(Dân trí) - Cùng 3 tuyến đường sắt kết nối Việt- Trung, các tuyến đường sắt đô thị ở những thành phố lớn và hoạch định về tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam dài hơn 1.500km cũng đang được Việt Nam nỗ lực thúc đẩy.
4 ngày trong chuyến công tác Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa khép lại với nhiều kết quả thiết thực, không chỉ mang thông điệp quan trọng của Việt Nam đến Diễn đàn Kinh tế thế giới Đại Liên 2024, mà còn cụ thể hóa nhiều định hướng hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực, điển hình nhất là đầu tư hạ tầng giao thông chiến lược.
Ngày cuối cùng trong chuyến công tác của người đứng đầu Chính phủ ở Thủ đô Bắc Kinh, ông đã cùng Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh chủ trì hội nghị hợp tác Việt Nam - Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông và vai trò của các doanh nghiệp hai nước, với dự tham dự của gần 500 đại biểu và đại diện doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc.
Hội trường nơi tổ chức sự kiện chật cứng người thể hiện sự quan tâm đặc biệt của doanh nghiệp hai nước về lĩnh vực này.
"Người Trung Quốc có câu: Muốn làm giàu, trước tiên hãy làm đường", Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh mở màn bài phát biểu của mình tại hội nghị. Qua lời khái quát của ông có thể thấy một đất nước Trung Quốc với hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, công nghệ tiên tiến mang nhiều yếu tố hàng đầu thế giới.
Trung Quốc coi phát triển hạ tầng là hướng ưu tiên, và theo Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh, nước này đang thúc đẩy hợp tác giao thông trên phạm vi toàn cầu. Trong chiến lược ấy, Trung Quốc coi Việt Nam là đối tác rất quan trọng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh phát triển kết nối hạ tầng chiến lược giao thông Việt Nam - Trung Quốc là nhu cầu khách quan bởi hai nước "núi liền núi, sông liền sông".
Ông nhận định hai nước mang tiềm năng, thế mạnh có thể bổ trợ cho nhau vì Trung Quốc có tiềm lực công nghệ, kinh nghiệm, tài chính. Trong khi đó, Việt Nam có nhu cầu phát triển lớn nhưng tiềm lực, nguồn vốn có hạn.
Thực tế, mối quan hệ hợp tác này cũng đã mang nhiều "trái ngọt". Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã trúng thầu và tham gia thi công các dự án giao thông trọng điểm của Việt Nam như dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (vận chuyển hơn 20 triệu lượt khách trong hơn 2 năm qua).
"Mới có một tuyến đã hiệu quả như vậy, nếu phát triển hệ thống đường sắt để kết nối giao thông vành đai ở Hà Nội và TPHCM sẽ đem lại hiệu quả lớn", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thời gian tới, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam gợi mở hai bên cần phối hợp triển khai sớm 3 dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn gồm: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội; Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, trong đó làm nhanh dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, tính toán vận tốc cao hơn. "Tình hình thời đại đi như gió mà hoạch định vận tốc đi như rùa thì không ổn", Thủ tướng lưu ý.
Chia sẻ sự hào hứng và lạc quan sau khi tham dự hội nghị này, ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tin đường sắt Việt Nam sẽ khởi sắc và "thay da đổi thịt" nếu thúc đẩy được hợp tác thiết thực giữa hai bên.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Mạnh cho biết trong những năm gần đây, phát triển đường sắt rất được ưu tiên và chỉ đạo triển khai quyết liệt.
Việc ban hành Quy hoạch số 1769 để quy hoạch lại mạng lưới đường sắt bao gồm nhiều nội dung quan trọng như cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có; phát triển kết nối giữa các tuyến đường sắt hiện có với hệ thống cảng biển, sân bay; đặc biệt là xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Ví Trung Quốc như một cường quốc về phát triển hệ thống giao thông đường sắt, ông Mạnh chia sẻ kỳ vọng vào sự hợp tác giữa hai nước để Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội với Trung Quốc ngay từ các khâu lập quy hoạch, kế hoạch, huy động vốn, quản lý vận hành, khai thác, bảo trì đường sắt…
Với định hướng đi sâu vào hợp tác để phát triển công nghiệp đường sắt ở Việt Nam, ông Mạnh nhấn mạnh cần ưu tiên về hệ thống đầu máy toa xe, phương tiện và các máy móc, thiết bị chuyên dùng, vì ở Trung Quốc có những tập đoàn rất mạnh trong lĩnh vực này và cũng đã có mối quan hệ hợp tác với Việt Nam.
Ông gợi mở định hướng các tập đoàn này có thể hợp tác theo hướng có đặt nhà máy tại Việt Nam để phục vụ các đường sắt hiện hữu hay đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao trong tương lai. Đi kèm với đó là phát triển công nghiệp để phục vụ cho hạ tầng đường sắt, theo ông Mạnh.
Để hiện thực hóa kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Chủ tịch Tổng Công ty đường sắt Việt Nam góp ý cần chú trọng hợp tác với phía Trung Quốc về đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ và học hỏi kinh nghiệm khai thác, vận hành và bảo trì, trong đó đặc biệt chú trọng đến hệ thống thông tin tín hiệu - được ví như "hệ thần kinh Trung ương" để điều hành chạy tàu an toàn, hiệu quả.
"Định hướng chúng ta đã có, quy hoạch đã có, Nhà nước cũng rất quan tâm, nên vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải bắt đầu những bước đi cụ thể để tạo ra sản phẩm, biến kế hoạch thành hiện thực", ông Mạnh nêu rõ kỳ vọng các dự án đường sắt trong tương lai ở Việt Nam phải có tiến độ nhanh, chất lượng tốt và hiệu quả cao.
Ông Ngụy Tân Cử, Phó Tổng Giám đốc bộ phận PR và các cơ quan Nhà nước Tập đoàn Huawei chia sẻ trong 26 năm có mặt tại Việt Nam, Tập đoàn luôn tâm niệm "ở Việt Nam là vì Việt Nam".
Nhận định đường sắt là lĩnh vực mang tính chiến lược quốc gia, ông Ngụy Tân Cử khẳng định Huawei mong muốn tham gia vào số hóa giao thông vận tải ở Việt Nam; xây dựng hệ thống đường sắt thông minh, an toàn, hiệu quả.
Đánh giá cao thông điệp của Việt Nam khi coi phát triển hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược, ông Vương Đồng Trụ, Chủ tịch HĐQT Công ty hữu hạn Tập đoàn xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC), khẳng định Trung Quốc có thể tăng cường thúc đẩy hợp tác với phía Việt Nam trên 3 khía cạnh: Hạ tầng cứng (do Chính phủ giữ vai trò chủ đạo, doanh nghiệp hai nước cùng tham gia); hạ tầng mềm (tạo ra các công trình bền vững, hợp tác theo hướng giao thông xanh, tài chính xanh…) và kết nối trái tim.
"Việt Nam - Trung Quốc có cơ hội hợp tác tốt, và với môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh của Việt Nam, CCCC mong đẩy mạnh hợp tác để đóng góp hơn nữa vào sự phát triển của Việt Nam cũng như tình hữu nghị hai nước", ông Vương Đồng Trụ nói.
Một trong những thành viên Chính phủ bận rộn nhất khi tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công tác lần này, có lẽ là Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng.
Trong rất nhiều hoạt động liên quan đến giao thông và tiếp doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực hạ tầng, Tư lệnh ngành giao thông đều có mặt đầy đủ và cung cấp nhiều thông tin hữu ích.
Theo ông Thắng, nhu cầu vốn cho phát triển giao thông của Việt Nam từ nay đến năm 2045 rất lớn. Riêng quy hoạch 41 tuyến đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 9.014km đã cần khoảng 600.000 tỷ đồng, trong đó quá nửa huy động từ nguồn vốn doanh nghiệp.
Mạng lưới đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị của Hà Nội, TPHCM cũng cần khoảng 4,8 triệu tỷ đồng, theo tính toán của Bộ GTVT.
Việt Nam dự kiến dành nguồn tiền để nâng cấp, cải tạo 7 tuyến đường sắt hiện có với tổng chiều dài 2.440km; xây dựng 9 tuyến đường sắt mới với tổng chiều dài hơn 2.600km, trong đó có đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dài 1.545km, tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ dài trên 175km.
Bên cạnh đó, ông Thắng nhắc tới định hướng xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị tại TPHCM và Hà Nội, trong đó TPHCM có 6 tuyến, Hà Nội 8 tuyến.
Nhu cầu vốn về giao thông rất lớn là thách thức đối với Chính phủ và các bộ ngành của Việt Nam, song theo ông Thắng, đây lại là cơ hội đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc.
