Bạn trẻ mất tiền cọc oan vì hợp đồng làm việc truyền miệng

Tuệ Nhi

(Dân trí) - "Chân ướt chân ráo" gia nhập thị trường lao động, người trẻ nên thận trọng trước những khoản tiền đặt cọc nhận việc để tránh bị mất tiền oan.

Ấm ức vì bị "giam" tiền cọc

Thời điểm mới ra trường, H.T.L.A. (25 tuổi, Nam Định) lên mạng tìm việc, sau khi "lọc" qua khá nhiều bản tin tuyển dụng, cô gái trẻ quyết định đi phỏng vấn tại một công ty lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp.

"Mình được mọi người xung quanh nhận xét có tính cách hòa đồng, vui vẻ, nhiệt tình. Tự bản thân mình cũng thấy như thế.

Vốn thích học hỏi kiến thức chăm sóc da dẻ, mình đi phỏng vấn tại một công ty chuyên về lĩnh vực làm đẹp. Mình có lên mạng, vào các hội nhóm Facebook để tìm hiểu về công ty và thấy không có đánh giá xấu nên cũng khá an tâm".

Bạn trẻ mất tiền cọc oan vì hợp đồng làm việc truyền miệng - 1
Một số công ty đưa ra điều khoản ứng viên phải đặt cọc để được nhận việc (Ảnh: Shutterstock).

Sau hai vòng phỏng vấn, L.A. nhận được thư mời làm việc. Buổi đầu đến công ty, người phụ trách "phổ cập" thêm thông tin nhân sự phải đóng 1 triệu đồng gọi là phí đặt cọc, đồng phục nhân viên. L.A. tỏ ra bất ngờ và khó hiểu thì người này trấn an rằng số tiền này sẽ được hoàn trả lúc nhân sự nghỉ việc theo đúng quy trình.

Đáng nói, trong các điều khoản của hợp đồng thử việc không hề nhắc đến số tiền đặt cọc của nhân viên. Nhưng tại thời điểm đó, L.A. không để tâm quá nhiều đến vấn đề này vì cho rằng, đây là điều dễ chấp nhận được. Hơn thế nữa, cô gái trẻ đinh ninh "văn phòng công ty to như thế này họ sẽ không quỵt 1 triệu đồng của nhân viên làm gì".

Tuy nhiên, thực tế trong thời gian làm việc, cô nhận ra rằng môi trường này không phù hợp với mong muốn của bản thân.

"Nhận việc xong, mình chủ yếu "tự bơi", không ai hướng dẫn mình phải làm những gì, kể cả quản lý trực tiếp của mình. Mấy ngày đầu mình thường ngồi đọc tài liệu, tham khảo những hoạt động trên mạng xã hội của công ty. Mình có chủ động hỏi người quản lý nhưng có lẽ chị ấy quá bận để có thể chỉ dẫn chi tiết cho một nhân viên mới không quá nổi bật như mình.

Mọi người trong phòng mình có một nhóm chung để trao đổi công việc nhưng không ai thêm mình vào. Dù mình vẫn rất hòa đồng, rủ mọi người đi ăn trưa… song, tình trạng lạc lõng vẫn nhấn chìm mình mỗi ngày.

Sau hai tuần, mình nói chuyện với chị V.H. - phụ trách công việc hành chính nhân sự về việc mình cảm thấy không phù hợp với văn hóa công ty. Mình đề xuất mình sẽ nghỉ sau một tuần nữa, nhưng chị ấy lại bảo rằng mình có thể nghỉ luôn từ ngày mai vì công việc chưa liên quan đến nhiều bộ phận khác".

Khi nghỉ việc, L.A. cứ nghĩ số tiền đặt cọc sẽ được công ty chuyển khoản trả lại cho nhân viên ở kỳ lương tiếp theo. Nhưng đợi đến một tháng sau vẫn không thấy tăm hơi, cô gọi điện cho kế toán thì nhận được câu trả lời: "Việc này chị không rõ, em hỏi hành chính nhé", không đợi cô hồi đáp, người này ngắt cuộc gọi tức thì.

L.A. liên hệ lại cho phòng hành chính thì lại bị mắng té tát: "Em làm sai quy định, nghỉ không đúng quy trình nên sẽ xem xét về việc hoàn trả tiền đặt cọc và trả lời sau". Khi cô giải thích về câu chuyện trao đổi riêng cùng chị V.H thì nhận lại thông tin "chị V.H. đã nghỉ việc rồi".

Mất quá nhiều thời gian mà không đòi lại được tiền, L.A. đành tự an ủi rằng đây là bài học đáng giá cho những lần phỏng vấn sau.

"Dù chuyện đã qua rồi nhưng mỗi lần nghĩ lại mình vẫn cảm thấy ấm ức. Những bạn trẻ vừa ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm dễ bị vướng vào trường hợp như vậy lắm", cô nói thêm.

"Ngậm bồ hòn làm ngọt" vì hợp đồng miệng

Tương tự, Lê Yến (quê Hải Phòng, làm việc tại Hà Nội) cũng từng bị mất tiền cọc khi đặt cọc nhận việc tại một công ty khởi nghiệp.

Bạn trẻ mất tiền cọc oan vì hợp đồng làm việc truyền miệng - 2
Bạn trẻ cần tìm hiểu kỹ lưỡng các quyền lợi trước khi nhận việc (Ảnh: Shutterstock).

Thời điểm ấy ấy, Yến "trẻ người non dạ", vừa tốt nghiệp nên cô khá sốt ruột chuyện công việc. Yến nhận lời vào làm mà không hề biết đến sự tồn tại của các điều khoản, hợp đồng thử việc.

Người quản lý nói với cô: "Công ty sẽ giữ lại một phần tiền lương tháng đầu tiên của em để làm phí đặt cọc. Sau này em trở thành nhân viên chính thức thì sẽ được trả lại".

Người này cũng không hề thông tin cho Yến biết thời hạn thử việc tối đa ở vị trí của cô là bao lâu. Cô cứ thế làm đến gần nửa năm mà vẫn chưa thấy sếp nhắc nhở chuyện trở thành nhân viên chính thức.

"Mình có hỏi mấy lần thì anh ấy cứ trả lời rằng "anh đang đề xuất lên cấp trên". Cảm thấy chán nản mình quyết định nghỉ việc để tìm môi trường mới.

Tất nhiên, khi mình chưa lên nhân viên chính thức mà đã bỏ việc thì cũng đồng nghĩa với việc không được hoàn trả tiền đặt cọc. Vì mọi thứ chỉ là thỏa thuận bằng miệng, không có bằng chứng gì nên mình đành "ngậm bồ hòn làm ngọt".

Sau này khi đi phỏng vấn ở đâu mình cũng đều làm rõ các khoản như: Ký hợp đồng thử việc trong bao lâu? ứng viên có phải đóng tiền cọc không?... Nói chung các bạn trẻ lúc mới "chân ướt chân ráo" gia nhập thị trường lao động cần tỉnh táo, nắm vững các điều khoản để không bị mất tiền oan như mình", Yến bộc bạch.

Cần lưu ý gì khi đặt bút ký hợp đồng lao động?

Luật sư Nguyễn Anh Dũng (đoàn luật sư TPHCM) cho hay, việc ký kết hợp đồng là thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động trên tinh thần tự nguyện và theo đúng quy định pháp luật. Nếu người lao động cảm thấy bị thiệt thòi tại các điều khoản trong hợp đồng có thể trao đổi với người sử dụng lao động để điều chỉnh hoặc báo cáo lên công đoàn, thanh tra lao động để được hỗ trợ.

Để không bị ảnh hưởng quyền lợi, trước khi ký hợp đồng lao động, người lao động cần phải chú ý đến các vấn đề sau: Thời gian thử việc tối đa 60 ngày đối với trình độ từ cao đẳng trở lên, 30 ngày đối với trình độ trung cấp và 6 ngày đối với các công việc khác.

Chỉ được thử việc 1 lần cho 1 công việc, không áp dụng thử việc đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ. Lương thử việc ít nhất bằng 85% lương chính thức. Thời hạn 3 ngày trước khi kết thúc thử việc phải báo cho người lao động về kết quả thử việc.

Khi người lao động kết thúc thời gian thử việc và có thể đáp ứng công việc thì người sử dụng lao động phải ký hợp đồng ngay. Nếu người sử dụng lao động kéo dài thời gian thử việc, người lao động có quyền yêu cầu chấm dứt hợp đồng thử việc. Khi người sử dụng lao động vi phạm quy định có thể bị phạt từ 2 - 5 triệu đồng, đồng thời, buộc trả 100% tiền lương cho người lao động.

Ngoài ra, trước khi ký hợp đồng lao động, người lao động cần phải trao đổi kỹ về môi trường làm việc, các phúc lợi xã hội, an sinh, thời hạn tăng lương, cơ hội phát triển bản thân.

Nếu có bất kỳ điều khoản nào người lao động cảm thấy bất lợi thì phải trao đổi ngay với người sử dụng lao động để chỉnh sửa. Cần tham khảo luật lao động trước khi ký hợp đồng để tránh bị "ép" ký những điều khoản vô lý, để ảnh hưởng quyền lợi.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm