"Xe to đền xe bé" - Những câu chuyện tréo ngoe

Khả Vân

(Dân trí) - Trong chủ đề "xe to phải đền xe bé" đang được bàn luận những ngày qua, nhiều câu chuyện tréo ngoe đã được bạn đọc chia sẻ.

"Xe lớn đền xe bé" khi va chạm giao thông dường như đã trở thành luật bất thành văn trong những tình huống giao thông thực tế. Từ đó dẫn tới tình trạng "xe đúng đền xe sai".

Quan điểm này hình thành phần nào dựa trên cảm tính rằng, phương tiện lớn hơn khi vận hành khả năng xảy ra lỗi trong tai nạn nhiều hơn. Người đi xe to được mặc định là có khả năng tài chính tốt hơn nên phải bồi thường thiệt hại cho người đi xe nhỏ. Trong một vài trường hợp, nếu chẳng may tai nạn gây thiệt hại về người, đôi khi người đi xe to dù không sai cũng muốn được đền bù về tài chính để đỡ áy náy với bên mất người.

Chiếu theo quan niệm này có nghĩa là: Va chạm giữa ô tô với mô tô thì ô tô sai, giữa mô tô với xe thô sơ thì mô tô sai,... Như vậy người đi bộ, đi xe thô sơ luôn đúng trong các tình huống va chạm giao thông? 

Xe to đền xe bé - Những câu chuyện tréo ngoe - 1

Người đi xe thô sơ, xe nhỏ luôn đúng? (Tranh minh họa).

Liên quan đến đề tài đang gây tranh cãi này, nhiều câu chuyện "tréo ngoe nhưng có thật" đã được bạn đọc chia sẻ. 

Bạn đọc Mai Anh gửi đến Dân trí tình huống: "Hôm đó xe của vợ chồng tôi đang đi với tốc độ bình thường, bỗng một chiếc xe máy lao nhanh từ phía sau lên cắt đầu xe tôi, móc ngang làm lủng bánh xe tôi, rồi xe máy đó lại đâm trúng người phía trước đang chạy bất ngờ từ hẻm ra, xe tôi bị lủng nên dù kịp thắng gấp vẫn va chạm nhẹ với xe máy đó.

Khi cảnh sát tới, dù cung cấp camera hành trình nhưng cảnh sát vẫn nói nhỏ với tôi: Nên khuyên chồng đừng nóng tính nữa, vì nguyên tắc dù như thế nào thì xe lớn vẫn phải đền. Và lỗi công an đưa ra là chúng tôi không là chủ tốc độ nên gây va chạm".

Bạn đọc Mai Anh cho rằng, mọi công dân cần hiểu và chấp hành đúng luật, đấu tranh với mọi hành vi vi phạm. Song cũng mong cơ quan chức năng cần có đội ngũ cán bộ chuyên môn tinh thông nghiệp vụ, trách nhiệm đạo đức trong nghề nghiệp, để thực thi pháp luật thật công bằng, theo đúng pháp luật chứ không theo "luật rừng". 

Xe to đền xe bé - Những câu chuyện tréo ngoe - 2

Bạn đọc Dân trí cho rằng, các bộ ngành nên nghiên cứu luật cho phép bên đúng luật được nhận lại phương tiện trong thời gian ngắn nhất mà không cần giấy bãi nại từ phía bên thiệt hại nhưng vi phạm luật (Ảnh minh họa: Đăng Đức).

Bạn đọc Thiện Nguyên chia sẻ câu chuyện xe đúng phải nhường xe sai mà mình gặp phải: "Chuyện xảy ra năm 2006 khi xe tôi đang đi đúng đường, đúng làn và đúng tốc độ, bỗng dưng 2 ông xỉn từ đâu phi vào bánh sau xe tôi, tôi thắng kịp thời và xuống xe. Kết quả: ông cầm lái gãy tay, ông ngồi sau té đập đầu máu me quá trời.

Tôi để nguyên hiện trường, đón xe đưa người bị thương tức tốc vào bệnh viện. Vào tới bệnh viện, người nhà họ khoảng 5-7 người xông vào đánh tôi tới tấp, may mà có người can ngăn.

Về phần tai nạn, khi công an đo vẽ và có nhiều người dân làm chứng thì kết luận là tôi không có lỗi gì, hoàn toàn do 2 ông xỉn tông vào. Vậy mà xe tôi cũng bị giam 26 ngày, lý do bên bị nạn đang khiếu kiện, xe thì bỏ bãi ngoài mưa ngoài nắng, mất thu nhập.

Cuối cùng bên công an vẫn xử xe tôi thắng kiện, nhưng về phía người thắng kiện là tôi phải chịu tổn thất không phải là ít, vì phải chi tiền cho 2 người kia để họ rút đơn bãi nại, để còn được lấy xe về. Sau mấy chục năm cầm lái, tôi thấy rằng luật giao thông ở ta còn quá bất cập trong vấn đề xử lý tai nạn thỏa đáng quyền lợi của người đi đúng.

Cái chính là những người đi "xe lớn" như chúng ta thường bị áp lực từ việc một tài sản lớn nằm bãi nhiều tháng. Thậm chí là có xe còn đang trả góp, hoặc có hợp đồng vận chuyển, thêm nữa là luật pháp cũng chưa thật sự sâu sát với thực tế... nên mới có chuyện "đúng đền sai", "to đền nhỏ" tréo ngoe này".

Bạn đọc Thiện Nguyên cũng kiến nghị các bộ ngành nên cho phép bên đi đúng luật được nhận lại phương tiện trong thời gian ngắn nhất mà không cần giấy bãi nại từ phía bên thiệt hại nhưng vi phạm luật. Bởi luật sinh ra là để bảo vệ những người chấp hành, tuân thủ luật.

Nói về luật giao thông đường bộ nước ta, Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị cho biết: Nghị định số 348 ngày 03 tháng 12 năm 1955 do Bộ Giao thông - Bưu điện thời đó ban hành, với "luật đi đường bộ"; nay thay thế bằng Luật giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua, ban hành năm 2001, sau đó sửa đổi vào năm 2008.

Luật quy định rõ trách nhiệm của mọi đối tượng tham gia giao thông, từ bộ hành đến điều khiển các loại phương tiện, thô sơ đến cơ giới… đều phải chấp hành những điều, khoản quy định cụ thể.

Áp dụng theo luật, đối tượng nào sai thì phải chịu trách nhiệm với hành vi sai phạm của mình. Tùy theo hành vi vi phạm dẫn đến tai nạn, mức độ thiệt hại do tai nạn để xử lý về hành chính, hay truy tố, xử lý về mặt hình sự, theo quy định của pháp luật. Nghĩa là ngay cả người đi bộ vi phạm, dẫn đến ô tô gặp tai nạn nghiêm trọng, thì người đó cũng bị truy tố trước pháp luật.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm