DMagazine

"Ê! Bệt hông?"

(Dân trí) - Ở đâu người ta cũng có thể ngồi bệt và uống cà phê, nhưng để trở thành văn hóa, nét đặc trưng và phong cách riêng biệt thì "bệt cà phê" chỉ có duy nhất ở TPHCM.

Ở đâu người ta cũng có thể ngồi bệt và uống cà phê, nhưng để trở thành văn hóa, nét đặc trưng và phong cách riêng biệt thì "bệt cà phê" chỉ có duy nhất ở Sài Gòn - TPHCM.

Năm 2014, lần đầu tiên đặt chân tới thành phố này, tôi được đứa bạn đại học mời ly cà phê 12.000 đồng trong Công viên 30/4 (quận 1, TPHCM). Suốt quãng đời sinh viên sau đó, ly cà phê pha tí sữa đặc màu nâu đất cùng hình ảnh cô bán hàng tay vẫy vẫy tập báo cũ, luôn miệng hỏi: "Lót chỗ, bệt hông con?" đã trở nên quen thuộc.

Gần chục năm sau khi ra trường, đi làm, tôi ít có cơ hội quay về những chốn cũ của thời sinh viên. Thế rồi, có một hôm chạy ngang hông Nhà thờ Đức Bà, dưới mấy cây cổ thụ xanh thẫm, tôi vẫn thấy nhóm bạn sinh viên trai gái, mấy ông già đọc tờ báo cũ, mấy anh "giang hồ hảo hớn" lẫn cả vị giám đốc bận quần áo bảnh tỏn bình thản ngồi nhâm nhi ly cà phê nhựa, ngắm nhìn đàn bồ câu lượn quanh bức tượng Đức Mẹ Hòa Bình…

Ê! Bệt hông? - 1

Vị đối tác cùng ngồi trên chiếc ô tô, đương bận áo sơ mi trắng, quần âu đắt đỏ hơn cả chục triệu, quay sang hỏi tôi: "Ê! Hay bệt bàn hợp đồng hông?"

Cứ thế, bất giác từng ký ức xưa ùa về. Và tôi nhận ra rằng, dù thành phố này có phát triển như thế nào, thời gian có trải qua bao lâu, dưới những mái nhà thành phố, trên nền vỉa hè lát gạch hoa, ly cà phê cùng người đàn bà cầm sấp báo giấy phe phẫy gọi mời vẫn luôn hiện hữu.

Ê! Bệt hông? - 3

TPHCM sẵn sàng mở cửa, chào đón hàng triệu dân nhập cư và dễ dàng tiếp nhận tất cả các nền văn hóa của mọi miền Tổ quốc. Vì thế, ở cái xứ "tánh kỳ" này, cà phê cũng có trăm nghìn hình thái và cách thường thức khác nhau, đáp ứng đẩy đủ loại "gu" của tất cả tầng lớp cư dân.

Đâu đâu ở nơi này bạn cũng dễ dàng bắt gặp cà phê! Nếu bạn muốn một ly nguyên chất và nói không với bột bắp, sẽ có cà phê nhập ngoại với tên gọi "Tây" trong các quán sang-xịn-mịn. Bạn bỏ qua chất lượng nước, chỉ quan tâm đến không gian sẽ có thể tìm đến những tiệm cà phê nhuốm màu thời gian mà chục năm trôi qua chủ quán chỉ mở mãi bản nhạc Trịnh, Ngô Thùy Miên… Rồi cà phê "chill" có hòn non bộ, vườn hoa cỏ rộng nghìn mét vuông, cà phê có thể cho cá Koi vài chục tỷ đồng ăn, cà phê cổ dành cho giới đam mê sưu tầm, cà phê vợt của người thường thức theo phong vị xưa, hay cả cà phê "no" cả bụng trong những chiếc xe bánh mì chấm cà phê sữa ở khu chợ cũ quận 5, quận 6…

Nói về cà phê Sài Gòn, loại thức uống này có mặt rất lâu đời ở xứ Đàng Trong. Theo đó, năm 1938, ông Vĩnh Ngô, một người xuất thân từ dòng dõi hoàng tộc ở Huế đã lưu lạc đến đất Gia Định. Ở một nơi "đồng không mông quạnh", thưa thớt dân cư, ban đầu ông dựng lên chiếc quán nhỏ tên: Cheo Leo. Cứ thế, đến ngày nay, Cheo Leo vẫn hiện hữu, là quán cà phê vợt lâu đời nhất Sài Gòn gắn liền với hồi ức của biết bao thanh niên trường Pétrus Ký, Chu Văn An, Kiến Thiết…

