GALLERY
61 ảnh
12 năm xây dựng, 5 lần lùi kế hoạch hoàn thành, 1 năm cuối cùng chạy nước rút là những cột mốc tượng trưng, gắn liền với tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Thời khắc tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TPHCM chính thức khánh thành, hãy nhìn lại hành trình đặc biệt mà dự án này đã đi qua (Ảnh: Nam Anh).
Từ phác họa đến hình thành dự án
Ý tưởng xây dựng một mạng lưới đường sắt đô thị cho TPHCM được đặt ra từ cuối thập niên 90. Cho đến những năm 2000, tuyến metro đầu tiên mới được đặt lên bàn nghị sự. Thời điểm này, các cuộc hội thảo giữa những nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước đã diễn ra liên tục nhằm xác định hướng tuyến, chiều dài và phương án xây dựng tuyến metro số 1 này.
Năm 2007, dự án được phê duyệt lần đầu với tổng mức đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2011, tổng mức được điều chỉnh lên hơn 47.000 tỷ đồng, tăng thêm 30.000 tỷ đồng, nguyên nhân một phần do việc kéo dài tuyến đến bến xe miền Đông mới và cập nhật đơn giá xây dựng, giải phóng mặt bằng. Trong đó, vốn vay ODA từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là hơn 41.800 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách thành phố.
Metro số 1 có lộ trình dài gần 20km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TPHCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Tuyến này có khoảng 2,6km đi ngầm với 3 nhà ga ngầm và hơn 17,1km trên cao gồm 11 nhà ga nổi.
Một năm sau, vào tháng 2/2008, hạng mục depot rộng 24ha tại phường Long Bình (quận 9) của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên được bắt đầu xây dựng. Và rồi mất 4 năm, đến 28/8/2012, phần quan trọng nhất của dự án (tuyến chính) mới chính thức được khởi công.
Cột mốc đầu tiên
Ngày 28/8/2012, dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức được bấm nút khởi công xây dựng gói thầu số 2 dài 17,1 km. Đây là cột mốc đánh dấu bước đi đầu tiên của chặng đường xây dựng tuyến metro số 1.
Gói thầu số xây dựng 17,1km trên cao từ đoạn giao giữa ga ngầm Ba Son đi lên ga Văn Thánh theo trục dọc đến ga Suối Tiên, xây dựng depot Long Bình (trạm bảo dưỡng kỹ thuật đầu máy, toa xe).
Thời điểm này, TPHCM kỳ vọng tuyến metro số 1 sẽ sớm hoàn thành và đưa vào khai thác vào năm 2018, làm động lực triển khai những tuyến tiếp nối. Khi metro hoạt động đồng bộ, đây sẽ là phương tiện vận tải công cộng chính, kết nối vận tải hành khách khối lượng lớn. Khi đó, xe buýt không còn là phương tiện vận chuyển chủ đạo (Ảnh: AX).
Khó khăn bủa vây
Tuy nhiên, sau gần 2 năm từ khi khởi công, dự án vẫn chưa đủ mặt bằng sạch. Theo Hợp đồng đã ký kết với Liên danh Nhà thầu Sumitomo - Cienco 6, chủ đầu tư phải bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công chậm nhất vào cuối năm 2012.
Thế nhưng tại thời điểm này, tiến độ thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp chậm trễ do còn một doanh nghiệp chưa di dời là Công ty TNHH thương mại dịch vụ Vĩnh Phát (Công ty Vĩnh Phát) với gần 20.000m2 đất tại phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Đến năm 2015, vướng mắc về mặt bằng vẫn chưa được xử lý rốt ráo. TPHCM đối mặt mức phạt tiền hơn 2,5 tỷ đồng mỗi ngày do nhà thầu yêu cầu bồi thường. Sau đó, Ban quản lý đường sắt đô thị đã phải thương lượng với nhà thầu Sumitomo - Cienco 6 để xin giảm bớt khoản tiền phạt (Ảnh: Hữu Khoa).
7 năm xây ga, tuyến ngầm
Tháng 7/2014 là thời điểm những hàng cây "trăm tuổi" tại khu trung tâm TPHCM bị đốn hạ, di dời để tạo mặt bằng khởi công gói thầu 1B, xây dựng ga ngầm của tuyến metro số 1 đoạn từ ga Nhà hát TPHCM đến ga Ba Son.
Trong đó, hàng cây cổ thụ trước Nhà hát Thành phố; hàng cây cổ thụ trên đại lộ Lê Lợi và vòng xoay cây liễu ở ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi từng tồn tại hơn 100 năm cũng được dỡ bỏ.
Rất nhiều du khách, người dân sống tại TPHCM bày tỏ tiếc nuối, đứng nhiều giờ dõi theo công tác di dời, bứng hạ các cây cổ thụ.
Ngay sau khi hoàn tất di dời những hàng cây trăm tuổi, lòng đất khu trung tâm TPHCM gần như được xới tung. Toàn bộ giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi như một đại công trường chỉ toàn bê tông, sắt thép, máy móc và những hàng tôn được rào chắn kiên cố (Ảnh: Lê Quân).
Ngay giữa trung tâm của trung tâm thành phố, máy móc, con người được huy động toàn lực để thi công với tinh thần khẩn trương nhất có thể. Trong 7 tháng ngắn ngủi, mặt bằng trên công trường đồ sộ này nhất định phải được hoàn trả lại để chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước.
Công trình xây dựng ga Nhà hát TPHCM có chiều dài 190m, rộng 26m gồm bốn tầng (hai tầng chờ khách và hai tầng ke ga) với chiều sâu 40m, thi công theo phương pháp top -down (thi công tường vây và cọc chống trước, sau đó đào đất và thi công sàn từ trên xuống) để giảm thiểu rủi ro lún sụt.
Hai năm sau, vào sáng 17/11/2016, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM tiếp tục động thổ gói thầu 1A. Đây là gói thầu cuối cùng của tuyến metro số 1, gồm ga trung tâm Bến Thành và đoạn ngầm ga Nhà hát thành phố dài 515m (Ảnh: Phan Hữu Duy Quốc).
Gói thầu cuối cùng (1A) đánh dấu thời điểm rất quan trọng của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Gói thầu này hoàn thành đồng nghĩa với việc toàn dự án cũng hoàn thành và đưa vào khai thác (Ảnh: Hữu Khoa).
Nhà ga Bến Thành có quy mô 4 tầng ngầm, sâu nhất khoảng 30m. Tầng 1 là sảnh thu phí, văn phòng ga, phòng máy nhà ga. Tầng 2 là ke ga của tuyến số 1. Tầng 3 là sảnh thu phí dùng trung chuyển trong tương lai. Tầng còn lại là ke ga của các tuyến kết nối.
Ngoài chức năng đầu mối kết nối giao thông giữa các tuyến metro tiếp theo, nhà ga trung tâm Bến Thành còn có hệ thống thương mại dịch vụ - kinh phí đầu tư xây dựng gần một tỷ USD (Ảnh: Hữu Khoa).
Ngày 18/3/2017, thiết bị đào ngầm robot TBM hiện đại từ Nhật Bản lần đầu được đưa về TPHCM để lắp ráp phục vụ gói thầu 1B, đoạn ngầm ga Ba Son đến ga Nhà hát TPHCM. Máy khiên đào TBM dài 70m, nặng 300 tấn.
Robot TBM được đặt ở độ sâu 17m trong lòng đất, đây là một tổ hợp máy đào có thể thực hiện được các hạng mục thi công hầm bằng phương pháp cân bằng áp lực đất.
Do điều kiện địa hình công trường thi công chật hẹp, từng phần của robot được tách rời chở đến công trường, sau đó các chi tiết của robot được cẩu xuống lòng đất để công nhân, kỹ sư lắp ráp. Việc lắp đầu máy khoan là công đoạn phức tạp và quan trọng nhất khi tiến hành quá trình đào hầm, và phần việc này phải mất gần 2 tháng để hoàn tất (Ảnh: Hữu Khoa).
Sau 2 tháng lắp đặt, sáng 26/5/2017, UBND TPHCM tổ chức lễ tiến hành khoan TBM từ ga Ba Son đến ga Nhà hát Thành phố.
Mũi khoan có đường kính gần 6,79m, dài 8,30m được đưa xuống lòng đất an toàn và được định vị ở vị trí chuẩn bị thi công. Trên vách đất, vết mực đánh dấu (vòng tròn) là đường kính mà TBM sẽ đâm xuyên qua, bắt đầu hành trình đào 781m đường hầm (Ảnh: Hữu Khoa).
