Tâm điểm
Lưu Đình Long

Xử lý va chạm giao thông bằng nắm đấm

Mấy năm trước, khi đi công tác Thái Lan, tôi gặp Suthep Chaowanklang - một doanh nhân người Thái gốc Việt.

Từ sân bay Don Muang về khách sạn ở Bangkok, chúng tôi trò chuyện về việc lái xe và giao thông ở Việt Nam. Do có nhiều lần sang TPHCM và Hà Nội công tác nên Suthep rất "ấn tượng" với kiểu chạy xe của nhiều người Việt. "Họ thích lấn làn kiểu gì cũng được, có khi không xi-nhan và cúp đầu xe ô tô rất ngoạn mục", ông nói. Theo Suthep, điều đó rất nguy hiểm và dễ xảy ra tai nạn.

Đọc báo, ông cũng biết, những vụ tai nạn trên đường phố Việt Nam hay được mọi người nhìn ở góc độ "lỗi do xe lớn hơn". Và đặc biệt, sau những vụ tai nạn, thường có cãi vã, xô xát, đánh nhau…  "Đó là một tai nạn kép của những nạn nhân trong một vụ va chạm giao thông", Suthep bày tỏ. Tôi rất đồng tình với cái nhìn này.

Xử lý va chạm giao thông bằng nắm đấm - 1

Hình ảnh 2 nam thanh niên tạt đầu ô tô, rồi chửi bới tài xế ô tô đi trên đường vành đai 2 trên cao ở Hà Nội, hôm 25/2 (Ảnh: Cắt từ clip).

Nhớ lại lần đầu tiên tôi và nhóm bạn hòa vào không khí Giáng sinh ở TPHCM cách đây gần 20 năm. Trong tiết trời se lạnh, tôi ngồi sau xe Th., khi đến ngã tư đường Lê Duẩn - Hai Bà Trưng (quận 1), do lượng người và xe đông nên Th. không kịp đạp thắng, bánh trước va nhẹ vào xe của một người đàn ông chở vợ con phía trước. Ông ta nhìn lại với khuôn mặt khá đanh, bạn tôi cúi đầu xin lỗi. Bất giác người đàn ông ngừng lại, chờ bạn tôi trờ tới ngay đèn đỏ, ông ta quay qua và tát vào mặt T. một cái. Bốp!

Tôi chưa kịp hoàn hồn thì nghe người đàn ông với vẻ mặt hung dữ chửi thề: "Mày có biết chạy xe không hả?". Ông ta quơ tay muốn đánh tiếp. Vợ ông chắc cũng bất ngờ nên vỗ về ông ta, "thôi anh, họ lỡ va thôi mà".

Bạn tôi không phản ứng gì thêm sau cú tát, có lẽ rất đau. Nếu là người khác, chắc không để yên cho người đàn ông. Và có thể một vụ ẩu đả sẽ xảy ra trên đường, ngay đêm Noel - đêm an lành trong niềm tin của nhiều người.

Sau này, khi tham gia giao thông, thỉnh thoảng tôi cũng bắt gặp những vụ chắn đầu xe, lôi nhau vào lề đường, thậm chí đứng giữa đường trong sự kẹt cứng để tranh cãi đúng sai, sau đó là đánh hoặc rượt đuổi nhau chạy trên phố.

Hình ảnh xấu xí trên phố sau tai nạn không hiếm. Thi thoảng báo chí lại đăng video hoặc hình ảnh do người dân trích xuất camera, lực lượng chức năng hay người đi đường chụp được.

