DNews

Những việc TPHCM cần làm để đưa các huyện lên thành phố sau năm 2030

Q.Huy

(Dân trí) - Đến năm 2030, TPHCM vẫn giữ nguyên 5 huyện hiện hữu. Trong bản quy hoạch TPHCM sắp trình Thủ tướng, địa phương đã đưa ra các việc cần làm để có thể nâng cấp các huyện lên thành phố sau năm 2030.

Những việc TPHCM cần làm để đưa các huyện lên thành phố sau năm 2030

Việc chuyển một số huyện lên quận giai đoạn 2021-2030 là một trong số các chương trình đột phá của TPHCM theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ này. Đến đầu năm 2022, UBND thành phố chính thức ban hành kế hoạch xây dựng đề án đầu tư các huyện lên quận (hoặc thành phố trực thuộc TPHCM) giai đoạn 2021-2030.

Kể từ lúc này, thông tin về việc TPHCM nâng cấp các huyện được người dân, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Tại các cuộc làm việc với từng địa phương năm 2022, lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM đã nhấn mạnh việc đưa các huyện lên quận hoặc thành phố nhằm mục đích chính là nâng cao đời sống người dân, tránh việc thông tin này khiến giá đất bị đẩy, ảnh hưởng không tốt đến xã hội.

Những việc TPHCM cần làm để đưa các huyện lên thành phố sau năm 2030 - 1

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, địa phương vẫn giữ nguyên 5 huyện từ nay đến năm 2030 (Ảnh: Q.Huy).

Tại phiên họp của Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM và kỳ họp HĐND thành phố vừa diễn ra, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố, đã chính thức thông tin, từ nay đến năm 2030, thành phố vẫn giữ nguyên 16 quận, 5 huyện và TP Thủ Đức. Giai đoạn này, thành phố sẽ củng cố, tăng chất lượng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nội lực cho các địa phương.

Nội dung này cũng được đề cập trong hồ sơ quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mà thành phố đang hoàn tất để trình Thủ tướng phê duyệt. Trong đó, thành phố đã vạch ra những mục tiêu, công việc cụ thể để các huyện ngoại thành phấn đấu đạt tiêu chuẩn đô thị loại III năm 2030 và đến năm 2050, đạt tiêu chuẩn đô thị loại I.

Vùng Củ Chi

Vùng Củ Chi bao gồm toàn bộ địa giới huyện Củ Chi, với diện tích khoảng 435km2. Nơi đây được định hướng là vùng đô thị hóa và sinh thái nông nghiệp - nông thôn ở phía bắc TPHCM, phát triển sản xuất công nghiệp và dịch vụ sinh thái môi trường, nông nghiệp chất lượng cao, công nghệ cao, dịch vụ vui chơi giải trí, đào tạo và chăm sóc sức khỏe.

Để chuẩn bị cho mục tiêu lên thành phố, huyện Củ Chi cần hình thành các khu trung tâm đô thị tại những khu vực là điểm giao của các tuyến giao thông lớn, khu vực ven sông Sài Gòn. Huyện cũng cần phát triển các khu vui chơi, giải trí, khu công nghiệp tiên tiến, trung tâm y tế, văn hóa và cải tạo, nâng cấp các khu chức năng hiện hữu.

Những việc TPHCM cần làm để đưa các huyện lên thành phố sau năm 2030 - 2

Huyện Củ Chi cần hình thành các khu trung tâm đô thị tại những khu vực là điểm giao của các tuyến giao thông lớn (Ảnh: P.N.).

Đối với hạ tầng xã hội, đến năm 2030, huyện Củ Chi cần phát triển mạng lưới 50 cơ sở giáo dục trường mầm non, duy trì mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp. Huyện phía bắc TPHCM cần hình thành 2 bệnh viện và 1 trung tâm y tế tuyến huyện, phấn đấu đạt tiêu chuẩn 2 bệnh viện đa khoa hạng I và bệnh viện hạng I.

Về giao thông, huyện Củ Chi trong tương lai sẽ có 4 tuyến đường sắt đô thị đi qua. Hệ thống giao thông đối ngoại của huyện Củ Chi gồm: Vành đai 3, vành đai 4, cao tốc TPHCM - Mộc Bài, quốc lộ 22, tỉnh lộ 2, tỉnh lộ 7, tỉnh lộ 8, tỉnh lộ 15.

