Thành liệt sỹ khi đi tìm liệt sỹ
(Dân trí) - Chiếc xe chồm lên, lao xuống vực sâu 100m. Phải mất cả ngày hôm sau, đội quy tập và lực lượng chức năng nước bạn mới tìm thấy và đưa những người bị nạn lên...
"Em phải tự hào vì nhiệm vụ anh đang làm"
40 năm, hơn 12.700 liệt sỹ đã được trở về trong vòng tay Đất mẹ. Đó cũng là 4 thập kỷ cống hiến thầm lặng, gian khổ và cả hi sinh của những người lính làm nhiệm vụ quy tập tại Nghệ An.
"Đã có 9 đồng chí hy sinh, 13 đồng chí bị thương, 26 đồng chí bị bệnh hiểm nghèo, mang trên mình di chứng bệnh tật suốt cuộc đời...", Thượng tá Chế Ngọc Hà, Đội trưởng Đội quy tập Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, chia sẻ.
14 năm gắn bó với công tác quy tập, Thượng tá Hoàng Ngọc Lân, nguyên Đoàn phó quân sự Đoàn quy tập mộ liệt sỹ tỉnh Nghệ An (nay là Đội Quy tập tỉnh Nghệ An) có lẽ là người chứng kiến nhiều nhất đồng đội hi sinh trên hành trình tìm liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam trên đất nước bạn Lào.
"Người mất vì sốt rét ác tính, sét đánh giữa rừng, tai nạn..., đau xót lắm, khi hòa bình đã mấy chục năm rồi", Thượng tá Lân trầm ngâm.
Vụ tai nạn mùa khô năm 2004-2005 đã cướp đi của ông 2 nhân viên quy tập nhiều kinh nghiệm và giàu bản lĩnh, một người khác bị thương nặng.
Vị Thượng tá nhớ lại, hôm ấy, tổ công tác gồm Thiếu tá Phạm Đức Lục và Thiếu tá Nguyễn Văn Đường (quê Nam Đàn, Nghệ An) cùng lái xe Minh và một cán bộ người Lào dẫn đường đi vào bản thu thập thông tin. Trên đường trở ra, trời bỗng đổ mưa xối xả, chiếc xe nghiêng ngả trong màn mưa, giữa con đường núi gập ghềnh với những dốc cua tay áo.
Xe xuống dốc, va vào tảng đá, chồm lên, lao thẳng xuống vực sâu hơn 100m... Người dẫn đường may mắn đã nhảy xuống xe trước đó, chứng kiến toàn bộ vụ việc, chạy về báo đơn vị.
"Chiếc xe như bị vò nát, chúng tôi tìm thấy Thiếu tá Lục và Thiếu tá Đường văng xuống vách đá. Lái xe Minh bị kẹt trong cabin, giữa ghế lái và vô lăng. Anh em cùng lực lượng bạn phải cưa xe, tháo từng bộ phận để kéo Minh ra. Phải mất ròng rã một ngày chúng tôi mới đưa được cả 3 lên.
Vết thương quá nặng, Lục và Đường không qua khỏi, còn Minh, bằng một cách thần kỳ nào đó vẫn giữ được mạng sống dù mất nhiều máu và phải cắt hơn 1,5m ruột", khuôn mặt Thượng tá Lân chùng xuống khi kể về các đồng đội của mình.
Chúng tôi đến thăm gia đình liệt sỹ Trần Văn Thành (trú phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, Nghệ An). Nhắc về người chồng đã hi sinh, bà Ngô Thị Tú (57 tuổi) không khỏi nghẹn ngào.
Năm 1992, Đại úy Trần Văn Thành được bổ sung vào Đội quy tập, khi ấy khi người con thứ 2 của vợ chồng anh mới gần một tuổi.
"Hồi đó mọi thứ đều khó khăn. Hầu hết thời gian anh ấy ở Lào. Thời gian về nước, anh chủ yếu trực ở đơn vị, cách nhà mấy chục cây số. Tiếng là vợ lính thời bình nhưng tôi ít khi được ở gần chồng", bà Tú rưng rưng kể.
