Dao mổ rạch 3 lần mới đứt da: Thực trạng chung ở nhiều bệnh viện?

Nam Phương

(Dân trí) - Bệnh viện muốn mua vật tư tốt cho người bệnh rất khó vì vướng trong các văn bản pháp luật. Để tháo gỡ trước mắt nhiều vấn đề "nóng", Bộ Y tế đã có tờ trình đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết riêng.

Thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế không phải mới, tuy nhiên càng trở nên nóng hơn gần đây với chia sẻ của BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy tại hội nghị trực tuyến vào sáng 21/8 của ngành y tế. Theo đó một bác sĩ khoa Ngoại của Bệnh viện đã rất bức xúc vì "trước đây sử dụng dao mổ giá tốt chỉ rạch một đường mổ, giờ trúng thầu dao mổ giá rẻ phải rạch 3 lần thì da mới đứt".

Lãnh đạo một bệnh viện lớn tại Hà Nội cũng cho rằng những điều BS Thức chia sẻ là thực trạng chung ở nhiều bệnh viện. Ông ví von việc BV đấu thầu mua trang thiết bị giống khi mua xe máy. Theo đó, sẽ đặt ra những tiêu chí để mua nhưng theo quy định của pháp luật chỉ được đưa ra yêu cầu chung chung như "động cơ 4 thì, chạy bằng xăng, có 2 bánh, có 2 gương…". Với những tiêu chí như thế, xe Wave tàu hay Honda Vision đều đáp ứng và khi đấu thầu thì sản phẩm nào rẻ hơn sẽ trúng thầu. 

"Nhưng thực tế, có cái dùng 20 năm không hỏng, có cái dùng một năm thì vứt đi. Trong khi đó, những vật tư tiêu hao đưa vào con người như vật liệu hàn xương, stent… thì phải lựa chọn đồ tốt", lãnh đạo này nói. 

Hay như PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai từng nhiều lần chia sẻ: "Bệnh viện muốn mua vật tư tốt cho người bệnh rất khó".

Dao mổ rạch 3 lần mới đứt da: Thực trạng chung ở nhiều bệnh viện? - 1

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai (Ảnh: VGP).

Theo ông, thông tư 14 năm 2020 về đấu thầu trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế công lập có chia nhóm, phân nhóm để mua sắm đấu thầu. Tuy nhiên, nhiều thiết bị vật tư tiêu hao của Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ xếp ngang cùng với nhóm của các nước phát triển như Mỹ, Nhật, châu Âu.

"Cấu hình kỹ thuật giống hệt nhau, nên khi đem vào đấu thầu, cái nào rẻ, cái đó trúng, ta rơi "vào bẫy" muốn mua vật tư tốt của châu Âu, Mỹ, Nhật rất khó. Với cách phân nhóm của thông tư 14, chúng tôi sẽ mua được vật tư rẻ tiền, đi liền với chất lượng, nhiều thứ chất lượng rất không như ý", ông Cơ nói.

Chia sẻ với Dân trí trước đó, TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cũng lưu ý trong đấu thầu hàng hóa dịch vụ thông thường rẻ hơn là tốt nhưng điều này không đúng với thuốc chữa bệnh, vật tư tiêu hao. Liên quan đến chất lượng khám chữa bệnh thì không thể chỉ căn cứ vào yếu tố giá rẻ, giá thấp. 

"Các cụ xưa có câu nói "của rẻ là của ôi". Vì thế, cần có quy định đặc thù riêng cho thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế để chọn được thuốc, vật tư có chất lượng, giá cả hợp lý", TS Quang nhấn mạnh. 

Giải bài toán khó đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế

Giống như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chia sẻ tại hội nghị sáng 21/8: "Ngành y tế có "một núi việc", toàn những việc cấp bách, phải giải quyết ngay, có rất nhiều vấn đề mà trong vòng một cuộc họp không thể giải quyết hết được".

Tương tự với câu chuyện đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, để giải quyết trước mắt Bộ Y tế đã xây dựng tờ trình về đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Về lâu dài là sửa các nội dung liên quan trong luật Đấu thầu, thông tư 14 về đấu thầu trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế công lập...

Liên quan đến việc khắc phục thiếu thuốc, trang thiết bị…, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng đầu tiên phải sửa nghị định 98, thông tư 14 của Bộ Y tế liên quan trang thiết bị và thông tư 15 của Bộ Y tế liên quan đến thuốc. 

"Nếu Bộ Y tế không làm được thì các cơ sở y tế không bao giờ có đủ trang thiết bị vật tư y tế tối thiểu phục vụ người dân", Bộ trưởng Phớc nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng cho biết Quốc hội đã ban hành nghị quyết 30, Chính phủ đã ban hành nghị quyết 79 và nghị quyết 86, trong đó quy định một số nội dung khác so với luật Đấu thầu, luật Quản lý tài sản công và các luật khác để thực hiện mua sắm, đấu thầu trong phòng chống dịch. 

Dao mổ rạch 3 lần mới đứt da: Thực trạng chung ở nhiều bệnh viện? - 2

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc (Ảnh: VGP).

Ngoài ra, dự án luật Đấu thầu sửa đổi dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Trong đó, có một chương riêng về đấu thầu thuốc và đây sẽ là biện pháp công khai, minh bạch, khắc phục những vướng mắc trong đấu thầu thuốc thời gian qua. 

Theo Thứ trưởng, việc mua sắm thuốc và thiết bị y tế hiện vướng ở hai nghị định 98 năm 2021 và nghị định 54 năm 2017. Chính phủ đã có dự thảo nghị quyết để tháo gỡ vướng mắc. Cùng với đó, Bộ Y tế cần sớm sửa đổi những thông tư liên quan, ví dụ như một số quy định tại thông tư 14.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm