1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thị trường phía Nam thiếu hụt 120.000 lao động

Xuân Hinh

(Dân trí) - Trong quý 1/2022, cả nước thiếu khoảng 120.000 lao động, cao hơn những năm trước khoảng 2 - 3%. Dự kiến, thị trường lao động tại các tỉnh phía Nam sẽ có nhiều biến động, mất cân đối cung - cầu.

Thị trường phía Nam thiếu hụt 120.000 lao động - 1

Quý 1/2022, thiếu hụt khoảng 120.000 lao động.

Vừa qua, tại hội thảo chuyên đề "Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid-19", Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh, cho hay, sau đại dịch, nguồn cung lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, nhất là lao động có tay nghề, chuyên môn cao.

Ông Thanh cho rằng, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh tới thị trường lao động khiến nguồn cung lao động suy giảm. Số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao (tăng từ 1,22% quý 4/2019 lên 4,46% (hơn 1,8 triệu người) quý 3/2021), thu nhập của người lao động bị giảm sút, đời sống khó khăn, .

Trong quý 1/2022, thị trường lao động đã dần có những chuyển biến tích cực với 51,2 triệu lao động tăng 160.000 người so với cùng kỳ, chủ yếu ở khu vực phi chính thức. Nhu cầu tuyển dụng năm 2022 của doanh nghiệp là gần 1,3 triệu lao động, tăng 18% so với năm 2021, chủ yếu là lao động phổ thông, lao động không yêu cầu có bằng cấp chứng chỉ (chiếm 75%).

Xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động trở lại chiều hướng tích cực, trong đó giảm lao động trong khu vực nông nghiệp và tăng lao động trong khu vực công nghiệp, dịch vụ so với quý IV/2021 (tỉ lệ lao động nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ hiện tại là 27,8% - 33,5% - 38,7%).

Dù vậy, hiện nguồn cung lao động vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp nhằm phục hồi kinh tế, đặc biệt với lao động có chuyên môn cao. Riêng trong quý 1/2022 có xảy ra sự thiếu hụt lao động cục bộ khoảng 120.000 lao động (gần 10% so với nhu cầu tuyển dụng), cao hơn những năm trước khoảng 2-3%.

Lao động thiếu hụt chủ yếu là lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài như du lịch, giáo dục...

Theo dự báo của Bộ LĐ-TB&XH, từ nay đến cuối năm, thị trường lao động vẫn còn nhiều biến động, tình trạng mất cân đối cung - cầu vẫn xảy ra. Đặc biệt, tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tình trạng thiếu hụt lao động khả năng vẫn tiếp diễn.