Trong cuộc làm việc với Thủ tướng và lãnh đạo các bộ ngành Việt Nam, ông Tôn Vinh Khôn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu máy và toa xe Đại Liên (CRRC), khẳng định Công ty có thể đáp ứng nhu cầu xây dựng đường sắt đô thị ở Hà Nội và TPHCM để phát triển hệ thống hiện đại; đồng thời sẵn sàng tham gia thúc đẩy 3 tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.
Chia sẻ thực tế Việt Nam hiện có trên 2.000km đường sắt với hơn 300 nhà ga nhưng những năm qua khai thác chưa thật sự hiệu quả, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh định hướng tập trung phát triển và đầu tư đường sắt ở Việt Nam, trong đó, đầu tư đường sắt đô thị được Thủ tướng đánh giá là rất cấp thiết.
Là đơn vị có kinh nghiệm tham gia làm hơn 2.000km đường sắt cao tốc, 800km tàu điện ngầm, Tập đoàn PowerChina khẳng định sẵn sàng cùng đối tác Việt Nam tham gia hiện thực hóa mục tiêu xây dựng 5.000km đường cao tốc vào 2030.
Trong cuộc trao đổi với ông Lâu Tề Lương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc (CRSC), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị đơn vị hợp tác giúp Việt Nam đẩy nhanh hơn 700km đường sắt của 3 tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội; Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.
Sau khi nghe ông Lâu Tề Lương cam kết có thể hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng chia sẻ kế hoạch của Việt Nam là tập trung phát triển xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam với chiều dài hơn 1.500km vào năm 2026-2027.
Việt Nam vì thế mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp của Trung Quốc về xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt, về đầu máy toa xe và tín hiệu, vì đây là 3 cấu phần quan trọng nhất của các tuyến đường sắt, kể cả đường sắt cao tốc và đường sắt đô thị.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc đang chỉ đạo 3 dự án đường sắt kết nối hai nước nên Bộ trưởng GTVT kỳ vọng hai bên có thể bắt tay hợp tác làm tuyến đường sắt đầu tiên vào giữa năm 2025, đó là tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Một trong những hoạt động chính của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công tác Trung Quốc lần này là tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Đại Liên (WEF Đại Liên), theo lời mời của người đồng cấp Lý Cường và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab.
Cùng với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu đặc biệt quan trọng tại phiên khai mạc toàn thể hội nghị.
Trong phần giới thiệu Thủ tướng Việt Nam phát biểu, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab ca ngợi Việt Nam là nền kinh tế năng động, ngọn hải đăng về phát triển kinh tế và đầu tầu tăng trưởng của khu vực.
Trên diễn đàn quốc tế, Thủ tướng đóng góp nhận định sâu sắc về 5 đặc điểm nổi bật của kinh tế thế giới cùng 3 yếu tố chủ đạo tác động, ảnh hưởng tới thế giới hiện nay và 3 lĩnh vực tiên phong định hình thế giới tương lai.
Chia sẻ câu chuyện của Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh sự thành công của Việt Nam trong gần 40 năm qua gắn liền với những từ khóa then chốt: Đổi mới, sáng tạo và hội nhập.
Để hướng tới "Những chân trời tăng trưởng mới", Thủ tướng đề nghị các bên cùng xây dựng, củng cố lòng tin, đề cao đối thoại, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, hợp tác và phát triển.
Ông mong WEF và các đối tác thúc đẩy hợp tác công tư, phát huy vai trò của những nhà tiên phong trong dẫn dắt, định hướng sự phát triển và quá trình tái cấu trúc kinh tế của các quốc gia, khu vực, toàn cầu.
Đặc biệt, Việt Nam đề nghị tăng cường hợp tác quốc tế trong xây dựng, hoạch định và thực thi chính sách trên phạm vi khu vực và toàn cầu; tăng cường hợp tác, ưu tiên cho tăng trưởng, phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhất là giảm mặt bằng lãi suất, ổn định tỷ giá…
Cuối bài phát biểu, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị các đối tác quốc tế thực hiện "3 cùng": Cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển.
Ông Sebastian Buckup, Thành viên Ủy ban điều hành WEF, Giám đốc các mạng lưới và quan hệ đối tác WEF, nhận định sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam có bước phát triển vượt bậc. Một trong những động lực giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, chính là dựa trên đổi mới sáng tạo.
