(Dân trí) - Sau thông tin TPHCM quyết tâm tái khởi động dự án hồi sinh rạch Xuyên Tâm, người dân sinh sống tại khu vực một lần nữa đứng trước hy vọng thoát khỏi cảnh quy hoạch treo.
Sống trong ô nhiễm ở TPHCM: Nhà thủng không muốn sửa, đi ngủ phải xoa dầu
(Dân trí) - Sau thông tin TPHCM quyết tâm tái khởi động dự án hồi sinh rạch Xuyên Tâm, người dân sinh sống tại khu vực một lần nữa đứng trước hy vọng thoát khỏi cảnh quy hoạch treo.
20 năm qua, sau những lần ngưng rồi tái thực hiện dự án, người dân sinh sống ven tuyến rạch Xuyên Tâm (TPHCM) trải qua bằng đó thời gian thấp thỏm. Nhà cửa ẩm thấp, xuống cấp nhưng họ lo sợ cảnh nay làm nhà, mai giải tỏa nên chấp nhận sống tạm bợ.
***
Sau những trận mưa như xối nước của cao điểm mùa mưa năm 2022, đoạn đường nhỏ nằm sát rạch Cầu Bông (quận Bình Thạnh) trở nên khác biệt đối với phần còn lại của khu vực nội đô thành phố. Người dân của xóm lao động phải trải qua 2 nỗi khổ, từ những vũng nước đọng trên con đường vốn chật hẹp, và từ sự ô nhiễm của dòng nước đen, một phần của tuyến rạch Xuyên Tâm.
Như mọi năm, chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (50 tuổi) lại nghĩ đến chuyện sửa nhà vì trần dột, sàn ngập nước bẩn. Mong muốn tưởng chừng đơn giản ấy đã ám ảnh chị 7 năm, sau "cuộc đánh đổi" để chuyển về đây sinh sống. Nhưng, chị chưa bao giờ đủ dũng cảm để thực hiện.
Từ năm 2002, dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng và khai thác quỹ đất ven rạch Xuyên Tâm được UBND TPHCM phê duyệt. Cũng từ thời điểm đó, người dân cư ngụ bên cạnh hơn 8km tuyến rạch chính trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Người mừng vì sắp được đón nhận cuộc sống mới, mừng vì con kênh thối sắp được lột xác, nhưng cũng có người lo sẽ không còn được sinh sống tại nơi đã gắn bó từ thuở nhỏ, lo về chuyện căn nhà - tài sản tích góp hàng chục năm - không được đền bù thỏa đáng.
Cuộc đánh đổi
Năm 2015, thị trường bất động sản tại TPHCM đón nhận cơn sốt giá đất lớn, khu vực quận Bình Thạnh từng bước mang dáng dấp của một đô thị mới, đầy khởi sắc với hàng loạt công trình, khu dân cư lớn mọc lên. Mang theo niềm hi vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn, chị Hằng cùng chồng dùng số tiền tích góp trong hơn 20 năm dành dụm để mua căn nhà nằm cạnh rạch Cầu Bông.
"Căn nhà này tôi mua với 600 triệu, diện tích rộng, đủ cho cả gia đình và là món hời thời điểm đó. Với đồng lương của người lao động chân tay, tôi không mong gì hơn sau hơn 20 năm phải ở nhà trọ", chị Hằng kể.
Căn nhà nằm ven rạch được chị Hằng mua bằng giấy viết tay, do thuộc phạm vi dự án treo, nên không thể cấp sổ đỏ. Nhưng để có nơi đáp ứng sinh hoạt cho 7 người trong gia đình, chị chấp nhận sự đánh đổi đó.
Từ thời điểm chị Hằng cùng gia đình chuyển về đây sinh sống, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm đã được báo chí, người dân trong khu vực nhắc tới nhiều lần. Sau những đoàn khảo sát tới đo đạc, nghiên cứu thực trạng, cuộc sống người dân tại đây vẫn không có gì thay đổi.
7 năm qua, khi mùa mưa bước vào những ngày cao điểm, gia đình chị Hằng lại bàn nhau chuyện sửa nhà, nâng nền để ngăn dòng nước hôi thối ngập vào tận phòng ngủ. Nhưng rồi, đồng lương của người lao động ngăn cản mọi dự tính, chị không đủ can đảm để tiếp tục đánh đổi lần nữa.
