DMagazine

2.500 kỷ vật lưu dấn ấn hội nhập của người Hoa ở Sài Gòn - Chợ Lớn

(Dân trí) - Anh Sanh muốn lưu lại dấu ấn quá trình hội nhập của cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn - Chợ Lớn nên 3 năm qua đã sưu tầm hơn 2.500 kỷ vật liên quan.

Anh Dương Rạch Sanh, 44 tuổi ở quận 6 đang giữ hơn 2.500 kỷ vật của người Hoa ở TPHCM. Tháng 4/2021, bộ sưu tập của anh xác lập kỷ lục Việt Nam: "Người sở hữu bộ sưu tập kỷ vật của người Hoa ở Việt Nam trước năm 1975 có số lượng nhiều nhất".

Hầu hết, những món đồ này được cộng đồng người Hoa ở TPHCM góp tặng, nhờ anh Sanh lưu giữ. Từ những đồ dùng sinh hoạt hằng ngày cho đến những món đồ cổ trên 100 tuổi có giá trị, hiện đặt tại phòng trưng bày số 67 An Dương Vương, quận 5.

"Tất cả những kỷ vật này ghi lại dấu ấn của người Hoa trong quá trình sinh sống, hội nhập cùng  53 dân tộc anh em khác trên đất nước Việt Nam, nhiều nhất ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Giữ lại chúng là cách để người trẻ trong cộng động người Việt gốc Hoa có cơ hội nhìn lại quá khứ với những nét văn hóa đặc trưng đang dần bị quên lãng", anh Sanh chia sẻ.

Anh Sanh chia sẻ, người Hoa từ Trung Quốc sang Việt Nam làm ăn buôn bán đã hàng trăm năm. Tuy nhiên, từ những năm 1940, nhiều gia đình vì muốn lánh chiến tranh Trung  - Nhật đã chọn Sài Gòn, đặc biệt là khu Chợ Lớn (gồm quận 5,6,8,11 ngày nay) để lập nghiệp.

2.500 kỷ vật lưu dấn ấn hội nhập của người Hoa ở Sài Gòn - Chợ Lớn - 2

"Ông nội tôi người gốc Quảng Đông, sang Việt Nam từ năm 1930 lúc mới 17 tuổi. Tính đến nay, gia đình tôi đã sống ở Sài Gòn gần 100 năm", anh Sanh cho biết.

Từ 10 năm trước, khi còn là một phóng viên tờ báo Sài Gòn giải phóng bản tiếng Hoa, anh Sanh có cơ hội gặp các cụ già người Hoa đang giữ nhiều kỷ vật. Song, anh chưa nghĩ đến sẽ làm công việc sưu tầm này.

Đến năm 2019, anh Sanh bỗng nhận thấy những món đồ cũ đặc trưng trong sinh hoạt của người Hoa ở Sài Gòn không còn mấy ai sử dụng. Sợ thế hệ trẻ không biết đến lịch sử, văn hóa của cộng đồng mình nên anh nảy ra ý tưởng sưu tầm.

Ban đầu, anh chỉ nhận được sự ủng hộ của những người thân, bạn bè. Họ lấy kỷ vật của gia đình góp tặng anh. Sau khi tìm hiểu câu chuyện của từng món đồ, anh Sanh thấy đây là một công việc ý nghĩa cần phải nhân rộng nên đã kêu gọi nhiều người đóng góp.

Để tạo sự tin tưởng cho mọi người, với một kỷ vật được tặng anh đều cất công đến tận nhà lấy và nghe chủ nhân kể về lịch sử của nó. Câu chuyện sau đó được đăng lên tờ báo tiếng Hoa mà anh từng cộng tác.

Người Hoa ở Sài Gòn chủ yếu gồm 5 nhóm, đó là: Quảng Đông, Tiều, Phúc Kiến, Hải Nam, Hẹ. Các nhóm này gắn với tên địa phương nơi họ xuất phát từ Trung Quốc di cư đến Việt Nam. Giữa các nhóm có sự khác nhau về phong tục, tiếng nói, văn hóa…

Trước khi sưu tầm những món kỷ vật, anh Sanh không có nhiều kiến thức về lịch sử, văn hóa người Hoa ở Việt Nam. Trong quá trình sưu tầm và nghe người lớn tuổi kể chuyện, anh có thêm hiểu biết và muốn được chia sẻ lại với những người trẻ.

