Tâm điểm
Phạm Trung Tuyến

Va chạm giao thông - Xe to phải đền xe bé?

Va chạm giao thông - Xe to phải đền xe bé? - 1

Người đi xe thô sơ, xe nhỏ luôn đúng? (Tranh minh họa).

Mùa hè năm 2015, tôi lái xe đưa con đi xuyên Việt, khi qua địa bàn Hà Tĩnh thì bị tai nạn trên quốc lộ 1. Lúc đó là buổi trưa, đường khá vắng, tôi bật đèn báo rẽ để rẽ phải, quan sát qua gương, thấy có một chiếc xe máy đang phi tới nhưng khoảng cách còn khá xa, tôi đánh lái rẽ vào, khi xe vuông góc thì "rầm". Chiếc xe máy chở 2 người đàn ông đâm vào bánh trước xe tôi, và họ bay qua xe tôi văng lên vỉa hè. 

Tôi đỗ xe và xuống kiểm tra. Một người chỉ trầy xước, một người khá thảm thương với vài vết thương hở. Tôi nhờ người dân bên đường gọi cảnh sát giao thông đến để xử lý, và gọi taxi đưa 2 nạn nhân vào viện. Trên đường đi, họ kể vừa uống rượu buổi trưa cách đó 30 cây số và đang vội về nhà. Sau khi đăng ký cho họ nhập viện, tôi lấy số điện thoại, gọi người nhà của họ đến rồi cùng ra hiện trường gặp cảnh sát giao thông. Anh cảnh sát nói: Xác minh ban đầu thì lỗi thuộc về 2 người đi xe máy, nhưng nếu không thỏa thuận được với gia đình họ thì xe của tôi sẽ bị tạm giữ để hoàn tất quá trình điều tra, ít nhất là một tuần.

Tất nhiên, tôi không thể hủy bỏ hành trình đã hứa với các con mình khi mới được nửa đường. Và thỏa thuận với gia đình những người gây tai nạn là chịu toàn bộ viện phí và đền bù 40 triệu đồng. Nhưng điều khó chịu nhất là trong suốt thời gian còn lại của chuyến đi, tôi bị các con mình chất vấn "vì sao bố đi đúng luật mà lại phải đền bù cho người sai?".

Tôi có lựa chọn nào khác không? 

Tôi có thể thuê một chiếc xe khác thay cho chiếc xe phải để lại phục vụ công tác điều tra. Nhưng điều đó quá mạo hiểm vì không biết điều kiện bảo quản như thế nào, khi chiếc xe là tài sản đáng giá nhất của tôi. Và việc tiếp tục một hành trình dài với chiếc xe thuê là điều không hề dễ chịu. Hơn nữa, số tiền thuê xe là khoản tiền dành hỗ trợ cho 2 người đàn ông kia thì hữu ích hơn. Họ là những người lao động nghèo, và đang cần điều trị. Nhưng lẽ ra thay vì đền bù thì tôi sẽ thấy thoải mái hơn khi dùng số tiền đó để hỗ trợ họ.

Tại sao xe to đền xe bé? Tôi nghĩ ở đây có 3 vấn đề. 

Thứ nhất, quy trình xác định, kết luận lỗi tai nạn giao thông, dù trong những trường hợp rõ ràng vẫn quá phức tạp, và mất nhiều thời gian. 

Thứ hai, chiếc xe ô tô vẫn là một tài sản lớn để trong ý thức của người dân mặc định người điều khiển xe ô tô đương nhiên có điều kiện kinh tế tốt hơn, và vì thế đền cho người đi xe thô sơ là hợp tình. Đôi khi, ngay cả lực lượng chức năng cũng có suy nghĩ đó.

Thứ ba, người dân không được đảm bảo về khả năng bảo quản tài sản trong quá trình tạm giữ. Không có tiêu chuẩn về điều kiện bảo quản phương tiện.

Luật pháp không quy định "xe to phải đền xe bé" trong mọi trường hợp tai nạn giao thông. Điều đó ai cũng biết. Nhưng luật pháp chưa đủ quy định để bảo vệ nguyên tắc công bằng trong việc xử lý tai nạn giao thông. Không có quy định nào giúp người dân yên tâm để lại tài sản của mình nhằm phục vụ quá trình điều tra. Và bảo hiểm cũng chưa cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho trường hợp xe bị tạm giữ khi tai nạn không may xảy ra.

Hơn nữa, luật pháp không quy định "xe to phải đền xe bé", nhưng luật pháp chấp nhận việc giải quyết tai nạn giao thông theo hướng tự thỏa thuận và gián tiếp triệt tiêu việc phán xử công bằng, đúng quy định, khi cuối cùng thì người lái ô tô cũng phải chịu thiệt hại tài chính cho dù không sai.

Cuối cùng thì xe to vẫn luôn phải đền xe bé khi mà việc xác định lỗi gây tai nạn vẫn còn mất quá nhiều thời gian, đặc biệt là khoảng thời gian bị đánh mất ấy không được xác định như giá trị mà người gây tai nạn phải có trách nhiệm phải đền bù.

Mới đây, vị đại diện Cục CSGT phát biểu trên báo chí rằng đã "nghiêm cấm tạm giữ phương tiện để thỏa thuận bồi thường". Và mọi vụ tai nạn "đều được công an làm rõ nên không có chuyện xe to đền xe bé, người đi đúng đền người đi sai". Mong rằng từ nay điều này sẽ dứt khoát thay thế cho cái "lệ" vô lý song vẫn tồn tại trong giao thông ở Việt Nam.

Tác giả: Nhà báo Phạm Trung Tuyến hiện là Phó giám đốc kênh radio Giao thông quốc gia 91 Mhz của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!