Trong phiên thảo luận với Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng 20 lãnh đạo các tập đoàn lớn của WEF, Giáo sư Klaus Schwab ví Việt Nam như ngôi sao sáng đang phát triển nhanh của kinh tế thế giới.
Ông Brand Cheng, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Foxconn, nhắc lại tại cuộc gặp vào tháng 1 năm ngoái, ông đã báo cáo Thủ tướng về việc đặt thêm nhà máy tại Việt Nam và nhà máy này đã sản xuất vào tháng 4 vừa qua. Đây là minh chứng cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong phát triển kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ định hướng và nhấn mạnh "Việt Nam tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng", với các nhóm giải pháp lớn.
Thứ nhất, thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhất là giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ và giữ ổn định tỷ giá.
Về chính sách thương mại, Việt Nam chủ trương đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, khai thác hiệu quả các FTA đã có, các thị trường truyền thống và mở rộng các thị trường mới, ủng hộ thúc đẩy tự do hóa thương mại.
Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn cho phép; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đề nghị các nhà đầu tư tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam, Thủ tướng cam kết bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Giáo sư Klaus Schwab chia sẻ ấn tượng trước những thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính mang đến diễn đàn WEF Đại Liên lần này. Ông cũng rất ấn tượng về sự chân thành, cởi mở của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khi trao đổi với các CEO hàng đầu của WEF.
Ông cho biết WEF và các tập đoàn thành viên đánh giá cao triển vọng, môi trường đầu tư, kinh doanh cùng những thành tựu kinh tế nổi bật của Việt Nam. WEF nhìn nhận Việt Nam như một hình mẫu về một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và tận dụng hiệu quả những cơ hội của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0.
Cùng với việc tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Đại Liên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có nhiều cuộc tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc để thúc đẩy việc cụ thể hóa nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Hội đàm với người đồng cấp Lý Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại.
Đáp lại, Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh Trung Quốc luôn coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong tổng thể chính sách ngoại giao láng giềng.
Đưa ra đề xuất, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị hai bên đẩy mạnh kết nối chiến lược, kết nối hạ tầng giao thông, nhất là nghiên cứu thúc đẩy xây dựng các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng vào thời điểm phù hợp.
Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam cũng mong muốn hai bên trao đổi các biện pháp nâng cao hiệu suất thông quan, nâng cấp hạ tầng cửa khẩu, nghiên cứu thúc đẩy xây dựng cửa khẩu thông minh; phối hợp xử lý dứt điểm các vướng mắc tại một số dự án hợp tác, đẩy nhanh tiến độ triển khai các khoản viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc dành cho Việt Nam.
Tán thành các đề xuất hợp tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Lý Cường khẳng định Trung Quốc sẽ mở cửa hơn nữa thị trường cho hàng hóa Việt Nam, nhất là nông thủy sản, hoa quả chất lượng cao; đồng thời phối hợp tạo điều kiện thuận lợi về kiểm dịch, thông quan hàng hóa, thúc đẩy giải quyết vướng mắc về thể chế, chính sách, để quan hệ thương mại hai nước tiếp tục tăng trưởng bền vững, đạt thành quả mới.
Lời cam kết này tiếp tục được tái khẳng định khi Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh.
Trong cuộc hội kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên hợp tác xây dựng các công trình lớn, mang tính biểu tượng cao và hiệu quả thực chất, bền vững; đẩy nhanh kết nối hạ tầng giao thông, nhất là hợp tác kết nối đường sắt, đường bộ, cửa khẩu trong khuôn khổ kết nối "Hai hành lang, một vành đai" với "Vành đai và con đường".
Nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại nông sản đối với đông đảo người dân, người tiêu dùng và doanh nghiệp hai nước, Thủ tướng đề nghị Trung Quốc tạo điều kiện cho các mặt hàng chủ lực của Việt Nam và tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam sang Trung Á, châu Âu qua Trung Quốc.
Đánh giá cao đề xuất hợp tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cũng mong hai bên tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư, triển khai thí điểm khu kinh tế qua biên giới.
"Trung Quốc sẵn sàng mở rộng nhập khẩu hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam", ông Tập Cận Bình khẳng định.
Ông nhấn mạnh thông điệp Chính phủ Trung Quốc ủng hộ doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong những lĩnh vực công nghệ cao, ngành nghề mới nổi.