DMagazine

Vành đai nghìn tỷ mở rộng không gian phát triển thủ đô

(Dân trí) - Vành đai 4 được kỳ vọng mở rộng không gian phát triển thủ đô và thay đổi cuộc sống của hàng triệu người dân ngoại thành. Hà Nội đang từng bước vượt khó để hoàn thành các dự án thành phần đúng tiến độ.

Gần một năm kể từ khi khởi công dự án Vành đai 4 - Vùng thủ đô, thôn Nội Đồng (xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội) đã thành đại công trường khi những hộ dân nhận đất tái định cư bắt đầu xây dựng nhà tại nơi ở mới. Nhiều hộ đã bàn giao mặt bằng để thi công dự án.

Có hơn 100m2 đất và nhà bị thu hồi phục vụ làm dự án, gia đình ông Phạm Chí Giang cho biết đã tiên phong nhận đất và xây dựng nhà tại khu tái định cư do huyện bố trí.

Dù phải di chuyển đến nơi ở mới và cất lại căn nhà để ở, gia đình ông Giang cho biết vẫn vui vẻ đồng thuận vì lợi ích chung. Đồng thời, khu tái định cư cũng nằm ngay giáp quốc lộ 23B thuận tiện đi lại, diện tích nhà là 98m2 nên gia đình ông cảm thấy thỏa đáng.

Sự đồng thuận từ người dân cùng những cơ chế đột phá đang giúp dự án Vành đai 4 đạt tiến độ khả quan sau một năm khởi công.

Vành đai nghìn tỷ mở rộng không gian phát triển thủ đô - 1

Ở cùng thôn Nội Đồng với ông Giang, gia đình ông Đỗ Văn Sản cũng đang chờ từng ngày để được bố trí suất tái định cư, nhường đất làm dự án. Ông Sản cho biết bản thân rất ủng hộ chủ trương xây đường Vành đai 4. Khi nhìn thấy khu tái định cư được quy hoạch rộng rãi nằm gần đó, vợ chồng ông càng mong ngóng đến ngày được di dời.

"Chúng tôi thống nhất với phương án đền bù của địa phương, không khiếu kiện gì cả. Nhưng vẫn đang phải chờ địa phương bố trí suất tái định cư. Mấy hàng xóm của tôi đã được phân đất tái định cư cả rồi", ông Sản nói.

Gia đình ông hiện có 3 nhân khẩu gồm vợ chồng ông và người con trai. Kể từ khi dự án khởi công đến này, căn nhà đang ở được ông cho nhóm công nhân thi công dự án thuê, trong lúc chờ đợi Nhà nước đến thu hồi.

Gia đình ông Giang hay ông Sản chỉ là hai trong số 438 hộ dân thuộc diện di dời để làm dự án Vành đai 4 đi qua địa bàn huyện Mê Linh.

Vành đai nghìn tỷ mở rộng không gian phát triển thủ đô - 3

Theo lãnh đạo huyện Mê Linh, để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đất ở của các hộ gia đình, cá nhân, đảm bảo hạ tầng tốt nhất phục vụ nhân dân di chuyển đến nơi ở mới, UBND huyện đã đầu tư xây dựng 3 khu tái định cư trên địa bàn các thôn Khê Ngoại 2 (xã Văn Khê), thôn Nội Đồng (xã Đại Thịnh) và thôn Tân Châu (xã Chu Phan).

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố là nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, UBND huyện đã bố trí các khu tái định cư tại vị trí đẹp, thuận tiện giao thông, gần trường học, trung tâm hành chính, khu văn hóa, công viên… Đồng thời, địa phương đầu tư xây dựng hạ tầng các khu tái định cư đồng bộ, hiện đại như những khu đô thị mới.

Những tín hiệu tích cực từ quận, huyện đang thúc đẩy tiến độ của dự án trọng điểm Vành đai 4 - Vùng thủ đô. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thường là công đoạn khó nhất khi triển khai một dự án, lại được Hà Nội giải quyết bằng nhiều cơ chế đột phá. Một trong số đó là việc tách GPMB thành tiểu dự án riêng biệt.

Vành đai nghìn tỷ mở rộng không gian phát triển thủ đô - 5

Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, cơ chế này giúp đơn vị triển khai song song công tác bồi thường GPMB theo quy hoạch, đối với công tác lập dự án thành GPMB.

Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án thành phần GPMB thường triển khai nhanh hơn so với việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư do không có yếu tố kỹ thuật phức tạp, không phải thỏa thuận với nhiều đơn vị quản lý, khối lượng công việc ít hơn… dẫn đến rút ngắn được thời gian thực hiện.

Cùng với đó, cơ chế giao địa phương thực hiện nhiệm vụ GPMB hoặc chủ đầu tư dự án thành phần GPMB trên địa bàn nhằm giúp các các địa phương chủ động và huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị của địa phương, góp phần đẩy nhanh tiến độ GPMB chung của các dự án; cũng như tạo được quỹ đất sạch trước khi trao thầu xây dựng.

Về nhược điểm, việc thực hiện GPMB ngay sau khi có chủ trương đầu tư được duyệt là GPMB theo quy hoạch. Tuy nhiên, một số dự án phạm vi GPMB thực hiện theo phạm vi xây dựng nên việc triển khai song song dự án thành phần GPMB và dự án đầu tư xây dựng phải thực hiện cắm mốc, thu hồi đất thành nhiều lần nếu phát sinh.

Vành đai nghìn tỷ mở rộng không gian phát triển thủ đô - 7

Trên công trường Vành đai 4, tại gói thầu số 10 đoạn giao cắt qua quốc lộ 6 (quận Hà Đông), nhà thầu đã hoàn thiện hạng mục đắp đất nền đường (K98), đắp bù lún và tiến hành rải được hơn 1km cấp phối đá dăm loại 1. Đây là đoạn đầu tiên trên toàn dự án bắt đầu triển khai hạng mục này.

Với những đoạn không phải xử lý nền đất yếu, nhà thầu đang quyết tâm huy động tối đa nhân lực để hoàn thiện các lớp cấp phối, sớm triển khai thảm lớp bê tông nhựa trên cùng.

Theo ông Đoàn Việt Thắng, Chỉ huy trưởng Nhà thầu Tổng công ty 319 (phụ trách gói thầu số 10), khó khăn hiện nay đơn vị còn gặp phải chủ yếu là về mặt bằng. Đến nay, nhà thầu mới nhận được 3,5/5km mặt bằng sạch để thi công.  

Cụ thể, dự án đi qua một nghĩa trang đã được di dời mồ mả gần hết, tuy nhiên vẫn còn một số "mộ tươi" mới chôn được hơn một năm, phải chờ hơn một năm nữa mới có thể cất bốc. Đây cũng là một khó khăn lớn cho nhà thầu trong việc tiếp cận mặt bằng, đoạn tuyến sẽ bị ngắt quãng.

"Nếu không xử lý được sớm, máy móc phải huy động đi huy động lại, rất tốn kém và ảnh hưởng tiến độ. Ngoài ra, trên phạm vi gói thầu còn một số cột điện trung thế chưa được di dời, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thi công", ông Thắng cho biết.

Vành đai nghìn tỷ mở rộng không gian phát triển thủ đô - 9

Dù vậy, nhà thầu vẫn tin tưởng sẽ đạt được các mốc triển khai đã cam kết với chủ đầu tư. Hiện, các hạng mục cơ bản của đoạn đường gần như đã hoàn thành. Dự kiến giữa tháng 9, nhà thầu sẽ bắt đầu thảm bê tông nhựa và đến cuối năm thảm xong hết những phần có mặt bằng thi công.

Với các vị trí nền đất yếu, đơn vị phải cắm bấc thấm, đắp đất gia tải, chờ lún. Nhà thầu cam kết hoàn tất công tác đắp gia tải xử lý nền đất yếu vào ngày 30/6.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, tiến độ triển khai cơ bản dự án thành phần 2.1 đầu tư xây dựng hệ thống đường song hành (đường đô thị) đã đáp ứng yêu cầu.

Tuy nhiên, với phạm vi xử lý nền đất yếu, đơn vị thi công chưa được bàn giao mặt bằng nên rất khó khăn trong việc đảm bảo hoàn thành công tác đắp gia tải của các đoạn xử lý đất yếu trước mùa mưa năm nay.

Về tiến độ GPMB, phần đất nông nghiệp cơ bản đáp ứng tiến độ, trừ phạm vi phải xử lý nền đất yếu.

Tuy nhiên, đơn vị đánh giá công tác GPMB với đất ở, tái định cư và di chuyển công trình ngầm nổi chưa đáp ứng theo tiến độ chỉ đạo. Trong đó, trên toàn tuyến, các quận huyện đã GPMB được 774,26ha, đạt 97,86% và đã di chuyển được 10.104 ngôi mộ, còn lại 242 ngôi mộ.

Vành đai nghìn tỷ mở rộng không gian phát triển thủ đô - 11

Với sự vào cuộc kịp thời và quyết liệt của Ban Chỉ đạo triển khai dự án Vành đai 4 - Vùng thủ đô, dự án đã đạt được nhiều kết quả sau gần một năm khởi công.

Trong đó, 7/7 dự án thành phần đã được phê duyệt, các nhà thầu đã tổ chức 37 mũi thi công trên toàn tuyến với dự án thành phần đường song hành; việc khai thác vật liệu cũng được thực hiện theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 56 của Quốc hội và Nghị quyết số 106 của Chính phủ đã bước đầu được tháo gỡ.

Quá trình triển khai thực hiện dự án, Ban Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cũng rút ra nhiều bài học kinh nghiệm.

Một trong số đó là phát huy vai trò người đứng đầu, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân. Với tinh thần lấy kết quả thực hiện dự án là "thước đo" năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và là uy tín của thành phố.

Việc tăng cường phân cấp, ủy quyền cho cơ sở, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã đã được áp dụng triệt để, với tinh thần giảm đầu mối, cấp nào sát thực tế và phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân thì giao cho cấp đó thực hiện.

Vành đai nghìn tỷ mở rộng không gian phát triển thủ đô - 13

Theo đó, Hà Nội đã giao và ủy quyền cho các quận, huyện trong việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án.

Thành phố cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trong đó, quận huyện tổ chức ký giao ước thi đua đẩy nhanh tiến độ theo ngày, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính một cách tối đa.

Đáng lưu ý, Hà Nội đã thực hiện đường tiếp nhận văn bản riêng về dự án đường Vành đai 4 đảm bảo thời gian giải quyết thủ tục chỉ trong 24-48 giờ tại mỗi cơ quan, đơn vị.

Một trong những cơ chế đột phá được thành phố áp dụng đối với dự án này là tách công tác GPMB thành dự án thành phần độc lập để triển khai ngay khi chủ trương được duyệt sẽ tranh thủ được thời gian chuẩn bị dự án, giúp GPMB đi trước một bước.

Đồng thời, việc triển khai công tác GPMB của từng địa phương cần vận dụng chính sách để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân, bằng cách chọn những khu tái định cư có điều kiện mặt bằng, giao thông thuận lợi, tốt nhất cho người dân.

Các cấp ủy, chính quyền địa phương cũng quan tâm đến cuộc sống, sinh kế của người dân trong diện di dời với mục tiêu nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ để người dân yên tâm sinh sống và làm việc.

Theo đó, địa phương đã ban hành bổ sung một số cơ chế, chính sách phục vụ bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thực hiện dự án. Riêng cấp UBND TP Hà Nội đã ban hành ít nhất 3 văn bản về việc này.

Ngoài những yếu tố trên, Hà Nội cũng đã giao các tổ chức, đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân hiểu và tạo điều kiện bàn giao mặt bằng sớm nhất cho dự án. Cán bộ, viên chức và người lao động khi tham gia dự án lớn cũng đã thay đổi tư duy, nhận thức, có cách làm hay, sáng tạo, nâng cao vai trò, trách nhiệm làm việc để đạt hiệu quả cao.

Hà Nội cũng mạnh dạn cải cách hành chính, thực hiện đồng thời và song song các nhiệm vụ để đẩy nhanh tiến độ trên cơ sở những kế hoạch được xây dựng một cách cụ thể; kịp thời xác định những khó khăn, vướng mắc trong triển khai để có phương án tháo gỡ, đảm bảo công tác triển khai là tập trung, hiệu quả, bám sát kế hoạch.

Vành đai nghìn tỷ mở rộng không gian phát triển thủ đô - 15

Theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, Vành đai 4 đóng vai trò quan trọng là vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm vùng thủ đô, kết nối Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng. Việc đầu tư, đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường Vành đai 4 góp phần tăng khả năng kết nối giao thông.

Trong đó, dự án nhằm liên kết các trục chính đô thị, đường vành đai, tỉnh lộ, huyện lộ thông qua kết nối với hệ thống đường song hành đô thị hai bên tuyến, đồng thời liên kết tuyến đường bộ cao tốc, quốc lộ hướng tâm nhằm phát huy hiệu quả của các tuyến đường này, tạo dịch vụ vận tải chủ động kết nối các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp, trung tâm trung chuyển, cảng hàng không, đường thủy nội địa, cảng biển, cảng cạn ICD.

Cùng với đó, dự án sẽ định hướng luồng giao thông quá cảnh không đi xuyên qua trung tâm thành phố, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, giảm tải áp lực giao thông lên hệ thống đường hiện có; khai thác và sử dụng hiệu quả quỹ đất hai bên tuyến đường, mở rộng không gian phát triển cho Hà Nội, động lực phát triển của vùng thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Vành đai nghìn tỷ mở rộng không gian phát triển thủ đô - 17

Đánh giá về vai trò của Vành đai 4, Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch quản lý giao thông vận tải (Trường Đại học Giao thông vận tải), nhận định dự án sẽ trở thành một trục "đường tránh" khổng lồ để các tỉnh trong Vùng thủ đô có thể kết nối với nhau mà không cần phải đi qua nội thành Hà Nội.

Với vai trò của một tuyến đường tránh, Vành đai 4 Hà Nội sẽ được thiết kế dạng cầu cạn cao tốc để phương tiện lưu thông nhanh với tốc độ 80km/h. Ông Tuấn lấy ví dụ người dân muốn di chuyển từ tỉnh Hà Nam đi thị xã Sơn Tây (Hà Nội) có thể đi qua Vành đai 4 mà không cần vào Vành đai 3 nữa.

Trong khi đó, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, cho biết khi nhìn trên bản đồ, Vành đai 4 như "sợi chỉ" xâu chuỗi 1 quận và 6 huyện của Hà Nội.

Với 70% chiều dài đoạn tuyến đi qua đồng ruộng, đất nông nghiệp, tuyến đường hứa hẹn làm thay đổi cuộc sống của hàng triệu người dân ngoại thành, đồng thời là cơ sở cho quá trình chuyển từ huyện lên quận của nhiều địa phương.

Nội dung: Hà Mỹ

Ảnh: Ngọc Tân

Thiết kế: Thủy Tiên