DMagazine

Cặp đôi Hà Nội tổ chức đám cưới độc lạ và chuyện tình sau 25 năm bỏ lỡ nhau

(Dân trí) - Từ "chuyện tình gà bông", bỏ lỡ nhau 25 năm, rồi mỗi người đều có hạnh phúc riêng, đến khi gặp lại sau hôn nhân đổ vỡ, anh Quốc Khánh và chị Nguyệt Ánh quyết không để lạc nhau thêm lần nào nữa.

Cặp đôi Hà Nội tổ chức đám cưới độc lạ và chuyện tình sau 25 năm bỏ lỡ nhau

Từ "chuyện tình gà bông", bỏ lỡ nhau giữa năm tháng cuộc đời, rồi mỗi người đều có hạnh phúc riêng, gặp lại sau hôn nhân đổ vỡ, anh Quốc Khánh và chị Nguyệt Ánh quyết không để lạc nhau thêm lần nào nữa.

Đám cưới độc lạ "Reply1996"

Hơn một tuần từ sau đám cưới "Reply 1996" (Trở về năm 1996), chị Vũ Nguyệt Ánh và anh Nguyễn Quốc Khánh, cùng 35 tuổi, vẫn còn dư âm "lâng lâng" hoàn thành ước mơ ấp ủ bấy lâu, là cùng nhau trở lại tuổi thơ, hồi tưởng những ký ức tươi đẹp trong ngày trọng đại nhất cuộc đời.

Được biết, hai vợ chồng nảy ra ý tưởng tổ chức đám cưới theo chủ đề "Reply 1996" từ năm 2020, nhưng bị trì hoãn hai năm do dịch bệnh Covid-19.

Vốn là thanh mai trúc mã, bên nhau từ khi còn là học sinh tiểu học dưới mái trường Chu Văn An, cặp đôi mong muốn tái hiện lại cho bản thân và cả khách mời những cảm xúc đẹp đẽ, trong trẻo, ngây thơ tuổi học trò, trong chính ngày vui của mình.

"Như vậy, 'ngày vui' sẽ đúng nghĩa là 'ngày vui', ngày mà mọi người thực sự cảm thấy vui - cả nhân vật chính cũng như những người đến dự, chứ không chỉ là ngày để 'đòi nợ phong bì', để xã giao với những mối quan hệ xã hội hay họ hàng, để thực hiện những nghi lễ truyền thống cho xong thủ tục", chị Nguyệt Ánh cười, nói.  

Cặp đôi Hà Nội tổ chức đám cưới độc lạ và chuyện tình sau 25 năm bỏ lỡ nhau - 1

Không gian đám cưới độc đáo "Trở về năm 1996" của vợ chồng anh Quốc Khánh và chị Nguyệt Ánh.

Với chủ đề "Reply 1996", cặp đôi mong muốn mọi người được trở về tuổi thơ đa dạng qua các giác quan: Thị giác (bối cảnh, trang trí), khứu giác và vị giác (món ăn, thức uống), thính giác (ca khúc thiếu nhi, quốc ca, đội ca, nhạc hiệu chương trình truyền hình và phim ảnh năm 1996).

Song, để thực hiện hóa giấc mơ này, anh Quốc Khánh và chị Nguyệt Ánh gặp không ít khó khăn, từ khâu chuẩn bị đến tổ chức. 

Cả hai đã khảo sát và liên hệ hàng chục địa điểm (trong, ngoài trời, tổ chức tiệc cưới,...) trung tâm Hà Nội, nhưng hoặc bị từ chối do concept (chủ đề) "độc, lạ", lo ngại kỳ công phục vụ, hoặc bản thân chưa cảm thấy ưng ý. Họ từng mong sẽ được tổ chức đám cưới tại sân trường hoặc sân bóng trường Tiểu học Chu Văn An, nhưng không được phép.

"Tôi cũng đã tham khảo ý kiến bạn bè, người quen làm trong ngành tổ chức sự kiện, nhưng chưa chốt được địa điểm, khiến buổi tiệc bị hoãn từ tháng 5 đến tận cuối tháng 11", cô dâu tâm sự.

Sau nhiều nỗ lực, đám cưới được tổ chức tại một tổ hợp giải trí ở phố Tây Sơn, quận Đống Đa. Đến gần ngày, chị Nguyệt Ánh vẫn nơm nớp lo lắng, sợ bị hủy do "sự kiện không giống ai".