2.500 kỷ vật lưu dấn ấn hội nhập của người Hoa ở Sài Gòn - Chợ Lớn - 4

Bà Đào Diệu Bình, 73 tuổi là thế hệ thứ 3 trong gia tộc họ Đào ở khu Chợ Lớn. Đây là một gia tộc lớn và giàu có với hãng nước ngọt Phương Toàn ở thế kỷ trước. Năm 1971, ca sĩ Đặng Lê Quân sang Chợ Lớn biểu diễn. Bà Diệu Bình đã chụp hình để nữ ca sĩ ký tên lên, giữ làm kỷ niệm. 2 năm trước, khi biết được việc làm của anh Sanh, bà Diệu Bình đã tặng anh những tấm hình và nhiều kỷ vật của gia tộc đã từng sử dụng như khuôn bánh trung thu, rương, máy may, giấy tờ tùy thân, ảnh kỷ niệm…

Ngoài ra, góp vào bộ sưu tập của anh Sanh còn có những kỷ vật một trong những đoàn lân sư rồng lâu đời và nổi tiếng nhất Sài Gòn là Nhơn Nghĩa Đường, tuổi đời gần 90 năm của võ sư Lưu Hào Lương. Đoàn lân sau này được con trai ông là Nghệ nhân nhân dân Lưu Kiếm Xương kế nghiệp.

"Gia đình đã tặng tôi thanh đao do võ sư Lưu Hào Lương tự chế tác và mang theo biểu diễn. Ngoài ra còn có những kỷ vật rất quý như trang phục biểu diễn, những chiếc rương đựng đồ…", anh Sanh chia sẻ.

2.500 kỷ vật lưu dấn ấn hội nhập của người Hoa ở Sài Gòn - Chợ Lớn - 6

Với hơn 2.500 món đồ nhưng anh Sanh có thể nhớ chính xác từng câu chuyện về chúng. Anh gọi đó là những yêu thương và sự tin tưởng mà mọi người dành cho mình.

Trong đó, chiếc gối Lỗ Ban bằng gỗ có khắc một bài thơ và năm sản xuất là 1893 của một người Hoa gốc Tiều ở quận 6 góp tặng khiến anh nhớ nhất.

Người tặng cho biết chiếc gối này được ông nội cho cha của ông ấy mang sang Việt Nam. Thời xưa, quan niệm của người già thường cho rằng con cháu xa quê hương không biết khi nào gặp lại. Chiếc gối bằng gỗ cứng thường dùng để ngủ trưa. Ở nơi đất khách, khi được nằm ngủ trên chiếc gối mới có được những giây phút yên bình để nhớ về quê hương, cảm giác như được sống bên gia đình.

2.500 kỷ vật lưu dấn ấn hội nhập của người Hoa ở Sài Gòn - Chợ Lớn - 8

Những chiếc túi thơm đỏ làm bằng tay hiện nay không còn ai làm và bán ở Sài Gòn nữa. Anh Sanh còn nhớ, thuở bé bà nội mình cũng từng mua cho anh để đeo vào người. Trong lớp vải có nhiều thảo mộc có thể chống côn trùng, muỗi đốt, thường được bán nhiều vào ngày Tết Đoan Ngọ. Người cuối cùng làm chúng là bà Lý Liên, 83 tuổi đã mất từ 2 năm trước vì tai nạn giao thông.

"Một nét đẹp văn hóa của người Hoa ở Sài Gòn hiện nay không còn được duy trì. Đó là điều tôi rất tiếc, vì thế tôi muốn giữ lại những kỷ vật này để thế hệ sau được biết", anh Sanh cho hay.

Một trong những không gian đặc biệt trong phòng trưng bày kỷ vật người Hoa đó là khu vực đặt kỷ vật của liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng người Hoa ở Sài Gòn.

Theo đặc san Ban Hoa vận đặc khu Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn viết, có 235 chiến sĩ người Hoa hy sinh trong chiến tranh được Nhà nước truy tặng liệt sĩ. "Người Hoa tham gia cách mạng là một dấu ấn trong quá trình họ hội nhập ở Việt Nam", anh Sanh nói.

2.500 kỷ vật lưu dấn ấn hội nhập của người Hoa ở Sài Gòn - Chợ Lớn - 10

Hiện tại, anh Sanh vẫn đang làm đầy thêm căn phòng lưu giữ của mình bằng những kỷ vật. Niềm vui của anh là có nhiều người cũng xem món đồ đó là kỷ niệm, muốn giữ lại nhưng đã sẵn sàng trao lại cho anh.

"Mỗi người có một cách ghi nhớ về quá khứ. Tôi muốn lưu lại để thế hệ trẻ người Hoa biết thêm về nguồn cội, văn hóa đặc trưng của mình. Đồng thời, cũng muốn chia sẻ với những dân tộc anh em khác trên đất nước Việt Nam để chúng ta hiểu rõ thêm về nhau để cùng chung sống, xây dựng và phát triển", anh Sanh tâm niệm.

Nội dung: Diệp Phan

Ảnh: Trần Đạt

Thiết kế: Tuấn Huy