Kết thúc mùa khô năm 1996-1997, Đại úy Thành cùng đồng đội đưa hài cốt liệt sỹ về nước. Thay vì về nhà thăm vợ con, anh được đưa thẳng đến bệnh viện vì sốt rét ác tính. Những ngày ăn ở trong rừng sâu làm nhiệm vụ, thiếu thốn đủ bề, khiến sức khỏe của anh suy giảm, bị sốt rét quật ngã. Nhận tin báo, bà Tú vội vã lên bệnh viện. Thời điểm này, Đại úy Thành đã lên cơn co giật, biến chứng suy thận.
"Trong cơn mê man, anh ấy cứ ú ớ, "phanh, kéo phanh". Lúc đầu tôi không hiểu, sau các anh cùng đơn vị giải thích, trên đường chở hài cốt từ nơi quy tập ra điểm tập kết, xe có thể lao xuống vực hay va vào vách núi bất kỳ lúc nào. Anh Thành ngồi bên tài xế, liên tục nhắc. Lúc này tôi mới mường tượng được công việc của các anh ấy nguy hiểm như thế nào", bà Tú nhớ lại.
Sau gần 3 tháng điều trị, trải qua những cuộc cấp cứu thập tử nhất sinh tại các bệnh viện từ tuyến tỉnh đến tuyến trung ương, sức khỏe của Đại úy Thành mới hồi phục. Từ bệnh viện trở về, Đại úy Thành vẫn nằng nặc xin sang Lào để cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ.
Biết vợ sẽ lo lắng, vất vả nhiều hơn, anh nắm lấy bàn tay vợ, động viên: "Em đừng lo, cũng đừng buồn, em phải thấy tự hào và vinh dự về nhiệm vụ anh đang làm. Vợ chồng mình chịu khó, chịu khổ một chút, để các anh, các bác sớm được đoàn tụ với gia đình".
Biết chồng đã quyết, bà Tú cũng chỉ biết động viên anh giữ gìn sức khỏe, chân cứng đá mềm, hoàn thành nhiệm vụ.
Năm 2014, sau nhiều năm làm công tác quy tập, Đại úy Thành được chuyển sang đơn vị mới. Cứ ngỡ từ đó, vợ chồng, cha con sẽ được gần nhau hơn thì cơn sốt rét tái phát...
Anh ra đi, cô con gái đầu mới bước vào tuổi 15 và lời hứa "xây căn nhà lành lặn cho mẹ con" vẫn đang dang dở.
"Cú sốc quá lớn, khiến tôi không gượng dậy nổi. Một tháng trời, tôi chỉ nằm trên giường mà khóc. Khóc thương anh, thương mình, thương 2 con nhỏ. Các thủ trưởng, các anh trong đơn vị, hai bên nội ngoại động viên tôi phải kiên cường để anh yên lòng", bà Tú nhớ lại.
10 năm, nỗi đau chưa thể nguôi ngoai nhưng bà luôn kể về chồng bằng một niềm tự hào đặc biệt. Tự hào hơn khi con gái lớn đã nối tiếp con đường cha đi, trở thành một người lính...
Thượng úy vướng liên tiếp 2 quả mìn giữa rừng
Năm 2004, vừa tròn 20 tuổi, Thượng úy Nguyễn Khắc Âu (trú tại Đô Lương, Nghệ An) có mặt trong đội hình đặc biệt, hành quân sang đất bạn Lào.
"Thời ấy, các nhóm "địch rừng", "địch ngầm" (tàn dư hoặc nhóm thân phỉ Vàng Pao) gây nhiều thiệt hại cho cách mạng và nhân dân Lào. Chúng tôi vừa đi, vừa tổ chức trinh sát tránh bị phục kích", Thượng úy Âu kể.
Tháng 3/2018, từ thông tin người dân cung cấp về 6 liệt sỹ Việt Nam được an táng tại khu vực Phu Poọng Nốc, bản Na Păn, Khệt Nậm Xiển 2, huyện Phả Xay, tỉnh Xiêng Khoảng, một tổ công tác được cử vào khảo sát.
Cả khu vực rừng rộng lớn được phát quang sau 4 ngày. Đến ngày thứ 5, tổ công tác vừa phân công lực lượng canh gác, vừa tổ chức đội hình khảo sát. Tầm 11h, cán xẻng bị gãy, Thượng úy Âu men theo đường mòn, xuống bờ suối để chặt tre thay thế.