Ê! Bệt hông? - 5

Về sau, khi người Pháp vào Nam, dân ta có dịp "học lỏm" cách pha chế cà phê bằng phin sắt, để giọt cà phê từ từ nhỏ xuống chiếc ly thủy tinh. Sau đó, nhằm phù hợp với những người không chịu được vị đắng đặc sánh, dễ say của cà phê, người Sài Gòn còn biến tấu thức uống từ phong cách "rất Tây" qua "ta" bằng cách thêm tí sữa, ca cao… Ấy vậy, sự kết hợp không tưởng giữa vị đăng đắng và ngọt ngào lại tạo nên một món ngon độc lạ, khiến cà phê sữa Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng liên tục xuất hiện trên các bảng xếp hạng ẩm thực thế giới. Trong đó, năm 2019, nhà báo Ben Groundwater (Úc) đã đánh giá "cà phê sữa đá" đứng thứ 2 trên 10 loại cà phê ngon nhất thế giới.

"Món cà phê kiểu Việt Nam, được pha bằng bộ lọc bằng thép không gỉ gọi là phin, rất đậm vị. Cà phê này được kết hợp với sữa đặc có đường sẽ làm dịu đi vị đắng, cùng với đá lạnh tạo nên món thức uống cổ điển được biết đến với tên gọi cà phê sữa đá" - Tạp chí ẩm thực và du lịch Saveur (Mỹ) ca ngợi thêm.

Ê! Bệt hông? - 7

Là một vùng đất của sự tiếp nhận, dung hòa và tiếp biến, cà phê ở thành phố này đến ngày nay vẫn không ngừng thay đổi để phục vụ các tầng lớp cư dân. Ở TPHCM, bạn lúc nào cũng có thể cà phê và lắng nghe câu mời "Cà phê hông!" từ đồng nghiệp, bạn bè. Nhưng có lẽ, nổi bật nhất vẫn là "cà phê bệt".

Cà phê bệt, tức là vừa uống cà phê, vừa "tùy hứng" thì đặt mông bệt xuống một góc nào đó trên lối đi bộ, nền gạch, dưới tán cây nào đó có lót vài tấm giấy sạch sẽ. Trên khắp thế giới, người ta đều có thể thường thức cà phê theo phong cách này, nhưng để trở thành văn hóa, nét đặc trưng và phong cách riêng biệt thì chỉ có duy nhất Sài Gòn. Bởi lẽ, sẽ chẳng có nơi nào con người ta dễ dàng chấp nhận ngoại cảnh, không cần đánh giá bề ngoài, sự sang hèn và soi mói đời tư như người nơi này.

20 năm trước, "bệt" manh nha từ những quán cà phê vỉa hè ở cổng Đại học Kiến Trúc, Đại học Kinh tế Sài Gòn. Sau này, nhiều tiểu thương mất chỗ kinh doanh đã thông minh, năng động chuyển ra gần Nhà Thờ Đức Bà nhằm gầy dựng lại quán. May mắn, phong vị uống bình dân này thu hút du khách, trở thành địa chỉ du lịch, văn hóa ẩm thực.

Ê! Bệt hông? - 10

Bệt ban ngày nổi tiếng nhất là ở Công viên 30/4, Nhà thờ Đức Bà, góc đường Hàn Thuyên… Ban đêm lại có "Vợt" Phan Đình Phùng dành cho giới "cú đêm", bệt Đông Du cho kể đi sớm về khuya, nóc hầm Thủ Thiêm cho người muốn tận hưởng gió sông Sài Gòn lồng lộng… Nó đơn giản là một chiếc xe máy có gắn giỏ hàng đựng thùng đá, cà phê pha sẵn, nguyên liệu như đường sữa, nước ngọt… cùng những tấm các tông lót dưới đất cho khách ngồi.

