DMagazine

Voi Tây Nguyên dần được "cởi trói" sau 30 năm chờ đợi

(Dân trí) - Hàng loạt những cam kết, chính sách ưu đãi nhằm bảo tồn, phát triển voi nhà tại Đắk Lắk đã và đang được triển khai để voi không phải gồng mình phục vụ con người, gắn với hoạt động du lịch thân thiện.

(Dân trí) - Hàng loạt những cam kết, chính sách ưu đãi nhằm bảo tồn, phát triển voi nhà tại Đắk Lắk đã và đang được triển khai để voi sẽ không phải gồng mình phục vụ con người như trước đây mà gắn với hoạt động du lịch thân thiện. Đặc biệt, đó là niềm mong mỏi sẽ xuất hiện được voi con sau hơn 30 năm chờ đợi.

Voi Tây Nguyên dần được cởi trói sau 30 năm chờ đợi - 1

Cuối tháng 12/2021, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk rộn ràng niềm vui khi đơn vị tiếp tục phối hợp Tổ chức Động vật Châu Á (AAF) cứu hộ thêm một voi cái về để chăm sóc, nuôi dưỡng.

Ông Trần Xuân Phước - Giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk - phấn khởi cho biết, sau khi Trung tâm cùng Tổ chức AAF cứu hộ voi Khăm Phanh (43 tuổi), thuộc sở hữu của gia đình dân tộc M'nông tại xã Ea Rbin (huyện Lắk) vào đầu tháng 10 vừa qua. Đến nay, Trung tâm tiếp tục cứu hộ "nàng" voi H'Blú (48 tuổi) của ông Đàng Năng Long (người sở hữu nhiều voi nhất Tây Nguyên - PV) sở hữu để đưa về Trung tâm chăm sóc.

Để chuẩn bị rước "nàng" H'Blú về nơi ở mới, Trung tâm đã thuê xe tải và cử theo 3 nài voi (người chăm sóc voi - PV) có kinh nghiệm đến huyện Lắk để đón voi về. Sau khi hoàn tất các thủ tục cúng voi theo tập tục địa phương, các nài voi thân thuộc của H'Blú đã điều khiển để voi lên xe về nơi ở mới.

Để voi không bị sợ hãi, kích động hay mệt mỏi, chiếc xe tải đã di chuyển chậm rãi trong suốt chặng đường gần 100 km về Trung tâm Bảo tồn voi tại huyện Buôn Đôn.

Voi Tây Nguyên dần được cởi trói sau 30 năm chờ đợi - 3

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi kể, voi H'Blú đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm, H'Blú có nguồn gốc ở huyện Ea Súp rồi chuyển về Lắk được ông Đàng Năng Long sở hữu, sau đó voi được bán lại cho một công ty du lịch ở TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Năm 2017, voi bị bệnh lao phổi, rất ốm yếu, phía công ty du lịch muốn chuyển voi về chốn xưa để được chăm sóc nên ông Long lại đưa voi về.

"Trong quãng thời gian voi ở Lâm Đồng,  H'Blú đã bị lâm tặc táo tợn chặt một phần đuôi để lấy lông làm nhẫn, trang sức. Bây giờ nhìn H'Blú mọi người rất thương, voi cũng không được khỏe như xưa nên sắp tới sẽ cần rất nhiều sự chăm sóc của nài voi lẫn chuyên gia", ông Phước nói thêm.

Để đưa voi về, Tổ chức AAF đã tài trợ trên 620 triệu đồng cho chủ voi để trả chi phí chăm sóc, thuốc men cho voi suốt thời gian qua.

Anh Y Tương Ong (23 tuổi, ngụ huyện Lắk) là một trong những nài voi đảm nhận nhiệm vụ đưa voi từ Lắk về Buôn Đôn. Với Y Tương, "nàng" voi H'Blú rất hiền lành, hiếm khi nổi giận và rất thích sự âu yếm, vuốt ve từ nài voi.

Voi Tây Nguyên dần được cởi trói sau 30 năm chờ đợi - 5

Đưa voi về Trung tâm, nài voi Y Tương còn ở lại đây khoảng một tuần để hướng dẫn cách thức chăm sóc, chia sẻ những tập tính đặc trưng của H'Blú để nài voi mới Y Pong Niê (27 tuổi) dễ dàng tiếp cận, bầu bạn với voi.

Nhận nhiệm vụ làm nài voi chính cho voi H'Blú, anh Y Pong rất háo hức. "Sau khi quen với H'Blú, tôi sẽ dẫn voi vào Vườn quốc gia Yok Đôn nơi có nguồn nước, thức ăn dồi dào để voi được thư giãn thoải mái nhất, sớm hồi phục sức khỏe".

Nài voi Y Pong chia sẻ thêm, trước đây anh làm nài phụ cho voi đực Thoong Ngân nên hiểu rõ về đặc tính của voi đực khác với voi cái ra sao. Mỗi con voi thường có tính cách khác nhau và quan trọng nhất là nài voi phải tạo được thiện cảm, nhận được sự hợp tác của voi thì mới có thể chăm voi thành công.

Voi Tây Nguyên dần được cởi trói sau 30 năm chờ đợi - 7

Trong suốt những năm qua, tình trạng voi nhà tại Đắk Lắk bị khai thác phục vụ du lịch quá sức, nhất là trong dịp lễ Tết, lễ hội, thường xuyên diễn ra... Có nhiều thời điểm, nài voi đang điều khiển voi chở du khách vượt suối chưa kịp quay về đã được nhận chuyến tiếp theo.

Voi quần quật cõng du khách, thiếu điều kiện để được chăm sóc chu đáo, không gian sống ở rừng dần bị thu hẹp. Chưa kể tình trạng voi bị tấn công, hành hạ để cưa trộm ngà, nhiều con voi bị chặt đứt đuôi để lấy lông bán cho du khách làm nhẫn, vòng đeo tay diễn ra… Voi dường như bị dồn vào đường cùng khiến không ít con có sự phản kháng mạnh mẽ tấn công lại con người.

Như vào tháng 5/2020, khi nài voi 32 tuổi ở huyện Lắk đang tháo dây xích dẫn voi về vườn đã bị voi đực trong thời kỳ động dục quật và húc tử vong tại chỗ. Chỉ 2 tháng sau đó, tại một khu du lịch ở huyện Buôn Đôn xảy ra tình trạng 3 mẹ con nữ du khách đang cưỡi voi bị hất từ trên cao xuống khiến người mẹ gãy 4 xương sườn, dập phổi, đa chấn thương… phải nhập viện cấp cứu.

Theo nài voi Y Vinh Ê Ung (36 tuổi, ngụ thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk), ngay từ tấm bé anh đã có cơ hội tiếp cận với nhiều chú voi nhờ theo người lớn trong gia đình, họ hàng. Nài voi Y Vinh có bí quyết riêng để điều khiển voi nghe theo ý của mình, dù đó là những con voi đực hung hãn nhất.

Voi Tây Nguyên dần được cởi trói sau 30 năm chờ đợi - 9

Cũng theo nài voi Y Vinh sau khi hiểu rõ dự án du lịch thân thiện với voi, anh đã chủ động gặp gỡ, trao đổi với nhiều chủ voi ở huyện Lắk để vận động chuyển sang mô hình du lịch không khai thác quá sức của voi như trước nhằm tránh những xung đột giữa voi và người.

"Khi được tôi chia sẻ về việc làm du lịch thân thiện mang lại phúc lợi cho voi, lại giúp chủ voi lẫn nài voi có thu nhập ổn định, bà con đều phấn khởi, đồng tình. Chúng tôi đều mong muốn mô hình sớm được tỉnh hiện thực hóa bằng những hành động cụ thể, thiết thực", nài voi Y Vinh tâm tư.

Vừa qua, Kỳ họp thứ ba HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều về việc quy định một số chính sách hỗ trợ voi nhà sinh sản và hạn chế xung đột voi với người, bổ sung chính sách phúc lợi cho voi tại Đắk Lắk. Với chủ voi có voi mang thai, sinh sản sẽ được hỗ trợ trên 400 triệu đồng; nài voi cũng sẽ nhận được những mức hỗ trợ tương xứng khi chăm sóc voi trong quá trình gặp gỡ, sinh sản.

Vào ngày 15/12, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã tổ chức lễ ký kết hợp tác xây dựng mô hình du lịch thân thiện với voi nhà với Tổ chức AAF theo hướng chấm dứt sử dụng loại hình du lịch cưỡi voi các hội thi voi, voi diễu hành nhiều giờ trên đường nhựa hoặc bê tông, dùng voi để tái hiện cảnh săn bắt và thuần dưỡng voi.

Đồng nghĩa với việc tổ chức AAF sẽ vận động các nguồn lực nhằm hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để mang lại phúc lợi cho voi và chủ voi cho tỉnh nhà. Trong đó, để chấm dứt du lịch cưỡi voi chuyển sang mô hình du lịch thân thiện với voi, AAF sẽ chi khoảng 2 triệu USD để hiện thực hóa trong thời gian 5 năm tới.

Voi Tây Nguyên dần được cởi trói sau 30 năm chờ đợi - 11
Voi Tây Nguyên dần được cởi trói sau 30 năm chờ đợi - 13

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Trần Xuân Phước, hiện Trung tâm đang sở hữu 5 con voi và đơn vị đang lên kế hoạch xây bệnh viện, khu nuôi dưỡng voi rộng khoảng 10ha để phục nghiên cứu sinh sản, bảo vệ nguồn gen.

Việc triển khai công tác bảo tồn voi của Trung tâm đều được Tổ chức Quỹ động vật hoang dã thế giới và Tổ chức AAF có sự tài trợ cả kinh phí lẫn chuyên gia chăm sóc voi.

Ông Phước chia sẻ, số lượng voi nhà hiện nay chỉ còn khoảng 37 con (huyện Buôn Đôn 22 con và huyện Lắk 15 con) nhưng chỉ có một vài con đang còn trong độ tuổi sinh sản và suốt 30 năm qua chưa ghi nhận trường hợp voi nhà sinh con. Trong 3 năm qua, đã có một vài trường hợp voi nhà mang thai, đều rất được trông chờ nhưng không thành công.

Voi Tây Nguyên dần được cởi trói sau 30 năm chờ đợi - 15

"Hiện voi nhà đang sống rải rác ở hộ gia đình, khu du lịch, vườn quốc gia… nên chúng tôi cũng có mong muốn sẽ quy tụ đàn voi về chung một mối để có chuyên gia chăm sóc, giúp voi có nhiều cơ hội gặp gỡ, giao phối, sinh sản… Bên cạnh đó, tỉnh cũng có kế hoạch xây dựng phối giống nhân tạo cho voi và đang xin chủ trương xin nhập 4 voi cái đang trong độ tuổi sinh sản ở Myanmar về phục vụ công tác bảo tồn", ông Phước cho hay.

Với hàng loạt chính sách, hoạt động, nguồn tài trợ hướng về du lịch thân thiện và bảo tồn voi nhà, người dân không khỏi trông mong thời gian tới tỉnh Đắk Lắk sẽ sớm đón được "chú voi con" chào đời.

Nội dung: Thúy Diễm

Thiết kế: Thủy Tiên