DMagazine

TPHCM: Chủ tịch huyện nói về nơi "ăn cơm cũng phải giăng mùng"

(Dân trí) - Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, việc trồng cây xanh cách ly khu xử lý rác bị chậm khiến đời sống người dân ảnh hưởng vì ô nhiễm. Thậm chí, người dân ăn cơm cũng phải giăng mùng vì ruồi, muỗi.

TPHCM: Chủ tịch huyện nói về nơi "ăn cơm cũng phải giăng mùng"

(Dân trí) - Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, việc trồng cây xanh cách ly khu xử lý rác bị chậm khiến đời sống người dân ảnh hưởng vì ô nhiễm. Thậm chí, người dân ăn cơm cũng phải giăng mùng vì ruồi, muỗi.

***

Theo ghi nhận của PV Dân trí, thời gian qua, nhiều hộ dân sinh sống gần Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi) luôn lo lắng cho sức khỏe, họ phải chịu đựng khói, bụi, mùi hôi của rác, những cột khói khổng lồ mỗi khi đốt rác, dòng nước đen kịt bao phủ những con kênh...

Sau bài viết Cuộc sống ở nơi "mùi hôi thối chỉ là một phần của ô nhiễm", bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, đã trả lời những vấn đề được người dân quan tâm. Xuyên suốt cuộc trao đổi, việc đảm bảo sức khỏe người dân, giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường là điều được vị Chủ tịch huyện nhắc đến nhiều lần.

TPHCM: Chủ tịch huyện nói về nơi ăn cơm cũng phải giăng mùng - 1

Nhiều khu vực chất thải bị lộ ra ngoài, những cột khói khổng lồ xuất hiện khi đốt rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (Ảnh: Hoàng Giám).

Để tình trạng này được khắc phục, phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án trồng cây xanh cách ly giai đoạn 2 nhằm giảm thiểu phát sinh ô nhiễm từ khu xử lý rác đến môi trường xung quanh. Đây là vấn đề bức thiết, phù hợp thực tế nhưng dự án vẫn bị gián đoạn nhiều năm qua.

Vùng ô nhiễm mùi hôi có bán kính 10km

Qua khảo sát thực tế, chính quyền huyện Củ Chi đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường tại vùng lân cận Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc đang ở mức độ nào?

- Hiện tại, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc tiếp nhận và xử lý khoảng 3.200 tấn rác thải của toàn TPHCM mỗi ngày. Công nghệ xử lý rác tại đây là đốt và ủ phân compost.

UBND huyện Củ Chi chia sẻ với thành phố trong việc di dời khu vực xử lý rác ra ngoại thành, đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc tại xã Phước Hiệp với quy mô hơn 197ha. Tuy nhiên, nhân dân huyện Củ Chi phải chịu ảnh hưởng rất lớn về môi trường do hoạt động của khu xử lý rác trong 19 năm qua.

TPHCM: Chủ tịch huyện nói về nơi ăn cơm cũng phải giăng mùng - 2

Bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi (Ảnh: Q.H.).

Mặc dù các đơn vị hoạt động trong khu liên hợp có đầu tư xử lý về vấn đề môi trường, nhưng việc ô nhiễm vẫn chưa được khắc phục triệt để, nhất là mùi hôi thối, khó chịu lan tới những khu dân cư xung quanh. Ngoài ra, đất đai tại khu vực cũng bị ô nhiễm, không canh tác được, phải bỏ hoang, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống 244 hộ dân.

Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, mùi hôi từ Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc phát sinh chủ yếu từ hoạt động xử lý rác, khu vực ô nhiễm mùi hôi có bán kính đến 10km. Vào mùa mưa, kết hợp triều cường, tình hình thu gom nước thải sau xử lý tại khu liên hợp vẫn chưa đảm bảo. Nước rác được xả ra hệ thống kênh 15, kênh 17, kênh 18 gần đó làm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Người dân sinh sống gần khu xử lý rác chia sẻ, họ nghe chủ trương trồng cây xanh cách ly từ rất lâu nhưng chưa thấy thực hiện. Họ cho rằng chính quyền không còn dự định này nữa. Bà có thể thông tin rõ hơn về vấn đề này?

- Dự án bồi thường, giải tỏa để trồng cây xanh cách ly Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc giai đoạn 1 được UBND TPHCM phê duyệt từ năm 2003. Đến năm 2009, UBND TPHCM tiếp tục chấp thuận chủ trương dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư và trồng cây xanh cách ly giai đoạn 2.

