Người dân mệt mỏi vì khói bụi, hôi thối ở khu xử lý chất thải rắn tại TPHCM
(Dân trí) - Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc hình thành năm 2003, tại huyện Củ Chi (TPHCM). Hơn 17 năm qua, tình trạng ô nhiễm tại đây càng trở nên nghiêm trọng khiến người dân bức xúc.
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc hiện có hai doanh nghiệp tiếp nhận và xử lý rác thải, đó là Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty CP Vietstar. Nhiều năm qua, các nhà máy của hai doanh nghiệp đã áp dụng dây chuyền công nghệ đốt rác phát điện để xử lý rác, thay thế việc chôn lấp rác như trước đây.
Hiện, công suất xử lý rác của Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa khoảng 1.000 tấn rác/ngày. Công suất nhà máy xử lý rác của Công ty CP Vietstar khoảng 2.000 tấn rác/ngày.
Theo các doanh nghiệp, công nghệ đốt rác phát điện giúp nâng cao năng lực xử lý chất thải rắn, giảm thiểu tình trạng hôi thối, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước so với cách xử lý chôn lấp rác như truyền thống.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, quá trình đốt rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc phát sinh những cột khói khổng lồ. Theo người dân địa phương, tình trạng này xảy ra liên tục trong nhiều năm qua.
"Thời gian trước, việc đốt rác thường diễn ra vào ban đêm, hoặc những ngày mưa. Tuy nhiên những tháng gần đây, các nhà máy đốt rác từ sáng sớm gây khói bụi mù mịt. Chúng tôi cảm thấy rất khó chịu", bà Hạnh (70 tuổi), sinh sống gần Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, cho biết.
Cũng theo bà Hạnh, ngoài khói bụi mù mịt, người dân địa phương còn phải chịu mùi hôi thối nồng nặc phát ra từ Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc. Việc này ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của nhiều người.
"Từ khi có nhà máy xử lý rác, vùng quê yên bình trước đây của chúng tôi thay đổi hoàn toàn. Những khu vườn cây trái, những cánh đồng lúa mênh mông, dòng kênh trong lành rất nhiều cá..., đã bị xóa sổ, thay vào đó là những mảng khói bụi bao trùm. Nước kênh khu vực lân cận các nhà máy rác thì đen ngòm, hôi thối", ông Bé, người dân sống gần Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc nói.
Theo quan sát của phóng viên, khu vực ngoài trời của 2 công ty đang lưu giữ lượng chất thải trơ với khối lượng lớn, được che phủ bằng bạt HDPE. Tuy nhiên, nhiều khu vực chất thải bị lộ ra ngoài. Việc này dễ đọng nước và gây ra tình trạng hôi thối, ô nhiễm nguồn nước, đất.
Trong tổng số gần 10.000 tấn rác được người dân TPHCM thải ra mỗi ngày, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc đang phải xử lý bằng cách chôn lấp gần 1.000 tấn. Khoảng 2.000 tấn rác còn lại được 2 công ty trong khu liên hợp chịu trách nhiệm tái chế thành phân compost.
Hiện trạng xuống cấp, nhếch nhác rác thải tại các nhà máy xử lý rác thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc.
Trước đó, năm 2020, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với cả hai doanh nghiệp xử lý rác thải tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc.
Lỗi vi phạm của Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty CP Vietstar là xử lý chưa dứt điểm lượng rác nhận về nhà máy, dẫn đến tình trạng rác thải tồn đọng, gây hôi thối, ô nhiễm môi trường.
Ngoài ô nhiễm không khí, tiếng ồn phát ra từ Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, tiếng động cơ và mùi hôi thối từ các xe chở rác..., khiến người dân phải lên tiếng.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí chiều muộn 10/9, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc lại chìm trong "biển khói".
Đường tỉnh gần Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc cũng trở nên mù mịt. Khu vực này có khá đông hộ dân sinh sống.
"Không biết các công ty có tuân thủ đúng quy trình đốt rác phát điện hay không. Vì công nghệ này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, nhưng lại chưa ghi nhận tình trạng khói bụi mù mịt như thế này", một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Củ Chi, đặt nghi vấn.
Cũng theo vị cán bộ này, quy trình đốt rác phát điện công nghệ Đức được dùng nhiều trên thế giới có quy trình xử lý khép kín, để hạn chế khói bụi và tránh phát tán mùi hôi.