"Nâng nền, chống dột, cải tạo lại cả căn nhà phải tốn cũng cả trăm triệu. Nếu cải tạo nhà xong cả gia đình tiếp tục sống tại đây nhiều năm nữa thì không vấn đề gì. Nhưng nếu nay làm xong, mai dự án được thực hiện, thì chúng tôi không đành lòng", chị Hằng bày tỏ.
Không chỉ gia đình chị Hằng, phân vân, thấp thỏm chờ ngày thực hiện dự án là tâm trạng của tất cả hộ dân cư trú ven con rạch Xuyên Tâm. Tình trạng lụp xụp, xuống cấp, ẩm thấp là điểm chung của các hộ dân sống cạnh con rạch ô nhiễm nặng nhất TPHCM. Năm này qua năm khác, những cư dân tại khu vực gần trung tâm thành phố vẫn kiên nhẫn chống chọi với thời gian bằng những mái tôn thủng dột, những chiếc ván gỗ dần mục ruỗng.
Sống tại khu vực cửa ngõ vào trung tâm, người dân ven rạch Xuyên Tâm chứng kiến sự chuyển mình từng ngày của TPHCM. Nhưng nơi họ sống, hàng chục năm trôi qua, vẫn không có gì thay đổi.
Cảnh ô nhiễm ngày càng kinh khủng
Chị Kim Hiền (27 tuổi) là một trong số những cư dân sinh sống ven con rạch từ thuở nhỏ. Người phụ nữ thuật lại lời kể của ba mẹ mình lúc trước rằng, con rạch vốn trong xanh, là nơi thả rau muống, lũ trẻ có thể xuống tắm mỗi chiều.
"Nhưng từ nhỏ tới lớn, tôi chỉ thấy dòng nước càng thêm đen và ô nhiễm. Nhưng ở riết rồi cũng thành quen, cả nhà đành chấp nhận điều đó", chị Hiền thở dài.
Căn bếp của gia đình chị Hiền cũng là nơi nhìn thẳng ra dòng kênh đen kịt. Mỗi khi trời nắng, nước rút, hàng tấn rác ứ đọng, không lối thoát tạo nỗi kinh hoàng cho bất kỳ ai chứng kiến. Khi trời mưa, triều cường lên, người dân buộc phải chấp nhận tình trạng nước bẩn tràn vào nhà, ngập bàn chân.
"Đồ điện, đồ gia dụng trong nhà như tivi, máy lạnh thỉnh thoảng lại hư hơn do hơi rác bốc lên từ kênh rạch. Sức khỏe của 2 đứa trẻ cũng là điều khiến tôi băn khoăn", chị Hiền lo lắng.
Đối với người dân sinh sống bên cạnh dòng nước đen, mùa mưa, họ phải chịu cảnh nước bẩn tràn vào nhà, nhưng ít nhất, khứu giác, thị giác của họ cũng được thảnh thơi phần nào. Hàng tấn rác tạm thời bị dòng nước mưa phủ lấp phía trên, mùi hôi thối kinh hoàng được nước mưa khỏa lấp.
Chị Thanh (41 tuổi), một trong những người thuê trọ với mức giá rẻ tại đây cho biết, ngày nắng, nước rút, dầu gió, dầu thơm là thứ không thể thiếu đối với từng gia đình. Mùi hôi thối của rác lưu cữu lâu ngày xộc lên cánh mũi, dưới lòng sông, từng đống rác thải xen lẫn bùn đen khiến bất kỳ ai qua đây cũng phải lắc đầu ngao ngán.
"Về tới nhà là phải xoa dầu lên cánh mũi, đêm ngủ cũng phải có mùi dầu để át mùi hôi thối. Người dân về đây sinh sống ngày càng đông, chất thải cứ thể dồn xuống dòng nước, không lối thoát thì làm sao bớt ô nhiễm được", nữ công nhân chia sẻ.
Sau 20 năm kể từ khi được phê duyệt, việc cải tạo rạch Xuyên Tâm vẫn chỉ nằm trên trang giấy. Những thông tin nhỏ giọt, lúc triển khai, lúc tạm ngừng khiến niềm tin của họ về ngày con rạch chết được hồi sinh càng mù mờ.
