PhotoStory

So sánh 2 tuyến metro sắp chạy tại Hà Nội và TPHCM

Thực hiện: Ngọc Tân - Thư Trần

(Dân trí) - Lựa chọn công nghệ của Pháp và Nhật Bản, 2 tuyến metro tại Hà Nội và TPHCM có những khác biệt thú vị mà hành khách sẽ được trải nghiệm trong năm nay.

Cùng cảnh chậm tiến độ nhiều năm, dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội (Hà Nội) và metro Bến Thành - Suối Tiên (TPHCM) đang bước vào giai đoạn nước rút để vận hành thương mại vào năm 2024.

Tuyến tàu điện ngầm của Hà Nội sử dụng công nghệ của Pháp, trong khi tàu điện Bến Thành - Suối Tiên sử dụng công nghệ Nhật. Điều này đã tạo ra nhiều nét khác biệt khi nhìn vào 2 đoàn tàu.

So sánh 2 tuyến metro sắp chạy tại Hà Nội và TPHCM - 1
So sánh 2 tuyến metro sắp chạy tại Hà Nội và TPHCM - 2

Khác biệt đầu tiên là công nghệ tiếp điện. Về cơ bản các đoàn tàu metro không chạy bằng pin điện gắn trên tàu mà dùng nguồn điện cấp trực tiếp từ đường tàu.

Tàu điện Nhổn - Ga Hà Nội lấy điện từ "ray thứ 3" nằm trên đường ray, tương tự tàu điện Cát Linh - Hà Đông.  Trong khi đó, tàu Bến Thành - Suối Tiên lấy điện từ trên cao thông qua các giá kim loại chạy dọc tuyến (tương tự tàu cao tốc Shinkansen).

Công nghệ lấy điện qua ray thứ 3 có chi phí thi công rẻ, đơn giản và tuổi thọ cao hơn tiếp điện trên cao. Tuy nhiên, công nghệ tiếp điện trên cao giúp cho đường ray bên dưới an toàn hơn (việc tiếp điện qua ray thứ 3 khiến đường ray trở thành khu vực rất nguy hiểm, không chỉ vì nguy cơ bị tàu đâm mà còn bởi rủi ro bị điện giật).

So sánh 2 tuyến metro sắp chạy tại Hà Nội và TPHCM - 3
So sánh 2 tuyến metro sắp chạy tại Hà Nội và TPHCM - 4

Khác biệt tiếp theo là cửa chắn ke ga. Metro Bến Thành - Suối Tiên được đầu tư công nghệ này còn metro Nhổn - Ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông thì không.

Cửa chắn ke ga là hạng mục giúp tăng độ an toàn cho hành khách, ngăn ngừa tình huống sảy chân hoặc cố ý nhảy xuống đường ray. Trước đó, dự án Cát Linh - Hà Đông vì thiếu cửa chắn nên đã phải bổ sung nhân viên cảnh giới tại ke ga. 

Tới đây có thể thấy một điểm nghịch lý. Metro Bến Thành - Suối Tiên có đường ray an toàn hơn (do tiếp điện trên cao) thì được trang bị thêm cửa chắn ke ga, trong khi metro Nhổn - Ga Hà Nội có đường ray rất nguy hiểm (hở điện tại ray thứ 3) lại không được trang bị cửa chắn.

So sánh 2 tuyến metro sắp chạy tại Hà Nội và TPHCM - 5
So sánh 2 tuyến metro sắp chạy tại Hà Nội và TPHCM - 6

Không gian bên trong toa tàu của 2 tuyến metro khác biệt về màu sắc và tiểu tiết. Toa tàu Bến Thành - Suối Tiên có tay nắm bằng nhựa (tương tự tàu Cát Linh - Hà Đông) trong khi tàu Nhổn - Ga Hà Nội chỉ được trang bị đai cao su mềm.

Các cửa sổ kính của metro Bến Thành - Suối Tiên có thể kéo mở trong trường hợp sự cố, thoát hiểm, trong khi cửa kính của metro Nhổn không thể tự mở.

So sánh 2 tuyến metro sắp chạy tại Hà Nội và TPHCM - 7
So sánh 2 tuyến metro sắp chạy tại Hà Nội và TPHCM - 8

Tàu điện Nhổn không có cửa tự động ngăn cách giữa các toa, trong khi hạng mục này được trang bị trên tàu điện Bến Thành. Chủ đầu tư lý giải việc trang bị cửa tự động để kiểm soát an ninh và khóa tàu khi cần.

Tìm hiểu rộng hơn, khác biệt này cũng cho thấy quan điểm thiết kế tàu điện của Pháp và Nhật. Những tuyến metro ở Tokyo đều được trang bị cửa ngăn giữa các toa, trong khi metro ở Paris không có. 

So sánh 2 tuyến metro sắp chạy tại Hà Nội và TPHCM - 9

Hệ thống camera an ninh là điểm cộng trên tàu điện Nhổn - Ga Hà Nội. Tàu điện Bến Thành - Suối Tiên và Cát Linh - Hà Đông đều không có thiết bị này.

So sánh 2 tuyến metro sắp chạy tại Hà Nội và TPHCM - 10
So sánh 2 tuyến metro sắp chạy tại Hà Nội và TPHCM - 11

Đoàn tàu điện Nhổn - Ga Hà Nội có 4 toa, sức chứa 944 người, vận tốc tối đa 80km/h. Đoàn tàu Bến Thành - Suối Tiên có 3 toa, sức chứa 930 người, vận tốc tối đa 110km/h. Trên thực tế, do khoảng cách giữa các ga quá gần, lái tàu sẽ không dùng tới vận tốc tối đa.

Dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội có tất cả 10 đoàn tàu (sản xuất bởi Alstom - Pháp), trong khi metro Bến Thành - Suối Tiên có 17 đoàn tàu (sản xuất bởi Hitachi - Nhật Bản).

So sánh 2 tuyến metro sắp chạy tại Hà Nội và TPHCM - 12
So sánh 2 tuyến metro sắp chạy tại Hà Nội và TPHCM - 13

Nhà ga trên cao của 2 tuyến metro có nhiều khác biệt về kiến trúc.

So sánh 2 tuyến metro sắp chạy tại Hà Nội và TPHCM - 14

Metro Nhổn - Ga Hà Nội đi trùng với trục đường hướng tâm Kim Mã - Cầu Giấy - Xuân Thủy - quốc lộ 32, là tuyến kết nối giữa trung tâm Hà Nội với vùng ngoại thành phía Tây của thành phố, thúc đẩy tiến trình đô thị hóa của vùng dân cư nằm ngoài vành đai 3 và giảm ùn tắc trong nội thành.

Dự kiến giữa năm nay, đoạn trên cao từ ga Nhổn đến ga Cầu Giấy sẽ vận hành thương mại.

Metro Bến Thành - Suối Tiên đi từ ga ngầm trung tâm là Bến Thành, đến Nhà hát Thành phố - Ba Son - Tân Cảng và đi trên cao dọc theo đường Võ Nguyên Giáp - xa lộ Hà Nội hướng về phía đông thành phố. Tuyến metro được kỳ vọng gánh lượng lớn nhu cầu đi lại của cư dân thành phố, giảm áp lực cho đường bộ và từng bước kiểm soát khí thải phương tiện, ô nhiễm môi trường.

Dự kiến quý IV năm nay, toàn tuyến metro này sẽ vận hành thương mại.

Dòng sự kiện: Metro số 1 TPHCM