Không gian tổ chức đậm chất năm 1996 với bối cảnh chính tái hiện cổng trường Chu Văn An, bích báo và phông sân khấu nhung đỏ - chữ trắng, do chính tay cô dâu thiết kế.

Cả nhóm tìm mua, sưu tầm, mượn của bạn bè, người thân hoặc tự làm thủ công những món đồ trang trí xưa như chiếc máy đánh chữ, con lật đật của Nga, chăn con công, chiếc khăn trải bàn bằng nilon xanh đỏ...

Cặp đôi Hà Nội tổ chức đám cưới độc lạ và chuyện tình sau 25 năm bỏ lỡ nhau - 2
Cặp đôi Hà Nội tổ chức đám cưới độc lạ và chuyện tình sau 25 năm bỏ lỡ nhau - 3
Cặp đôi Hà Nội tổ chức đám cưới độc lạ và chuyện tình sau 25 năm bỏ lỡ nhau - 4
Cặp đôi Hà Nội tổ chức đám cưới độc lạ và chuyện tình sau 25 năm bỏ lỡ nhau - 5

Buổi tiệc không có sơn hào hải vị, chỉ có các quầy căng tin giản dị phục vụ đồ ăn nhẹ với ô mai Thái, bim bim cua, xe kẹo kéo, kẹo bông. Ngoài ra, quầy bánh giò, trứng vịt lộn, cháo sườn, quẩy nóng, tào phớ hay gánh bỏng ngô, cũng được nhiều người ghé thăm. 

"Đầu tiên, chúng tôi lên danh sách món ăn vừa đa dạng, thú vị, thể hiện đúng tinh thần quà vặt năm 1996, lại vừa ngon miệng, tối ưu về vận hành, phục vụ, rồi bắt tay tìm nhà cung cấp", chị Nguyệt Ánh cho biết.

Ba món mặn gồm bánh giò, cháo sườn và trứng vịt lộn, do một bên chuyên bán đồ ăn online hỗ trợ. Cô dâu - chú rể đã mời đến đám cưới xe quẩy chuyên nghiệp để lăn bột, rán tại chỗ. Họ cũng mất nhiều thời gian lượn lờ phố xá, tìm bằng được hai anh làm kẹo bông và kẹo kéo mang bộ dụng cụ đến sự kiện để phục vụ khách mời.  

Độc đáo không kém là quang gánh bỏng ngô của một cô bán hàng rong, được đặt hàng với giá 1,3 triệu đồng, nhưng sợ bị lừa nên từ chối. Vợ chồng Nguyệt Ánh thuyết phục mãi, người phụ nữ mới đồng ý đến tham dự đám cưới.

Về phần những thức quà tuổi thơ khác như sữa chua, nước sấu, nước chanh, cũng được cô dâu kì công chuẩn bị, sau nhiều ngày làm việc với nhà cung cấp, đáp ứng yêu cầu tìm bằng được lọ sữa chua nhỏ giống ngày xưa.

Cặp đôi Hà Nội tổ chức đám cưới độc lạ và chuyện tình sau 25 năm bỏ lỡ nhau - 6
Cặp đôi Hà Nội tổ chức đám cưới độc lạ và chuyện tình sau 25 năm bỏ lỡ nhau - 7
Cặp đôi Hà Nội tổ chức đám cưới độc lạ và chuyện tình sau 25 năm bỏ lỡ nhau - 8
Cặp đôi Hà Nội tổ chức đám cưới độc lạ và chuyện tình sau 25 năm bỏ lỡ nhau - 9

Ngoài ra, khác với đám cưới truyền thống, giấy mời tới dự lễ "Sơ kết Học kì I trong chuỗi Học kì hôn nhân của đôi bạn cùng tiến Quốc Khánh và Nguyệt Ánh", được đăng tải lên mạng xã hội theo hình thức "xác nhận tham gia". Nghĩa là những người không phải họ hàng, bạn bè của cô dâu - chú rể, nếu thấy hứng thú, đều có thể đăng ký tham gia.

Tất cả được yêu cầu trang phục đúng chuẩn đồng phục học sinh: Áo trắng, quần/chân váy đen hoặc tím than, được ban tổ chức phát thêm khăn quàng đỏ.