Phần đầu máy khoan chính dài 12,5m, có gắn các mũi khoan được lắp đặt ở trước miệng hầm. Vòng đỡ và lưỡi khoan có đường kính gần 6,79m, dài 8,30m (Ảnh: Hữu Khoa).
Mỗi ngày, robot TBM khoan được 12m đường hầm. Trong quá trình đào, đất được chuyển băng tải guồng và nghiền xay đất thành bùn lỏng. Tiếp theo là qua các hệ thống lọc sẽ tách lấy nước để dùng lại cho mục đích thi công và đất cát sẽ chuyển đất ra khỏi công trường.
Máy TBM hoạt động sâu trong lòng đất và có khoảng cách an toàn với hành lang bảo vệ công trình phía trên. Do hoạt động trong lòng đất nên máy không bị ảnh hưởng bởi thời tiết bên ngoài.
Máy khoan đi đến đâu, vỏ hầm (là các tấm bêtông cốt thép lắp ghép) sẽ được ghép đến đó để tránh sạt lở đất, đá phía trên (Ảnh: Hữu Khoa).
Đào thành công đoạn hầm đầu tiên
Sau khoảng 5 tháng, ngày 31/10/2017, Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM cùng Liên danh nhà thầu Shimizu - Maeda (Nhật Bản) tổ chức lễ đón máy khoan hầm TBM về ga Nhà hát thành phố, đánh dấu mốc hoàn tất công tác khoan hầm phía Đông của đoạn ngầm Ba Son.
Tuyến hầm này đi từ ga Ba Son băng qua các đường Tôn Đức Thắng, Ngô Văn Năm, khu vực 3a Tôn Đức Thắng, Nguyễn Siêu, Hai Bà Trưng, đi giữa Nhà hát Thành phố và khách sạn Caravell băng qua đường Đồng Khởi đến ga Nhà hát Thành phố.
Giây phút mũi khoan đi xuyên qua lổ hầm ga Nhà hát Thành phố, khiến tất cả người tham gia dự án, từ kỹ sư, chuyên gia hai nước Nhật Bản - Việt Nam xúc động reo hò trong hạnh phúc.
Đây được xem là khoảnh khắc khó quên nhất trong hành trình thi công ga ngầm tại tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TPHCM.
Sau khi hoàn thành việc khoan hầm phía Đông, máy khoan hầm TBM được tháo dỡ và đưa về ga Ba Son lắp ráp để tiếp tục khoan hầm phía Tây, tạo thành 2 ống hầm đơn có chiều dài 781m (Ảnh: Phan Hữu Duy Quốc - Chu Sơn Bình).
Những trụ cầu, đốt dầm thành hình
Sau hơn 3 năm thi công (tháng 9/2015), những trụ cầu như dải lụa thẳng tắp dọc xa lộ Hà Nội nhanh chóng được hoàn thành, chờ đến giai đoạn quan trọng, đó là lắp ghép các đốt dầm.
Việc thi công hàng trụ cầu chạy song song cùng Xa lộ Hà Nội đoạn từ cầu Sài Gòn (quận 2 cũ) đến Dĩ An (Bình Dương) thuận lợi vì không làm ảnh hưởng đến giao thông khu vực này (Ảnh: Hữu Khoa)
Ngày 4/6/2015, đốt dầm đầu tiên của tuyến Metro số 1 được lắp đặt bằng công nghệ lắp ghép trên xa lộ Hà Nội (quận 2 cũ nay là TP Thủ Đức). Đây là loại dầm chữ U, do nhà thầu Systra (Pháp) thiết kế, thi công. Việc lao dầm do Liên danh FVR thực hiện.
Các đốt dầm có mặt cắt hình chữ U đã được đúc sẵn ở bãi đúc quận 9 cũ rồi vận chuyển ra công trường bằng xe tải chuyên dụng.
Dầm chữ U do nhà thầu của Pháp thiết kế có tính thẩm mỹ cao, thanh mảnh, đồng thời 2 cánh dầm còn có vai trò làm tường chắn tiếng ồn
Lễ lắp đặt phiến dầm đầu tiên trên xa lộ Hà Nội được xem là một trong những cột mốc ý nghĩa của dự án, với sự tham gia, chứng kiến của đông đủ đại diện lãnh đạo TPHCM, Bộ GTVT và các đơn vị tham gia dự án (Ảnh: Hữu Khoa).