Bao giờ hồi sinh con rạch chết?
Tháng 6, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, đã thống nhất chủ trương thành lập Tổ công tác nghiên cứu chuẩn bị thực hiện dự án Rạch Xuyên Tâm. Sau khi hoàn thành phần việc trên, công tác lập báo cáo tiền khả thi dự án Rạch Xuyên Tâm sẽ được triển khai ngay.
Gần đây nhất, người đứng đầu chính quyền thành phố cũng chỉ đạo các sở, ngành rà soát, giải quyết các tồn đọng của rạch Xuyên Tâm trong tháng 8. Ông Phan Văn Mãi đặt mục tiêu thông qua chủ trương đầu tư dự án vào cuối năm 2022.
Khi nghe những thông tin này, người dân sinh sống ven con rạch một lần nữa trải qua những tâm trạng trái ngược. Sau nhiều lần rục rịch rồi lại đứng yên, mốc thời gian được chính quyền đưa ra lần này khiến họ không khỏi hoài nghi.
"Thông tin về rạch Xuyên Tâm đến nay tôi mới chỉ nghe qua tin đồn, hoặc thông tin từ báo chí. Phía chính quyền địa phương chưa trực tiếp nói chuyện hay lấy ý kiến từ người dân", chị Kim Hiền thắc mắc.
Lần cuối cùng chị Hằng và gia đình nghe thông tin chính thức về việc cải tạo rạch Xuyên Tâm đã cách đây gần 4 năm. Thời điểm đó, đoàn khảo sát của thành phố có tới đo đạc thực địa từng hộ dân. Nhưng sau đó, dự án vẫn bất động đến tận bây giờ.
Tuy nhiên, hầu hết người dân đang ngày ngày chịu ảnh hưởng bởi dòng kênh ngập rác đều chung ý kiến, đã đến lúc, thành phố cần cải thiện khẩn cấp môi trường tại khu vực này. Điều họ còn băn khoăn là cách thức thực hiện, và quyền lợi của họ được đảm bảo ra sao.
"Người dân tại đây chắc ai cũng có nguyện vọng về ngày con rạch được cải tạo, hết ô nhiễm. Nhưng mặt khác, khi thực hiện dự án, chính quyền cần có phương án đền bù thỏa đáng, đủ để cho người dân có nơi ở mới tốt hơn, ổn định cuộc sống hơn. Khi đó, chắc chắn ai cũng đồng thuận thôi", chị Hằng bày tỏ.
Đánh giá về tầm quan trọng của dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, khẳng định, đây là một trong những điều thành phố cần nỗ lực phấn đấu để kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Bởi lẽ đó, rạch Xuyên Tâm không chỉ mang ý nghĩa của một dự án đơn thuần.
"Rạch Xuyên Tâm sau khi hoàn thành sẽ là mô hình để thành phố giải quyết vấn đề rất lớn đó là nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở thiếu an toàn và vệ sinh môi trường. Dự án còn là hình mẫu để thành phố kết hợp giữa chỉnh trang môi trường gắn với chỉnh trang đô thị, giao thông, nhà ở ven và trên kênh rạch tại nhiều khu vực khác", ông Phan Văn Mãi chia sẻ.
Với vị trí địa lý tựa vào dòng sông Sài Gòn, hệ thống kênh rạch, chằng chịt được ví như những mạch máu của TPHCM trong suốt quá trình hình thành và phát triển. Một lần nữa, chính quyền thành phố đã thể hiện rõ quyết tâm thay màu cho rạch Xuyên Tâm, một "mạch máu đang mang trọng bệnh" của thành phố lớn nhất cả nước.
Việc cải tạo tuyến rạch dài 8,2km, đi qua 2 quận Bình Thạnh, Gò Vấp, với khoảng 6.500 ngôi nhà bị ảnh hưởng chắc chắn là bài toán không dễ đối với TPHCM. Nhưng, sau hơn 20 năm ngập trong rác thải và sự ô nhiễm nặng nề, việc thay đổi diện mạo cho con rạch nằm ngay cạnh trung tâm thành phố là điều không thể trì hoãn.
Nội dung: Quang Huy
Bài tiếp: Cuộc sống ở nơi "mùi hôi thối chỉ là một phần của ô nhiễm"