ở phòng trọ chật chội. Cuộc sống chưa thật sự thảnh thơi nhưng người phụ nữ này nói, không cảm thấy hối hận. Bởi, nếu đợi đến bây giờ, giá nhà neo ở mức cao và rất khó mua nhà.

Căn phòng trọ của chị Thanh đang ở luôn thiếu ánh sáng do nhà cao tầng phủ kín xung quanh. Những ngày mùa đông, ngoài đường còn rõ mặt người, khu trọ đã tối om. 

Phòng trọ 20m2 có một gác xép để chứa đồ. Khoảng rộng nhất ở giữa là nơi đặt giường ngủ, cạnh đó là tủ quần áo, một chiếc bàn nhỏ cùng các thứ lặt vặt. Vì không gian bí bách nên điều hòa được bật suốt mùa hè. 

Đối diện giường là cửa sổ khá rộng nhưng quanh năm đóng chặt. Nếu mở cửa sổ cũng không đón được nhiều ánh sáng, do tường phía trước choán hết khoảng không gian hẹp.

Góc bếp nhỏ không có chỗ cho hai người đứng. Nhà tắm chật chội vừa là nơi sơ chế thực phẩm kết hợp tắm rửa hàng ngày... Vào những ngày điều hòa trục trặc, nấu xong bữa cơm, mồ hôi của chị Thanh vã như tắm. 

Giường ngủ là nơi tiếp khách, ăn cơm và đặt bàn gấp cho con học bài. Vì cảnh trọ chật chội, chị Thanh hiếm khi mời đồng nghiệp hay bạn bè đến nhà. 

"Nhiều lần, họ hàng lên chơi, hai vợ chồng phải dẫn mọi người ra quán. Diện tích nhà chật thêm đồ đạc tuềnh toàng, cặp đôi sợ mang tiếng với xóm làng ở quê", chị Thanh chia sẻ.

Khổ nhất là những đêm con sốt cao, tiếng khóc phá vỡ bầu không khí yên tĩnh của cả xóm trọ. Nhà bên cạnh không thông cảm, chạy sang gõ cửa rồi buông lời khó chịu. 

Khó khăn là vậy nhưng người phụ nữ cảm thấy yên lòng vì có mảnh đất ở thành phố đứng tên mình sau nhiều năm cố gắng.

"Lỡ đến đường cùng, không gánh nổi khoản nợ, tôi có thể bán nhà để trang trải, còn hơn tích góp từ năm này qua năm khác mà vẫn không có tấc đất cắm dùi. Dù sao nghĩ lại, chúng tôi vẫn may mắn hơn rất nhiều bởi có một căn nhà đứng tên hai vợ chồng. Cố gắng phấn đấu thêm 5-7 năm nữa, trả hết nợ, chúng tôi sẽ kiếm một công việc gần Long Biên để được ở trong căn nhà của chính mình", chị Thanh cho hay.