"Đây thực sự là một quyết định 'táo bạo' và vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người phản đối kịch liệt và thể hiện thái độ gay gắt. Cũng có người cho rằng việc không mời đích danh mà chỉ gửi biểu mẫu xác nhận tham dự là thiếu tôn trọng", Nguyệt Ánh tâm sự.

Song, cô khẳng định hình thức mời cưới độc đáo cũng là cách để "lọc khách mời", tránh đau đầu chuyện "mời ai - không mời ai", để những người thực sự hào hứng, quý mến hai vợ chồng, sẽ vui vẻ tham dự.

Thực tế, trong hơn 200 khách mời hôm đó, hầu hết đều là bạn bè của cặp đôi, kể cả những người lâu năm không gặp, không nói chuyện, nhưng vẫn đến chúc mừng hạnh phúc. Đặc biệt nhất là một số khách mời, tuy không phải bạn bè hay có mối quan hệ chính thức nào với cô dâu - chú rể, chỉ là người quen trên Facebook, vẫn đến trải nghiệm kiểu đám cưới "có một không hai".

Nguyệt Ánh cũng hy vọng đám cưới của anh chị sẽ tiên phong cho cách mời cưới "thực chất", chào đón những vị khách nhiệt tình, thực sự quý mến 2 "nhân vật chính", muốn tham dự và chúc phúc, chứ không phải đến "trả nợ phong bì", xã giao đãi bôi hay để "ăn cơm bụi giá cao" mà chẳng thấy gì vui vẻ.

Cặp đôi Hà Nội tổ chức đám cưới độc lạ và chuyện tình sau 25 năm bỏ lỡ nhau - 10

Buổi lễ bế giảng năm 1997 - 1998 của lớp anh Quốc Khánh và chị Nguyệt Ánh (khoanh đỏ).

Cặp đôi Hà Nội tổ chức đám cưới độc lạ và chuyện tình sau 25 năm bỏ lỡ nhau - 11

Cặp đôi đã đưa cảm hứng từ bộ đồng phục vào bữa tiệc cưới của mình.

Nối lại tình đầu sau hơn 25 năm bỏ lỡ nhau

Đúng giờ "hoàng đạo", toàn thể khách mời cùng cô dâu, chú rể được mời đứng dậy làm lễ chào cờ, đúng theo nghi thức buổi lễ chào cờ truyền thống của một trường Tiểu học, như hát Quốc ca, Đội ca và hô các khẩu hiệu.

"Ngày hôm nay, chúng ta đến đây cùng chúc mừng cho lễ Sơ kết Học kì I trong chuỗi Học kì hôn nhân của đôi bạn cùng tiến Quốc Khánh và Nguyệt Ánh. Chúc cho hai bạn tiếp tục nắm tay nhau tiến bước, đoàn kết, thân ái trong các học kỳ tiếp theo", nữ MC duyên dáng mở đầu chương trình.

Trên sân khấu, cô Ứng Thị Ngọc Dung, giáo viên chủ nhiệm lớp 4B Trường Tiểu học Chu Văn An (niên khóa 1996-1997), bày tỏ xúc động được gặp lại ban phụ huynh, học sinh của 26 năm trước, đặc biệt hạnh phúc khi chứng kiến hai học sinh Quốc Khánh và Nguyệt Ánh về chung một nhà.

Nhớ lại "chuyện tình gà bông" của cặp đôi, cô Dung kể lần cô đang chấm bài, thì một chàng trai với dáng người nhỏ nhắn, đứng giữa bục giảng hét lớn: "Nguyệt Ánh, anh yêu em!". Cô Dung và các bạn xung quanh cười ầm lên, sau cùng im lặng và ngạc nhiên.

"Các học sinh đợi cô mắng bạn Quốc Khánh, nhưng cô chỉ cười, vì đó là chuyện vui của tuổi học trò", cô Dung nói.

Cặp đôi Hà Nội tổ chức đám cưới độc lạ và chuyện tình sau 25 năm bỏ lỡ nhau - 12

"Toàn thể liên đội" cùng tiến hành buổi lễ chào cờ truyền thống, trước khi chính thức tham gia buổi tiệc.

