(Dân trí) - Bệnh nhân ung thư khắp nơi đến Sài Gòn vào hóa chất từ nay không còn lo tiền ăn, tiền trọ vì đã có Mái ấm Thanh Liên do Kim Thoa cùng một số nhà hảo tâm lập ra hồi tháng 10 năm ngoái.
Gần trưa, anh Cao Thanh Tùng, 44 tuổi vào bếp cắm cơm và phụ các thành viên trong Mái ấm Thanh Liên trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TPHCM, nấu ăn. Đang kho cá, vợ anh Tùng điện thoại báo con gái 4 tuổi vào hóa chất ở bệnh viện Ung Bướu vừa xong. Lật đật tắt bếp, anh chạy vội vào viện cách mái ấm chừng 100 mét cõng con về.
"Đưa con lên TPHCM điều trị đã 4 tháng nhưng tôi mới biết đến mái ấm 1 tháng nay thôi. Ở đây, tôi được miễn phí chỗ ở. Mái ấm cho thêm thức ăn chất đầy tủ lạnh nên tôi có thể nấu cho con nhiều món ngon để bồi bổ. Tiết kiệm được chi phí, tinh thần vợ chồng tôi thoải mái, lạc quan để lo chữa bệnh cho con", người cha quê Bạc Liêu tâm sự.
Anh Tùng cho biết thêm, khi chưa biết mái ấm cứ mỗi lần lên TPHCM thuê trọ điều trị cho con, ngày nào vợ chồng anh cũng nhìn nhau khóc vì "tiền đem theo bao nhiêu cũng hết".
Gần một năm qua, hàng trăm bệnh nhân khắp các tỉnh thành vào bệnh viện Ung Bướu ở quận Bình Thạnh điều trị truyền tai nhau về mái ấm Thanh Liên "miễn phí đủ thứ" của chị Trần Kim Thoa, 38 tuổi đang điều hành.
Hiện tại, mái ấm có 2 cơ sở. Cơ sở 1 là căn nhà 3 tầng trong hẻm số 5 đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TPHCM. Cơ sở 2 nằm trên đường Hoàng Hữu Nam, phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức. Hai cơ sở đang có gần 60 người gồm cả bệnh nhân và người nhà chăm bệnh tá túc. Mỗi bệnh nhân đến đây đa số đều có hoàn cảnh khó khăn, kinh tế khánh kiệt sau một thời gian ngược xuôi từ quê lên TPHCM điều trị ung thư.
Một điều ít ai biết rằng, người lập ra mái ấm này là Kim Thoa, cô gái độc thân làm nghề thiết kế giao diện ứng dụng phần mềm, ngụ quận 8, cũng đã mắc bệnh ung thư dạ dày giai đoạn 3b. Thoa vừa xong phác đồ điều trị với 8 toa hóa chất hồi đầu tháng 12/2021.
Cơ duyên để chị lập mái ấm đến từ hồi tháng 7 năm ngoái. Khi dịch Covid bùng phát tại TPHCM làm đảo lộn mọi thứ, trong đó có bệnh nhân ung thư. Nhiều người kẹt lại thành phố này vì đến ngày truyền hóa chất, trong khi một số khác lại không thể về vì thành phố thực hiện giãn cách xã hội, công tác cách ly người từ thành phố về địa phương gặp khó khăn…
Thời điểm đó, chị Thoa đang vào toa thuốc thứ ba. Thấy bản thân vốn là người sinh ra ở nơi đây, có chỗ ở, có gia đình bên cạnh nhưng vẫn gặp vô vàn khó khăn.
Trước những đau đớn vì bệnh tật của bản thân, nhiều lần Thoa tuyệt vọng muốn quyên sinh. Nhưng nghĩ lại, cô gái vẫn muốn: "Trước khi chết phải làm điều gì đó giúp đời!".
Ngày 25/7, chị Thoa viết một dòng trạng thái chia sẻ vào các hội nhóm "Giúp nhau mùa dịch" kêu gọi nhà hảo tâm có nhà trống hãy chia sẻ cho bệnh nhân ung thư đến ở. Việc làm này có thể giúp họ bớt chi phí thuê trọ mỗi ngày khoảng 50.000 đến 200.000 đồng.
