5 năm đi xuất khẩu lao động có thể bỏ túi 2 tỷ đồng

Xuân Hinh

(Dân trí) - Theo báo cáo, thu nhập và khả năng tích lũy của người lao động sau khi hoàn thành hợp đồng lao động 3 năm - 5 năm là từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng

Thông tin báo cáo được nêu tại hội thảo quốc tế "Cung và cầu lao động chất lượng cao cho thị trường các nước Đông Nam Á" do trường Đại học Văn Hiến kết hợp với Sở Lao động - Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) TPHCM tổ chức chiều 29/6.

Tham dự Hội thảo có Th.s Phạm Anh Thắng - Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cùng nhiều chuyên gia...

Cần phục hồi thị trường lao động trong nước

Thông tin tại hội thảo, các chuyên gia nhận định, năm 2021, đại dịch Covid -19 đã tác động tiêu cực đến lĩnh vực lao động việc làm trên cả nước. Tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao. Sự dịch chuyển cơ cấu lao động theo ngành (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ) và vùng miền có sự đảo chiều. Tiền lương, thu nhập của người lao động giảm, đời sống của người lao động khó khăn, quan hệ lao động bị xáo trộn…

5 năm đi xuất khẩu lao động có thể bỏ túi 2 tỷ đồng - 1

Th.s Phạm Anh Thắng - Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH.

Theo Th.s Phạm Anh Thắng - Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH, nhiều chính sách của Chính phủ được ban hành nhằm kích cầu thị trường lao động, hỗ trợ người lao động.

Trong đó, Nghị quyết số 42/NQ-CP đã hỗ trợ trực tiếp người dân, người lao động và doanh nghiệp, Quyết định 15/2020/QĐ - TTg (áp dụng năm 2020) và Nghị quyết 68 NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Nghị quyết 16 NQ -CP (áp dụng trong gần một năm). Các chính sách này cùng hai nhóm chính sách lớn khác về chính sách tài khóa… đã phần nào hỗ trợ khó khăn của doanh nghiệp và người lao động.

Do đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, nguồn cung lao động đang dần tăng trở lại. Tại TPHCM, nhu cầu nhân lực trong 5 tháng đầu năm 2022 có khoảng 121.300 chỗ làm việc và 126.300 người có nhu cầu kiếm việc làm. Đặc biệt, nhu cầu tìm việc ở lao động đã qua đào tạo chiếm hơn 90% so với tổng số nhu cầu tìm việc.

Nguồn cung lao động chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong gia đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt là lao động có trình độ chuyên môn cao. Một số địa phương, khu vực, ngành nghề vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu hụt nguồn lao động cục bộ, trong đó chủ yếu thiếu hụt phổ thông ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ…

Trình độ lao động chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu công nghệ, nhất là giai đoạn phục hồi, nhiều doanh nghiệp đang tích cực chuyển đổi  số, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0...

Từ những vấn đề còn tồn tại, ông Phạm Anh Thắng đưa ra một số giải pháp như hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, hỗ trợ người sử dụng lao động trong giai đoạn phục hồi sản xuất.

Đặc biệt, theo ông, cần đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cung lao động, cung ứng kịp thời cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh; hỗ trợ kết nối cung cầu, phát triển bền vững thị trường lao động và quan hệ lao động hài hòa ổn định.

"TPHCM muốn tạo ra nhiều giá trị lao động cần nâng cao chất lượng, đưa kỹ sư, lao động qua đào tạo đi học tập và làm việc tại nước ngoài để củng cố chất lượng nguồn nhân lực", ông Thắng nhấn mạnh.

Đào tạo nguồn lao động sang nước ngoài làm việc

Hiện, cả nước có 16.000 doanh nghiệp nhưng chỉ có khoảng 500 doanh nghiệp có đủ điều kiện đưa người đi lao động đi làm việc ở nước ngoài. Do đó, cần tập trung vào việc phát triển đào tạo nguồn lao động sang nước ngoài rất cần thiết. Mỗi năm, lượng kiều hối của người lao động nước ngoài gửi về trong nước là trên 3 tỷ USD.

TPHCM có 67 công ty và 45 chi nhánh công ty làm dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Từ năm 2012 - 2021, đã có 103.541 người đi làm việc ở nước ngoài tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, UAE, Brunei, Liên bang Nga...

Thu nhập và khả năng tích lũy của người lao động sau khi hoàn thành hợp đồng lao động (3 năm - 5 năm) từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng. Xu hướng lựa chọn thị trường đi làm việc ở nước ngoài tập trung vào Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan; các ngành nghề đi cần lao động thường thuộc lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp và xây dựng.

5 năm đi xuất khẩu lao động có thể bỏ túi 2 tỷ đồng - 2

Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM.

Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho rằng, để triển khai có hiệu quả việc tạo nguồn, nâng cao chất lượng lao động, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở các nước cần nâng cao chất lượng các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trình độ về chuyên môn, nghề nghiệp và trình độ ngoại ngữ cho người lao động. 

Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn lao động để tham gia các thị trường lao động các nước có thu nhập cao thuộc các lĩnh vực công nghệ, sản xuất chế tạo, chăm sóc sức khỏe. Xây dựng mô hình phối hợp giữa doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đào tạo để tạo nguồn lao động có chuyên môn tay nghề cao.

Dương Thùy