TPHCM: Chủ tịch huyện nói về nơi ăn cơm cũng phải giăng mùng - 3

Dòng kênh đen chạy thẳng từ khu vực xử lý rác tới khu dân cư xã Phước Hiệp (Ảnh: Hoàng Giám).

Theo chủ trương này, khu xử lý rác sẽ được tạo quỹ đất, trồng cây xanh ngăn cách với khu vực xung quanh. Dự án nằm trên địa bàn xã Phước Hiệp và xã Thái Mỹ, do Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý rác thải thành phố (thuộc Sở TN&MT) làm chủ đầu tư.

Chúng tôi nhận thấy, việc định hướng thực hiện dự án trồng cây xanh cách ly để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tránh phát sinh mùi hôi từ các nhà máy bên trong khu xử lý rác là phù hợp thực tế, là yêu cầu cấp thiết của người dân. Tuy nhiên, dự án thực hiện với tiến độ quá chậm, thời gian kéo dài nên đời sống, kinh tế của người dân rất khó khăn, dân cư bị ảnh hưởng bởi dự án bồi thường, những người bị tác động bởi mùi rác thải vẫn còn nhiều bức xúc.

Hiện nay, đất ở gần Khu liên hợp xử lý chất thải rắn đã bị ô nhiễm nặng, người dân không thể canh tác, không kiếm thêm được thu nhập, đời sống khó khăn. Cùng với đó, dự án khu cây xanh cách ly chưa hình thành khiến tình trạng ô nhiễm môi trường nước, không khí ngày càng nghiêm trọng. Thậm chí có nơi, người dân ăn cơm cũng phải giăng mùng vì ruồi, muỗi.

Người dân cần, vì sao vẫn đình trệ?

Bà có thể thông tin thêm về những lý do khiến dự án chưa hoàn thành, mặc dù người dân rất bức xúc?

- Việc dự án gián đoạn, tạm dừng, chưa triển khai được là bởi chính sách pháp luật về đất đai thay đổi và nhiều biến động khác trong quá trình đô thị hóa, thay đổi giá bồi thường… Những tác động này khiến kinh phí chi trả bồi thường bị tăng cao.

TPHCM: Chủ tịch huyện nói về nơi ăn cơm cũng phải giăng mùng - 4

Do đó, chủ đầu tư dự án trồng cây xanh cách ly khu liên hợp xử lý chất thải rắn phải làm thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật trước khi phê duyệt dự án, phương án bồi thường, cũng như dự toán kinh phí. Mặt khác, tình hình chung hiện nay là việc bố trí quỹ nhà, đất tái định cư trước khi thu hồi đất cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Trong khi hàng rào cây xanh cách ly chưa được thực hiện, huyện Củ Chi đã làm gì để giải tỏa nỗi bức xúc của người dân kéo dài nhiều năm?

- Chúng tôi nhận thấy rõ và thấu hiểu sự ảnh hưởng từ khu liên hợp xử lý rác tới đời sống kinh tế người dân xung quanh. Huyện Củ Chi thường xuyên kiến nghị HĐND, UBND thành phố cùng các sở, ngành, đơn vị sớm đẩy nhanh tiến độ dự án, đồng thời chủ động báo cáo đề xuất bố trí vốn lập nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án trồng cây xanh cách ly giai đoạn 2.

Đến nay, HĐND TPHCM đã thông qua việc bố trí vốn cho nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án này trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng. Mới đây, UBND TPHCM cũng giao nhiệm vụ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

TPHCM: Chủ tịch huyện nói về nơi ăn cơm cũng phải giăng mùng - 5

Khu vực ô nhiễm mùi hôi từ khu xử lý rác có bán kính đến 10km (Ảnh: Hoàng Giám).

Trong suốt thời gian qua, chính quyền huyện cũng chủ động phối hợp UBND, các đoàn thể xã Thái Mỹ, Phước Hiệp, Tân An Hội để giải quyết những bức xúc của người dân, đề nghị các đơn vị khắc phục mùi hôi, nước thải ô nhiễm. Tất cả kiến nghị, bức xúc của người dân đều được ghi lại và có văn bản gửi tới UBND TPHCM, Sở TN&MT để kiểm tra, xử lý và trả lời cụ thể.

Dự án hoàn thành sẽ giải quyết nhiều vấn đề

Khi hoàn thành, dự án trồng cây xanh cách ly khu xử lý rác sẽ tác động ra sao tới việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện?