Không bảng hiệu, không ghế ngồi, không nhạc, không wifi, không WC, lại càng không có mái che nắng che mưa khiến nhiều khách đang dang dở nửa ly cà phê phải ba chân bốn cẳng chạy đi trốn cơn mưa… Đủ thứ không ngược đời như vậy, nhưng "bệt" bao đời nay vẫn là thứ đặc sảng văn hóa không thể nào thay đổi của TPHCM.

Người ta tìm đến đây không phải để thường thức một ly cà phê sành điệu, đúng vị. Mà đúng hơn, "bệt" là một phong cách sống chuẩn vị Sài Gòn: dung dị và không câu nệ! Để rồi từ 10 nghìn đồng đến 15 nghìn đồng, bạn dư sức ngồi tận hưởng gió trời, lắng nghe âm thanh của cuộc sống thành phố, hòa mình vào thiên nhiên mà cùng nhau hàn thuyên, hòa quyện vào nhau, mặc kệ xô bồ, mạng xã hội…

Ê! Bệt hông? - 11

Như chị Nga bán cà phê bệt trước Trường tiểu học Hòa Bình (Q.1, TPHCM) mà tôi quen biết, gần 10 năm nay vẫn giữ bộ quy tắc bất di bất dịch rằng, khách đến quán chị, thứ nhất tắt wifi, thứ hai không được cầm điện thoại, thứ ba phải trò chuyện, nếu không chị không bán. Ấy vậy, cà phê bệt chị Nga thành đặc sản, mà du khách lần đầu tiên lui tới đều chịu một cái nhắc nhở yêu: "Chỗ chị hổng bán cà phê trên phây-búc (Facebook-pv) nghen cưng!". 

Ê! Bệt hông? - 13

Trải qua hàng chục năm thăng trầm, "Ê, bệt hông?" vẫn là câu nói được nghe như một "mật hiệu" chung của dân Sài Gòn khi muốn tụ hội. Và dù bất cứ khung giờ nào, hình ảnh của những người "tiếp thị" cầm sấp báo giấy vẫy vẫy xe kèm câu nói "Ngồi đi con" vẫn quen thuộc với người dân nơi đây.

Ly cà phê bệt ít tiền, được uống với phong cách bình dị nhất, cứ thế mang đầy đủ tính cách dung dị, nhiệt tình, hòa đồng, không cần câu nệ, rườm rà của tất cả cư dân xứ "tánh kỳ" này. Một khi đã "bệt", ai nấy đều như nhau.

Các chị em muốn hưởng chút tự do, nhàn hạ sáng sớm… ra bệt. Đàn ông bàn chuyện làm ăn, công việc, gặp đối tác… ra bệt. Sinh viên học nhóm, luyện nghe tiếng Anh, hàn thuyên… ra bệt. Đồng nghiệp nghỉ giữa giờ, ăn trưa, tám chuyện… ra biệt. Vui, ra bệt. Buồn, ra bệt. Không buồn, không vui vẫn ra bệt. 

Thế mới thấy, người dân thành phố này "kỳ cục" đến duyên dáng! Họ có thể ăn bữa cơm giá bạc triệu trong nhà hàng sang trọng vào tối hôm trước, nhưng sáng hôm sau vẫn ngồi bệt, tay mân mê ly cà phê sữa bình dân đựng trong chiếc ly nhựa mà cười đùa, sống hết mình, bộc lộ hết mình, chẳng sợ phiền ai.

Ê! Bệt hông? - 15

Rồi một lần có anh bạn người Mỹ đến TPHCM, muốn tìm hiểu về văn hóa, tính cách con người nơi đây, tôi cũng dẫn anh ra cà phê bệt.

Sau này, anh về Mỹ, sáng sáng anh vẫn cầm một ly cà phê sữa đá đến công ty, anh bảo với tôi anh nghiện "Vietnamese Latte" (cà phê Latte kiểu Việt Nam) với "sweetened with condensed milk" (vị ngọt từ sữa đặc). 

Và mỗi năm, nếu có dịp sang Việt Nam, anh vẫn mặc bộ áo đồ âu sang trọng ngồi với tôi dưới tán cây cổ thụ, ngắm đàn bồ câu Nhà thờ Đức Bà cùng ly cà phê ngồi bệt rất Sài Gòn - TPHCM.

Nội dung: Huy Hậu

Ảnh: Trần Đạt

Thiết kế: Tuấn Huy