Bản quy hoạch TPHCM cũng đưa ra các mục tiêu cho huyện Củ Chi từ nay đến năm 2030 về việc xây dựng, nâng cấp hệ thống điện, nước, xử lý chất thải. Theo dự báo, quy mô dân số chính thức của huyện Củ Chi năm 2030 là từ 600.000 đến 900.000 người.

Vùng Hóc Môn

Vùng Hóc Môn gồm toàn bộ địa giới huyện Hóc Môn với diện tích khoảng 110km2. Nơi đây được định hướng là khu vực đô thị hóa phía Bắc vùng đô thị trung tâm, phát triển dịch vụ, văn phòng thương mại, đào tạo chuyên nghiệp, công nghiệp, logistics.

Trong giai đoạn tới, huyện Hóc Môn cần phát triển các trung tâm đô thị mới gắn với công viên văn hóa, sông Sài Gòn, sông Vàm Thuật, điểm giao các tuyến giao thông lớn và quỹ đất nông nghiệp. Phía tây huyện Hóc Môn cần phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh không gây ô nhiễm, logistic, đào tạo và cải tạo, chỉnh trang chỉnh trang các khu vực dân cư hiện hữu.

Những việc TPHCM cần làm để đưa các huyện lên thành phố sau năm 2030 - 3

Huyện Hóc Môn định hướng là khu vực đô thị hóa phía Bắc vùng đô thị trung tâm (Ảnh: P.N.).

Đến năm 2030, huyện Hóc Môn cần phấn đấu đạt tỷ lệ phòng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non, phòng học, phòng bộ môn tiểu học, THCS và THPT 100% kiên cố. Các trạm y tế cần đổi mới mạnh mẽ về cơ chế, phương thức hoạt động.

Đối với hạ tầng giao thông, huyện Hóc Môn trong tương lai sẽ có 4 tuyến đường sắt đô thị đi qua. Dọc theo sông Sài Gòn đoạn qua huyện Hóc Môn có thể xây dựng cảng du thuyền, Bến xe An Sương cần được nâng cấp thành bến bãi xe buýt thành phố và xây dựng mới bến xe Xuyên Á.

Đến năm 2030, huyện Hóc Môn được dự báo có dân số chính thức là từ 600.000 đến 900.000 người.

Vùng Bình Chánh

Vùng Bình Chánh gồm toàn bộ địa giới huyện Bình Chánh với diện tích hơn 252km2. Đây sẽ là khu vực đô thị hóa phía tây vùng đô thị trung tâm, phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại, công nghệ và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trung tâm y sinh hóa dược, giáo dục đào tạo.

Trong đó, vùng phía bắc huyện Bình Chánh có chức năng chính là phát triển khu công nghiệp thích ứng, khu nông nghiệp đô thị, khu du lịch sinh thái, vành đai xanh và khu dự trữ phát triển. Đồng thời, khu vực này sẽ cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu kết hợp với khu dân cư mới.

Những việc TPHCM cần làm để đưa các huyện lên thành phố sau năm 2030 - 4

Phía bắc huyện Bình Chánh sẽ có chức năng là vành đai xanh và khu dự trữ phát triển (Ảnh: Hải Long).

Vùng trung tâm huyện Bình Chánh có chức năng chính là khu đầu mối kết nối giao thông với các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, trung tâm hành chính, thương mại, tài chính, văn phòng, văn hóa, giáo dục, y tế, logistics, hậu cần và phân phối hàng hóa.

Vùng phía nam huyện Bình Chánh có chức năng chính là giáo dục đào tạo, thương mại, du lịch sinh thái, logistics, hội chợ - triển lãm, công nghiệp văn hóa - giải trí.

Về hạ tầng giao thông, huyện Bình Chánh sẽ có tuyến đường sắt mới TPHCM - Mỹ Tho - Cần Thơ đi qua. Huyện cũng có tới 7 tuyến đường sắt đô thị đi qua địa phận.

Huyện Bình Chánh cũng được định hướng khai thác hiệu quả luồng tuyến, bến bãi và hệ thống sông rạch giao thương giữa các tỉnh miền Tây - TPHCM, nâng cấp, mở rộng hệ thống giao thông đường bộ hiện hữu. Huyện cũng xây dựng hệ thống bến bãi, cảng cạn, trung tâm logistics và các bãi đậu xe, kho thông quan, trung tâm chuyển tiếp hàng hóa.

