Đắk Lắk sẽ nhận tài trợ 2 triệu USD để chấm dứt du lịch cưỡi voi
(Dân trí) - Để chấm dứt hoàn toàn hoạt động du lịch cưỡi voi tại Đắk Lắk, Tổ chức Động vật Châu Á dự kiến sẽ tài trợ trên 2 triệu USD.
Lộ trình 5 năm thực hiện chấm dứt du lịch cưỡi voi
Ngày 10/2, bà Lê Thị Mỹ Trinh - Đại diện Tổ chức Động vật Châu Á (AAF) tại Đắk Lắk - cho biết, AAF hiện cùng với Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk đang xây dựng văn kiện dự án chuyển đổi sang mô hình du lịch thân thiện với voi.
"Dự kiến trong tháng 2 này hoặc tháng 3 tới, chúng tôi sẽ trình văn kiện này lên UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt, văn kiện này sẽ được thực hiện trong thời gian 5 năm. Sau khi xây dựng văn kiện, tổ chức phối với Trung tâm bảo tồn voi mới có cơ sở tham mưu UBND tỉnh ra văn bản cấm hoạt động du lịch cưỡi voi", bà Trinh cho hay.
Cũng theo bà Trinh, vào tháng 12/2021 vừa qua, AAF đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với UBND tỉnh Đắk Lắk nhằm hướng tới chấm dứt sử dụng loại hình du lịch cưỡi voi cũng như các hoạt động ảnh hưởng đến phúc lợi của voi nhà trong du lịch và lễ hội, góp phần bảo tồn voi nhà tại địa phương này.
Theo thỏa thuận hợp tác, tỉnh Đắk Lắk sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình để hạn chế tối đa, hướng tới không tổ chức các hoạt động ảnh hưởng đến phúc lợi voi nhà như: Du lịch cưỡi voi, các hội thi voi, voi diễu hành nhiều giờ trên đường nhựa hoặc bê tông, dùng voi để tái hiện cảnh săn bắt và thuần dưỡng voi.
Đại diện AAF chia sẻ, bản ghi nhớ hợp tác ký kết với tỉnh trong vòng 5 năm tới, từ 2022-2026, hướng tới chấm dứt du lịch cưỡi voi.
"Sẽ có thời gian 5 năm để chuyển đổi dần, việc chuyển mô hình du lịch với voi cần có giai đoạn. Nếu chấm dứt liền việc du lịch cưỡi voi sẽ ảnh hưởng sinh kế chủ voi, nài voi, những cộng đồng sống dựa vào voi ở huyện Buôn Đôn và Lắk", đại diện AFF nói thêm.
Trên 2 triệu USD để voi thoát cảnh gồng mình cõng khách
Bà Lê Thị Mỹ Trinh cho biết, từ năm 2016 đến nay AAF đã hỗ trợ công tác bảo tồn voi tại Đắk Lắk với số tiền tài trợ 350.000 USD. Riêng với dự án ký kết chuyển sang mô hình du lịch thân thiện, chấm dứt hoạt động cưỡi voi, dự kiến AAF sẽ tài trợ cho Đắk Lắk trên 2 triệu USD để thực hiện.
Cụ thể, AAF sẽ hỗ trợ tài chính cho chủ voi, nài voi để bù đắp phần thu nhập bị mất khi ngừng hoạt động du lịch cưỡi voi; triển khai hỗ trợ mô hình thân thiện voi ở Buôn Đôn, AAF sẽ cứu hộ, thuế dài hạn có trả chi phí cho chủ voi để đưa voi vào VQG Yok Đôn đưa vào mô hình du lịch thân thiện với voi tại đây.
Riêng đối với các công ty du lịch tại huyện Buôn Đôn, AAF hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn xây dựng các hoạt động thân thiện với voi, không cưỡi voi. Đối với voi tại huyện Lắk, AFF sẽ phối hợp Trung tâm bảo tồn voi làm việc với Ban quản lý rừng Nam Ka, rừng Hồ Lắk (huyện Lắk) để xác định diện tích rừng phù hợp nhằm mục tiêu đưa voi vào rừng để chăm sóc.
Đại diện AAF thông tin thêm, từ năm 2018, AAF thí điểm mô hình du lịch thân thiện với voi, cam kết không cưỡi voi đối với VQG Yok Đôn và tài trợ mức 13.000 USD/năm (trong vòng 5 năm) để hỗ trợ chuyển đổi và bước đầu mang lại những kết quả rất tích cực cho voi nhà tại Đắk Lắk.
Về việc khách du lịch phản ánh vào dịp Tết Nguyên đán tại Đắk Lắk xảy ra tình trạng voi bị khai thác du lịch quá sức và voi bị thương vẫn phải phục vụ con người, đại diện AAF cho biết, đơn vị đã nắm qua thông tin này nhưng hiện tại đang trong lộ trình triển khai dự án nên chưa thể cấm hoạt động du lịch cưỡi voi.
"Qua nắm bắt thông tin trên mạng xã hội, phần đông cộng đồng đều phản ứng, lên án với hành vi bóc lột sức lao động của voi. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng khi nhận thức của người dân đã phản đối việc cưỡi voi để hướng đến mô hình du lịch thân thiện với voi. Chúng tôi rất mong vài năm tới, khi đến Đắk Lắk, du khách sẽ không còn chứng kiến cảnh cưỡi voi mà thay vào đó là những hoạt động du lịch chiêm ngắm, tìm hiểu tập tính của loài voi", bà Trinh cho hay.
Cũng theo bà Trinh, trước việc voi liên tục phải phục vụ du lịch, phía AAF mong muốn cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk có biện pháp để vận động các chủ voi ở huyện Buôn Đôn sớm đưa voi vào Vườn quốc gia Yok Đôn để tham gia mô hình du lịch thân thiện, tránh để xảy ra tình trạng voi phải cõng khách như thời gian qua.
Như Dân trí đưa tin, nhiều du khách đến Đắk Lắk du lịch đã bày tỏ sự xót xa khi chứng kiến voi phải phục vụ du lịch hết "công suất" và phản ánh việc voi bị chảy máu ở phần đầu nhưng vẫn phải miệt mài cõng khách.
Ngay sau khi những hình ảnh được chia sẻ tại các hội, nhóm du lịch trên mạng xã hội, đã nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận lên án hành vi voi phải phục vụ con người quá sức dịp lễ Tết.
Liên quan đến những hình ảnh voi phục vụ khách du lịch bị chảy máu ở đầu, theo báo cáo giải trình của Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk gửi cơ quan chức năng (ngày 10/2), đơn vị đã phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch làm việc với chủ voi (có hình ảnh chảy máu được đăng tải trên mạng xã hội - PV). Chủ voi này tường trình voi bị chảy máu là do cây rừng đâm vào tai trong quá trình di chuyển từ rừng về trung tâm du lịch chứ không hề có hành vi bạo hành với voi.