Sau khi được một số người nhận hỗ trợ, chị Thoa tiếp tục kêu gọi tình nguyện đưa đón bệnh nhân về chỗ ở. Các tình nguyện viên sau này cũng là người đồng sáng lập ra mái ấm Thanh Liên hiện tại. Chị cũng kết nối xin các vật dụng sinh hoạt cần thiết cũng như các chuyến xe thực phẩm 0 đồng hỗ trợ bệnh nhân.
Suốt hơn 2 tháng giãn cách xã hội, Thoa vừa chiến đấu với ung thư, vừa giúp những người đồng cảnh như thế. Dù không có nhiều mối quan hệ bạn bè cũng như tương tác trên mạng xã hội nhưng việc điều hành hoạt động khá thuận lợi.
"Tôi không ngờ trong thời điểm dịch bệnh nhiều tình nguyện viên sẵn sàng kết nối với nhau cùng tôi hỗ trợ bệnh nhân. Chỉ khi đứng trước khó khăn tôi mới thấy tinh thần tương thân tương ái của người Sài Gòn lớn đến nhường nào", chị Thoa xúc động nói.
Vốn chỉ định thực hiện hoạt động cho đến khi hết dịch nhưng thấy việc làm của chị Thoa ý nghĩa, nhiều nhà hảo tâm động viên để chị lập ra mái ấm lâu dài giúp đỡ bệnh nhân. Thấu hiểu những khó khăn, cô đơn mà bệnh nhân ung thư phải trải qua, chị Thoa đồng ý ngay.
"Nếu những đứa trẻ mắc bệnh, tương lai đất nước có thể mất đi một tài năng trẻ. Nếu phụ huynh bị bệnh, chắc chắn cuộc sống của những đứa con họ sẽ bị ảnh hưởng…Tôi muốn giúp họ có điều kiện chữa trị tốt hơn, cơ hội sống cao hơn thì tất cả mọi người đều sẽ được hạnh phúc", chị trăn trở.
Từ đó, chị Thoa hỏi han khắp nơi tìm nhà hảo tâm hỗ trợ tiền thuê nhà. Các chi phí còn lại như đồ dùng sinh hoạt, thức ăn… chị gợi ý cho những ai muốn giúp đỡ mang vật phẩm đến trực tiếp. Với tiền điện, nước, Kim Thoa cũng chia sẻ trực tiếp mã số hóa đơn để mọi người tự tay thanh toán.
"Tôi không kêu gọi mọi người đóng góp tiền vào số tài khoản của Quỹ Thanh Liên vì như thế dễ tạo ra nhiều bất cập", chị Thoa lý giải.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều cá nhân, công ty thường xuyên gửi đến quỹ chung của mái ấm một số tiền định kỳ để chị Thoa trả tiền internet, phí rác, phí hỗ trợ người quản lý mái ấm…
Để duy trì được mái ấm hoạt động trong gần 1 năm nay, ngoài sự chung tay của nhiều nhà hảo tâm, chị Thoa còn nhận được sự giúp đỡ "không đồng" của hàng chục tình nguyện viên.
Anh Phạm Văn Huy, 44 tuổi quê Thanh Hóa một mình vào TPHCM để đi làm và điều trị ung thư từ năm 2009 sau nhiều năm ở trọ hiện đang sống ở mái ấm cơ sở 1. Dù đã mất 1 cánh tay nhưng anh vẫn được chị Thoa tin tưởng giao nhiệm vụ trông coi mái ấm, hỗ trợ mỗi tháng 1 triệu đồng. Thời gian rảnh, anh cũng giúp chị Thoa sửa chữa những thiết bị hư hỏng, dọn dẹp phụ các thành viên khác.
"Tôi may mắn sức khỏe đã ổn định, làm được điều gì giúp mọi người tôi cũng sẵn sàng", anh Huy nói.
Hải Đăng, sinh viên năm 2 trường đại học Sư phạm Kỹ thuật ở TP Thủ Đức, 10 tháng nay đã hỗ trợ giao thịt của nhà hảo tâm đến tay bệnh nhân ở mái ấm cơ sở 2 hàng tuần.
"Không chỉ nhà hảo tâm yêu thương các bệnh nhân mà nhiều cô chú được tặng thịt chỉ lấy một nửa. Phần còn lại họ dặn em đem tặng thêm cho những bệnh nhân khác để "ai cũng có quà", Hải Đăng nói.
Hiện tại, ngoài việc hỗ trợ chỗ ở rộng rãi, khang trang, chị Thoa còn chú ý đến bữa ăn của bệnh nhân. Từng trải qua những lần không thể ăn uống khi truyền hóa chất, chị Thoa hiểu bệnh nhân ung thư cần gì. Vì thế, chị luôn kết nối để tủ lạnh mái ấm được chất đầy đủ loại thực phẩm do nhà hảo tâm ủng hộ.
Chị Ngọc Lan, trưởng nhóm thiện nguyện quận 9 chia sẻ, đã biết hoạt động của chị Thoa từ mùa dịch. Khi đó, thành viên trong nhóm đã ủng hộ các vật dụng, nhu yếu phẩm để bệnh nhân sinh hoạt. Sau dịch đến nay, nhóm đều đặn hỗ trợ gia vị, thức ăn đến 2 cơ sở mái ấm Thanh Liên hàng tháng.
"Nếu vận động được tiền mặt, chúng tôi tặng trực tiếp cho bệnh nhi chứ không thông qua mái ấm. Hy vọng nhiều cánh tay dang ra thì sẽ giúp bệnh nhân vượt qua khó khăn, an tâm chữa trị", chị Lan cho biết.
Gần 12h trưa, bà Nguyễn Thị Hoa, 63 tuổi quê Bình Định vừa trở về mái ấm từ bệnh viện. Thấy bà, nhiều thành viên trong nhà đã gọi bà đến dùng bữa chung. Bữa trưa gồm cá lóc kho và canh chua của bà Hoa được chị Kiều Tiên, 37 tuổi nấu từ sớm. Đưa con gái 3 tuổi từ An Giang lên Sài Gòn điều trị bệnh u thận, chị Tiên vẫn dành thời gian chia sẻ việc bếp núc với mọi người trong nhà.
"Một mình từ quê vào TPHCM trị bệnh, tôi cảm thấy ấm lòng khi được mọi người trong mái ấm đùm bọc, yêu thương. Đồng cảnh bệnh tật chúng tôi trò chuyện, động viên nhau xua tan những đau đớn, tủi thân sau giờ hóa trị", bà Hoa lau nước mắt, nói.
Riêng chị Thoa, từ đầu năm nay, khi mái ấm cơ sở 2 ở TP Thủ Đức hoạt động, cô chuyển đến ở hẳn tại đây để tiện hỗ trợ mọi người.
Hơn một năm làm việc giúp cộng đồng cũng là từng ấy thời gian chị Thoa chống chọi với ung thư. Sắp tới, Kim Thoa sẽ làm các xét nghiệm để bác sĩ đánh giá tình hình bệnh của mình. Dù lạc quan nhưng cô gái nhỏ nhắn vẫn lo một ngày sức khỏe của mình không đủ để điều hành mái ấm. Vì thế, từ lúc này chị đã chọn một số tình nguyện viên tâm huyết, hướng dẫn và cho mọi người làm việc để sẵn sàng thay thế mình bất cứ lúc nào.
Vừa bước qua tuổi 38, chị Thoa vẫn chưa nghĩ đến chuyện chồng con. "Một năm qua là khoảng thời gian sống có ý nghĩa nhất của mình. Đây là khoảng thời gian hạnh phúc gấp nhiều lần so với 37 năm trước, khi mình chưa từng biết làm thiện nguyện là gì", Kim Thoa cười mãn nguyện.
Nội dung - Ảnh: Diệp Phan
Thiết kế: Thủy Tiên