Sau 2 năm, tổng 4.536 đốt dầm trên đoạn cầu cạn dài 14,5km qua xa lộ Hà Nội được lắp ghép hoàn tất. Thời điểm này, dự án đã có toàn bộ mặt bằng "sạch" để thi công và đặt mục tiêu vận hành trước đoạn trên cao vào năm 2018 để người dân sử dụng metro sớm hơn 2 năm so với kế hoạch điều chỉnh (Ảnh: Hữu Khoa).
Lùi tiến độ hoàn thành
Tuy nhiên, đến tháng 6/2018, dự án rơi vào bế tắc khi gặp khó khăn trong công tác giải tỏa mặt bằng và phải điều chỉnh thiết kế kỹ thuật của nhà ga ngầm Bến Thành để tích hợp với các tuyến metro khác. Những chậm trễ này khiến thời gian vận hành phải lùi lại đến năm 2020.
Khó khăn không dừng ở đó. Tháng 12/2018, dự án tiếp tục vướng mắc trong việc phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư và thiếu hụt nguồn vốn từ trung ương, khiến tuyến Metro số 1 rơi vào tình trạng thiếu kinh phí trầm trọng. UBND TPHCM đã phải 4 lần tạm ứng ngân sách tổng cộng 3.300 tỷ đồng để duy trì tiến độ, thanh toán cho nhà thầu và đảm bảo hoạt động của đội ngũ nhân viên. Mặc dù vậy, cột mốc hoàn thành vào năm 2020 vẫn không thể đạt được.
Trong 4 năm tiếp theo, dự án tiếp tục lùi hạn hoàn thành thêm 4 lần vì hàng loạt nguyên nhân: sự cố phát sinh, dịch Covid-19, vướng mắc hợp đồng và thủ tục nghiệm thu... cho đến lần gia hạn hoàn thành cuối cùng được Thủ tướng ấn định vào tháng 12 năm 2024 (Ảnh: Hữu Khoa).
Đáng chú ý, trong quá trình xây dựng, ngày 10/10/2020, dự án metro số 1 phát hiện một gối cao su tại vị trí trụ P14-10 thuộc phân đoạn cầu cạn VD14 (hướng tuyến Bến Thành đi Suối Tiên) mất ổn định, rơi khỏi đá kê gối. Sự cố khiến 2 đầu dầm lệch nhau và thanh ray trên cao bị hư hỏng.
Sự cố thời điểm đó được đánh giá nghiêm trọng. Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã phải yêu cầu chủ đầu tư lập tức kiểm tra tổng thể hiện trạng, đánh giá số liệu quan trắc kết cấu trụ P14-10, các trụ lân cận cũng như mức an toàn chịu lực, tuổi thọ kết cấu công trình, sau đó rà soát lại toàn bộ gối cầu trên toàn tuyến và gửi báo cáo về Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước (Ảnh: Thư Trần).
Vị trí gối cao su bị hỏng sau đó đã được gấp rút thay mới và khắc phục tạm thời các nứt vỡ liên quan.
Sau một năm xảy ra sự cố làm rơi và dịch chuyển gối cầu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR - chủ đầu tư) cho biết đã phải khắc phục, gia cố thêm 30 gối dầm có khả năng chuyển vị khác.
Trong tháng 11/2020, chủ đầu tư MAUR tổ chức ít nhất 3 cuộc họp giữa Liên danh tư vấn chung NJPT và SCC để đôn đốc các đơn vị gửi báo cáo sự cố.
Tuy nhiên cho đến 2 năm sau, ngày 15/6/2023, nguyên nhân sự cố mới được xác định là do có khe hở giữa gối cầu và đá kê gối và sự thay đổi nhiệt độ giữa ngày và đêm. Sự biến thiên nhiệt độ đáng kể tại khu vực thi công đã tác động dẫn đến cả ray và dầm cùng giãn nở hoặc co ngót, từ đó tác động làm tăng khả năng trượt gối.
Đón đoàn tàu đầu tiên
Sáng 8/10/2020, đoàn tàu 3 toa đầu tiên của tuyến metro số 1 cập cảng Khánh Hội sau 8 ngày vận chuyển từ cảng Kasado Nhật Bản. Lễ đón đoàn tàu được chuẩn bị phương án cẩn thận, chi tiết trước một tuần.