- Việc hoàn thành dự án trồng cây xanh cách ly giai đoạn 2 Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc là phù hợp với mục tiêu, định hướng trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI. Đối với huyện Củ Chi, dự án sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường nước, không khí, mùi hôi, nước xả thải phát sinh từ khu liên hợp xử lý chất thải, khắc phục những bức xúc, phản ánh của người dân tại đây nhiều năm qua.

Bên cạnh đó, dự án cũng phù hợp với Quyết định 523 của Thủ tướng về phê duyệt chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

TPHCM: Chủ tịch huyện nói về nơi ăn cơm cũng phải giăng mùng - 6

Dự án trồng cây xanh cách ly giai đoạn 2 sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường nước, không khí, mùi hôi, nước xả thải phát sinh (Ảnh: Hoàng Giám).

Đối với những tác động trước mắt và dễ nhận thấy nhất, dự án sẽ sớm giúp cải thiện chất lượng môi trường, không khí và chất lượng cuộc sống người dân, cân bằng hệ sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Điều này cũng phù hợp với định hướng tôn tạo, phát huy mạnh mẽ tiềm năng du lịch sinh thái, bảo tồn, phát triển giá trị di sản văn hóa - thiên nhiên mà huyện Củ Chi đang hướng tới.

Khi vấn đề ô nhiễm môi trường được giải quyết dứt điểm, người dân cũng an tâm sinh hoạt, làm việc sau thời gian dài chịu tác động tiêu cực, giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất nông - lâm nghiệp nơi đây.

Tại buổi làm việc với ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, bà từng chia sẻ: "Nếu dự án này kịp làm để kỷ niệm 50 năm Ngày Thống nhất Đất nước, đó sẽ là niềm vui không thể tả đối với nhân dân huyện Củ Chi". Trên địa bàn huyện còn nhiều công trình, dự án lớn khác, vì sao UBND huyện Củ Chi bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới dự án này?

- Như tôi đã nói, huyện rất chia sẻ với thành phố trong việc di dời khu vực xử lý rác ra ngoại thành, đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc tại xã Phước Hiệp với quy mô hơn 197ha. Tuy nhiên, nhân dân huyện Củ Chi phải chịu ảnh hưởng rất lớn về môi trường do hoạt động của khu xử lý rác.

TPHCM: Chủ tịch huyện nói về nơi ăn cơm cũng phải giăng mùng - 7

Cảnh khói mù mịt xuất hiện mỗi khi Khu liên hợp xử lý chất thải rắn đốt rác (Ảnh: Hoàng Giám).

Mùi hôi thối của rác thải, đất đai bị ô nhiễm, bỏ hoang đang gây lãng phí và ảnh hưởng trực tiếp đến 244 hộ dân suốt 19 năm qua, kể từ khi khu xử lý rác đi vào hoạt động. Những phản ánh, bức xúc của người dân được huyện Củ Chi tiếp nhận thường xuyên. Qua đó cho thấy, người dân rất mong chờ dự án được sớm triển khai và hoàn thành.

Huyện Củ Chi luôn có sự quan tâm đặc biệt đối với dự án này, bởi hàng rào cây xanh cách ly là nhu cầu rất cấp thiết để người dân không còn phải chịu ảnh hưởng bởi mùi hôi thối, ô nhiễm từ rác thải, tạo mỹ quan xanh - sạch - đẹp, bảo vệ môi trường. Từ đó, cuộc sống người dân sẽ được đảm bảo, tạo niềm vui, tinh thần phấn khởi và tạo niềm tin với Đảng, Nhà nước khi dự án hoàn thành.

TPHCM: Chủ tịch huyện nói về nơi ăn cơm cũng phải giăng mùng - 8

Báo Dân trí đã thực hiện loạt bài về cảnh sống trong ô nhiễm ở TPHCM. Phóng viên đã ghi nhận thực tế những bức xúc của người dân tại khu vực Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi), dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh).

- Sống trong ô nhiễm ở TPHCM: Nhà thủng không muốn sửa, đi ngủ phải xoa dầu

- Cuộc sống ở nơi "mùi hôi thối chỉ là một phần của ô nhiễm"

- Người dân mệt mỏi vì khói bụi, hôi thối ở khu xử lý chất thải rắn tại TPHCM

Nội dung: Q.Huy - Trung Kiên