Đến năm 2030, huyện Bình Chánh được dự báo có dân số chính thức là từ 1 triệu đến 1,3 triệu người.

Vùng Nhà Bè

Vùng Nhà Bè gồm toàn bộ địa giới huyện Nhà Bè với diện tích hơn 100 km2. Nơi đây được định hướng là khu vực đô thị hóa phía Nam vùng đô thị trung tâm, phát triển dịch vụ thương mại, hội chợ - triển lãm, công nghiệp văn hóa - giải trí, công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, logistics.

Thời gian tới, huyện Nhà Bè cần phát triển khu vực trước đây dự kiến quy hoạch sân golf thành khu trung tâm đô thị gắn với công viên công cộng - là không gian mở rộng của khu trung tâm đô thị tại Phú Mỹ Hưng, hình thành nên trung tâm đô thị chính của thành phố phía nam trực thuộc TPHCM.

Những việc TPHCM cần làm để đưa các huyện lên thành phố sau năm 2030 - 5

Huyện Nhà Bè cần tăng cường các tuyến giao thông thủy, phát triển du lịch sinh thái đường thủy (Ảnh: Hải Long).

Khu vực công nghiệp, cảng, dịch vụ cảng, logistics dọc sông Soài Rạp sẽ chuyển đổi một phần sang đô thị dịch vụ thương mại, công nghiệp tiên tiến, công nghệ cao, công nghiệp sinh thái. Đồng thời, huyện Nhà Bè duy trì chức năng cảng và công nghiệp tại Hiệp Phước, đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển kinh tế biển, gắn với mục tiêu hình thành chuỗi đô thị biển của vùng.

Huyện cũng cần tăng cường các tuyến giao thông thủy, phát triển du lịch sinh thái đường thủy và các khu đô thị mới thích ứng trên vùng đất trũng, gắn với chức năng thương mại, dịch vụ, hội chợ, triển lãm, công nghiệp văn hóa - giải trí, công nghiệp công nghệ cao, logistics. Huyện Nhà Bè cũng có 4 tuyến đường sắt đô thị đi qua trong tương lai.

Đến năm 2030, dân số huyện Nhà Bè được dự báo đạt từ 300.000 đến 500.000 người.

Vùng Cần Giờ

Vùng Cần Giờ có phạm vi gồm toàn bộ địa giới huyện Cần Giờ với diện tích khoảng 704km2. Huyện sẽ trở thành khu vực đô thị hóa phía Nam của TPHCM, phát triển du lịch sinh thái, khu bảo tồn sinh thái ngập mặn, trung tâm kinh tế biển (đô thị công nghệ, cảng biển, năng lượng gió…).

Không gian huyện Cần Giờ sẽ phát triển dải đô thị sinh thái ở phía tây, ven sông Soài Rạp, với việc mở rộng không gian kênh rạch, tăng cường khả năng thoát nước cho sông. Huyện đảo của TPHCM sẽ khai thác cảnh quan sông nước, nâng cao vai trò giao thông thủy và tập trung phát triển với mật độ cao ở một số khu vực.

Những việc TPHCM cần làm để đưa các huyện lên thành phố sau năm 2030 - 6

Huyện Cần Giờ sẽ khai thác cảnh quan sông nước, nâng cao vai trò giao thông thủy (Ảnh: P.N.).

Các vùng sinh thái nông nghiệp - nông thôn của huyện sẽ được duy trì. Khu đô thị lấn biển Cần Giờ sẽ phát triển quy mô lớn gắn với giá trị công nghệ, môi trường và sinh thái hiện đại.

Huyện Cần Giờ cũng được giao mục tiêu phát triển, mở rộng thị trấn Cần Thạnh về phía tây, tổ chức thành đô thị sinh thái đa dạng, hấp dẫn, khai thác hợp lý các giá trị sinh thái cảnh quan và mạng lưới giao thông thủy.

Hệ thống giao thông chính của huyện Nhà Bè trong tương lai sẽ gồm cao tốc Bến Lức, Long Thành, các tuyến giao thông đường thủy. Huyện cũng có mục tiêu đầu tư, xây dựng Cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ thành trung tâm trung chuyển quốc tế.

Những việc TPHCM cần làm để đưa các huyện lên thành phố sau năm 2030 - 7