Để đưa toa tàu đầu tiên khỏi khoang hàng, có gần 100 kỹ sư chuyên gia cùng tham gia hạ tải các toa tàu.
Trong đó, công tác hạ tải mất ít nhất 3 giờ, quá trình tàu tiếp sàn xe siêu trường siêu trọng khoảng 30 phút. Các công đoạn kéo, mở xích, hạ tàu được thực hiện tỉ mỉ. Kỹ sư chằng buộc tàu với sàn rơ-moóc của xe siêu trường siêu trọng, đảm bảo quá trình vận chuyển không xảy ra sự cố.
Mất gần 5 giờ, công tác hạ tải toàn bộ đoàn tàu đầu tiên mới hoàn tất.
Đến 18h ngày 9/10, tàu được bốc dỡ xuống bến bãi. Lực lượng an ninh cảng làm công tác thông quan. 0h đến rạng sáng 10/10, các toa tàu được vận chuyển về depot Long Bình (TP Thủ Đức).
Xe có sức chở trên 200 tấn, sức kéo của đầu xe 250 tấn và được kết nối với các rơ-moóc thủy lực chuyên dụng 12 trục nối nhau. Khối lượng cho phép của mỗi trục là 32 tấn.
Đoàn xe đi qua các tuyến đường Nguyễn Tất Thành - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Cơ Thạch - Mai Chí Thọ - xa lộ Hà Nội - quốc lộ 1 - đường số 400 - Hoàng Hữu Nam - đường số 11 - về Depot Long Bình với quãng đường dài 26km. Đến 3h sáng 10/10, đoàn xe về đến depot Long Bình (Ảnh: Hữu Khoa)
Tại depot Long Bình, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị tổ chức lễ ra mắt đoàn tàu đầu tiên. Tại đây, 20 chuyên gia nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) và kỹ sư Việt Nam cũng bắt đầu thực hiện công việc lắp ráp các toa tàu.
Cho đến 6/5/2022, hai đoàn tàu với 6 toa cuối cùng của tuyến metro số 1 được vận chuyển đến TPHCM, đánh dấu cột mốc chuyển giao sang giai đoạn vận hành thử nghiệm của toàn dự án (Ảnh: Hữu Khoa).
Hoàn thiện thi công
Cuối năm 2022, dự án metro số 1 đã đạt được những bước tiến quan trọng khi lần lượt hoàn thành 99% các hạng mục về kết cấu và kiến trúc, đưa tiến độ toàn dự án lên 93%. Đồng thời, công tác tái lập mặt bằng, trả lại nguyên trạng cho giao thông và cảnh quan ở khu vực trung tâm cũng được triển khai, dần mang lại diện mạo thông thoáng và gọn gàng hơn cho thành phố.
Người dân TPHCM khi đi qua các tuyến đường đã có thể chiêm ngưỡng những nhà ga với kiến trúc hiện đại, mang phong cách độc đáo, hài hòa với không gian đô thị. Những công trình này không chỉ là điểm nhấn về hạ tầng giao thông mà còn hứa hẹn trở thành biểu tượng mới của TPHCM (Ảnh: Hữu Khoa - Hải Long - Nam Anh).
Trải nghiệm tàu metro số 1
Sáng 21/12/2022, TPHCM tổ chức long trọng buổi chạy trải nghiệm đoàn tàu metro số 1. Đây là cột mốc đánh dấu sự chuyển đổi từ giai đoạn hoàn thiện thi công, sang bước chuẩn bị cho công tác vận hành.
Tham dự có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio...
Lãnh đạo TPHCM, phía Nhật Bản và các đơn vị liên quan trao đổi trong quá trình tàu di chuyển đến ga Bình Thái (TP Thủ Đức).
Từ đầu năm 2023 đến 2024, các chuyến chạy trải nghiệm tàu metro số 1 được diễn ra liên tục, dày đặc hơn. Người dân TPHCM được mời trải nghiệm tàu metro số 1 với sự hân hoan, hào hứng.
Những vị khách lần đầu tiên trải nghiệm tàu metro số 1 không giấu được niềm vui và sự phấn khởi khi chứng kiến sự hiện đại, tiện nghi của tuyến giao thông mới này. Họ bày tỏ kỳ vọng rằng TPHCM sẽ sớm đưa dự án vào vận hành thương mại, góp phần cải thiện đáng kể hệ thống giao thông công cộng của thành phố.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng mong muốn TPHCM sớm triển khai xây dựng đồng loạt các tuyến metro còn lại trong mạng lưới đường sắt đô thị, tạo nên hệ thống giao thông kết nối hiệu quả (Ảnh: Nam Anh).
