Tâm điểm
Quan Thế Dân

Dao mổ cùn và chuyện đấu thầu trong y tế

Lý do vị này đưa ra là những bất cập trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, ví dụ như quy định giá mua sắm phải là "giá thấp nhất" chứ không phải giá "hợp lý nhất" dựa trên nhu cầu điều trị thực tế của từng cơ sở y tế, chuyên khoa, hạng bệnh viện.

Câu chuyện thiếu thuốc, trang thiết bị y tế do vướng mắc các thủ tục đấu thầu được nói đến từ tháng 3 và tận bây giờ là tháng 8 vẫn chưa được giải quyết. Tuy nhiên vấn đề có vẻ như đang xoay chiều, từ chỗ đấu thầu chỉ là yếu tố kỹ thuật làm chậm quá trình mua thuốc và thiết bị, giờ thì đấu thầu đang bị quy cho chịu trách nhiệm chất lượng điều trị. Thực hư thế nào.

Trong thời bao cấp, bệnh viện không phải đấu thầu thuốc. Thuốc của bệnh viện do công ty dược cung ứng theo kế hoạch. Tất nhiên là thuốc khi đó cũng đơn giản, thiếu thốn rất nhiều. Một số thuốc đặc trị thì hoặc là được nhập hạn chế cho những ca đặc biệt hoặc là hàng xách tay bán ở thị trường chợ đen.

Thời mở cửa, các công ty dược nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời các công ty dược tư nhân trong nước được thành lập, hình thành nên thị trường dược phẩm và trang thiết bị y tế phong phú. Cùng một mặt hàng có nhiều đơn vị cung ứng. Vì thế phải thực hiện đấu thầu để chọn nhà cung cấp tốt nhất. Điều này là tất yếu của kinh tế thị trường. Tuy nhiên đấu thầu thuốc và trang thiết bị có những phức tạp đặc thù.

Dao mổ cùn và chuyện đấu thầu trong y tế - 1

Các bác sĩ chuyên khoa Sản, Đại học Y Dược TPHCM, trong một ca phẫu thuật (Ảnh minh họa: NVCC).

Trước hết thuốc và trang thiết bị mới thường gắn liền với những phát minh mới về chẩn đoán hoặc điều trị, nên có thời gian bảo hộ độc quyền. Nói đến tên thuốc hay trang thiết bị mới này là người ta nói liền đến tên hãng phát minh ra nó. Như vậy muốn dùng thuốc hay máy móc đó chỉ có thể mua hàng chính hãng. Mà giá của loại hàng hóa này đã được công ty mẹ ở nước ngoài ấn định cho từng thị trường rồi. Như vậy trường hợp này đấu thầu không có tác dụng.

Các bảo hộ độc quyền của thuốc thường là 20 năm. Hết thời hạn bảo hộ, các hãng dược được quyền sản xuất thuốc có thành phần đó với tên thương mại khác và giá thành khác nhau. Lúc này trên thị trường cùng một hoạt chất sẽ có nhiều dạng thương phẩm giá khác nhau. Giá cao nhất là thuốc gốc chính hãng, giá thấp hơn một chút là sản xuất của các nước châu Âu, rồi giá rẻ đến tận cùng là sản xuất từ Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc. Về máy, thiết bị y khoa thì đầu bảng vẫn là sản xuất từ Mỹ, Đức, Nhật. Giá rẻ hơn có xuất xứ Hàn Quốc. Còn rẻ nhất thì máy Trung Quốc, máy gì cũng có.

Đến đây ta đã hiểu tại sao các bác sĩ không thích đấu thầu rồi. Vì nếu đấu thầu về thuốc thì thuốc ẤnĐộ, Bangladesh luôn thắng thầu; còn đấu thầu về máy y khoa thì đương nhiên máy Trung Quốc thắng thầu. Các xuất xứ này vốn bị nhiều tai tiếng. Tất nhiên nếu cũng có nhiều trường hợp ta đấu thầu được sản phẩm tốt với giá thành rất rẻ, nhưng phải nói thật rằng tỷ lệ rủi ro cao hơn. Mà trong y khoa vốn đã tồn tại nhiều rủi ro rồi, nên bác sĩ không muốn gánh thêm cái rủi ro do thuốc hay thiết bị mang lại.

Tôi có một kỷ niệm dùng thuốc nhớ mãi. Lúc đó mẹ tôi sau tai biến bị viêm phổi thở máy, sốt đến ngày thứ 20, không thuốc nào cắt được. Bác sĩ sau cùng phải kê thuốc mới có hoạt chất là linezolid, tên thương mại là Zyvox, của hãng Pfizer. Dùng chỉ một ngày là mẹ tôi cắt sốt. Thật là thần kỳ. Nhưng dùng được 3 ngày thì hết thuốc, chạy khắp nơi tìm không có hàng của Pfizer, tôi đành phải mua hàng của một nước Nam Á sản xuất. Về truyền cho mẹ được vài giọt thì xảy ra sốc phản vệ, suýt chết, phải cấp cứu gấp mới qua được.

Đấy là nói về thuốc, còn về máy móc trang thiết bị cũng phức tạp không kém. Máy móc y khoa có độ chính xác và độ bền cao nên có giá thành cao hơn các thiết bị tương tự nếu dùng trong ngành khác. Còn những thiết bị chuyên ngành thì tính đặc thù rất cao, mang tính độc quyền tự nhiên. Chính những điều này làm cho phương pháp đấu thầu thông thường không hiệu quả. Vì nếu chỉ chọn về giá, ta sẽ chỉ nhận được những sản phẩm của những nhà sản xuất không uy tín. Nhưng nếu ta cho thêm các chỉ dẫn về tính năng hay xuất xứ để hy vọng chọn được những sản phẩm cao cấp hơn thì ta lại phạm luật.

Vì thế rất cần thiết phải xây dựng bộ luật riêng dành cho đấu thầu trong ngành y. Phải có tỷ lệ cho điểm thích hợp với xuất xứ, công nghệ để bệnh viện có thể chọn được những sản phẩm tốt với giá thành hợp lý. Còn nếu chỉ lấy tiêu chí duy nhất là giá rẻ, thì đến lúc nào đó trong bệnh viện công sẽ là cảnh: Thuốc thì thuốc Nam Á, máy thì máy Trung Quốc.

Tuy nhiên nói đi thì cũng phải nói lại. Những bất cập trong đấu thầu thuốc và trang thiết bị y khoa các cấp quản lý cũng biết từ lâu, nhưng chưa tìm ra cách nào khả dĩ để khắc phục. Đấu thầu tuy có khuyết điểm như vậy, nhưng dù sao vẫn là tuyến phòng thủ chống tham nhũng trong ngành y. Nhưng tuyến phòng thủ này cũng rệu rã lắm rồi, thường xuyên bị chọc thủng. Nên nhiều khi đấu thầu chỉ là hình thức, còn các cá nhân tham nhũng có nhiều cách để hợp thức hóa. Chuyện hoa hồng khi mua thuốc, mua máy móc ở đâu cũng có, và nhiều khi ở mức độ rất khủng khiếp, xin thôi không phải nhắc lại vô số vụ án tham nhũng trong ngành y nữa.

Để tham gia góp ý về đấu thầu thuốc, tôi xin có 3 đề xuất:

Một là nên tập trung đấu thầu thuốc và trang thiết bị ở mức độ quốc gia, do Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Trung ương chủ trì. Kết quả sẽ dùng chung cho các bệnh viện toàn quốc. Như vậy bệnh viện sẽ chỉ tập trung vào làm chuyên môn không còn bị phân tâm đi lo đấu thầu như hiện nay nữa.

Hai là thay vì đấu thầu mỗi năm một lần như hiện nay rất lãng phí thời gian và công sức, chúng ta nên tổ chức đấu thầu 3 năm một lần. Các đơn vị khi tham gia dự thầu phải tự tính toán mức độ trượt giá, dự báo nhu cầu thị trường, để đưa ra mức giá phù hợp, lời ăn lỗ chịu. Khi mà kết quả đấu thầu có giá trị dài như vậy thì các bệnh viện sẽ hết cảnh ăn đong, lo thiếu thuốc vì chậm thầu. Điều này trong kinh tế người ta đã làm từ lâu, giống như hình thức công ty đảm bảo giá thu mua sản phẩm cho nông dân ổn định trong mấy năm.

Thứ ba là bảo hiểm y tế phát triển hình thức thanh toán cho bệnh viện theo định suất, mà dân gian vẫn gọi nôm na là chữa khoán. Ví dụ một bệnh này sẽ được thanh toán từng này tiền. Nếu bệnh viện chữa nhanh khỏi, dùng thuốc giá rẻ và đảm bảo chất lượng thì sẽ có lời, còn nếu chữa kéo dài, dùng thuốc đắt thì bệnh viện sẽ lỗ. Như vậy chúng ta sẽ phát huy được tính chủ động của bệnh viện hơn.

Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!