DNews

Trình Trung ương bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, bố trí cán bộ sau tinh gọn

Hoài Thu

(Dân trí) - Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, tại Hội nghị Trung ương, Bộ Chính trị sẽ trình Trung ương phương án bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; giới thiệu, bố trí cán bộ các cơ quan sau khi sắp xếp, kiện toàn…

Trình Trung ương bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, bố trí cán bộ sau tinh gọn

Đây là một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị Trung ương Đảng khóa XIII, khai mạc chiều 23/1, được Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập khi phát biểu khai mạc Hội nghị.

Tổng Bí thư nhấn mạnh dù Tết Nguyên đán đã cận kề, song vì các công việc đặc biệt quan trọng của Đảng cần triển khai ngay, nên Bộ Chính trị quyết định triệu tập Hội nghị Trung ương vào thời điểm này.

Đề xuất bỏ công an cấp quận, huyện

Về nội dung, Tổng Bí thư cho biết Trung ương sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với 5 nội dung, trong đó có 3 nhóm vấn đề quan trọng.

Một là tổng kết Nghị quyết 18 của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Hai là Đề án bổ sung mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên và tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026-2030.

Ba là công tác cán bộ theo thẩm quyền của Trung ương.

Bên cạnh đó, Ban chấp hành Trung ương sẽ cho ý kiến về đánh giá kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2024; Báo cáo về công tác kiểm tra, giám sát năm 2024 và Chương trình kiểm tra, giám sát năm 2025.

Gợi mở một số vấn đề về việc tổng kết Nghị quyết 18, Tổng Bí thư lưu ý đây là nội dung trọng tâm nhất tại Hội nghị Trung ương lần này.

"Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo rất quyết liệt, khẩn trương triển khai tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp mô hình tổ chức bộ máy mới trên tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng"; không cầu toàn nhưng không nóng vội, với những bước đi, lộ trình thực hiện bài bản, khoa học", Tổng Bí thư đánh giá.

Trình Trung ương bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, bố trí cán bộ sau tinh gọn - 1

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khai mạc hội nghị (Ảnh: Hồng Phong).

Ông cho biết chỉ trong 2 tháng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 21 kết luận, quyết định; Ban chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18 đã ban hành 39 văn bản hướng dẫn, tổ chức triển khai hoạt động liên quan đến tổng kết Nghị quyết này.

"Trong quá trình thực hiện, những nội dung thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được thực hiện ngay theo đúng tinh thần Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở", theo lời Tổng Bí thư.

Cụ thể, ngày 30/12/2024, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã công bố quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của 3 ban Đảng, 4 đơn vị sự nghiệp của Đảng và 6 tổ chức chính trị - xã hội.

Tổng Bí thư cho rằng nhiều vấn đề thực tiễn về bộ máy đã được đánh giá và thấy được sự công kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả nên khi Trung ương đặt vấn đề tổng kết đã nhanh chóng nhận được sự đồng thuận cao trong Đảng và trong nhân dân.

Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị trình Trung ương cho ý kiến về báo cáo tổng kết Nghị quyết 18 và phương án bố trí, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị với nhiều nội dung mang tính cải cách mạnh mẽ, như giảm đầu mối, xóa bỏ cấp trung gian trong các cơ quan khối Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đề xuất phương án không tổ chức công an cấp quận, huyện trong hệ thống Công an nhân dân…

"Đây là những vấn đề đặc biệt hệ trọng, mang tính cách mạng cao nên đề nghị Trung ương tập trung thảo luận, đánh giá cho ý kiến để tạo sự đồng thuận, quyết tâm trong tổ chức thực hiện", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Ông mong với kinh nghiệm thực tiễn điều hành công tác và thực tiễn đời sống xã hội, địa phương, đơn vị mình, các Ủy viên Trung ương sẽ phản ánh, góp ý chân thành, thẳng thắn đối với nội dung sắp xếp, bố trí cán bộ.

Năm 2025 phấn đấu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên

Về nhóm vấn đề kinh tế - xã hội, Tổng Bí thư cho biết tại Hội nghị Trung ương 10 (tháng 9/2024), Trung ương đã thảo luận thông qua chủ trương định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-7%, phấn đấu đạt 7-7,5%; giai đoạn 2026-2030 định hướng mục tiêu tăng trưởng bình quân 7,5-8,5%/năm.

Tổng Bí thư chia sẻ, từ sau Hội nghị Trung ương 10, Bộ Chính trị đã lãnh đạo, chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng tạo nền tảng để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, nhất là đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Trình Trung ương bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, bố trí cán bộ sau tinh gọn - 2

Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương chiều 23/1 (Ảnh: Hồng Phong).

Bên cạnh đó là việc tăng cường hoàn thiện hạ tầng, nhân lực, nhất là những vấn đề mới để thúc đẩy tăng trưởng như triển khai dự án xây dựng các nhà máy điện hạt nhân; các tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường sắt kết nối với Trung Quốc; đường sắt đô thị, xây dựng Trung tâm tài chính tại TPHCM, Đà Nẵng…

Những kết quả kinh tế - xã hội năm 2024, theo Tổng Bí thư, là cơ sở để chúng ta có thể đặt mục tiêu phát triển cao hơn, cụ thể là năm 2025 phấn đấu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, tạo đà để tăng trưởng liên tục 2 con số trong giai đoạn 2026-2030.

"Nếu không phấn đấu các mục tiêu nêu trên, nhiều khả năng chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu của cả giai đoạn 2021-2025, không thể thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, không thể thực hiện được 2 mục tiêu 100 năm (đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao) như Đại hội XIII đã đề ra", Tổng Bí thư lưu ý.

Đề nghị Trung ương thảo luận về giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, Tổng Bí thư lưu ý điều quan trọng là từng địa phương, bộ, ngành phải tìm ra "những việc cần làm ngay" và phải triển khai quyết liệt.

Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Dương, Bắc Giang và những tỉnh có mức tăng trưởng 2 con số trong năm 2024 vừa qua phải giữ vững và tiếp tục tăng trưởng hơn nữa để làm động lực cho các địa phương khác cùng vươn lên, theo yêu cầu của Tổng Bí thư.

Trung ương xem xét bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư

Về công tác cán bộ, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Bộ Chính trị sẽ trình Trung ương các chủ trương, phương án kiện toàn Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Phương án giới thiệu, bố trí cán bộ các cơ quan sau khi sắp xếp, kiện toàn và một số công việc khác liên quan đến công tác cán bộ...

Việc này, theo ông, nhằm từng bước hoàn thiện và tăng cường sức mạnh lãnh đạo của Đảng, bảo đảm các cơ quan trong hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu rất cao về phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Những công việc này cũng là tạo tiền đề cho công tác tổ chức, cán bộ cho Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Hai nội dung còn lại là đánh giá kiểm điểm sự điều hành, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2024, báo cáo công tác kiểm tra, giám sát năm 2024 và chương trình kiểm tra giám sát năm 2025, Tổng Bí thư đề nghị Trung ương cho ý kiến về những nội dung cần sửa chữa, điều chỉnh, cần triển khai thực hiện đối với tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thậm chí là đối với từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

"Trong bối cảnh tình hình mới rất khẩn trương, cần sự đột phá, sự quyết đoán, quyết liệt, sự đoàn kết, thống nhất từ khâu đề xuất chính sách tới việc triển khai thực hiện, tôi đề nghị các đồng chí Trung ương phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, tham gia đóng góp ý kiến vào các nội dung để Hội nghị đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra", Tổng Bí thư yêu cầu.