Tôi xin dẫn ra đây hai sự việc:

Tháng 5/2023, Đạt (28 tuổi, ở thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) đã giật gậy bóng chày đánh một tài xế xe hơi đến chấn thương sọ não. Nguyên nhân là trước đó tài xế này va chạm giao thông với Đạt, hai bên cự cãi rồi tài xế lấy gậy bóng chày (bằng kim loại dài 70,5cm) trong cốp xe đánh vào chân Đạt. Đạt sau đó giật lấy gậy bóng chày đánh lại hai cái trúng vùng đầu tài xế khiến tài xế ngã xuống đường bất tỉnh…

Mới đây, hôm 25/2, cũng xuất phát từ một vụ va chạm giao thông, 2 thanh niên đã đi xe máy lên đường vành đai 2 ở Hà Nội, tạt đầu ô tô, chửi bới nữ tài xế và ẩu đả với hai người đàn ông trong ô tô. Công an quận Hai Bà Trưng đã triệu tập những người liên quan trong vụ ẩu đả để làm rõ sự việc.

Cơn giận ùa đến sau những vụ tai nạn hoặc va chạm giao thông không được người trong cuộc kiểm soát, đã dẫn đến nhiều sự việc đáng tiếc. Đầu tiên là cãi cọ hoặc ra tay đánh người gây thương tích, rồi thù oán dẫn tới chém giết nhau, gây tổn hại sức khỏe, sinh mạng của đối phương. Một đốm lửa nhỏ có thể làm cháy cả khu rừng. Một chút sân si có thể biến mình thành kẻ thủ ác. Sự dẫn dắt của tâm sân hận này đã được ông bà mình nhìn thấy hậu quả và khuyên lơn chân thành, "một điều nhịn, chín điều lành".

Thực tế, nếu ứng dụng sự nhường nhịn nhau hay cảm thông, nhẹ nhàng, thượng tôn pháp luật trong mọi ứng xử, trong đó có văn hóa giao thông thì mỗi người sẽ bảo hộ cho mình và gia đình được bình an. Tôi vẫn hay nói về cầu an ở chùa, đó là việc làm bổ trợ, nhắc nhở mình phải sống an trong mọi lúc mọi nơi, từ ý - khẩu - thân, ứng với suy nghĩ - lời nói - việc làm. Một người sống an, có lương thiện thì từ nếp nghĩ, lời nói, hành vi đều ôn hòa, toát ra năng lượng khiến người khác cũng dịu xuống, nhẹ nhàng theo.

Nhiều người, vì lý do thiếu kiềm chế hoặc ngộ nhận về bản lĩnh phái mạnh, hay nghĩ rằng nhẫn nhịn người khác là chịu thiệt thòi, nhu nhược, yếu kém nên đã dễ dàng quát mắng, lớn tiếng, cao tay cao chân và vô tình gây họa cho bản thân.

Tham gia giao thông vốn dĩ đã tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu không may bị một va chạm nào đó, cách tốt nhất vẫn nên là nhẹ nhàng, trên cơ sở các quy định của pháp luật.

Nếu tai nạn nhẹ, có thể xử lý ôn hòa, hoan hỉ với nhau thì cùng nhau giải quyết, xin lỗi, cảm ơn. Quá tốt và may mắn. Trong trường hợp không thể thỏa thuận ôn hòa, có thể giữ hiện trường, gọi báo lực lượng chức năng hỗ trợ xử lý, thậm chí kiện ra tòa để đòi bồi thường thiệt hại chính đáng. Cãi và đánh nhau sau tai nạn là hành vi cực kỳ xấu, gây hại cho mình và người. Đâu đó, du khách hay người nước ngoài nhìn thấy chắc chắn sẽ có ấn tượng không đẹp về người Việt.

Thực tế, Nghị định 144/2021/NĐ-CP đã quy định rõ, hành vi đánh người sau khi va chạm giao thông có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ sự việc.

Khi xảy ra va chạm giao thông mà ứng xử theo kiểu "luật rừng" thì đó quả là "tai nạn kép"!

Tác giả: Ông Lưu Đình Long là nhà báo, cư sĩ, từng làm công tác tòa soạn tại báo Giác Ngộ; tác giả của các đầu sách: Lắng nghe hơi thở, Tâm kinh mình thuyết cho mình, Như mây thong dong, Như gió an lành, Bình an mà sống, Sống tích cực, thương chân thành.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!