Tâm điểm
Hoàng Lam

"Bẫy" việc làm với các bạn trẻ

Thời gian gần đây, tôi thường xuyên nhận được tin nhắn từ các "số lạ" mời làm việc tại nhà với mức lương cao. Nhờ sự cảnh báo trước đó trên báo chí, tôi biết rằng đây chỉ là một hình thức dụ dỗ người dân đánh bạc online tại nhà, nên thường xóa ngay các tin nhắn đó. Nhưng không phải ai cũng có đầy đủ thông tin để cảnh giác. Những vụ lừa đảo bằng các hình thức khác nhau, song đều có chung miếng mồi là "việc nhẹ, lương cao" liên tục được phản ánh trên truyền thông mà nạn nhân thường là các bạn trẻ.

Mới đây, sự việc 5 cháu gái từ 13-15 tuổi ở Bắc Giang và Yên Bái suýt bị lừa bán sang Campuchia, thêm một hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng "bẫy" việc làm đã và đang đầy rẫy trên mạng xã hội.

Bẫy việc làm với các bạn trẻ - 1

Hai trong số 5 thiếu nữ vừa được lực lượng chức năng giải cứu khi rời nhà đi tìm việc làm với lời hứa hẹn mức lương 20 triệu đồng/tháng (Ảnh: Bá Đoàn).

Mức lương hứa hẹn lên tới 20 triệu đồng/tháng đối với một đứa trẻ chưa có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm gì ngoài yêu cầu biết sử dụng máy tính và đánh máy thành thạo, chỉ cần nghe qua đã thấy có gì đó không ổn. Tuy nhiên, các cháu vẫn tin theo đối tượng lừa đảo để trốn gia đình, cắt đứt liên lạc, đi đến một miền đất lạ chỉ vì lời hứa "việc nhẹ, lương cao", không cần biết hiểm nguy rình rập phía trước.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu các cháu không được lực lượng chức năng tìm thấy và bàn giao về cho gia đình. Đã có nhiều thông tin về việc người lao động và cả trẻ vị thành niên bị lừa ra nước ngoài làm việc khổ sai, bị bạo hành, đòi tiền chuộc từ gia đình. Và không chỉ khi bị đưa ra khỏi biên giới các cháu mới phải đối mặt với nguy cơ xâm hại về sức khỏe, tính mạng, nhiều trường hợp bị ép phục vụ tại các cơ sở kinh doanh nhạy cảm hay bị quản thúc... đã xảy ra ở một số địa phương trong nước.

Trong suốt hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, cũng như phục hồi kinh tế hiện nay, nhu cầu việc làm là rất lớn. Ngoài công việc với những người trong độ tuổi lao động, thì nhiều học sinh, sinh viên cũng có nhu cầu làm thêm, nhất là trong mùa hè. Các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng nhu cầu này để giăng bẫy dưới nhiều hình thức khác nhau, từ tin nhắn điện thoại cho đến các hội, nhóm trên mạng xã hội. Trong đó, tâm lý lứa tuổi muốn khám phá, cũng như thiếu kiến thức xã hội, khiến nhiều bạn trẻ dễ bị tác động bởi các lời dụ dỗ hấp dẫn. Như vậy, để phòng chống tình trạng này, trước hết gia đình, nhà trường cần chủ động và tăng cường cảnh báo với con em mình về các loại hình "bẫy" việc làm, đặc biệt đối với những lời mời chào ẩn danh trên mạng xã hội.

Thực tế, nhiều gia đình khuyến khích con em mình làm thêm ngoài thời gian dành cho việc học, không hẳn vì thu nhập mà chủ yếu là muốn con "cọ xát" và hình thành tư duy lao động. Hơn nữa, trong mùa hè, đi làm thêm sẽ giúp các bạn trẻ năng động hơn, tránh lãng phí thời gian vào trò chơi điện tử hay đơn giản là ngủ nướng. Tôi được biết một số bậc phụ huynh khi cho con làm thêm ở quán cà phê, nhà hàng…, đã đến tận nơi con mình làm để tìm hiểu môi trường, trao đổi với người quản lý về giờ giấc cũng như mong muốn nhận được sự phối hợp giữa cơ sở và gia đình. Mỗi phụ huynh tùy theo điều kiện, hoàn cảnh sẽ lựa chọn cách thức khuyến cáo phù hợp với con em mình, nhưng rõ ràng đây là trách nhiệm cần thiết và không thể thoái thác hoàn toàn cho xã hội.

Về phía cơ quan chức năng, cần tăng cường rà soát các diễn đàn rao vặt, hội nhóm tuyển dụng trên mạng xã hội..., vì đây là mảnh đất màu mỡ để các đối tượng lừa đảo giăng bẫy; tiếp tục ngăn chặn, xử lý tin nhắn "rác" và đưa ra chế tài mạnh tay hơn với các vi phạm pháp luật liên quan.

Với người lao động và các bạn trẻ có nhu cầu việc làm, cần tự trang bị những kiến thức cần thiết để tránh sa chân vào bẫy. Có một điều chắc chắn là về cơ bản những việc làm phù hợp với quy định pháp luật đều đòi hỏi kỹ năng nhất định, từ đơn giản đến phức tạp, và có mức lương phù hợp với năng lực, đóng góp của mỗi người. Không có công việc nhẹ nhàng nào đem lại mức lương cao, ngoại trừ đó là một cái bẫy. Người ta vẫn thường nói rằng "miếng pho mát miễn phí thì chỉ có trong bẫy chuột!".

Tác giả: Hoàng Lam là phóng viên báo Dân Trí, thường trú khu vực Bắc miền Trung từ năm 2012. Chị gắn bó với mục Blog hai năm nay và thường viết về các đề tài xã hội.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!