Cặp đôi Hà Nội tổ chức đám cưới độc lạ và chuyện tình sau 25 năm bỏ lỡ nhau - 13

Đám cưới Reply 1996 của vợ chồng anh Quốc Khánh và chị Nguyệt Ánh. Trên sân khấu, cô giáo chủ nhiệm năm lớp 4 của anh chị cũng có mặt và phát biểu cảm nghĩ.

Anh Quốc Khánh kể, thời đó thích Nguyệt Ánh vì cô bạn xinh xắn, nhí nhảnh, vui tính, nên "tấn công ác liệt", tuyên bố chủ quyền. Cứ bạn nam nào ve vãn xung quanh Ánh, sẽ nhận được chiến thư hẹn đánh nhau của anh, "vì Ánh là của Khánh rồi".

Với Nguyệt Ánh, cô học trò nhỏ năm xưa dù bẽn lẽn nhưng không phủ nhận chuyện "thinh thích Khánh", vì cậu bạn đẹp trai, lại hay viết thư dài và sến.

Người bạn thân nhất của Ánh, chị Tâm Lan kể rằng, ngày xưa Khánh ngồi sau toàn bí mật vuốt tóc Ánh. Vì Khánh là tổ trưởng, dọa sẽ trừ điểm thi đua nên Lan không dám mách bạn.

Lên cấp hai, mỗi người học một trường khác nhau. Dù hai nhà chỉ cách 100m, nhưng hai người thỉnh thoảng mới lướt qua nhau.

Một lần năm lớp 6, Nguyệt Ánh ngồi ăn chè cùng một bạn nam khác. Quốc Khánh đi xe đạp qua trông thấy, "ánh mắt hình viên đạn", tối về liền gọi điện tra khảo.

Sau nhiều năm "bặt vô âm tín", năm lớp 11, trong lúc đứng chờ xe buýt trên đường Hoàng Diệu, Nguyệt Ánh trông thấy Quốc Khánh cùng bạn đạp xe ngang qua. Khánh dừng lại hỏi thăm, rồi bảo Ánh lên xe mình chở đi học. Cứ thế, những ngày sau, Khánh đều đặn chở cô bạn gái đến trường.

Biết được biến cố gia đình Khánh là bố vừa mất và mối quan hệ họ hàng có nhiều vấn đề, Nguyệt Ánh hỏi thăm, khuyên nhủ cậu hạn chế chơi game, tập trung học tập. Nhưng rồi, những cuộc chở nhau đi học thưa dần, đến một ngày, Khánh bỗng mất tích.

Cuộc tái ngộ thời cấp 3 kết thúc, Ánh chỉ kịp mua tặng cậu bạn một chiếc thắt lưng, đưa sang nhà nhờ mẹ Khánh gửi hộ. Từ đó, hai đứa trẻ ngỡ rằng chẳng bao giờ gặp lại nhau. Họ lớn lên, đều lập gia đình và có cuộc sống riêng.

Cặp đôi Hà Nội tổ chức đám cưới độc lạ và chuyện tình sau 25 năm bỏ lỡ nhau - 14

Sau hơn 25 năm bỏ lỡ nhau, cặp đôi về chung một nhà bằng một đám cưới đáng nhớ.

Năm 2020, trong nhóm Facebook của lớp 4-5B trường Chu Văn An, xuất hiện một bức ảnh của Quốc Khánh, do một người bạn trong lớp đăng tải, với dòng chú thích: "Vô tình 'bớ' được thằng bạn lưu lạc, liệu được mấy người nhớ không, chắc có Ánh là thổn thức".

Tuy nhìn ảnh chưa thể đoán ra ngay "người tình năm xưa", nhưng qua dòng chữ, Nguyệt Ánh nhận ngay là Quốc Khánh. Nhóm lớp được dịp sôi động, hẹn gặp nhau sau chưa đến một tuần.

Gặp lại nhau, cả hai đôi chút ngượng ngùng. Khánh không dám nhìn thẳng vào mắt Ánh trong khi các bạn học xung quanh vẫn trêu đùa và gán ghép cặp đôi.

"Thôi mọi người đừng trêu nữa, bạn ấy còn không dám nhìn thẳng vào mắt tớ kia kìa. Bao nhiêu năm rồi, có khi bạn ấy quên xừ mất tớ là ai rồi ấy chứ", lời Ánh nói, khiến Khánh sững lại, vội mở điện thoại, lục tìm bài thơ "Mùa hè năm đó", bắt đầu bằng câu "Trưa hè 26/4", kể về sinh nhật năm lớp 5 của Nguyệt Ánh.

"Cậu bé (Quốc Khánh) không còn nhớ lời cần phải nói ngày cuối hôm nay. Không biết rằng, nhiều thứ trong đời, cơ hội chỉ có 1 lần. Mọi thứ đã xa lắm rồi!", Quốc Khánh nghẹn ngào quay sang nhìn Nguyệt Ánh.

Một lần nữa, tình yêu sống lại với "đôi bạn lớp 4" nay đã trưởng thành, từng trải qua đổ vỡ hôn nhân, khiến lời thề "không muốn cưới nữa" chính thức tan biến.

Anh Khánh hay tiếc nuối "Giá mà mình gặp lại nhau sớm hơn", nhưng chị Ánh cho rằng "Nếu gặp nhau sớm hơn, chưa chắc chúng mình đã chọn nhau, hoặc nếu có chọn, cũng chưa chắc giữ được nhau và hạnh phúc, bình yên bên nhau được như bây giờ".

Theo chị, mỗi người đều phải trải qua đủ thăng trầm của cuộc sống, đều phải có những bài học cho riêng mình từ những vấp ngã, đổ vỡ, thất bại, tổn thương, đau khổ… thì mới trưởng thành hơn trong suy nghĩ, cách sống, cách hành xử; mới hiểu được mình cần gì, muốn gì, phù hợp với cái gì và đặc biệt là biết cách trân trọng những điều mà mình đang có, giữ gìn hạnh phúc và sự bình yên.

Nguyệt Ánh rất tin vào chữ "duyên", vào những sự sắp đặt rất kì diệu của cuộc sống, của số phận. "Mỗi người gặp đều là người cần phải gặp, những thứ đã xảy ra đều là những thứ cần phải xảy ra", chỉ khi "đúng người - đúng thời điểm" mới có thể hạnh phúc.

"Tất nhiên hạnh phúc không phải thứ tự nhiên đến và cứ tự nhiên như vậy mãi, mỗi người cần phải biết nâng niu, gìn giữ, tự hoàn thiện bản thân mình để duy trì và phát triển, để đồng hành cùng nhau bền vững và lâu dài. Nếu không, dù lúc đó có thể 'đúng người - đúng thời điểm', nhưng sau đó có thể rồi 1 ngày sẽ không còn đúng nữa", chị nói.

Cặp đôi Hà Nội tổ chức đám cưới độc lạ và chuyện tình sau 25 năm bỏ lỡ nhau - 15

Những người thân, bạn bè thân thiết của cô dâu - chú rể tham dự đám cưới "Reply 1996". 

Sau đám cưới, Nguyệt Ánh hạnh phúc khi khách mời đều chia sẻ niềm vui khi được trở về tuổi thơ, hào hứng với không gian đặc biệt, độc lạ so với các bữa tiệc cưới thông thường khác. Mọi người được mặc đồng phục, đeo khăn quàng đỏ, được ăn những món ăn vặt ngon miệng - có thể lâu lắm rồi không ăn lại, được hát Quốc ca, Đội ca và trải qua nhiều cung bậc cảm xúc.

"Hai vợ chồng cũng rất hào hứng, thấy ngày vui của mình nhiều cảm xúc. Điều tiếc nuối nhỏ là rất muốn có tiết mục hát tam ca hồi bé biểu diễn trên trường, cũng là ca khúc tôi đã hát hôm gặp lại anh Khánh trong buổi họp lớp, nhưng tiếc là một bạn trong tam ca ở xa không tham dự được", cô dâu tâm sự.

Đám cưới của vợ chồng Nguyệt Ánh - Quốc Khánh sau khi đăng tải lên mạng xã hội nhận về nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng. Chị thừa nhận, mọi thứ đều có hai mặt, nếu đã theo đuổi hình thức "độc - lạ" thì cũng chấp nhận có người thích, người không, đó mới là cuộc sống.

"Tôi không đọc bình luận của cư dân mạng, để tránh dư luận từ những người xa lạ ảnh hưởng đến cảm xúc của mình, thay vào đó cố gắng giữ được dư âm hạnh phúc của ngày hạnh phúc", cô dâu "Reply 1996" Nguyệt Ánh trải lòng. 

Nội dung: Minh Nhân

Ảnh: Nhân vật cung cấp