Giai đoạn nước rút
Những ngày đầu năm 2024, dự án metro số 1 chính thức bước vào giai đoạn nước rút đầy quyết định. Công tác đào tạo đội ngũ vận hành đã được triển khai, đảm bảo mọi nhân sự đều nắm vững quy trình và sẵn sàng cho các tình huống thực tế. Song song đó, các kịch bản vận hành thử nghiệm và xử lý sự cố trong quá trình khai thác thương mại, dự kiến bắt đầu từ tháng 12, được lập kế hoạch chi tiết và thực hiện tập dượt kỹ lưỡng.
Giai đoạn này không chỉ là bài kiểm tra cuối cùng để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho tuyến metro đầu tiên của thành phố, mà còn là bước đệm quan trọng, đánh dấu sự chuẩn bị chu đáo trước khi đưa vào khai thác.
Tháng 10/2024, Công ty vận hành metro số 1 chính thức triển khai các bài tập xử lý tình huống sự cố giả định với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, hơn 1.000 người và nhiều đơn vị cùng tham gia. Hoạt động này nhằm nâng cao khả năng phản ứng nhanh và hiệu quả của đội ngũ nhân sự và các đơn vị liên quan trước các tình huống bất ngờ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách.
Đồng thời, việc mô phỏng các sự cố thực tế cũng giúp hoàn thiện quy trình vận hành, kiểm tra khả năng phối hợp giữa các bộ phận và phát hiện những điểm cần cải thiện trong hệ thống. Đây là bước chuẩn bị quan trọng để đảm bảo tuyến metro số 1 sẵn sàng vận hành thương mại một cách an toàn, ổn định và đáp ứng kỳ vọng của người dân (Ảnh: Nam Anh).
Tất cả đã sẵn sàng
Sau 12 năm xây dựng, ngày 21/11/2024, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TPHCM (chủ đầu tư) thông báo đã chính thức hoàn tất toàn bộ phần xây dựng, sẽ đưa tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên vào khai thác ngày 22/12.
Trong lúc này, chủ đầu tư vẫn đang hoàn thiện "cuốn chiếu" các thủ tục, hồ sơ nghiệm thu theo đúng quy định để khai thác thương mại cho tuyến metro số 1 này.
Cũng trong tháng 11/2024, toàn bộ 9 cây cầu đi bộ kết nối nhà ga metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dọc TP Thủ Đức hoàn thành xây dựng, lắp đặt.
Những cây cầu này không chỉ đảm bảo sự thuận tiện, an toàn cho người dân khi di chuyển giữa các nhà ga và khu vực lân cận, mà còn góp phần tạo điểm nhấn hiện đại, đồng bộ với hệ thống metro.
Hình hài tuyến metro số 1 chạy dọc đường Võ Nguyên Giáp và xa lộ Hà Nội nay đã tươm tất, khang trang (Ảnh: Hải Long).
Toàn bộ 3 nhà ga ngầm đã hoàn hiện kiến trúc từ những ngày cuối năm 2023, hành lang xung quanh như biển báo, khuôn viên, mảng xanh, hệ thống chỉ dẫn được lắp đặt sẵn sàng đưa vào hoạt động từ tháng 10 năm 2024 (Ảnh: Hải Long - Thư Trần).
Toàn bộ 17 đoàn tàu của tuyến metro số 1 đã được cấp Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt. 17 đoàn tàu này đều đã được dán tem kiểm định (Ảnh: Hải Long - Thư Trần - Nam Anh).
Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM cho biết, việc các đoàn tàu metro số 1 hoàn thành đăng kiểm và được dán tem kiểm định là một trong những mốc quan trọng, đảm bảo các đoàn tàu thuộc tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TPHCM đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chất lượng, sẵn sàng cho mục tiêu vận hành thương mại.
Ngày 21/11, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị thông báo dự án metro số 1 hoàn thành 100% khối lượng thi công. Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của thành phố sẽ bước sang trang mới - vận hành chính thức.
Ngày 22/12 tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ chính thức vận hành, đón khách, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển hạ tầng giao thông hiện đại, bền vững của TPHCM.