"Khu vực này nhiều muỗi, tôi dùng cành cây phất để xua đi thì nghe 1 tiếng động lạ, như sợi dây bị đứt. Theo phản xạ, tôi ngồi thụp xuống. Tiếng mìn nổ chát chúa vang lên", anh Âu nhớ lại.
May mắn Thượng úy Âu không bị thương. Nghe tiếng nổ, anh em chạy đến. Vẫn còn choáng sau sức ép của vụ nổ, nhưng anh Âu cố hét lớn, ngăn anh em đến gần vì theo quy luật, "địch rừng" sẽ cài cắm nhiều quả mìn trong một khu vực, khoảng cách 15-20m. Anh buộc cành cây vào thân tre vừa chặt, thận trọng từng bước để dò mìn. Vượt quá phạm vi 20m, khi nghĩ đã an toàn thì tiếng nổ thứ 2 vang lên, anh Âu đổ ập xuống.
"Tôi không biết gì nữa. Tỉnh dậy, việc thở đối với tôi cũng là điều khó khăn, một bên tai không nghe được gì do sức ép vụ nổ gây thủng màng nhĩ, da cánh tay phải gần như bị bóc. Anh em kể lại, khi tiếp cận vị trí của tôi, không ai nghĩ rằng người vướng 2 quả mìn liên tiếp như tôi còn sống", anh Âu chia sẻ.
Giữa rừng sâu núi thẳm, dù cẩn trọng hết mức, dù được phía bạn cử lực lượng đi cùng bảo vệ nhưng những cuộc hành quân xuyên rừng, người lính quy tập không thể lường được hết bất trắc có thể xảy ra. Trong những tán rừng tưởng chừng rất đỗi bình yên đó có thể là chiếc bẫy tên, quả mìn đã được "địch rừng" cài sẵn kíp nổ đang chờ họ.
Thiếu tá Thái Bá Ngọc (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Diễn Châu, Nghệ An, nguyên nhân viên Đội quy tập) vẫn nhớ như in thời khắc chiếc gậy nhọn hoắt bật ra từ lùm cây, phi thẳng vào đội hình đang hành quân... Đó là một ngày tháng 1/2007, đội quy tập rút về nơi tập trung để chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc thì nhận được thông tin của người dân về khu vực an táng hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam tại suối Huồi Xằng Thao, bản Khai, huyện Phu Cút, tỉnh Xiêng Khoảng.
"Nếu đón được các bác về ăn Tết cùng thì vui hơn", các chiến sỹ quy tập bàn với nhau rồi quyết định hành quân vào bản.
Hết đường ô tô chạy, 10 người, cả cán bộ quy tập và lực lượng nước bạn hành quân bộ. Đường dốc núi cheo leo, một bên là vách đá, một bên là vực thẳm. Địa hình thay đổi quá nhiều, các anh không tìm được như thông tin người dân báo. Trời đã về chiều, nếu không rút ra, sẽ mắc kẹt trong rừng, nơi các toán "địch ngầm" vẫn hoạt động, đặc biệt là vào ban đêm.
"Chúng tôi trở ra bằng con đường cũ. Đồng chí công an Lào bất ngờ dẫm phải bẫy thủ công của địch. Từ lùm cây, chiếc gậy nhọn hoắt lao tới. Tôi chỉ kịp đẩy anh dân quân Lào sang một bên. Mất thăng bằng, hai anh em rơi xuống vực...", anh Ngọc thuật lại.
Trong khi cán bộ dân quân Lào bám được vào thân cây chìa ra bên vách đá thì Thiếu tá Ngọc rơi xuống phía dưới. Chỉ cảm thấy phần ngực đau nhói, anh ngất đi. Phải mất 4 tiếng sau, đồng đội mới tìm thấy anh trong tình trạng gãy xương sườn, chấn thương cột sống. Anh được chuyển về Việt Nam điều trị, sau 3 tháng mới bình phục.
"Những khi nhớ lại, tôi thấy mình còn sống là may mắn lắm rồi. Có lẽ hương linh các bác phù hộ cho những người lính quy tập chúng tôi", Thiếu tá Thái Bá Ngọc tâm sự.
(Còn nữa)