Lời đậm từ chiến thuật đổi nhà, 9X ở Hà Nội lên kế hoạch nghỉ hưu sớm
(Dân trí) - Gánh nợ trên vai, vợ chồng chị Mai nghĩ đủ cách kiếm tiền, làm 2-3 việc cùng lúc. Thu nhập nhờ thế có tháng tăng gấp rưỡi, gấp đôi lên mức 50-60 triệu đồng/tháng.
Căn nhà 2,1 tỷ đồng trống trơn, hai vợ chồng nằm đất ngủ
Hơn 6 năm sau khi sở hữu căn nhà đầu tiên ở Hà Nội, vợ chồng chị Đàm Quỳnh Mai quyết định đổi nhà lần thứ ba. Những ngày này, song song với việc rao bán căn nhà ở Yên Sở, quận Hoàng Mai, chị Mai đang chọn mua 1 căn chung cư và 1 căn biệt thự liền kề ở khu đô thị thuộc huyện Văn Giang, Hưng Yên, gần sát Hà Nội.
Hai vợ chồng chị Mai đều xuất thân từ tỉnh lẻ, nhưng nhờ chăm chỉ làm ăn và mạnh dạn chuyển đổi tài sản, cả hai đã dần thực hiện được những mục tiêu về nhà ở tại Hà Nội.
Vợ chồng chị Mai kết hôn đầu năm 2018. Thu nhập của hai vợ chồng khi ấy chỉ khoảng 20-23 triệu đồng/tháng. Chị Mai làm nhân viên kinh doanh lương 5-7 triệu đồng, còn chồng làm trong một công ty truyền thông lương 15-16 triệu đồng.
Sau khi kết hôn nửa năm, bố mẹ chị Mai nhiều lần gọi điện khuyên cả hai về quê để mở cửa hàng kinh doanh thảo mộc. Quê chị Mai mấy năm qua phát triển vùng nguyên liệu thuốc Nam, kinh tế của nhiều gia đình khá ổn định.
Ngao ngán cảnh ở trọ chật chội trong căn phòng chưa đầy 15m2, chưa biết khi nào mới đủ tiền mua nhà, chị Mai bàn với chồng về quê.
Anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1990), chồng chị không đồng ý bởi về quê, anh khó tìm được cơ hội việc làm đúng với chuyên môn.
"Lúc này, tôi càng quyết tâm ở lại Hà Nội lập nghiệp. Muốn "lạc nghiệp", phải "an cư", tôi nghĩ đến việc tìm mua nhà. Đợi đủ tiền thì không biết khi nào đủ, tôi nghĩ là phải đi vay", anh Tuấn nói.
Anh Tuấn thuyết phục chị Mai và cả hai thống nhất tìm nhà đất ở quận Hoàng Mai để tiện đường về quê. Cả hai cũng không chọn chung cư vì thích sự riêng tư.
Cả hai chấp nhận trả một khoản phí cho môi giới để nhanh chóng tìm được ngôi nhà phù hợp với nhu cầu và túi tiền.
Tính tổng tiền vàng mừng cưới, tiền tiết kiệm sau nhiều năm ra trường đi làm, cả hai có được khoảng 700 triệu đồng, trong khi các căn nhà nhân viên môi giới dẫn tới đều 2-3 tỷ đồng.
Sau cùng họ chọn mua căn có giá thấp nhất là 2,1 tỷ đồng. "Lúc ấy, chúng tôi còn thiếu tới 1,4 tỷ đồng nên đã làm thủ tục vay ngân hàng 600 triệu đồng, vay của anh em bạn bè 800 triệu đồng", chị Mai nói.
Chuyển về nhà mới, cả hai gần như không sắm sửa gì mà tận dụng đồ đem đến từ nhà trọ. Vợ chồng chị thậm chí còn không mua giường mà trải chiếu lên chiếc đệm ở tầng 2 nằm ngủ. Căn nhà 3 tầng gần như trống trơn. Gần một năm sau, khi chuẩn bị đón con đầu lòng, cả hai mới mua một chiếc giường mới.
Tiền mua nhà chủ yếu phải đi vay, cả hai lúc nào cũng nung nấu ý định làm thế nào để trả nợ thật nhanh.
Khoản 800 triệu đồng không mất lãi nhờ vay của người quen nên cả hai lên kế hoạch trả dần theo từng lịch hẹn. Khoản tiền nợ ngân hàng được ưu tiên trả trước.
"Cùng lúc chúng tôi vừa trả nợ ngân hàng, vừa phải gom tiền để trả từng khoản cho người quen và lo chi phí sinh hoạt ở Hà Nội", chị Mai nói.
Vợ chồng chị Mai thắt chặt chi tiêu, nhờ bố mẹ mua thực phẩm ở quê gửi lên Hà Nội, không đi du lịch, sữa bỉm dùng hàng nội địa... Ngay khi có cơ hội đổi việc với thu nhập cao hơn, chị Mai lập tức chuyển công ty. Người phụ nữ này còn nhận làm thêm ngoài giờ để có thêm tiền hỗ trợ sinh hoạt.
Anh Tuấn từ làm thuê đã tách ra mở công ty cùng một người bạn. Không góp vốn nhiều, anh chấp nhận bỏ nhiều công sức hơn, làm ngày, làm đêm.
"Gánh nợ trên vai, chúng tôi nghĩ đủ cách kiếm tiền, làm 2-3 việc cùng lúc. Thu nhập nhờ thế có tháng tăng gấp rưỡi, gấp đôi lên mức 50-60 triệu đồng/tháng.
Tôi nhớ những bữa cơm muộn lúc 9-10h đêm hay những hôm chồng chong đèn ngồi làm việc tới 1-2h sáng. Bạn bè gặp, ai cũng bảo chồng tôi già hẳn đi sau khi mua nhà", chị Mai nhớ lại những tháng ngày cật lực làm việc.
Đến năm 2022, cả hai cũng trả hết được khoản nợ 1,4 tỷ đồng. Năm 2023, anh Tuấn gợi ý chị Mai nên đổi nhà bởi căn nhà họ đang sống ở trong ngõ sâu, chỉ có thể đi xe máy vào. Vừa thoát nợ, cả hai chấp nhận nợ tiếp để mua căn hộ rộng hơn, ô tô đỗ cửa.
Vợ chồng chị Mai bán căn nhà cũ với giá 3,5 tỷ đồng và mua một miếng đất ở cùng khu vực nhưng ô tô đỗ cửa, gần trường học, công viên giá 5,7 tỷ đồng.
Cả hai sử dụng chính miếng đất để thế chấp vay ngân hàng. Ngoài ra, họ vay thêm một khoản tiền từ gia đình đôi bên gộp với khoản dành dụm sau hơn một năm không phải gánh nợ để xây căn nhà 3 tầng 1 tum.
Lên kế hoạch "về hưu", dùng tiền cho thuê nhà để sinh sống
Ngôi nhà khang trang nằm đối diện sân chơi của khu phố khiến ai đi qua cũng trầm trồ. Nằm ở vị trí đắc địa, ngôi nhà nhờ thế càng có giá khi giá nhà đất tăng "nóng".
Chị Mai sau nhiều năm đi làm thuê đã quyết định nghỉ việc mở cửa hàng riêng. Chị kinh doanh các mặt hàng thảo mộc, quà tặng. Nhờ nguồn khách hàng cũ, công việc kinh doanh của chị bước đầu khá thuận lợi.
"Hiện, tính toán theo giá nhà đất khu vực, nhà tôi có thể bán với giá hơn 10 tỷ đồng. Chúng tôi dự định tìm mua một căn nhà liền kề trong khu đô thị ở Hưng Yên để đầu tư, phần còn lại, chúng tôi mua một căn chung cư nhỏ ở quận Hoàng Mai để ở", chị Mai nói.
Nhiều người quen biết đều nói vợ chồng chị Mai, anh Tuấn may mắn khi mua căn nhà nào là lãi đậm căn nhà đó. Tuy nhiên, anh Tuấn cho rằng, bản thân mình chỉ đưa ra quyết định chuyển đổi tài sản đúng thời điểm.
"Khi chấp nhận bán rẻ thì chúng ta mới có cơ hội mua rẻ. Căn nhà cũ của tôi nhiều người nói bán quá rẻ, nhưng đến thời điểm hiện tại giá cũng chỉ tăng nhẹ, nếu bán chỉ khoảng 4,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, căn nhà hiện tại lại tăng nhiều hơn. Nếu giữ căn nhà cũ đến bây giờ mới bán, tôi chỉ có 4,5 tỷ đồng. Tôi sẽ không thể mua được căn nhà hiện tại vì chênh quá cao", anh Tuấn nói.
Với kế hoạch mua 2 căn nhà, anh Tuấn dự định sẽ làm việc tại Hà Nội tới năm 40 tuổi. Sau đó, anh sẽ cho mình "nghỉ hưu" sớm. Cả gia đình anh chị sẽ chuyển về quê xây một ngôi nhà nhỏ sinh sống để tiện chăm sóc bố mẹ già. Họ sẽ giữ 2 căn nhà cho thuê để có tiền đảm bảo cuộc sống gia đình khi về quê.
Bàn về chủ đề nhà đất ở Hà Nội, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long từng chia sẻ, so với nhiều thành phố trên thế giới Hà Nội được đánh giá là thành phố có giá cả sinh hoạt cao. Đặc biệt về nhà ở, nếu một cặp vợ chồng có thu nhập bình thường, nuôi thêm 1-2 đứa con thì 40-50 năm cũng chưa mua được nhà.
Chính vì vậy, tùy từng hoàn cảnh, từng gia đình và khả năng thanh toán mà có quyết định hợp lý khi tính toán phương án mua nhà. Không nên thấy người này, người kia đầu tư, chuyển đổi nhà lãi đậm mà cũng liều mình mua nhà trong khi điều kiện thực tế không cho phép.
"Tùy nguồn thu mà quyết định hình thức mua. Nếu hai vợ chồng thu nhập chỉ 15-16 triệu đồng thì chi tiêu, cho con ăn học là hết, sẽ không còn khoản thu nhập để mua nhà. Nhưng nếu thu nhập cao hơn, trừ các chi phí thiết yếu mà tiền còn dư thì mới tính đến phương án mua nhà hợp lý cho mình", ông Long nói.