DNews

Giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, người lao động được lợi

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Thời gian tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu giảm từ 20 năm xuống 15 năm làm lợi cho người lao động, sẽ có thêm nhiều người được hưởng lương hưu.

Giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, người lao động được lợi

Mở rộng độ phủ BHXH bắt buộc?

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua vào ngày 29/6, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý và trình Quốc hội thông qua ngày 29/6 bao gồm 11 chương, 141 điều; tăng 1 chương và 5 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình; tăng 2 chương và 16 điều so với Luật hiện hành.

Khoản 1 Điều 2 của luật này quy định 13 nhóm người lao động là công dân Việt Nam phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, người lao động được lợi - 1

Tại Khoản 2 Điều 2 Luật BHXH sửa đổi quy định người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Tuy nhiên, có 3 trường hợp người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam không phải tham gia BHXH bắt buộc.

Giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, người lao động được lợi - 3

Đóng BHXH 15 năm được hưởng lương hưu

Luật BHXH (sửa đổi) có 9 nhóm điểm mới so với Luật BHXH năm 2014, trong đó có nhiều quy định giúp mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHXH.

Một trong những quyền lợi được mở rộng là quy định giảm điều kiện về số năm đóng tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống còn 15 năm. Điều này được quy định tại Điều 64 Luật BHXH (sửa đổi).

Giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, người lao động được lợi - 5

Người lao động được hưởng lợi

Theo các chuyên gia, đề xuất giảm thời gian tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ 20 năm xuống 15 năm là được hưởng lương hưu làm lợi cho người lao động. Cụ thể, việc giảm điều kiện thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm sẽ có thêm rất nhiều người lao động được hưởng lương hưu.

Khi soạn thảo dự án Luật BHXH (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá quy định này sẽ tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu.

Theo số liệu thống kê, trong 7 năm thực hiện luật BHXH năm 2014, có trên 53 nghìn người đã hết tuổi lao động phải nhận BHXH một lần do chưa đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc; có trên 20 nghìn người khi đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ thời gian đóng BHXH phải đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương hưu.

Với quy định điều kiện đóng BHXH chỉ còn 15 năm, những trường hợp như trên sẽ giảm nhiều, nâng cao tỷ lệ người hết tuổi lao động được hưởng chế độ hưu trí, đảm bảo an sinh xã hội.

Giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, người lao động được lợi - 7

Quy định giảm thời gian tối thiểu đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm là được hưởng lương hưu làm lợi cho người lao động (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).

Tuy nhiên, nhiều người lao động lại hiểu lầm quy định này hạn chế quyền lợi của họ. Cụ thể, người lao động cho rằng quy định này sẽ khiến cho những người đã đóng BHXH từ 15 năm trở lên không được rút BHXH một lần.

Phát biểu tại hội thảo tham vấn về dự thảo luật BHXH (sửa đổi), tiến sĩ Doãn Mậu Diệp, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nhận định là đã có sự hiểu lầm của người lao động về chính sách này.

Theo ông, quy định này không làm hạn chế quyền rút BHXH một lần của người lao động mà chỉ làm lợi cho người lao động. Bởi quy định này giúp nhiều người vốn không đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ được nhận lương hưu khi hết tuổi lao động. Mà khi hưởng lương hưu, người lao động sẽ được lợi nhiều lần so với rút BHXH một lần.

Quyền lợi lương hưu so với rút BHXH một lần

Tháng 5, BHXH Việt Nam đã có bảng so sánh quyền lợi của người lao động chọn rút BHXH một lần với người chọn chế độ hưu trí trong năm 2024.

BHXH Việt Nam giả định trường hợp người lao động có đủ 20 năm đóng BHXH (từ năm 2003 đến năm 2022), bao gồm 11 năm trước năm 2014 và 9 năm từ năm 2014 trở đi; mức bình quân tháng đóng BHXH là 6 triệu đồng/tháng.

Khi chọn rút BHXH một lần, người lao động (cả nam lẫn nữ) được nhận 1,5 lần mức bình quân tháng đóng BHXH cho mỗi năm tham gia BHXH trước năm 2014 (11 năm), 2 lần mức bình quân tháng đóng BHXH cho mỗi năm tham gia BHXH từ năm 2014 trở đi (9 năm). Như vậy, người lao động được nhận: 6 triệu đồng x (1,5x11 + 2x9) = 207 triệu đồng.

Trong khi đó, lao động nam nghỉ hưu trong năm 2024 là 61 tuổi thì trung bình sẽ được hưởng lương hưu khoảng 10,1 năm, tương đương 121 tháng (vì tuổi thọ trung bình của nam giới hiện là 71,1 tuổi).

Như vậy, tổng số tiền mà lao động nam lựa chọn hưởng lương hưu được hưởng từ quỹ BHXH (121 tháng lương hưu, mai táng phí và tử tuất khi qua đời) là 367.501.500 đồng, cao hơn so với rút BHXH một lần là 160.501.500 đồng.

Đối với lao động nữ, khi nghỉ hưu trong năm 2024 là 56 tuổi 4 tháng thì sẽ được hưởng lương hưu khoảng 20 năm 2 tháng, tương đương 242 tháng (vì hiện tuổi thọ trung bình của nữ giới là 76,5 tuổi).

Như vậy, tổng số tiền mà lao động nữ lựa chọn hưởng lương hưu được hưởng từ quỹ BHXH (242 tháng lương hưu, mai táng phí và tử tuất khi qua đời) là 862.437.000 đồng, cao hơn so với rút BHXH một lần là 655.437.000 đồng.

Giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, người lao động được lợi - 8

Người lao động chọn rút BHXH một lần sẽ rất thiệt thòi (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).

Tuy nhiên, bảng so sánh trên được thực hiện vào tháng 5/2024, chưa tính đến mức tăng lương cơ sở từ ngày 1/7.

Khi tính theo mức lương cơ sở mới áp dụng từ ngày 1/7, quyền lợi đầu tiên mà người chọn hưởng lương hưu được tăng thêm là trợ cấp mai táng phí.

Khi người lao động mất, thân nhân của họ còn được nhận trợ cấp mai táng phí là 10 tháng lương cơ sở. Với mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng, mai táng phí là 23,4 triệu đồng, tăng 5,4 triệu đồng so với mức cũ.

Thứ 2, lương cơ sở tăng 30% dẫn đến chi phí mua thẻ BHYT theo diện hộ gia đình cũng tăng thêm 30% trong năm 2024. Mức tăng này khiến số tiền mà người lao động chọn rút BHXH một lần chi ra để mua BHYT tăng lên đáng kể. Họ phải chịu thiệt chi phí này trong suốt thời gian nghỉ hưu (hơn 10 năm với lao động nam, hơn 20 năm với lao động nữ).

Trong khi đó, đối với người chọn hưởng lương hưu, khi lương hưu tăng thì mức đóng BHYT hằng năm của họ cũng tăng. Tuy nhiên, khoản chi phí tăng thêm này do quỹ BHXH chịu vì tiền mua thẻ BHYT là do quỹ BHXH chi trả. Do đó, người hưởng chế độ hưu trí không cần lo lắng khi tăng lương cơ sở làm tăng chi phí mua thẻ BHYT.

Bài: Tùng Nguyên
Ảnh: Tùng Nguyên - Sơn Nguyễn