Tâm điểm
Phạm Anh Thắng

"Xuất khẩu lao động 2.0"

Tại lễ kỷ niệm 16 năm thành lập Công ty TNHH Esuhai - một trong những công ty hàng đầu của Việt Nam về đưa lao động đi làm việc tại Nhật Bản, tôi được nghe ông Giám đốc Lê Long Sơn tuyên bố "khép lại thời kỳ xuất khẩu lao động (XKLĐ) 1.0 và mở ra thời kỳ mới với hệ sinh thái mới mang tên XKLĐ 2.0".

Nghe trình bày và đọc kỹ đề án này thì thấy, đó thực chất là chuỗi tuần hoàn của một quy trình khép kín trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, bao gồm các khâu: Khai thác thị trường ngoài nước; tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ, tay nghề; đưa ra nước ngoài làm việc; đưa lao động trở về Việt Nam để giới thiệu việc làm cho các doanh nghiệp… 

Đây là việc làm không mới, nhưng điểm đáng lưu ý của đề án XKLĐ 2.0 là nói không với việc đưa lao động phổ thông, lao động không có tay nghề, ngoại ngữ đi làm việc ở nước ngoài; tăng tỷ lệ lao động trình độ cao, gồm kỹ sư, thợ lành nghề có bằng cấp, chứng chỉ để nâng cao giá trị sức lao động, tăng tiền lương, thu nhập cho người lao động. Quan trọng hơn, người lao động sẽ chỉ phải bỏ ra mức chi phí thấp nhất trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Người sử dụng lao động ở nước ngoài sẽ phải trả chi phí quản lý, tạo nguồn cho doanh nghiệp nếu họ muốn tiếp nhận lao động Việt Nam. Đây quả là điểm mới mà nhiều doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chưa chú tâm hướng tới. 

Xuất khẩu lao động 2.0 - 1

Người lao động của Công ty TNHH Esuhai trao đổi kỹ năng khi đi làm việc ở nước ngoài (Ảnh: CTV).

Hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã trải qua hơn 40 năm, với nhiều giai đoạn gắn với đặc điểm tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kể từ khi hoạt động này được luật hóa bằng đạo luật số 72/2006 của Quốc hội khóa XI, hiện nay đã được thay thế bằng Luật số 69/2020 của Quốc hội khóa XIV, có hiệu lực từ đầu năm nay với nhiều điểm mới, tiến bộ, tạo điều kiện thông thoáng cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ… Đến nay lĩnh vực này đã và đang có những bước phát triển vượt bậc, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, đóng góp quan trọng vào các chỉ tiêu chung trong phát triển kinh tế - xã hội. 

Bằng chứng là, từ chỉ gần 20 doanh nghiệp có chức năng XKLĐ, hàng năm đưa khoảng trên 10.000người lao động đi làm việc ở khoảng 15 thị trường lao động ngoài nước trong thập kỷ 90, đến nay cả nước đã có hơn 500 doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ, hàng năm đưa bình quân 100.000 lao động đi làm việc ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, lượng kiều hối gửi về nước đạt hơn 3 tỷ USD hàng năm. 

Tuy nhiên, phải nhìn nhận là ngoại trừ một tỷ lệ rất ít lao động có trình độ kỹ sư cơ khí, kỹ sư công nghệ thông tin và đầu bếp lành nghề…, đa số người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian qua chủ yếu là lao động phổ thông, lao động chưa qua đào tạo nghề và ngoại ngữ, dẫn đến khả năng tiếp cận công việc, tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật còn nhiều hạn chế, bất cập … Điều này khiến cho giá trị hàng hóa sức lao động của lao động Việt Nam rất thấp, hạn chế về tiền lương và thu nhập khi làm việc ở nước ngoài. Vậy nhưng, trong chừng mực nào đó lại phù hợp với thực tiễn, đó là hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, …Và, về bản chất, XKLĐ 1.0 là vậy. 

Trong bối cảnh hiện nay, yếu tố "lao động giá rẻ" không còn được coi là lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư FDI, nhiều khu vực kinh tế trọng điểm luôn trong tình trạng thiếu hụt lao động. Tiền lương, thu nhập của công nhân, người lao động đã tăng lên đáng kể so với cách đây 10 năm, sự chênh lệch về tiền lương giữa việc làm trong nước và ở nước ngoài không còn ở khoảng cách 5, 10 lần như trước. Vì vậy, những "đơn hàng" lao động phổ thông làm việc ở nước ngoài có mức lương thấp, bao gồm cả những thị trường lao động có điều kiện làm việc tốt như Nhật Bản, Malaysia, khu vực Trung Đông…, không thể thu hút được sự tham gia của người lao động, nếu không muốn nói rằng người lao động đã quay lưng với những lời mời chào cho những đơn hàng đó. Thậm chí nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh "lao đao" vì "bói không ra" nguồn lao động để tuyển chọn. 

Mặt khác, lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trước đến nay được coi là "lĩnh vực béo bở", bởi các doanh nghiệp dịch vụ coi việc thu phí của người lao động là nguồn thu chính, thậm chí có thời kỳ dài người lao động phải đóng "phí môi giới" hay còn được gọi là "tiền hoa hồng" cho đơn vị khai thác thị trường lao động ngoài nước. Và "trăm thứ bà giằn" đều đổ lên đầu người lao động, tạo gánh nặng tài chính lên họ và gia đình. Điều đó cũng một phần lý giải câu hỏi vì sao người lao động phải bỏ trốn ở lại sau khi hết hạn hợp đồng, do trong 3 năm hợp đồng thì có khi phải "kéo cày trả nợ" trong cả ½ thời gian ở nước ngoài. 

Vậy nên, từ chỗ sử dụng lao động phổ thông, không có tay nghề, ngoại ngữ, chúng ta phải nhanh chóng chuyển sang trạng thái đưa người lao động đã qua đào tạo, có trình độ chuyên môn, tay nghề phù hợp và được đào tạo ngoại ngữ bài bản đi làm việc ở nước ngoài. Qua đó tăng giá trị sức lao động thông qua tiền lương, thu nhập với điều kiện làm việc tốt. Đây là yêu cầu cấp thiết hiện nay trong bối cảnh cạnh tranh cả về nguồn lao động, điều kiện làm việc giữa việc làm trong nước và thị trường lao động ngoài nước.

Quan trọng hơn, các doanh nghiệp phải hạn chế, giảm thiểu đến thấp nhất chi phí cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, thay thế từ việc thu phí dịch vụ từ người lao động sang thu phí sử dụng lao động từ chính doanh nghiệp, người sử dụng lao động nước ngoài. Tiến tới người lao động đi làm việc ở nước ngoài chỉ phải đóng nộp các chi phí đào tạo nghề, học ngoại ngữ thay vì phải "gánh vác" nhiều loại phí như hiện nay, tạo gánh nặng tài chính cho gia đình và bản thân. Có như vậy, giá trị sức lao động của người Việt mới được nâng lên và đó cũng mới là giá trị thật của XKLĐ 2.0 như đề án của ông Giám đốc đã dẫn ra như trên.

Tác giả: Ông Phạm Anh Thắng là Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ tại TPHCM.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!